1. Bản chất của bẫy tư duy
Bẫy tư duy là trạng thái tư duy theo thói quen. Nó khiến chúng ta mất đi sự thanh thản trong cuộc sống, lấy đi một lượng thời gian đáng kể, làm ta kiệt sức mà không mang lại bất kỳ giá trị nào.
Trong toàn bộ cuốn sách này, từ "giá trị" đề cập đến bất cứ điều gì được xem là đáng giá đối với chúng ta. Cuốn sách này không bàn luận về vấn đề đạo đức. Nó cũng không phải là một cuốn sách giải trí hay liên quan đến các vấn đề xã hội. Nếu ta cảm thấy hài lòng với việc xem tivi suốt ngày thì đó không bị coi là một hoạt động lãng phí thời gian. Đối với chúng ta, việc xem tivi cũng mang lại giá trị.
Có một sự thật là ta thường vắt kiệt sức mình vào việc theo đuổi những phiền toái không mang lại giá trị gì cho mình, bất kể chúng có thể gây ra vấn đề gì. Những phiền toái vô ích này chính là những chiếc bẫy tư duy. Bẫy tư duy không cho phép ta tận hưởng việc xem tivi như cách chúng ngăn ta làm một việc quan trọng. Chúng hoàn toàn gây lãng phí thời gian.
Bẫy tư duy được nhận dạng dựa vào nội dung ý nghĩ của chúng ta chứ không dựa vào hình thức của chúng. Bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống - công việc nhà, giải trí cuối tuần, nghề nghiệp, những mối quan hệ - đều có thể được cho là hữu ích hoặc không hữu ích. Ta sẽ rơi vào cùng một cái bẫy như nhau khi suy nghĩ về công việc đơn giản như rửa bát đến những vấn đề phức tạp hơn như dự định kết hôn hoặc ly dị. Điểm khác biệt không nằm ở chủ đề tư duy mà là ở phương pháp tư duy về chủ đề đó. Khi tự thoát ra khỏi một chiếc bẫy, ta phát hiện ra rằng những vấn đề trong mỗi khía cạnh cuộc sống đều không đáng lo ngại.
Chúng ta xây dựng những kiểu ý nghĩ vô ích theo từng biểu thời gian có thể nhận thức được. Một chiếc bẫy tư duy có thể trói buộc chúng ta chỉ trong một khoảnh nào đó khắc hoặc cũng có thể là suốt cuộc đời. Tác hại của cả hai loại bẫy này là như nhau. Do tính chất ngắn ngủi nên sự lãng phí thời gian và sinh lực mà những chiếc bẫy tạm thời gây ra rất khó nhận biết và điều chỉnh. Chúng đến và đi trước khi ta nhận thức được những hành vi của mình. Kết quả là chúng càng xuất hiện nhiều hơn. Một công dân thành thị của thế kỷ XXI có thể hoàn toàn thoát khỏi cái bẫy tư duy kéo dài hơn vài phút trong một khoảng thời gian nhất định hay không vẫn còn là một nghi ngờ. Tác hại tích lũy trong suốt một ngày từ những cái bẫy nhỏ này sẽ gây ra sự suy kiệt khó lường.
Quan niệm bẫy tư duy cơ bản đã được đúc kết lại từ vài nghìn năm trước:
Phàm sự gì có thì tiết, mọi việc dưới trời có kỳ định
Khi đi lệch hướng lời khuyên uyên thâm này - khởi đầu vào một thời điểm sai lệch, tiếp tục với những bước đi sai lệch, từ bỏ quá sớm hoặc quá muộn - chúng ta sẽ không đạt được những thứ đáng ra phải có.
Cũng không có một nỗ lực nào quy định nội dung những hoạt động của chúng ta. Mỗi sự việc đều có thời điểm nhất định. Cả việc thưởng thức những món ngon và đạt được thành công trong cuộc sống đều có thể là những hoạt động chính đáng. Tuy nhiên, nếu ta cố gắng phát triển sự nghiệp của mình khi đang ăn tối, quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ bị ảnh hưởng - cũng như ta sẽ không thể làm việc tốt trong khi cơ thể đang bài tiết muối và nạp năng lượng với món súp. Ở đây không có giá trị nào được chú trọng đúng mức. Chúng ta lẽ ra đã có thể tận dụng tốt hơn nữa thời gian và các nguồn lực của mình.
Khi thực hiện công việc tốt nhất vào thời điểm thích hợp nhất bằng phương pháp tối ưu nhất, chúng ta thường mắc những sai lầm lặp đi lặp lại và tương tự nhau. Đây chính là những cái bẫy tư duy.
Nếu bẫy tư duy có hại thì tại sao ta lại rơi vào những chiếc bẫy đó? Sao ta không thoát khỏi chúng? Có ba lý do. Thứ nhất, ta thường không có ý thức về những gì mình đang nghĩ đến. Thứ hai, ngay cả khi ý thức được, chúng ta cũng không nhận ra được bản chất có hại của những suy nghĩ đó. Thứ ba, ngay cả khi nhận thức được tác hại, chúng ta cũng không thể thoát ra khỏi nó, bởi điều đó đã trở thành thói quen.
Nếu ý nghĩ vẫn tiếp tục khi ta đã mắc bẫy trong trạng thái không ý thức được, chúng ta cũng không thể thay đổi tình thế. Ta không thể ngưng làm một việc khi không ý thức được ngay từ đầu là mình đang làm việc gì. Cũng như nếu không biết rằng mình đã mặc quần áo, sẽ không có chuyện ta cởi chúng ra ngay cả khi rất nóng bức. Tương tự, khi không biết rằng mình đang suy nghĩ những điều vô ích, ta không thể dừng suy nghĩ về chúng.
Ý niệm không ý thức được những suy nghĩ của mình có thể khiến ta suy nghĩ rất ngược đời - ta đánh đồng giữa ý thức với tư duy. Thế nhưng, đây là hai quá trình không hề giống nhau chút nào. Chúng ta có thể nhận thức rõ vị của một loại trái cây lạ hay cảm giác cực khoái mà không suy nghĩ điều gì trong đầu. Ngược lại, ta cũng có thể đang chìm ngập trong một mớ ý nghĩ mà không hề để tâm đến một ý nghĩ cụ thể nào. Thử nghiệm tư duy dưới đây sẽ cho ta thấy tầm quan trọng của vấn đề này.
Khi tâm trí ta không bị xâm chiếm bởi một mối bận tâm hay niềm vui thú cụ thể nào, ý nghĩ sẽ lang lang một cách hời hợt từ chủ đề này sang chủ đề khác. Ta chỉ có thể kiểm soát cuộc thử nghiệm này khi đặt mình vào giữa trạng thái thơ thẩn đó. Đối với những người bị khó ngủ, thời gian họ nằm thao thức trên giường sẽ rất lâu. Càng sớm nắm bắt trạng thái thơ thẩn của mình, ta càng có thể bắt đầu tái cấu trúc chuỗi ý niệm cũ đã dẫn dắt chúng ta. Nếu đang nghĩ về vẻ đẹp của Paris, có thể ta sẽ hồi tưởng lại ý nghĩ đã có trước đó về một người bạn mới từ thành phố này trở về. Ý nghĩ về sự trở về của người bạn đó có thể bắt nguồn từ ký ức rằng anh này đang nợ tiền ta, mà ký ức này lại có nguồn gốc từ những khó khăn tài chính của ta - những khó khăn phát sinh khi ta muốn mua một chiếc xe mới.
Trong thử nghiệm này, không cần thiết phải quyết định trước thời gian tái dựng ý nghĩ trong vài phút tiếp theo. Chúng ta phải đợi đến khi nắm bắt được cái khoảnh khắc mà bản thân đang lang thang với những ý nghĩ. Khi đó, ta luôn bất ngờ về những ngóc ngách của luồng suy nghĩ. Nếu không có một sự tái dựng chủ động, ta sẽ chẳng bao giờ ngờ được rằng ý nghĩ về Paris lại có nguồn gốc từ ước muốn có một chiếc xe mới! Sự bất ngờ này đã chứng minh cho một quan điểm. Chúng ta sẽ không bất ngờ trừ khi không biết mình đã nghĩ gì. Suy nghĩ của chúng ta là vô thức. Rõ ràng, quá trình suy nghĩ không phụ thuộc nhiều vào sự tập trung liên tục của ta đối với nó mà phụ thuộc nhiều hơn vào sự theo dõi về vị trí của tay và chân chúng ta.
Bẫy tư duy thường duy trì trạng thái không ý thức theo cách này. Chúng ta tự rơi vào những cái bẫy đó mà không hề quyết định một cách có ý thức. Yêu cầu trước hết để thoát khỏi chúng là học tập nghệ thuật nhận biết. Cuốn sách này cung cấp những điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu đó. Nó là công cụ dẫn đường của một nhà tự nhiên học dẫn ta đến một trật tự xác định của quần thể tư duy, phác họa những đặc trưng nổi bậc của nhiều bộ phận khác nhau, đưa ra những ví dụ minh họa phong phú. Nó là cuốn cẩm nang để nhận dạng những chiếc bẫy tư duy.
Bước đầu tiên là khám phá cách nhận biết và xác định những chiếc bẫy. Thế nhưng, hai việc này vẫn chưa thể loại bỏ chúng. Ta còn cần phải nhận thấy tính vô ích và có hại của chúng. Thực tế, bẫy tư duy thường bị nhầm lẫn với những hoạt động hoàn toàn cần thiết mà nếu không có chúng, cuộc sống sẽ trở nên thật hỗn độn và nguy hiểm. Một số bẫy thậm chí còn được tôn vinh bằng những mỹ từ rất hay ho. Ta sẽ không loại bỏ chúng cho đến khi hoàn toàn tin chắc là chúng không mang lại giá trị gì.
Mọi cuốn sách hướng dẫn dành cho nhà tự nhiên học đều chứa loại thông tin thiết thực này. Chúng ta khám phá cách nhận biết nấm amanit để làm gì nếu không biết rằng nó là nấm độc? Bên cạnh những phương tiện đa dạng nhằm nhận biết bẫy tư duy, cuốn cẩm nang này cũng sẽ đề cập đến các phân tích về tác hại của chúng.
Sau khi biết cách nhận diện những chiếc bẫy và tin chắc rằng việc thoát khỏi nó là có lợi, ta bỏ được một thói quen xấu. Khi đó, ta giống như một người nghiện thuốc lá chấp nhận những phát hiện được nêu ra trong bản phân tích của bác sĩ. Bất cứ người nghiện thuốc lá nào cũng biết rằng đây là lúc bắt đầu cuộc chiến. Cũng như cuộc chiến với thuốc lá, trong cuộc chiến chống lại những chiếc bẫy tư duy, sự quyết tâm sẽ được thiết lập, bị phá vỡ và rồi lại được thiết lập. Có người thành công trong việc chiến thắng thói quen, nhưng cũng có người sẽ thất bại, và chắc chắn cũng có người được tạo động cơ để giảm hút thuốc. Chương cuối cùng của cuốn sách này sẽ mang đến những lời khuyên chiến lược về việc làm thế nào để kiểm soát cuộc chiến chống lại bẫy tư duy.
Các nhà khoa học tự nhiên phải vào rừng để tìm kiếm đối tượng nghiên cứu của mình. Những người tìm kiếm bẫy tư duy sẽ tìm thấy cái họ cần tìm giữa cuộc sống thường nhật. Bẫy tư duy tồn tại trong hầu hết các sự kiện thông thường - trong hoạt động mua sắm, tài chính, các cuộc gặp mặt, đánh răng, trò chuyện với một người bạn - những sự kiện mà chúng ta có thể dùng để nghiên cứu về những chiếc bẫy tư duy nhiều nhất. Khi có khả năng chiến thắng khá cao, chúng ta trở nên quá chú tâm vào kế quả đạt được và lơ là việc tiếp tục kiểm soát bản thân. Nhưng khi hoạt động đó diễn ra gần như thường xuyên, ta cảm thấy khó khăn khi phải kiểm tra lại những gì mình đã làm cũng như tìm ra động lực để thử một phương pháp mới.
Khi khám phá bản thân theo cách này, ta thu được một lợi ích bất ngờ từ sự gia tăng nhận thức về bản thân. Cuộc sống bình thường lập tức trở nên phi thường và hấp dẫn. Một cuộc điện thoại giữa giờ làm việc không còn là nỗi bực dọc mà sẽ là cơ hội để ta quan sát những tác động của sự gián đoạn. Đi xem phim muộn cho ta cơ hội để thẩm định bản chất của những cuộc hẹn không quan trọng. Làm việc dưới áp lực là cơ hội vô tận để tự khám phá bản thân. Việc rửa bát là điều kiện quan sát những sức mạnh tâm lý đa dạng - những sức mạnh dùng để đấu tranh với những vấn đề đáng ngại trong cuộc sống. Bởi không xem các vấn đề này là những rắc rối phiền não nên chúng ta sẽ không thể biết được gì về bản thân. Vì thế ta bắt đầu đón nhận vấn đề như một kẻ đồng minh, đồng thời bị cuốn hút bởi phản ứng của bản thân trước chúng. Và cuộc sống thường ngày bị biến đổi thành cuộc phiêu lưu vô tận. Cuộc phiêu lưu đó là gì nếu không phải là một thái độ trước vấn đề?
Đã đến lúc bắt đầu khám phá vẻ đẹp nội tại. Chúng ta không cần quá háo hức thay đổi mọi thứ xung quanh. Sự can thiệp mạnh mẽ có thể trì hoãn đến khi ta hiểu được sự cân bằng sinh thái của môi trường còn rất lạ lẫm này. Trong khi chờ đợi, hãy tận hưởng mỹ cảnh đó. Ngay cả nấm amanit cũng có vẻ đẹp của nó cơ mà.
2. Cố chấp
Chiếc bẫy đầu tiên - sự cố chấp - là vẫn tiếp tục tiến hành những công việc đã không còn giữ được giá trị của chúng. Những công việc đó đã từng có ý nghĩa đối với chúng ta - hoặc ta chưa bao giờ bắt đầu thực hiện chúng. Tuy nhiên, chúng đã kịp biến mất trước khi ta đi đến tận cùng. Sở dĩ ta còn có thể tiếp tục là do không nhận biết sự thay đổi hoặc hoàn toàn không chịu thay đổi. Chúng ta bắt đầu trò chơi Cờ Tỉ Phú trên máy tính bằng sự hăng hái và - chắc chắn là - sẽ cảm thấy chán nản trước khi đi đến tận cùng. Nhưng thay vì từ bỏ, chúng ta lại cố sức "khiến nó kết thúc". Đây quả là một minh họa rõ ràng nhất cho việc lãng phí thời gian. Ai đó bảo ta hãy nhớ lại tên của một diễn viên phụ trong một bộ phim B nào đó từ thập niên 40. Tuy cái tên đang nằm trên đầu lưỡi, nhưng ta hoàn toàn không thể nhớ được. Tuy người muốn biết cái tên ấy đã không còn ở đó nhưng vấn đề vẫn không chịu biến mất cùng với anh ta. Nó hành hạ ta cả ngày. Mục đích ban đầu của chúng ta là trả lời câu hỏi của ai đó. Thế nhưng, hiện tại, khi người hỏi không còn ở đó thì nó không phải là mục đích của ta nữa. Vậy mà thậm chí đến khi người hỏi có chết đi, gánh nặng mà ta đang mang này cũng sẽ không nhẹ bớt đi.Ta bắt đầu xem các chương trình tivi và sớm nhận ra rằng nó chẳng đáng xem chút nào. Nhưng ta vẫn xem "cho tới cùng" trong khi không ngừng chê bai sao mà nó lại tệ đến thế. Chúng ta bắt đầu hát bài "Một ông sao sáng, hai ông sáng sao" một cách ngốc nghếch. Khi lướt qua "ông sao" thứ tám-mươi-lăm trong số 100 ông sao trong bài hát, chúng ta đã thấy chán. Nhưng ta không từ bỏ. Thay vào đó, ta hát càng nhanh hơn nữa để có thể kết thúc sớm hơn. Trong một bài luận chính trị, ta đưa ra một phản luận dứt khoát nhưng dài dòng trước quan điểm của đối thủ. Qua một nửa bài luận, đối thủ cho biết rằng anh ta đã bị thuyết phục. Chúng ta không cần phải nói gì thêm. Tuy nhiên, ta vẫn tiếp tục cuộc tranh cãi nhạt nhẽo để đi đến một kết luận không cần thiết. Chúng ta không thể thuyết phục người khác một cách tuyệt đối với kiểu hành vi hoàn toàn lập dị như thế này. Điều khiến cho các hoạt động này trở thành những chiếc bẫy tư duy là vì chúng tiến triển mà không dính dáng gì đến nhu cầu và lợi ích của chúng ta. Nó thường không mang lại cho chúng ta ước muốn tiếp tục thực hiện đến cùng. Trái lại, trò chơi Cờ Tỉ Phú quá dài; việc đấu tranh để nhớ lại những thông tin không có giá trị; chương trình tivi dở tệ mang đến cảm giác khó chịu. Ta thiếu sự kiên nhẫn để hoàn thành chúng, đồng thời cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng chúng cũng đi đến kết thúc. Nếu có một viên thuốc giúp ta quên đi việc ai đó đã hỏi ta về tên của một diễn viên trong bộ phim B, chúng ta sẽ sung sướng uống nó ngay. Những người theo chủ nghĩa khoái lạc - cho rằng chúng ta luôn hành động để tối đa hóa sự hài lòng của mình - sẽ khó giải thích những hiện tượng như thế này. Tất nhiên, chúng ta có thể kiên trì vì những giá trị khác thay vì sự hài lòng. Ta có thể giúp một đứa trẻ kết thúc trò chơi Cờ Tỉ Phú chán ngắt. Ta có thể xem những chương trình tivi dở tệ cho đến hết vì phải viết một bài phê bình về chương trình này. Ta có thể hát theo ý mình đến hết bài hát chán ngắt như một bài tập cho sự kiên nhẫn. Sự kiên nhẫn tẻ nhạt không phải lúc nào cũng là chiếc bẫy cố chấp. Nhưng hầu hết những khán giả của các chương trình tivi dở tệ đều không hề phải viết bài phê bình nào, cũng như hầu hết ca sĩ hát bài hát "Ông sao" đều không tham gia bài tập tư duy. Họ không đạt được điều gì, cũng như không tận hưởng nó.
Điều đáng ngạc nhiên là chính nền văn hóa đã dạy chúng ta nhìn nhận sự cố chấp như một đức tính tốt. Ta cảm thấy hãnh diện khi theo đuổi một con đường nhất định, không gì có thể ngăn cản ta theo đuổi nó đến cùng. Ta dạy con mình rằng đó là dấu hiệu của sự yếu đuối, là xấu xa khi bỏ dở nửa chừng bất kỳ việc gì. Không thể chối cãi được rằng khả năng kiên trì trong nghịch cảnh rất có ích cho chúng ta. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn khác khi bảo rằng nên luôn sử dụng và sử dụng một cách không chọn lọc khả năng đó. Có một sự tương phản đáng kể giữa cố chấp và kiên định. Ta kiên định khi không hề dao động trước trở ngại trong lúc đang theo đuổi mục đích của mình. Nhưng sẽ vô cùng cố chấp khi ta cứ tiến hành mọi việc theo hướng mà ta biết chắc sẽ dẫn đến một kết cục bế tắc.
Nhu cầu tư duy của việc phải hoàn tất mọi hoạt động còn dang dở đã ăn sâu vào ta. Ta nhận thấy thật khó từ bỏ ngay cả khi công việc còn dang dở kia cho thấy sự nhạt nhẽo của nó. Chính vì đã bắt đầu công việc đó nên chúng ta buộc phải theo đuổi nó đến cùng, bất kể lý do ban đầu còn hợp lý nữa hay không. Chúng ta hành động như thể bị trói buộc bởi một lời hứa - lời hứa không với ai khác mà là với chính bản thân.
Ta bắt đầu xem một chương trình tivi chỉ với mục đích giải trí. Thế nhưng, một động cơ thứ hai ngay lập tức sẽ xen vào: nhu cầu phải hoàn tất những việc đã bắt đầu. Chúng ta sẽ không nhận thấy nhu cầu đó nếu vẫn còn được tiêu khiển. Nó là một lực đẩy trên con đường mà ta đang đi. Nhưng ta sẽ nhận thấy tác động của nó ngay khi không còn hứng thú với chương trình tivi đó. Do việc xem tivi chỉ có mục đích giải trí nên ta sẽ từ bỏ ngay lập tức. Thế nhưng động cơ thứ hai - phải hoàn tất những việc còn dang dở, chỉ vì chúng đã được thực hiện - lại khiến chúng ta trở nên cố chấp.
Theo định luật chuyển động của Newton, một vật đang chuyển động sẽ tiếp tục chuyển động thẳng đều mãi mãi nếu không bị buộc phải thay đổi trạng thái đó bởi ngoại lực tác động lên vật. Có vẻ như chúng ta cũng tuân theo định luật quán tính tư duy. Khi đã bắt đầu một hoạt động, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục vận hành theo cùng một hướng tâm lý cho đến khi kết thúc. Cũng giống như quán tính vật lý, xung lực có thể bị tác động bởi các chiều hướng bên ngoài. Không phải trò chơi Cờ Tỉ Phú nào cũng đều được chơi đến cùng. Một cơn động đất, một trận lụt bất ngờ hay một cảm giác buồn đi vệ sinh đều có thể kết thúc tất cả ngoại trừ những trường hợp ngoan cố do cố chấp. Ngay cả sự tẻ nhạt cũng đủ khiến chúng ta từ bỏ. Nhưng khi đã ở trong trạng thái cố chấp, sự tẻ nhạt cần phải tẻ nhạt hơn một chút, sự cấp thiết cần phải khẩn cấp hơn và cảm giác buồn đi vệ sinh phải bức bách hơn thì chúng ta mới có thể từ bỏ công việc vô ích đang làm. Quán tính khiến ta cứ tiếp tục với công việc vô ích đó bất kể tình trạng tẻ nhạt, cấp thiết hay bức bách của một công việc cần thực hiện khác. Kết quả là quyết định từ bỏ của chúng ta thường đến quá muộn.
Phải mất một lúc ta mới có thể quyết định từ bỏ công việc hiện tại để bắt đầu một hoạt động quan trọng nào đó. Tuy nhiên, một khi đã khởi động, ta không thể dễ dàng hủy bỏ những kế hoạch của mình bằng một hành vi nhất thời của ý chí. Chúng ta đã không tìm thấy nút "Dừng".
Đôi khi, ta cố điều chỉnh sự cố chấp bằng cách nói rằng ta không muốn sự đầu tư thời gian và sức lực của mình thành ra vô ích. Nếu ta thoát khỏi trò chơi vào lúc này thì những nỗ lực từ trước tới giờ chẳng còn ý nghĩa gì cả. Cách tư duy này giải thích tại sao chúng ta càng khó thể chấm dứt tình trạng cố chấp. Nếu chỉ mới hoàn tất một vài bước trong một trò chơi không lấy gì làm hấp dẫn thì sự đầu tư của ta chưa đáng kể và nó sẽ có thể bị dứt bỏ một cách không mấy hối tiếc. Nhưng nếu ta đã mất vài giờ chơi thật sự quyết liệt và đầy thử thách thì việc không tiếp tục chơi thêm nữa hoặc kết thúc trò chơi dường như là một điều rất đáng tiếc. Quá nhiều nỗ lực của chúng ta đã bị lãng phí!
Tất nhiên đây là một lý lẽ sai lầm. Chúng ta đã lãng phí nhiều giờ liền trong trạng thái không được thoải mái. Khi ta kết thúc trò chơi, luợng thời gian này không được bù đắp. Đã đến lúc chúng ta tránh đi những thiệt hại và trốn chạy khỏi nó. Nghịch lý thay, bản năng bảo tồn của chúng ta lúc này chỉ làm lãng phí thêm.
Nếu không tự nguyện vứt bỏ những thứ không đáng, chúng ta thậm chí có thể phải theo đuổi những hoạt động không mang lại giá trị gì ngay từ khi mới bắt đầu. Ta có thể mua những món hàng mà mình không dùng đến bởi không thể bỏ qua cơ hội mua hàng giảm giá, hoặc có thể ăn ngay cả khi không đói bởi không muốn vứt thức ăn đi, hay nhặt những thứ phế liệu người khác vứt đi về nhà mình để dành. Loại bẫy này có họ hàng rất gần với bẫy cố chấp. Với loại bẫy này, chúng ta không nhận được giá trị nào trước đó cả. Những việc ta làm không mang lại giá trị gì ngay từ lúc bắt đầu. Ta có thể xem chúng như một trường hợp có thời hạn của bẫy tư duy. Đối với loại bẫy cố chấp tạm thời này, ta nên thoát ra ngay từ khi mới bắt đầu.
Những trò chơi tẻ nhạt, những chương trình tivi dở tệ và các mặt hàng giảm giá không dùng được lại có đặc tính tự nó sẽ có lúc đi đến kết thúc. Tuy nhiên không phải tất cả các hoạt động đều tự chấm dứt. Một công việc, một cuộc hôn nhân hoặc một thói quen có thể là mãi mãi. Khi một thực thể bất định mất đi giá trị của nó, chúng ta có thể bị chìm vào trạng thái cố chấp vĩnh viễn. Thời gian cứ trôi qua và chúng ta vẫn không thoát ra khỏi chúng. Chúng ta đang trong một trò chơi Cờ Tỉ Phú không bao giờ kết thúc.
Ta có thể cố chấp mãi với những mối quan hệ không thể cứu vãn, với một công việc không thỏa đáng và không có tương lai, với những sở thích không còn mang lại vui thú, với những thông lệ thường nhật chỉ đem đến gánh nặng và làm giới hạn cuộc sống của chúng ta. Ta thường tiếp tục duy trì một quá trình không mang lại kết quả gì với lý do đơn giản là vì không nghĩ đến việc tái đánh giá những mục tiêu của bản thân. Chúng ta đã sống như thế quá lâu - với con người này, làm công việc này, ở căn nhà này bên cạnh những người láng giềng này, mặc kiểu áo này, theo chế độ ăn kiêng này và thực hành những công việc vệ sinh theo trình tự riêng như thế này - đến nỗi không thể khác được. Sự tồn tại đều đều, tẻ nhạt bị áp đặt trong một tình trạng tuyệt đối không thay đổi, giống như hình dáng của cái đầu trên cổ chúng ta. Có thể ta không thích, song nó vẫn cứ tồn tại. Nếu ta ngừng tự hỏi bản thân rằng có nên tiếp tục tình trạng hiện tại hay không, câu trả lời có thể sẽ rất rõ ràng. Nhiều khả năng việc thực hiện công việc này trong 8 giờ một ngày, 5 ngày một tuần, 50 tuần một năm cho đến khi ta chết. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng luôn tự hỏi mình. Ta kêu ca, song lại bất đắc dĩ phải giữ nguyên trạng. Vì vậy ta cố chấp dưới hình thức duy trì nó. Do khả năng từ bỏ không tự nó nảy sinh nên khả năng thay thế sẽ là "làm cho xong", cũng giống như một trò chơi Cờ Tỉ Phú tẻ nhạt vậy. Thật không may, trò chơi chán ngắt này lại là thứ tạo nên cuộc sống của chúng ta.
Sở dĩ ta từ bỏ một tình trạng tồi tệ một cách miễn cưỡng có thể vì cho rằng lựa chọn thay thế thậm chí còn tồi tệ hơn. Chúng ta có thể đói nếu rời bỏ công việc hiện tại. Nhìn nhận của ta về sự việc có thể đúng, có thể không đúng. Đối với cả hai trường hợp, việc ta vẫn tiếp tục vì lý do này không phải là một cái bẫy tư duy. Đó là chọn lựa tốt nhất ta có thể đưa ra dựa vào việc thông hiểu tình huống. Tuy nhiên cần phải chú ý rằng ta không dùng lý lẽ này để giải thích cho sức mạnh của quán tính. Đôi lúc chúng ta không thể thay đổi, bất chấp mọi dấu hiệu đang cố thuyết phục ta nên thay đổi. Ta cảm thấy bị buộc phải tiếp tục tình trạng cũ như khi bị buộc phải hoàn thành trò chơi Cờ Tỉ Phú. Chừng nào còn duy trì tình trạng tiến thoái lưỡng nan, chừng đó ta còn hy vọng phá vỡ sự bế tắc. Tuy nhiên, một khi một tình huống đã được hợp lý hóa, được xem là chọn lựa tốt nhất, thì chẳng còn gì phải bàn nữa.
Trường hợp rơi vào trạng thái vĩnh viễn của hình thái cố chấp phủ định rất dễ xảy ra. Trong trạng thái này, ta cố chấp không chịu làm một việc đáng phải làm. Ta không bao giờ chịu mở lòng mình với một mối quan hệ thân thiết bởi ta đã từng làm thế trước đây và nhận lấy những kết quả thảm hại. Ta không bao giờ ăn quả ôliu vì hai mươi năm trước ta đã nếm thử và đã phun hết ra ngoài. Ta không bao giờ thảo luận những vấn đề liên quan đến toán học bởi ngày còn đi học, ta học toán vô cùng tệ.
Một công việc không được thực hiện có nghĩa là nó sẽ chẳng có kết thúc. Ta không bao giờ chấm dứt được việc tránh ăn quả ô-liu. Thói quen không hoàn thành công việc sẽ dẫn đến khả năng xảy ra tình trạng cố chấp vĩnh viễn. Thật ra, thói quen đó đặc biệt có khả năng trở thành cố chấp. Chúng ta tương đối dễ nhận ra thời điểm nên ngừng làm một việc gì đó, chẳng hạn như việc chỉ ăn một loại ngũ cốc có mùi vị nhạt nhẽo vào mỗi sáng. Ta chỉ cần xem lại những kinh nghiệm của mình trước đây. Nhưng làm thế nào ta có thể khám phá ra thời điểm để ngưng làm một việc gì đó, như việc tránh ăn ô-liu chẳng hạn? Rất có thể ta sẽ thích nếu chịu ăn thử ngay bây giờ. Thế nhưng chừng nào còn cố chấp một cách tiêu cực, chừng đó kinh nghiệm sẽ không mách bảo ta làm thế.
Sự cố chấp tiêu cực là một dạng cấu trúc tư duy cơ bản của sự sợ hãi. Do đã từng có kinh nghiệm đau thương khi bị nhét vào trong một đám đông đầy nghẹt người là người, khi phải lái xe trên những con đường dẫn lên núi hay khi đứng phát biểu trước công chúng nên về sau ta sẽ tránh không bao giờ lặp lại nỗi đau đó nữa. Kinh nghiệm ban đầu có thể bị ảnh hưởng bởi một số tác nhân đặc biệt. Với một đám đông khác, những con đường khác, khán giả khác hay thậm chí cũng với những đối tượng đó nhưng lại ở trong một thời điểm khác có thể sẽ không làm ảnh hưởng gì đến chúng ta. Nhưng do cố tránh né chúng nên ta không có điều kiện để khám phá ra điều này. Tất nhiên, vấn đề còn tệ hại hơn bởi trên thực tế, nỗi sợ hãi của chúng ta có khuynh hướng được bản thân tiên đoán trước. Và đó lại là một chiếc bẫy khác.
Nếu cố tránh né một hoạt động, làm sao ta biết được rằng giá trị của nó đã thay đổi? Chỉ có một đáp án duy nhất là đừng từ bỏ bất kỳ điều gì có thể đến vào bất cứ lúc nào. Đây là một ý tưởng hay để ta có thể xem xét những gì chúng ta đã loại bỏ ra khỏi cuộc sống của mình với lý do là chúng quá vô vị, quá khổ nhọc hoặc quá khó khăn. Có thể những khẩu vị, động cơ, khả năng, sự may mắn và cả thế giới đã thay đổi mà chúng ta không hề biết. Rất có thể việc nhấm nháp ôliu hoặc mở lòng mình với một mối quan hệ thân thiết sẽ mang đến cho chúng ta một kết cục tốt đẹp.