XtGem Forum catalog
Quảng cáo LH: 0128.543.5547
Online: 1
Bây giờ: 2024-05-14 05:00
Chỉ với 500đ có cơ hội trúng iphone 4, Card (100k, 20k, 10k), hàng trăm game, nhạc chuông, hình ảnh miễn phí (ko tin đừng vào)
Chung Thủy Là Hạnh Phúc
Một buổi chiều thứ bảy Trường Bảo hộ đương ở trong cảnh nhộn nhịp. Tiếng giày, tiếng guốc qua sân rất là huyên náo. Trong những phòng khách nhà trường, cha mẹ học trò ngồi đợi lượt vào phòng ông phó đốc để xin phép cho con ra. Tiếng nói chuyện ồn ào, nào ông hỏi thăm về việc học của con, nào bà mắng con vì bị phải ở lại trong trường. Rồi từng bọn hoặc hai ba, hoặc bốn năm người cùng nhau ra cổng trường gọi xe tay, hay chờ xe điện về phố. Ðứng vơ vẫn bên hàng giậu giăng, một cô thiếu nữ vào trạc mười bảy mười tám, chít khăn ngang vận áo trắng số gấu, chân đi guốc ngơ ngác nhìn sân trường, như muốn vào, nhưng dùng dằng lo sợ. Nước da cô trắng xanh, quầng mắt đen sâu hoắm càng làm tăng vẻ rực rỡ long lanh của hia con ngươi sáng dịu. Trong cái mặt trái Xoan, má hơi hóp, môi khô khan, chỉ có hai con mắt là có vẻ hoạt động khác nào như hai ngôi sao lấp lánh sau làn mây mỏng. Thoáng trông cô, cũng biết cô có điều tư lự. Người canh cổng thấy cô thập thò ra dáng băn khoăn thì lên tiếng hỏi: - Chị kia muốn gì? Cô ấp úng: - Thưa thầy, tôi...tôi... Bác canh cổng lại quát: - Cái gì? - Thưa thầy...không ạ. - Không thì đi, chứ đừng đó nhìn gì? Hay lại chờ cậu nào đấy? Guốc với ghiếc! Cô thiếu nữ xấu hổ lui ra mấy bước rồi lại ngần ngừ dừng lại. Lúc bấy giờ, một cậu học trò độ chín, mười tuổi, đứng sau hàng giậu vẩy cô. Cô rón rén đến gần, mắt lấm lét nhìn người canh cổng. Qua kẽ giậu, cậu bé nói ra: - Cô giúp tôi việc này nhé, cô nhé? Thiếu nữ ngắm cậu bé quần áo lôi thôi, chân tay đầy mực thì đoán chắc rằng không phải con nhà giàu có, bỗng đem lòng thương người có lẽ cùng ở trong một cảnh với mình. Cô dịu dàng hỏi: - Em muốn chị giúp điều gì vậy? - Chị làm ơn xin phép cho tôi ra. Cô buồn rầu: - Nhưng chị xin phép sao được cho em ra? - Ðược, chị cứ nhận tôi là em. Cô thiếu nữ ngẫm nghĩ: - Vậy xin phép ở đâu, em? Cậu bé vui vẻ trỏ tay vào tòa nhà bên cạnh cổng: - Ở phòng giấy ông phó đốc kia kìa. Cô mỉm cười: - Nhưng ông phó đốc biết chị nói dối mất. - Không, mọi khi tôi vẫn nhờ người xin phép như thế đấy. - Nhưng chị để trở đại tang, thì nhận em là em thế nào được? Cô thấy cậu bé có ý buồn rầu thì ôn tồn an ủi: - Thôi em bằng lòng vậy. Nhưng sao mẹ em không đến xin phép cho em?. Cậu bé trả lời: - Mẹ tôi chết mất rồi. Còn cha tôi với dì tôi thì chả bao giờ đến xin phép cho tôi ra. Thiếu nữ nghe câu trả lời, động lòng thương. Cậu bé thất vọng, toan quay vào thì cô gọi lại nói: - Bây giờ chị lại nhờ em một việc này nhé: Em có biết anh Dương Huy không? - Không. Anh ấy học lớp nào? - Học năm thứ ba. - Cô muốn hỏi anh ấy à? Bảo bác canh cổng bác ấy tìm cho. - Anh Huy là em chị. Chị muốn xin phép cho anh ấy ra. - Vậy thì chị vào buồng ông phó đốc mà xin phép. Cậu bé nói xong, cắm cổ chạy vào trong sân trường. Cô thiếu nữ liền đánh bạo lại gần người canh cổng rồi nói se sẽ: Thưa thầy, tôi muốn xin phép cho em tôi ra. Bác canh cổng gắt: - Sao ban nãy hỏi lại báo không có việc gì? Vậy vào nhà ông phó đốc kia kìa. Mau lên! Sắp hết giờ rồi. Cô thiếu nữ mừng quýnh, hấp tấp chạy tới chỗ người canh cổng vừa trỏ. Trong phòng khách không còn ai. Cô nhìn trước nhìn sau sợ hãi, không dám lên tiếng, rồi vơ vẫn đứng ngắm những tranh vẽ treo trên tường. Cô giật mình quay đầu lại, vì vừa nghe có tiếng giày ở sau lưng. Một người thư ký hất hàm hỏi: - Ðến có việc gì? Cô cất giọng run run, sẽ đáp lại: - Bẩm thầy, tôi đến xin phép cho em Huy. - Cậu Huy học lớp nào? - Bẩm năm thứ ba. - Cô là ai? - Bẩm thầy tôi là, Dương thị Mai. Thầy thư ký mỉm cười: - Không, tôi không cần biết tên tuổi cô, tôi chỉ hỏi cô là bà con gì với cậu Huy mà đến xin phép cho cậu ấy? - Bẩm thầy, tôi là chị. - Vậy cô vào đây. Thầy thư kí đưa Mai vào buồng bên cạnh trỏ ghế bảo ngồi đợi. Ông phó đốc đương viết ở bàn giấy, nghe tiếng thì thào liền ngẩng đầu lên hỏi thầy thư ký. Mai đứng đăm đăm nhìn hai người nói chuyện nhỏ với nhau bằng tiếng Pháp, trong lòng chỉ ngay ngáy không xin được phép. Bỗng thấy thư ký gọi Mai lại bảo: - Quan phó đốc truyền đáng lẽ Dương Huy bị đuổi rồi vì chưa trả tiền ăn tháng giêng và tháng hai, tuy đã gửi hai lần giấy đòi, nhưng quan lớn thương Huy là học trò giỏi trong lớp nên còn dung thứ cho. Vậy thế nào từ nay cho đến cuối tháng cũng phải đem tiền đến trả. Mai ấp úng: - Bẩm quan lớn thương tình chúng con mồ côi cha mẹ. - Nhà nước đã miễn cho học phí còn kêu gì nữa! Vậy cô có đem tiền ăn nộp cho cậu Huy đấy không. - Bẩm quan lớn con xin khất đến cuối tháng. - Ấy, sai hẹn thì em cô thể nào cũng bị đuổi đấy nhé, hiểu chưa? - Xin vâng. - Thế bây giờ cô xin phép cho cậu Huy ra chứ? - Vâng. - Sao người thay mặt cha mẹ cậu Huy không đến? Mai lo sợ, run lập cập không nói ra lời. Ông phó đốc trông thấy, lấy làm thương hại, bảo thầy thư ký: - Thôi, cho phép người ta. Thầy thư ký liền quan lại bảo Mai: - Quan lớn cho phép đấy. Mai mừng chảy nước mắt, chấp tay vái dài, rồi theo thầy thư ký ra phòng khách. Thầy ra sân báo một anh thợ chạy giấy đi tìm Dương Huy. Mười phút sau, một cậu trẻ tuổi vào phòng, y phục và tướng mạo từa tựa giống Mai. Nhất là cặp mắt sáng quắc của hai người thực hệt như đúc, khiến ai mới thoạt trông cũng biết ngay hai người thiếu niên ấy là chị em ruột. Gặp chị, Huy mừng quýnh vội kêu: - Chị! Mai cũng chạy lại. - Em! Rồi hai người đứng sững như nghẹn lời, hai cặp mắt nhìn nhau, nhỏ lệ, Huy cười gượng bảo chị. - Xa xôi thế mà chị cũng về thăm em được. - Chị về... Mai chỉ ứa hai dòng nước mắt không nói nên lời. Huy an ủi chị: - Chị chả nên buồn, ở trên đời em có chị, chị có em, không đủ vui sao? Mai mỉm cười: - Không, chị có buồn đâu, chị gặp em, chị mừng quá, chị sung sướng quá. Chị về xin phép cho em ra chơi nhà bác... Mai nói luôn như để giấu sự cảm động, giấu sự ưu phiền: - Vậy em đi thay quần áo để ra phố với chị. - Chị đã... Huy không dám nói dứt câu. Nhưng Mai trả lời luôn, như đã đoán được tư tưởng của em: - Ðã, chị đã nộp tiền ăn cho em rồi. Huy có ý không tin: - Sao chị có tiền? Hay chị lại vay đằng bác Phán đấy? - Không mà. - Chị cứ giấu em mãi. Chị còn làm gì ra tiền. Còn như nhờ vào bác Phán thì em không muốn. Bác lương tháng có bảy tám chục mà các anh chị thì đông. Mình chả nên quấy quả. Vả ta lại phải biết lập thân chứ cứ nương tựa vào họ hàng thân thích thì em lấy làm xấuhổ lắm. - Nhưng chị có nhờ ai đâu? Mà nào có trông cậy vào ai được đâu mà hòng nhờ! Chị không nhớ ngày mẹ mất, bác Phán có giúp đỡ được đồng nào. Lại suốt một năm thầy ốm trước khi qua đời thì họ hàng đã cưu mang cho được một xu nhỏ. - Em kể lể lôi thôi lắm. - Không phải em lôi thôi, em chỉ cốt can chị đừng tưởng nhớ đến sự nhờ vả bác Phán làm gì. Em học được thế này cũng đã may mắn cho em lắm rồi, mà có lẽ em cũng đủ chữ đi kiếm tiền để nuôi chị, nuôi em. Chị em ta chỉ nên tự lập lấy thân là hơn. - Không được. Em nghĩ thế thì nhầm to, khi thầy lâm chung, thầy dối dăng những gì em còn nhớ không? Câu hỏi của chị như gợi sự đau đớn ở trong lòng Huy, như vẽ ra một bức tranh bi thảm. Hồi đó về cuối thu. Cụ Tú Lãm nằm ở giường bệnh người gầy xọp chỉ còn nắm xương da bọc. Nhất là bộ mặt hốc hác, mắt sâu hoắm, má lõm xuống chẳng khác gì một cái đầu lâu. Ðêm khuya, gió lạnh vù vù thổi lọt qua khe cửa bức màn. Ngọn đèn dầu hỏa chiếu ánh sáng rung rinh lờ mờ vào những đôi câu đối sơn đen, sơn đỏ treo ở cột, ở tường. Sau bức màn che trắng, bài vị bà Tú đặt trên cái ngai sơn son thiếp vàng. Trên bàn thợ bộ thất sự bằng đồng trông ẩn lộ như trong tấm hình chụp không được rõ. Cạnh chiếc hỏa lò than xoan đỏ ối, lách tách nổ liên thanh. Mai quì bên giường, hai tay nắm bàn tay khô khan của cha già, như cố giữ người ốm lại không cho rời sang thế giới bên kia. Còn Huy thì ngồi ở cái ghế gỗ bưng mặt khóc, thỉnh thoảng lại gọi: Chị ơi, thầy có việc gì không, chị? Mai cũng nức nở khóc không trả lời. Cụ Tú hơi thở chỉ còn thoi thóp, dùng hết sức thừa nắm chặt lấy tay con gái. Mai biết rằng cụ muốn dặn một lời cuối cùng, liền ghé lại gần hỏi: - Thưa cha, cha dạy con điều gì? Huy cũng làm theo chị, đứng dậy cúi đầu gần sát mặt người sắp từ trần, để nhận lấy những lời giáo huấn tối hậu. Cụ Tú sẽ động môi thì thầm: - Lẽ tất nhiên, ai cũng phải chết. Các con không nên buồn. Lúc nào cũng phải vui thì mới đủ can đảm, đủ nghị lực mà sống ở đời. Hai con nên theo gương cha. Cha vui đến giờ cuối cùng. Cha hy vọng thế nào các con cũng làm vẻ vang cha, cho linh hồn cha ở nơi chín suối. Cha hy vọng thế nào em Huy cũng được thành tài và trở nên một người hữu dụng cho xã hội. Cha mất đi còn của cải gì để lại cho hai con. Cha chỉ có ba thứ gia bảo này ông cha để lại cho cha, nay cha truyền lại cho hai con mà thôi. Là giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch, và đem hết nghị lực ra làm việc. Sức cụ Tú chỉ còn được đến thế. Nói dứt mấy câu tâm phúc, cụ thiêm thiếp dần dần. Bên ngoài, gió vẫn thổi vù vù, hạt mưa lốp đốp trên mái ngói. Văng vẳng ở xóm xa tiếng chó sủa đêm... Trong khoảng mấy giây đồng hồ cái mẩu đời dĩ vãng chạy qua trí nhớ Huy như bức tranh in loáng trên tấm kính ảnh. Cậu đứng ngẫm nghĩ. Tiếng chị nhắc lại câu hỏi khiến cậu giật mình ngơ ngác. - Em còn nhớ không? Huy se sẽ trả lời: - Em nhớ... Em nhớ lắm. Em nhớ nên em qủa quyết đem hết nghị lực ra làm việc. - Nghĩa là bây giờ em phải học đã. Huy thở dài: - Học? Nhưng tiền? Mai gượng cười nói cứng cáp: - Tiền, đã có chị, em đừng lo. Mai buột mồm nói ra câu đó, rồi chính Mai lại lấy làm lo. Huy như hiểu thấy được ý tưởng của chị, mỉm cười bảo Mai: - Chị làm như chị có tài quỉ thuật hóa phép ra tiền được. Ðồn mấy năm thấy bán buôn thua lỗ, lại còn tiền thang, vườn ruộng khánh kiệt, của cải khánh kiệt chị giấu sao được em? - Hết vườn ruộng thì ta bán nhà để kiếm ít vốn buôn. Làm gì lại không đủ tiền cho em ăn học. Em cứ yên tâm. Huy vội gạt: - Không được chị ạ. Chị cứ để em thôi học ra xin việc làm ở các nhà buôn còn hơn. Em không muốn vì em mà chị phải ngược xuôi vất vả. Mai cười: - Thế thì em nhầm: chị chỉ muốn vì em đem hết nghị lực ra làm việc như lời thầy dạy đấy thôi. Lúc bấy giờ có tiếng kẹt cửa. Thầy thư ký ở buồng ông phó đốc bước vào. Hai chị em cùng quay lại, thầy thư ký cất giọng gắt: - Chưa về còn đứng đó làm gì thế? Hai chị em ra đến cổng trường. Huy ngần ngừ bảo chị: - Hay chị để em ở trong trường thôi. Mai buồn rầu nhìn em nói: - Mấy chị khi về thăm em được. Em chịu khó một tý. Huy có dáng nghĩ ngợi: - Vâng thì em ra. Lâu nay em không gặp chị, em nhớ lắm. Em chỉ ước ao được cùng chị nói chuyện thực lâu để ôn lại cái thời còn nhỏ của chúng ta khi xưa, khi còn thầy còn mẹ... Mai nhìn, cặp mi hơi cau, như muốn bảo em đừng nhắc tới câu chuyện buồn làm gì. Huy nói luôn: - Nhưng em chỉ sợ... Thấy Huy ngần ngại không nói dứt câu. Mai tươi cười hỏi: - Em có điều gì? - Trông các anh chị ấy, em ngượng lắm. - Việc gì mà em ngượng. Bác Phán đối với thầy tuy là một người anh họ, nhưng chị coi cách cư xử đối với chị em ta cũng cần lắm, chỉ vì chả được giàu có gì, nên bác không giúp đỡ được chị em ta trong khi túng bần đó thôi. Hai chị em đi bên cạnh nhau trên con đường Quan Thánh, nét mặt rầu rầu. Nước da trắng xanh phản chiếu màu lá xanh của rặng sấu bên đường lại càng xanh, lại càng lộ vẻ gầy yếu của đôi khổ mặt xương. Huy nhìn chị, có ý lo ngại: - Chị độ này gầy lắm. Mai cười: - Thì em cũng chẳng béo với ai! Chị tuy gầy nhưng chị còn hơn em. Ai lại con giai mà mới đi một quãng đường đã thở hồng hộc. Huy có lẽ cốt để chị khỏi buồn nên tươi cười nói: - Không chị ạ, em vẫn khỏe đấy, chỉ vì sáng nay em uống thuốc tẩy nên hơi mệt đó thôi. Ðến mai, em lại mạnh như thường. Mai sợ hãi, vội hỏi: - Giời ơi! Sao em phải tẩy thế? Có việc gì không? - Khổ? Hơi một tý thì chị sợ cuống lên. Người ta tẩy là thường chứ. Rồi nói lảng sang chuyện khác, Huy trỏ hồ Tây bảo chị. - Chị trông cảnh hồ Tây lúc mặt trời lặn có đẹp không kia. Mai sực nghĩ ra câu chuyện được nghe từ ngày còn nhỏ, nhìn hồ hỏi em: - Có phải hồ này ăn sang bên Tàu không em? Huy cười: - Ngày xưa thì nó ăn sang bên Tàu thực đấy chị ạ, nhưng bây giờ có con đê Yên Phụ ngăn nó với sông Nhị Hà thì nó không ăn sang bên Tàu nữa. - Nào chị có biết đâu! Chị thấy người ta kể chuyện. Ðức Khổng Minh Không sang Tàu lấy đồng ở kho về đúc cái chuông khổng lồ. Khi đánh chuông, con hươu vàng nó tưởng mẹ nói gọi, nó chạy sang ta. Rồi đến đây khi trước làrừng, nó tìm kiếm mẹ nó không thấy, liền phá phách trũng xuống thành hồ. - Huy bản tính không ưa những sự huyền hoặc. Hễ nghe ai kể những câu chuyện hoang đường thì bao giờ cũng cười vang, cũng chế riễu. Thế mà lần này, nghe câu chuyện hưu vàng của chị, cậu không những không cười mà lại còn lắng tai, chú ý, và có vẻ cảm động lắm. Cậu lờ đờ đưa mắt nhìn quanh hồ một vòng như theo lối đi của con hươu mất mẹ, rồi khôi hài bảo Mai: - Vì nó không có chị. Mai không hiểu, ngơ ngác hỏi: - Em nói ai? - Em nói con hươu vàng của chị. Nếu nó còn chị ở trên đời thì chẳng phải chạy đến tận nơi chân trời để tìm mẹ nó có lẽ đã chết rồi. Câu nói của Huy khiến Mai sung sướng chảy nước mắt, đứng đâm đâm nhìn em cười mà không nói. Huy thấy Mai cười thì cũng cười, rồi bảo chị. - Ta đứng chờ xe điện, chị ạ. - Chúng ta đi bộ có hơn không em? Ðỡ được một hào mà lại khỏe người. Ban nãy từ nhà bác Phán lên trường, chị cũng đi bộ đấy. - Trời ơi! Chị đi bộ từ phố chợ Hôm lên trường. Sao chị biết đường? - Bác Phán bảo cứ theo đường xe điện mà đi. Huy nghe chị nói lấy làm thương, ngỡ rằng chị trong túi dễ không còn xu nào để đi xe. Cậu liền giả vờ kêu mệt không đi được nữa và nói với chị hãy dừng chân ngồi nghỉ ở tam quan đến Trấn Võ. Vẻ lo sợ lộ trên nét mặt Mai. Cô buồn rầu bảo em: - Có lẽ em phải uống thuốc bổ mới được. Huy hối hận rằng đã làm cho chị kinh hãi, liền cười sằn sặc rồi an ủi chị: - Em đùa đấy! Em không mệt mà cũng không sao cả. Chỉ vì em giàu lắm, nên muốn thết chị một cái vé xe điện đó thôi. - Em làm gì mà giàu thế? - Em chả làm gì cả, nhưng em vừa có đồng bạc. - Ai cho em đây? - Một người bạn nghèo hơn chị em mình. Mai có ý không bằng lòng: - Sao em lại thế? Ðến bác Phán em còn chả muốn nhờ, mà nay lại nhận tiền của một người bạn nghèo. - Vâng, chị mắng em rất phải. Nhưng hãy để em kể đầu đuôi câu chuyện cho chị nghe đã nào! Trong lớp em có một anh tên là Trọng. Anh nghèo nhưng không phải vì nghèo mà không ai thèm chơi với anh. Họ xa anh chỉ vì anh là con nhà hèn hạ. Cha mẹ anh làm nghề bán hàng rong. - Ðấy em coi, bán hàng rong mà cũng đủ tiền nuôi con đi học đấy! - Thưa chị, bán hàng rong thì tất nhiên là nuôi thân cũng chẳng xong...Người chị tốt lắm, thương Trọng, yêu quý Trọng như một người mẹ âu yếm con. Thứ năm chủ nhật nào cũng mang quà bánh vào thăm em. Mà thương hại! Lần nào vào thăm em cũng lần lút như kẻ cắp, không dám để ai biết, ấy chỉ vì người chị mà anh em bạn học không ai thèm chơi với Trọng. Mai cảm động: - Khốn nạn? Sao thế em? - Vì chị Diên, tên chị ấy là Diên, vì chị Diên làm... Huy ngập ngừng không nói được dứt câu, như không tìm được, hay không dám nói đến tên cái nghề mà Diên đương lăn lóc để kiếm tiền nuôi em ăn học, Mai đưa vạt áo lên lau nước mắt, trả lời em: - Thôi! Chị hiểu rồi. Chị chỉ biết cô Diên là một người đáng thương. - Mà thực tế, chị ạ, chị ấy tốt lắm, không những thương Trọng, mà còn đem lòng thương chung cả những người khốn khổ ở trên đời...Em vẫn ái ngại cho chị ấy là người thông minh, có nhan sắc mà sao lại bị sa vào cái cảnh bùn lầy như vậy. Lần nào chị ấy vào thăm Trọng. Trọng cũng rủ em đến cùng ngồi nói chuyện. Có lần chị Diên chẳng giấu giếm, kể cho em nghe hết những nỗi khổ sở của một đời giang hồ. Chị ấy kính mến em lắm, còn em thì đối với chị ấy bao giờ cũng chỉ có những lời an ủi. Mai có dáng nghĩ ngợi, lo lắng: - Thế năm nay cô Diên bao nhiêu tuổi? - Năm nay chị ấy đã ngoài ba mươi, nhưng trang điểm vào trông còn trẻ lắm. Thứ năm trước, chị ấy hớn hở vui cười, vào thăm Trọng, em nói đùa: "Hôm nay trông chị trẻ như con gái mười tám". Chị ấy cũng cười nói đùa lại: "Thế mà chị băm hai rồi đấy!" Chị Diên nói buông lời thì buồn rầu xin lỗi em ngay: "Chết chửa! Cậu tha thức cho tôi nhé. Lắm lúc tôi điên rồ cứ coi cậu như em Trọng". Em cười, đáp lại: "Thì chị là chị anh Trọng cũng như chị em chứ gì!" Câu trả lời của em khiến chị Diên rơm rớm nước mắt thở dài. Chắc chị ấy tưởng đến lòng khinh bỉ của bọn anh em bạn học của Trọng đối với chị em ấy hẳn. Rồi chị ấy mở ví đưa cho Trọng và em mỗi người một đồng bạc, nói để lấy tiền ăn quà. Em từ chối thế nào cũng không được. Lại thêm Trọng cứ nằn nì nói mãi, nên em nể lời phải nhận cho chị em chị ấy vui lòng. Vả xưa kia, em giúp Trọng như thế là thương. Mai ngồi nghe câu chuyện cảm động không nói. Buổi chiều mùa xuân hạt mưa lấm tấm, bao phủ hồ Tây bát ngát mênh mông. Con thuyền nan của khách chơi xuân rập rờn trên mặt nước. Cơn gió may thoảng đưa, mấy chiếc lá vàng rơi lác đác. Mai ngước mắt nhìn lên, búp xuân non mơn mởn đầy cành. Cái cảm tưởng về xuân dịu dàng êm ái, khiến Mai hé cặp môi tươi thắm, mỉm cười với xuân, trong lòng chứa cha hy vọng. Mấy tiếng "keng...keng" gọi khách của xe điện... Mai giật mình. Giấc mộng tan, mà hy vọng cũng tan... Hai chị em cùng lên xe về nhà. Về đến nhà ông Phán Hai thì gặp giữa lúc ông bà đương có khách. Chị em Huy ra chào, ông bà chỉ sẽ gật rồi lạnh lùng bảo vào nhà trong. Cái tính lãnh đạm của ông Phán, Huy cho là một tính tự nhiên, nên cũng không cho là bị hất hủi, cậu vui cười vái chào một lần nữa, rồi cùng chị vào nhà trong. Ngồi chung quanh một cái bàn vuông năm người, ba cô con gái suýt soát tuổi Mai và hai cậu con trai nhỏ vừa bắt đầu ăn cơm. Nhác thấy chị em Mai, cô Liên, cô lớn tuổi nhất đặt đũa xuống bàn, chào. - Kìa, cậu Huy đã ở trường ra. Chúng tôi chờ mãi! Huy tươi cười: - Mời các chị, các anh xơi cơm đi. Hai bác chưa xơi cơm à? - Hai bác còn chờ ăn cơm với khách. Liên đứng dậy gọi sen lấy thêm bát đũa, mời Mai và Huy cùng ngồi ăn. Hai chị em chỉ ăn cho xong bữa, chứ chẳng chuyện trò gì, vì hình như có một làn không khí lãnh đạm đương bao bọc lấy cái bàn, Mai ngắm ba chị em con ông Phán từ cử chỉ cho chí ngôn ngữ đối với mình không có chút thân mật, nên họ hỏi câu nào chị trả lời cho qua quýt mà thôi. Còn Huy thì bản tính vẫn vui đùa đấy, nhưng lần này trí nghĩ bận loay hoay đến vấn đề tiền ăn học nên cậu có vẻ tư lự phiền muộn. Ðêm hôm ấy ở nhà ngoài, chủ khách đánh đổ tôm. Ở nhà trong mọi người đều đã yên giấc, trừ chỉ Mai là còn thức. Hai chị em xa cách nhau lâu ngày, có biết bao chuyện kể cho nhau nghe, hết chuyện dĩ vãng, đến chuyện hiện tại sang chuyện tương lai. Luôn luôn những tính tình và cảm tưởng buồn, vui kế tiếp nhau xô đẩy nhau ở trong tâm trí hai người. Nhưng đối với cài tuổi thiếu niên chứa chan hy vọng, lại thêm có sức tưởng tượng rất dễ dàng, thì con đường tương lai chỉ là một con đường trong vườn hoa tươi thắm dưới ánh sáng trong trẻo trời xuân. Nên cái vui bao giờ cũng thắng nổi cái buồn. Có lúc hai chị em ngồi yên lặng cùng mỉm cười trong đêm tối. Cái hạnh phúc vẫn vơ, mơ màng hình như đương làm rung động hai tấm lòng son mà không ai có thể nói cho ai biết, không ai có thể tả cho ai hay, không ai dám cất tiếng, sợ cái hạnh phúc đương âm thầm trong tâm trí nó vụt bay đi mất, nó bay vụt vào cảnh mộng, như con chim vành khuyên thấy tiếng động bay ẩn vào trong bụi rậm um tùm. Vì chính lúc ấy Mai đương mơ mộng...Mai thấy em thi đậu...nổi tiếng giàu có sang trọng...Còn Mai? Nào Mai có kịp tưởng đến Mai...Mai chỉ có cái cảm giác lờ mờ rằng suốt đời Mai được ở bên cạnh em, săn sóc trông nom em như một người vú già... Mai nghĩ đến chữ?ot;già" thì Mai lại mỉm cười vơ vẫn. Không! Mai không già...Mai trẻ lắm... mới mười chín cái xuân xanh...Mai cũng biết Mai trẻ, Mai đẹp... chỉ ngẩm cái nét mặt khinh khỉnh của mấy chị em con bác Phán, Mai cũng đủ hiểu rằng Mai đẹp...Mai lại nhớ ở trên xe hỏa, có một công tử vận tây đã lưu ý đến Mai, làm Mai phải bẽn lẽn cúi mặt. - Chị! Tiếng Huy gọi khiến Mai tỉnh choàng giấc mộng. - Em bảo gì? - Chị cứ để em thôi học, đi kiếm việc... - Không được. Nhất định chị không để em bỏ học. Chị đã suy tính đâu ra đấy cả rồi, chị về bán nhà và đất ở, thế nào cũng được ít ra là bốn năm trăm. Rồi chị em thuê cái nhà nhỏ ở trong làng Bưởi, chị đã hỏi thăm rồi, chỉ độ ba đồng một tháng thôi. Em đi học còn chị, chị tìm cách buôn bán, hoặc bán rau, bán đậu, hoặc bán hoa quả. Như thế, không những đủ chi dụng mà lại có tiền để dành nữa kia. Huy tươi cười đáp lại: - Chị nghĩ thế, em lại nghĩ khác. Sang năm hết trở, thế nào bên cụ Chánh... Mai cười ngặt nghẽo khiến cô Liên thức giấc chép miệng thở dài, càu nhàu, rồi Mai thì thầm với Huy: - Em ơi, con ông Chánh đã lấy con ông Hàn làng Yên Ninh rồi. Chứ chị mồ côi, mồ cút lại nghèo nàn thế này thì ai thèm lấy. Huy có dáng bực tức: - Thế ra họ bội hôn, bội ước rồi đấy! - Em coi đó, giời cũng giúp cho giấc mộng của chị được thành sự thật nhé. Mai ngẫm nghĩ một lát, lại nói: - Chị cũng biết bán nhà đi thế là làm mất chỗ thờ phượng cha mẹ, nhưng sau này em làm nên, về chuộc lại, lo gì. Và dưới suối vàng, cha mẹ cũng hiểu thấu nỗi lòng cho chị em ta. Huy cho rằng những lẽ chị không được ổn thỏa, nhưng biết lòng chị đương đau đớn vì nhiều uất ức, nên thương hại không dám cãi lý nữa, chỉ yên tĩnh ngồi nghe, như đứa con ngoan ngoãn ngồi nghe lời mẹ dạy. Ðồng hồ trên tường dè dè buông hai tiếng. Huy giật mình buồn rầu nghĩ tới cái thời gian hiện tại, dịu dàng bảo chị: - Thôi, tùy chị tự ý định liệu. Chị làm thế nào cho chúng ta có thể không bước chân tới nhà bác Phán nữa là hơn hết. - Chị cũng tưởng thế. Nhưng bây giờ khuya rồi em đi nghỉ thôi. Huy liền từ biệt chị, ra ngủ ở nhà ngoài. Ân nhân Khi ra tới nhà ga Hà Nội. Mai ngước mắt nhìn lên cái đồng hồ to tướng, to bằng cái mặt nguyệt chùa làng Mai, thì hai cái kim đen nháy mới trỏ 12 giờ trưa. Mà mãi 1 giờ 50 mới có xe hỏa đi Phúc Yên. Trước khi từ biệt chị, Huy đã mở cuốn sổ tay có bảng giờ xe chạy ra xem và dặn chị kỹ càng. Nhưng vì Mai chẳng biết làm gì, nên cũng hỏi đường, thủng thẳng đi bộ ra ga cho có việc và khuây nỗi buồn bực. Mai buồn thực, buồn lắm, vì ban nãy, khi lên chào hai bác, xin phép tiễn em vào trường, rồi ra ga về quê, Mai đã được nghe hai bác nói nhiều câu làm khổ tâm cho Mai. Nào những: "Không có tiền thì học với hành gì? " Nào những "con gái nhớn thế kia, mà dám một mình dẫn thân đi Hà Nội". Rồi bà phàn nàn, bà Phán dỗ Mai ở đây với bà để làm bầu bạn cùng các chị cho vui. Rồi ông Phán khuyên Huy hãy tạm nghỉ học, ở đây dạy các anh để chờ kỳ thi trợ giáo, hoặc thừa phái... Huy tính nóng nảy trả lời ra giọng không bằng lòng: - Thưa hai bác, cứ để chúng cháu tự lập lấy thân. Bác Phán cười gằn: - Ừ, thì tự lập lấy thân. Còn Mai nghe lời hai bác, Mai chỉ đứng ngẫm nghĩ suy xét...Cô trông thấy rõ ràng con đườg mà ông Phán định tâm hay là không chú ý muốn đưa hai chị em cô đi qua. Theo tưởng tượng của cô, thì con đường ấy bao giờ cũng chỉ tới một cái đích chắc chắn: Suốt đời làm nô lệ. Cô đã thấy ở làng cô biết bao cháu gái vì nghèo mà trở nên đầy tớ nhà bác, nhà chú, nhà cô, nhà dì. Song cô chỉ mỉm cười, cố giữ nét mặt tươi tỉnh, ôn tồn đáp lại: - Chúng cháu vẫn biết hai bác thương chúng cháu lắm. Vậy chúng cháu xin phép hai bác về quê thu xếp công việc rồi chúng cháu xin tuân theo lời hai bác. Rồi cô nhách một nụ cười cúi chào cáo biệt. Cái nụ cười ấy vẫn còn ở cặp môi cô, khi cô đứng ở hiên ga hạng tư chờ giờ xe chạy. Những điều cô bàn định tối qua với em, những điều suy tính lại với em khi đi đường từ nhà lên trường sáng hôm nay, khiến cô chứa chan hy vọng...Cô mãi nghĩ đến công nọ, việc kia là xếp sẵn trong trí cái đời lý tưởng, đến nỗi không lưu ý đến cảnh rộn rịp của nhà ga trước giờ xe chạy. Bỗng Mai giật mình quay lại. Một người con gái bán bánh và trầu nước, đặt phịch cái thùng xuống thềm mời cô: - Cô xơi bánh giò nhé? Mai lắc đầu từ chối, cô nhớ đến số tiền trong túi tất cả cơ nghiệp còn hai đồng bạc. Ðó là món tiền ông Phán cho hai chị em cô buổi sáng, nhưng Huy nhất định không chịu nhận, nhường cả cho chị, lấy cớ rằng ở trong trường thì không cần gì đến tiền. Cô mỉm cười nói một mình: "Hai đồng bạc món này là tiền cuối cùng của họ hàng giúp ta". Có tiếng còi húyt! Mai ngơ ngác hỏi người bán bánh: - Chết! Tàu chạy rồi à, bác? - Phải, chạy rồi!...Cô đi đâu? - Tôi đi Thạch Lỗi. Người kia cười: - Ngỡ là gì! Thế thì còn sớm cháu. Ðấy là tàu Bắc đấy! Tàu Phúc Yên mãi một giờ năm mươi mới chạy, chạy sau cùng. Rồi vừa mở chiếc bánh giò vừa nằn nì: - Cô xơi cho em chiếc bánh giò nhé? Bánh còn nóng nguyên, ngon lắm cô ạ. Mai ôn tồn đáp: - Tôi cám ơn cô, tôi vừa ăn cơm. Bấy giờ phòng phát vé hạng tư càng tấp nập huyên náo. Người gồng gánh, kẻ bế bồng, kẻ dắt díu. Trong số hành khách Mai thấy có nhiều người sang trọng, trong lòng lấy làm lạ. Vì Mai vẫn yên trí rằng những bà vận áo nhung, áo mùi cùng là những âu phục rực rỡ như kia, thì không bao giờ đi lẫn vào người nghèo khó như mình. Cảm tưởng ấy không những không an ủi được Mai là đã được đứng ngang hàng với kẻ hơn mình trong khỏanh khắc, như nó có thể an ủi nhiều người trong hạng bình dân, mà trái lại. Mai ngẫm nghĩ, thở dài, vơ vẫn tưởng đến những cảnh gia đình sa sút. Là vì, liên tưởng xui nên, Mai ngắm cái cảnh rực rỡ với cái cảnh tồi tàn đứng gần nhau, thốt nhiên những ý nghĩ trái ngược, so sánh xô đẩy nhau, vào trong tâm trí Mai, bắt Mai không thể không nhớ tới những quãng đời đẹp tốt, sung sướng khi xưa. Tiếng dập vé tí tách khiến Mai chợt nghĩ tới xe chạy, vội vàng cầm đồng bạc vào lấy vé. Tuy thế mà vẫn còn sớm quá, Mai ra sân sau ga nhìn cái đồng hồ treo ở hiên thấy kim mới trỏ hơn một giờ. Còn những nửa giờ xe mới chạy. Song Mai cũng hỏi thăm xe Phúc Yên lên ngồi giữ chỗ. Chiếc toa Mai chọn ở liền ngay toa hạng ba. Vì Huy có dặn chị rằng càng những toa ở về phía sau, càng đỡ than khói. Mai tìm chỗ có mấy bà nhà quê ngồi nói chuyện cho vui. Cô biết rằng ngồi đối diện với các bà tính tình chất phác ấy thì bao giờ cũng có chuyện. Như thế thì chắc sẽ đỡ sốt ruột, đỡ phải nghĩ quanh nghĩ quẩn tới những việc đâu đâu. Mai đoán qủa không sai. Cô đương ngơ ngác nhìn tìm chỗ, thì một bà lão ngồi bên hai người con gái cùng vận quần áo vài nâu, gọi cô mà bảo rằng: - Này, cô lại đây ngồi cho vui. Mai tươi cười nhận lời ngay. Mấy người đương mãi chuyện trò huyên thuyên, nào về mùa màng, về buôn bán, nào về phong cách Hà Nội, thì Mai bỗng để ý tới một chàng âu phục ở toa hạng ba vừa xuống đi đi lại lại trước mắt cô. Chàng đăm đăm nhìn cô khiến cô ngượng nghịu phải giả vò quay lại phía hai người con gái ngồi bên, nói chuyện vơ vẫn. Bà lão mau mồm cười hỏi: - Thầy muốn tìm chỗ phải không? Mời thầy ngồi đây, còn rộng chán. Rồi bà ẩy Mai và hai người con gái về phía bên kia để xếp chỗ. Chàng công tử bẽn lẽn trả lời: - Thưa cụ, tôi cảm ơn cụ, tôi đi tìm người bán hàng mua gói thuốc lá. Rồi chàng đi tuốt lên đâu toa hạng tư. Lúc trở về, chàng lại đứng sững nhìn Mai. Bà lão lấy làm khó chịu hỏi rằng: - Ông muốn hỏi gì? Chàng kia ôn tồn trỏ Mai đáp lại: - Thưa cụ, cô...đi với cụ... - Phải, ông quen cô ấy hay sao? - Vâng, tôi như có quen. Mai xấu hổ, hai má đỏ ửng, cúi đầu ra ngoài nhìn xuống sân ga. Song thấy chàng kia nói có quen mình nên vội quay lại liếc nhìn qua. Không nhận ra là ai, thì cô cho là người kia muốn trêu ghẹo, lại còn bẽn lẽn lắm. Nhưng chàng công tử vẫn đứng trước mặt cô và đối với cô, chàng không có chút gì là tỏ ra bộ dạng lẳng lơ, bỡn cợt, chàng lại gần se sẽ hỏi: - Thưa cô, cô có phải là cô Mai, con cụ Tú Ninh Bắc không? Mai ngước mắt lên nhìn rồi hỏi: - Thưa ông, sao ông biết tôi? Chàng kia cười: - Thế ra cô quên tôi rồi? Tôi là Lộc... Mai vui mừng hỏi: - Cậu Lộc, con quan Huyện Kim Anh? - Vâng, chính tôi là Lộc. Nhưng thầy tôi không làm tri huyện nữa đâu. Thầy tôi đã thăng đến án sát và mất rồi. - Khổ! Thế cậu bây giờ làm gì? - Tôi làm Tham tá ở Hà Nội. Mai cười: - Chóng nhỉ. Mới ngày nào! Lộc đỡ lời nói luôn: - Ðã bẩy tám năm nay, cô còn bảo mới ngày nào. Bẩy năm về trước, quan Huyện Ðông Anh có mời cụ Tú Lâm đến dạy hai cô con gái học chữ nho. Bấy giờ cụ Tú gặp lúc quẫn bách vì luôn mấy năm buôn gỗ bị thua lỗ, cái vốn dăm sáu nghìn đã gần khánh kiệt, nên thấy người bạn xưa muốn tìm cách giúp đỡ thì nhận lời ngay. Cụ Tú lúc đó mới góa vợ nên đưa cả con cái lên huyện cho tiện đường dạy dỗ, còn Huy thì cũ đã cho trọ học nhà ông Phán Hai ở Hà Nội. Trong hai năm, mỗi lần nghỉ lễ, họăc nghỉ hè, Lộc về chơi nhà đều gặp Mai. Khi ấy Mai mới mười một tuổi mà Lộc thì đã lớn, và theo học ở lớp ba trường Trung Học Tây. Lộc coi Mai như một người em gái nhỏ, và yêu quý Mai lắm; mỗi lần ở Hà Nội về mua quà cho hai em thức gì cũng mua cho em Mai thức ấy. Mai nhẩm ôn lại chuyện xưa mủm mỉm cúi xuống nhìn guốc nói: - Thế ra ông là anh Lộc của em đấy? Mai cảm động buộc mồm nói ra câu quá thân mật. Cô thẹn thùng hỏi chữa luôn: - Thưa ông, thế cô Lục và cô Thanh, nay ở đâu? Lộc như hiểu ý nghĩ của Mai đáp lại: - Thì cô cứ gọi là anh như xưa cũng được chứ sao. Em Lục lấy chồng đã vừa có cháu, em Thanh thì hãy còn ở nhà mẹ tôi...Thế còn em..., còn cô, nay chắc cô cũng xuất giá rồi chứ? Ðấy cô coi tôi cũng biết chữ nho đấy. Mai thẹn không trả lời, Lộc nhắc lại câu hỏi: - Thế nào, tôi hỏi cô đã có chồng chưa, sao cô lại không đáp/ - Thưa ông, em nghèo thế thì ai lấy. - Thế sao tôi không nghèo mà cũng chưa ai thèm lấy tôi? Mai nghe câu nói của Lộc có ý muốn ghẹo và hiểu ngay rằng ông anh thuở nhỏ, nay không còn thể nhận là anh được nữa. Bởi thế, cô ngồi im, giữ nét mặt nghiêm trang, rồi quay ra nói chuyện với bà cụ ngồi bên. - Ngày trước, thầy tôi ngồi dạy học ở nhà cụ thân sinh ra quan đây. Ngắm nghía Mai, Lộc sửng sốt hỏi: - Vậy ra cụ Tú đã... Lộc sợ lầm không dám nói dứt câu. Mai buồn rầu đáp: - Vâng, thầy em mất rồi. - Thương hại! Cụ Tú người hiền lành thông thái thế...Nhưng hình như cô còn một em trai nữa thì phải, tôi nhớ ngày xưa, cô thường nói chuyện đến cậu em. - Vâng, em Huy, nay em đương học năm thứ ba trường Bưởi. - Thế kia à? Thế năm nay, cậu Huy bao nhiêu tuổi? - Em nó mười sáu. - Mười sáu mà đã học năm thứ ba. Khá đấy. Mai thở dài không trả lời. Lộc lại hỏi: - Tôi xem ra cô buồn rầu lắm. Nếu cô có cần tôi giúp đỡ cô điều gì thì cô cứ nói. Tôi vẫn có thể coi cô là một người em như khi xưa kia mà! - Cám ơn ông. Rồi Lộc hỏi đến việc học, đến gia bản, đến họ hàng thân thích nhà Mai. Trước Mai còn giấu, nhưng sau thấy người bạn xưa săn sóc đến mình một cách thành thực thân mật, thì liền đem hết chuyện ra kể. Lộc cảm động đứng lặng nghe không nói, không ngắt lời, mà bà lão cũng chạnh lòng thương mến, sẽ kéo áo Lộc: - Ông ngồi xuống, chứ đứng mãi thế mỏi chân. Mọi người mãi về câu chuyện đến nỗi xe đã chạy mà vẫn không biết. Ðến lúc xe qua cầu, làm át cả tiếng nói. Lộc phải ghé gần lại mới nghe rõ, Mai thấy thế hơi ngượng, ngưng bặt câu chuyện rồi trỏ ra ngoài nói: - Thôi hãy tạm xếp câu chuyện để ngắm sông đã, chứ xe chạy trên cầu tiếng kêu ầmỷ lắm, chẳng nghe thấy gì hết. Mai tỳ tay lên bao lơn cửa nhìn xuống con sông sâu thẳm, nước đỏ lờ đờ, điểm hạt mưa xuân lấm tấm. Chiếc buồm trắng con con, xen lẫn vào bọn buồm nâu sắc thẫm, to bản, cột cao, trôi theo giòng nước, theo chiều gió trôi đi như lướt trong cảnh rộng bao la, mà biến vào đám xa xa mờ mịt. Mai thở dài lo sợ vẫn vơ cho số phận chiếc thuyền con, lại chạnh nghĩ vơ vẫn đến số phận mình... Ngày xưa, khi cô còn học chữ nho, thường thấy cụ Tú Lâm những bài thơ nôm có câu "chiếc bách giữa dòng". Nay cô mới ở trước cái cảnh chiếc buồm con bạt gió, cô mới hiểu tới nghĩa sâu xa của câu thơ. Phải, cô cũng chỉ là chiếc bách giữa dòng... Xe hỏa sang bên kia cầu đã lâu, mà Mai vẫn còn tựa nhìn ra ngoài, vì cô có cái cảm giác Lộc đương nhìn cô, nên cô ngượng mà không dám quay lại. Xe từ từ dừng bánh trước ga Gia Lâm. Mai mỉm cười, tưởng tượng trời đương mưa gió sấm sét bỗng tạnh bặt. - Cô nghĩ gì thế? Mai quay đầu lại. Lộc vẫn ngồi bên cạnh. Cái nụ cười của cô vẫn còn nở trên cặp môi thắm, khiến Lộc nhìn cô rồi cũng cười. Và chàng nhắn lại câu hỏi: - Cô nghĩ gì mà trông cô như vẻ tư lự? - Thưa ông, em đương nhớ tới ngày xưa. - Thế cô có nhớ tôi cái thời kỳ ở Ðông Anh không? Mai không đáp. Lộc nói tiếp luôn: - Tôi thì tôi nhớ lắm. Ngày ấy cô mới mười một tuổi mà vấn tóc như người lớn. Nhưng có lẽ chỉ người lớn được mỗi một cái khăn, còn ngoài ra vẫn trẻ con lắm. Một hôm tôi về thăm nhà, gặp cô hai má đen xì những vết mực. Mai thẹn cúi mặt. Bấy giờ có mấy người bán hàng cơm trên xe hỏa nghiêng dồn hòm ầm ỹ lên toa làm hai người phải ngừng lại. Lộc ngồi ngẫm nghĩ một lát rồi bảo Mai: - Câu chuyện ngày xưa có lẽ không quan hệ bằng câu chuyện ngày nay. Ban nãy cô có nói cô về bán nhà bán đất, để lấy tiền trả học phí cho cậu...cho cậu em. Nhưng nhớ ra, cô không bán được rồi thì sao? - Bán rẻ thì thế nào cũng có người mua. - Ðã biết đâu? Mà cô bán nhà rồi thì cô ở vào đâu? Cô nói cô thuê nhà ở Làng Bưởi, nhưng cô thân gái...tôi e ngại lắm. Hai người cùng quay ra nhìn xuống sân ga. Lộc nhắc lại: - Phải, tôi e ngại lắm! Mai buồn rầu đáp: - Thưa ông, lúc này là lúc phải liều. Thế nào em cũng phải để em Huy học đến nơi đến chốn. Mà muốn được thế thì chỉ còn một cách là bán nhà...Và nếu ông lo ngại cho em thân con gái thì ở đâu mà không lo ngại. Ở nhà quê đã chắc đâu tránh khỏi bọn hào cường hà hiếp? Dẫu sao, em vẫn nhớ lời nguyện vọng cuối cùng của thầy em: là để em Huy học hành thành tài và trở nên người hữu dụng. Lộc mỉm cười: -Nhưng còn cô. Mai ngơ ngác: - Em không hiểu. Tôi hỏi: còn cô thì cô trở nên gì. Từ nãy tới giờ tôi chưa hề thấy cô tưởng đến cô. -Tôi ấy à? Mai hơi lấy làm lạ. Vì thực ra cũng không mấy khi cô tự nghĩ đến cô. Lộc thấy Mai ngơ ngác thì thương hại: - Hay tôi bàn lẽ này, cô nghe có tiện không. Cậu Huy đã muốn thôi học đi làm thì cô cứ để cho cậu ấy thôi học. Cậu Huy có thể ra ở tạm đằng tôi, rồi tôi tìm giúp việc cho. - Cảm ơn ông, nhưng em Huy khó tính lắm, nó chả chịu thế đâu. Ðến ở nhà đằng bác Phán Hai em, nó còn chẳng chịu nữa là. - Thế thì cái đó tùy cô. Nhưng cô nhớ cho rằng khi nào cô cần đến tôi giúp cô điều gì thì xin cô đừng ngần ngại, đừng do dự. Tôi vẫn là người anh...người anh rất thân của cô như khi xưa. Mai cảm động, vờ quay ra nhìn phong cảnh. Lộc lại nói: - Hay thế này này, cô đã qủa quyết bán nhàbán đất thì tôi cũng không thể ngăn cản cô được. nhưng cô cứ cầm lấy số tiền đây để phòng khi chưa bán được nhà thì hãy tiêu tạm. Lộc vừa nói vừa mở ví đưa cho Mai bốn cái giấy bạc năm đồng. Mai xua tay nói: - Em cám ơn ông, qủa thật em không dám nhận, em không có quyền nhận. Lộc cười: - Vậy cô không coi tôi như một người anh nữa sao? - Em không có quyền...em không thể coi ông là một người anh như xưa được nữa. Lộc lắc đầu chép miệng: - Sao vậy, em? -Ông cũng hiểu tại sao, hà tất ông còn phải hỏi. Lộc mỉm cười: - Thôi phải rồi. Bây giờ cô không là một cô bé con nữa mà là một cô thiếu nữ có nhau sắc chứ gì! Em nghĩ thế thì em lắm. Trong thời chúng ta cách biệt, anh vẫn hỏi thăm em luôn, chứ có phải bây giờ anh trông thấy em đẹp, anh mới săn sóc đến em đâu. Mai bẽn lẽn, cúi gầm mặt xuống. Lộc lại nói tiếp: - Vậy cô cứ cầm lấy số tiền này cho tôi bằng lòng. Anh em chỉ nhờ nhau, chỉ cứu giúp nhau trong khi hoạn nạn thôi, chứ lúc bình thường thì hồ dễ ai đã phải cần đến ai, hồ dễ tôi được cái hân hạnh giúp đỡ cô chút đỉnh. Vậy xin cô cứ cầm lấy, đừng nghĩ ngợi gì nữa. - Qủathực em không dám, qủa thực tôi không dám. Bà cụ ngồi bên thấy Lộc năn nỉ và Mai chối từ đây đẩy cùng bàn góp một câu: - Quan Tham đã giúp thì cô cứ cầm lấy cho quan Tham bằng lòng. Zz Lộc vin ngay lời bà lão: - Ðấy, cô coi! Ai cũng bảo thế...Hay là thế này. Tôi cho cô vay, khi nào cô bán được nhà có tiền lại hoàn lại tôi. Lúc đó trên toa hạng ba có người mở cửa ra nhìn xuống toa hạng tư rồi gọi: - Anh Lộc lên tôi bảo cái này! Lộc trả lời: - Ðược tôi lên đây! Rồi quay lại phía Mai, chàng ấn bốn cái giấy bạc vào tay: - Cô nhận cho tôi bằng lòng nhé, không có tôi khổ tâm lắm. Chàng lại mở ví đưa cho Mai một cái danh thiếp mà nói rằng: - Chỗ ở của tôi đấy, khi nào cần đến tôi giúp điều gì, cứ đến đó hay viết thư về đó. Mai cảm động không nói nên lời. Lộc đứng dậy từ biệt: - Thôi, chào cô, tôi xin sang bên kia một lát. À, cô xuống ga Thạch Lỗi phải không? - Vâng. - Cô coi tôi nhớ lâu thế đấy! Còn tôi thì tôi xuống ga Phúc Yên. Tôi được nghỉ phép một tuần lễ, lên chơi ông bác làm quan ở đó. Hôm tôi về nếu còn thì giờ, tôi sẽ ghé vào thăm cô nhé? ...Có tiện không, có? Mai ấp úng: -Ðường từ Thạch Lỗi vào làng em hơi xa. - Ðược rồi tôi sẽ liệu. Vậy chào cô nhé! - Xin chào cụ! - Tôi không dám, chào thầy. Lộc sang toa hạng tư đã lâu, mà Mai còn ngồi yên không động đây, tay cầm mấy cái giấy bạc và cái danh thiếp. Bà cụ ngồi bên ghé lại thì thầm: - Thầy ấy tử tế với cô nhỉ? Mai vẫn ngồi yên, ứa hai dòng nước mắt. Bà cụ lại vỗ vào vai bảo: - Này cô cất tiền vào hầu bao, chẳng mất. Mai thong thả quay lại, gượng cười: - Lấy thế này không tiện, cụ ạ, để tôi giả lại cho ông ấy thôi. - Cô nghĩ lần thần lắm. Người ta tử tế, cô không nên như thế. - Tôi chỉ sợ không bán ngay được nhà, thì lấy tiền đâu mà giả lại cho ông ấy. - Thì bao giờ cô giả lại cũng được chứ sao! - Không được! tôi phải giả ngay bây giờ! Rồi Mai đứng dậy toan sang toa hạng ba. Bà cụ kéo lại. - Thì cứ ngồi đây, thế nào thầy ấy chẳng còn xuống. Bà cụ vừa nói vừa mỉm cười, khiến Mai luống cuống bẽn lẽn, vội ngồi xuống, thở dài. Cô gái quê ngồi bên bảo cô chị: - Chị ạ, trông thầy giống cậu Giang ở làng nhỉ? Tính nết cũng nhanh nhẩu như thế. Cô chị trả lời: - Nhưng thầy ấy đẹp giai hơn chứ. Làm tham tá thế chắc lương nhiều lắm đấy nhỉ? Cô em cười: - Lương chả nhiều mà lại một lúc dám cho chừng kia tiền. Mai vẫn còn cầm bốn cái giấy bạc và cái danh thiếp ở tay, đương nhìn ra xa, ngẫm nghĩ. Nghe cô kia nói thế thì chợt nhớ ra, Mai quay lại lẩm bẩm một mình: - Không được! Phải, người ta cho. Người ta thương hại người ta cho. Người ta cho như người ta bố thí cho kẻ nghèo khó. Rồi Mai qủa quyết đứng dậy. Xe gặp chỗ lượng, mà cô lại mãi suy nghĩ, quên rằng mình ngồi trên xe hỏa, nên vừa đứng dậy cô súyt ngã văng ra, may có hai cô con gái bà cụ đỡ được. Mai mỉm cười, cái cười mơ màng. Cô ngồi cạnh bên cạnh bỗng nhìn xuống sàn xe, kêu lên: - Chết chửa! Tiền rơi cả rồi kìa. Cô vừa nói vừa cúi xuống nhặt bốn cái giấy bạc đưa cho Mai. Nhưng Mai vẫn ngồi thở hồng hộc, không lưu ý đến. Cô kia liền bọc vào trong giải yếm Mai, rồi thắt nút chặt chẽ lại mà nói rằng: - Thôi thế này là không lo rơi nữa. Còn mảnh này thì cô bỏ túi. Cô đưa cho Mai cái danh thiếp của Lộc, Mai tuy đỡ lấy song tâm trí để cả ở đâu, nên tuy đọc mà chẳng biết những chữ gì. Mãi lúc bà cụ hỏi là giấy gì, cô mới tỉnh dậy, định thần đọc lại và trả lời: - Thưa cụ, cháu cũng chỉ biết chữ tên Nguyễn Lộc và chữ số nhà 244 mà thôi. - Vậy không đề ở phố nào à? - Thưa cụ có, nhưng đề bằng chữ tây, cháu không hiểu. Bà cụ cười: - Thế sao tên cũng chữ Tây cô lại đọc được? - Thưa cụ, tên bằng chữ quốc ngữ chứ. Bà cụ không tin, mỉm cười, cho là Mai có ý giấu. Lúc bấy giờ xe hỏa huýt còi một hồi dài. Một người hành khách ngồi đối diện Mai hỏi người ngồi bên: - Sắp đến ga gì nhỉ? Người kia đáp: - Thạch Lỗi. Bà cụ thoáng nghe thấy, liền sẽ đập vào Mai mà nói rằng: - Kìa! Gần đến Thạch Lỗi rồi! Có phải cô xuống Thạch Lỗi không? - Vâng, cảm ơn cụ, cháu xuống đây. Vì ở ga này ít hành khách lên xuống, nên xe chỉ dừng độ một phút lại đã huýt còi chạy từ từ. Mai còn đương ngơ ngác nhìn lên chỗ bà cụ và hai cô gái để chào, thì ở toa hạng ba một người thò đầu ra cửa sổ nhìn xuống gọi: - Cô Mai! Cô quay cổ lại, nhìn lên thấy Lộc đương vẫy. Như chợt nghĩ ra cô chạy theo xe. - Thưa ông, tiền của ông, tôi không dám... Nhưng xe đã chạy được một quãng rồi. Mai nhìn theo chỉ còn thấy cái hình bán thân in trong khung cửa giở tay vẫy. Rồi xe dần dần sấn tới cõi xa. Khỏanh khắc chỉ là một vệt đen trên con đường sắt. Mai thở dài đứng trông theo. Ở ga ra Mai tất tả đi ngay, vì đường về Thạch Lỗi về làng xa đến gần mười cây số, mà trời lại lấm tấm mưa. Cô cắm đầu rảo bước trên con đường đỏ thẳng vút, hai bên cỏ xuân mơm mởn. Cô tưởng tượng đương đi trên dãy chiếu mền hồng viền cạp xanh, thì thốt nhiên cô mỉm cười. Cô mỉm cười vì nhớ tới những chuyện cụ Tú kể cho cô nghe khi cô còn bé, những chuyện thần tiên, kỳ dị, tả những cảnh lạc thú ở chốn bồng lai, những chuyện hôn nhân của các đấng đế vương,công hầu, chép những sự kiêu sa hoa lệ. Cô nghĩ thầm: "Con đường giải chiếu hoa đưa cô dâu về nhà chú rể dễ đã sánh kịp con đường gấm thiên nhiên này!" Lòng yêu đời và tính dễ vui, cô như đã nhận được của ông cha truyền lại, khiến cô cảm thấy tâm trí phấn khởi trong cảnh trời xuân đầm ấm. Cô đi thoăn thoắt hé cặp môi thầm cười với gió xuân. Cái vui sướng hồn nhiên cỗi rễ ở trong lòng như theo hơi thở bay về hòa hợp với làn không khí êm đềm, mới mẻ. Nhưng con người sẵn có lòng tốt thì trong khi sung sướng bao giờ cũng tưởng tới những người mình yêu mến, hình như để cùng san sẻ hạnh phúc, dù hạnh phúc ấy chỉ mới có trong tưởng tượng. Vì thế đang hớn hở tươi cười bỗng nghĩ tới em, tới việc học của em, Mai lại rầu rầu nét mặt. Song cô cũng chỉ nghĩ qua tới mà thôi vì cô cho đó là một vấn đề đã tạm giải quyết xong. Về nhà bán lấy tiền lên Hà Nội thuê nhà cùng ở với em. Dễ như thế, có chi mà phải loay hoay mãi cho thêm phiền. Cái trí tưởng tượng của tuổi trẻ bao giờ cũng dễ dàng, cũng giản dị, có hề đặt tới chỗ ngoắt ngoéo, khúc khủyu của con đường dài đâu? Nụ cười lại nở trên cặp môi thắm, vì Mai vừa nhớ tới người gặp gỡ trên xe hỏa. Con người mới nhã nhặn làm sao, mới hào hiệp sao! Rồi cô nhớ lại những sự đã xảy ra khi cô cùng chàng ở huyện Ðông Anh ngày xưa. Nhưng, cô chẳng tìm ra được một chuyện cỏn con nào. Cô lấy làm lạ, phàn nàn cho trí nhớ của mình. Bàn việc nhà Năm giờ chiều, Mai về tới nhà. Người lão bộc đầu bạc phơ nghe tiếng Mai vội vã ra mở cổng. Con chó xồm trắng đã già yếu cũng chậm chạp bước theo sau, rồi lại gần Mai thong thả ve vẩy cái đuôi lông rụng xơ xác. Mai giơ tay vuốt ve con vật mà bảo người lão bộc. - Tôi đói lắm, ông có gì cho tôi ăn không? - Thưa cô, tôi đoán thế nào hôm nay cô cũng về, nên tôi đã thôi cơm chờ cô về cùng ăn. - Nhưng có gì ăn không? - Có rau muống với tương. - Có muối nữa đấy chứ? - Muối thì bao giờ cũng có. - Thế thì tốt lắm, chúng ta đi dọn cơm ăn cho xong bữa, tôi còn câu chuyện cần bàn với ông đây. Lão bộc nghe có chủ nhỏ muốn bàn việc quan hệ với mình thì lấy làm cảm động, chân tay run lập cập. Cơm nước xong, dưới ánh lù mù ngọn đèn Hoa Kỳ đặt trên ngưỡng cửa, hai người ngồi nói chuyện ở ngoài thềm nhà trên. Mai ngẫm nghĩ đến công việc rất hệ trọng đã dự định nên ngập ngừng chưa dám ngỏ lời cùng người lão bộc, mà Mai kính mến như một người trong họ. Con chó già nằm dưới chân Mai, hình như cũng đoán rằng sắp xảy ra sự gì phi thường, đặt mõm lên liếm bàn tay Mai. Trong đêm tối, Mai ngắm cặp mắt sáng sủa của con vật trung thành, tưởng như có long lanh giọt lệ thì lấy làm cảm động vô cùng, cúi xuống thì thầm, như nói chuyện với một người bạn: - Chúng ta sắp sửa phải rời mái nhà này rồi. Con vật tuy không hiểu lời chủ, nhưng chắc cũng đoán được chủ đương có điều gì lo nghĩ, nên thong thả đặt mõm vào lòng chủ để tỏ ý an ủi. Còn người lão bộc thì cất giọng run run hỏi Mai: - Cô định rời đi đâu vậy? - Tôi sắp bán nhà đây, ông Hạnh ạ! Ông lão hốt hoảng lo sợ: - Cô bán nhà? - Phải, tôi bán. Ông Hạnh ơi, đó cũng là một sự bất đắc dĩ. Ông tính ruộng vườn không còn, tiền của cũng không thì lấy gì ăn tiêu mà chả bán nhà? - Không được, việc ấy tôi xin can cô. Bán nhà đi thì còn đâu là nơi thờ tự cụ Tú. Tôi theo cụ Tú ngày cụ còn giàu có, nhờ cụ mà các cháu nhà tôi đều biết dăm ba chữ. Trước khi cụ mất, cụ dối dăng giao cho tôi trông nom cô và cậu Huy. Việc ấy tôi nhất định không để tùy ý cô được. - Vậy, ông để tôi chết đói hay sao? Người lão bộc cúi đầu ngẫm nghĩ rồi nói: - Thế này này, thằng cả nhà tôi đi lýnh khố đỏ, tôi được làng cấp cho mấy mẫu ruộng. Vậy có lẽ cũng đủ gạo ăn. Chưa cần phải bán nhà. Mai cảm động chảy nước mắt, gượng cười đáp lại: - Tôi cảm ơn tấm lòng tốt của ông...Nhưng còn việc học của em Huy thì ông nghĩ sao? Người lão bộc gãi đầu suy nghĩ rồi hỏi: - Phải có bao nhiêu tiền? - Ít ra cũng phải mỗi tháng một chục bạc. - Thế thì khó lắm nhỉ? - Vậy ta phải liều chứ biết sao. Rồi sau này em Huy làm nên có tiền, ta lại tậu đất, ta lại làm nhà ta hay ta lại chuộc lại nhà cũng được. Ông lão Hạnh không trả lời, hai bàn tay ôm trán: ông ta đương cố tưởng tượng ra ở trong trí chất phác cái cảnh gia đình tan tác, cửa nhà cầm bán. Cái nhà này ông Hạnh đã ở hơn hai chục năm nay, từ ngày chưa có Mai và Huy, ông ta thuộc từng cái xà, cái rui, từng chỗ gỗ rác, gỗ mọt, từng viên gạch vỡ, từng gốc tường sứt, bây giờ ông ta sắp sửa phải rời nó để đi nơi khác, để nhường lại cho người chủ mới, họ đem đồng bạc đến mà cưới, mà chôn biết bao những kỷ niệm của một nhà, biết bao sự vui, sự buồn, sự mừng, sự giận của gần một trăm năm. Cái nhà ấy ông ta ở đã lâu ngày, nên coi như nhà của mình vậy. Nay thấy cô chủ ngỏ lời đem bán đi thì ông ta bỗng có cảm tưởng bị ức hiếp, bóc lột. - Ông Hạnh! Lão bộc nghẹn ngào, cất giọng khàn khàn: - Cô bảo gì? - Ông khóc đấy à? Ông dở hơi lắm. Can chi mà khóc. Nếu ông tĩnh tâm mà nghĩ kế giúp tôi thì còn hơn ngồi mà thương mà tiếc cái nhà này. Ông lão trách Mai: - Cô còn trẻ người non dạ lắm! Cô tính năm nay tôi ngoài sáu mươi tuổi đầu rồi, chả mấy chốc mà đã xuống lỗ...Rồi khi tôi gặp cụ Tú ở dưới đất, tôi biết ăn nói ra sao? Mai gắt: - Thôi, ông đừng ngăn tôi nữa, tôi đã qủa quyết rồi. - Còn cậu Huy? Việc này phải tùy ở cậu Huy chứ! - Em Huy cũng bằng lòng rồi. Vậy tôi chỉ nhờ ông có chút việc, ông tìm hộ tôi một người mua nhà. - Cô đã nhất định như thế thì tùy cô. Nhưng ở làng ta, xem ra không mặt nào có tiền, mà dầu có tiền thì cũng chả ai nỡ mua nhà của cô. - Ở làng ta không có ai thì ta sang bán cho người làng bên cạnh cũng được. Miễn là ta phải bán thật mau. - Nhưng cô cũng phải để thong thả thì mới bán được giá chứ! - Ðược giá là bao nhiêu? - Cả đất lẫn nhà, bán rẻ cũng phải năm sáu trăm bạc. - Tôi chỉ cần bán được độ bốn trăm thôi nhưng phải bán ngay. - Làm gì mà vội vàng thế? - Làm gì? Không thì em Huy phải đuổi, không thì... Mai nghĩ đến món nợ của Lộc, nhưng cô tự lấy làm thẹn với lương tâm, nên không nói được dứt câu. Mỗi lần cô nhớ đến, muốn nhắn đến người cô gặp trên xe hỏa thì mặt cô nóng bừng, lưỡi cô díu lại. Lão bộc nói: - Thưa cô không thì sao nữa? - Không có tiền học trả cho em Huy thì em Huy bị đuổi chứ sao? Hai người ngồi cúi mặt nhìn xuống sân suy nghĩ. Mảnh trăng thượng tuần như cặp sừng trâu treo lơ lửng trên nóc nhà hàng xóm trông nhợt nhạt, có vẻ lãnh đạm vô tình. Tiếng bà chủ nhà láng giềng the thé tính tiền công tát nước với bọn điền tốt ở bên cạnh ngọn đền dầu, ánh sáng lấp loáng qua khe hàng rào tre khô nhắc người lão bộc nhớ tới cảnh trù phú tấp nập của nhà cụ Tú mươi năm về trước. - Thế nào? Ông có tìm ra được ai không? - Tìm người mua nhà ư? - Phải! Ông lão thở dài đáp: - Kể khắp vùng này dễ chi có ông Hàn ở làng bên. - Vây được rồi, ta đi ngủ sớm, mai cùng đến nhà ông Hàn nhé? Ông lão lại thở dài, tức tối, thong thả đứng dậy xuống nhà ngang, để mặc cô chủ ở lại với con chó xồm. Mai mỉm cười cúi xuống hai tay ôm lấy đầu con vật rồi ghé vào tai nó nói thầm: - Mày có biết không, ta sung sướng lắm! Suốt đêm hôm ấy Mai trằn trọc không sao ngủ được, hết nghĩ đến em lại nghĩ đến người gặp gỡ trên xe hỏa. Cô đem trí tưởng tượng ra xếp đặt những cuộc đời tương lai. Nhiều cuộc đời cô bầy ra tới chỗ khó khăn, nghĩa là tới chỗ mà lương tri của cô cho không thể có được, thì cô lại mỉm cười xóa bỏ đi để bầy lại cuộc đời khác. Có một điều cô lấy làm bẽn lẽn; những cuộc đời dự định trong mộng tưởng của cô bao giờ cũng dính dáng với người mà cô thầm yêu nhớ. Trong khi ấy, ở dưới nhà ngang, ông lão bộc, cũng đương loay hoay trở mình trên chiếc giường lát nứa tiếng kêu lạt sạt. Vì ông động nhắm mắt, lại thấy cụ Tú Lâm hiện lên đứng trước mặt. Lúc ban ngày mải công việc kia việc nọ, ông không nghĩ tới cụ nên không tưởng tượng ra được hình ảnh cụ. Song giữa đêm thanh vắng lại có sự xúc động tới cảm giác, trí não của ông lão chất phác làm việc ngấm ngầm ở trong khối não vẽ ra hệt được cái tướng mạo cụ Tú trong lúc sinh thời. Vì thế, ông Hạnh càng tin rằng linh hồn người quá khứ về trách mắng ông ta. Ông ta trông thấy rõ ràng cặp mi cau gần giáp nhau, đôi con mắt tròn xoe nhìn chòng chọc ông ta. Ông ta trở mình quay vào phía tường lấy hai bàn tay che kín mặt, nhưng vẫn trông thấy cặp mắt trợn ngược dữ tợn...Ông ta lẩm bẩm khấn thầm: "Lạy cụ, việc này thực không phải tự tôi!" Tiếng gà nửa đêm trong khắp xóm như tiếng dương gian đến cứu nạn cho ông lão đương bị làn không khí nặng nề của cõi âm đè nén. Ông ta lóp ngóp dậy thắp ngọn đèn hoa kỳ, và lấy cái điếu cầy ra kéo luôn ba hơi, rồi ông ta để đèn đó ngồi nhìn chứ không dám lên giường ngủ nữa. Gà gáy sáng lần thứ nhất, ông ta đứng dậy đi lấy gạo thổi cơm thì gặp Mai cũng đã ra sân rồi. Ông ta lại gần, cất giọng run run bảo Mai: - Cô Mai nghĩ kỹ lại xem. Mai hơi cau mặt: - Tôi nghĩ cả đêm rồi. Bây giờ tôi càng qủa quyết lắm. Ông lão ra dáng không bằng lòng, lẳng lặng xuống bếp. Mai cũng theo xuống để thổi cơm. Trời hãy còn tối, ánh lửa vàng thấp thoáng chiếu vào cái đầu bạc phơ của ông lão già đổi ra sắc hồng hồng. Mai đương tò mò đứng ngắm nghĩ ngợi, thì ông lão ngửng đầu lên đăm đăm nhìn cô gái chủ rồi lùi lại một bước. Mai kinh hãi hỏi: - Ông sao vậy, ông Hạnh? Ông Hạnh vừa thở vừa đáp: - Trông cô giống cụ Tú quá. Mai mỉm cười: - Mãi bây giờ ông mới biết à? - Ðêm mới rồi, cụ Tú về, tôi trông cũng y như cô. Mai cười: - Tại ông cứ nghĩ đến, nên nằm mộng đấy chứ gì. - Rõ ràng tôi thức hẳn hoi chứ mộng mị thì còn nói gì nữa! Mai vẫn cười: - Tôi cũng thấy thầy tôi về, ông Hạnh ạ? Ông lão bộc tỏ ý sợ hãi: - Thế à? Vậy cô thấy những gì? Cô thử kể xem có giống những điều tôi thấykhông. Mai rất thông minh, biết rằng ông lão bộc ý tưởng chất phác hay mê tín quỉ thần, nên ngày nghĩ thế nào, đêm mộng đấy thế. Cô liền bịa ra chiêm bao để yên lòng ông ta. Cô xếp đặt câu chuyện cho có đầu đuôi rồi nói: - Tôi thấy cụ về. Cụ tươi cười bảo tôi nên bán nhà để lấy tiền nuôi em Huy đi học. Rồi cụ lại biến ngay. - Thế à? Cô thấy thế à? Tôi thì tôi thấy cụ về trợn mắt, tôi sợ hãi quá. Mai cười: - Phải rồi! Cụ giận ông, vì ông cứ can ngăn không muốn để tôi bán nhà đấy chứ gì? ... - Nếu vậy, ta ăn cơm sớm để đi ngay, vì từ đây đến làng ông Hàn Thanh đường dài một thôi, mà nếu ta muộn thì chỉ sợ bà Hàn lại đi coi đồng án rồi thì nhỡ hết công việc.xx Mai tỏ ý ngạc nhiên: - Nếu bà Hàn đi vắng thì đã có ông Hàn ở nhà lo gì? Lão bộc cười: - Nào có thế được! Công việc mua bán ông Hàn giao cả cho bà ba, bà ba mà đi vắng thì ông Hàn vị tất đã dám cả quyết. - Vậy thì ta ăn cơm mau để đi cho sớm. Bước đầu Ông Nguyễn Thiết Thành là chánh tổng cựu đã được mông thưởng chánh thất phẩm bá hộ. Như thế thì đáng lẽ ông chỉ là một ông chánh bá dù hàm ông đã cao. Song vì trong hàng tổng phần nhiều người đều có nhờ vả, vay mượn nhà ông, và quan trên lại rục rịch hứa tư thưởng cho ông Hàn lâm đãi chiếu, nên khắp vùng ấy ai ai cũng gọi tôn ông lên là cụ Hàn, tuy ông ngoài 40 tuổi. Và ông Thanh thực hoàn toàn là một cụ Hàn, vì rằng các cụ Hàn thường đãy đà mà ông ta thì phì nộn phương phi lắm, mặc dầu ông ta có nghiện thuốc phiện. Ông ta cũng nghiện chơi nghiện bời cho vui cùng ngày tháng đó mà thôi; ở nhà quê mà không nghiện thứ gì thì buồn lắm, cả ngày chả có một việc gì để làm bận đến cái thân nhà. Một lẽ nữa khiến ông ta ham chơi thú á phiện, là ông ta giầu, giầu lắm, giầu nhất trong hàng huyện và thứ nhì thứ ba trong hàng tỉnh; nên ông ta phải cần hút đặng tiện thứ mà coi lấy của. Ai đi qua con đường thiên lý, xa trông thấy thôn Xuân Ðình tất cũng thấy sau mấy tòa nhà ngói, đến hơn chục cây thóc, cao chót vót ngất từng mây, như những vòm lýnh canh gác ở các phủ huyện vậy. Ðó là nhà ông Hàn và các bà vợ của ông ta. Vì ông Hàn có những ba bà vợ riêng, mỗi người một dinh cơ giáp liền nhau. Vợ cả và vợ hai đều chỉ sinh con gái. Ông Hàn liền lấy thêm một cô vợ ba, thì sinh ngay được một cậu con trai đầu lòng. Vì thế cô được ông Hàn yêu thương chiều chuộng, làm nhà gác cho ở và cung phụng như một cô tiểu thiếp nhà quan vậy: Nào nuôi cho kẻ hầu người hạ tấp nập, nào sắm cho bàn ghế giường tủ kiểu tây, bày la liệt trông rất rực rỡ. Vợ cả và vợ hai, tuy cũng có ghen nhưng không dám hé môi vì ông Hàn uy nghiêm lắm, khắp hàng tổng còn sợ khép một bề nữa là các bà vợ. Tuy thế, người vợ ba không phải là người có nhan sắc, được ông Hà yêu thương là chỉ vì sinh hạ người con nối dòng dõi tông đường cho ông đó mà thôi. Ông Hàn lại không phải là người không biết thưởng thức cái đẹp, nên tuy đã có ba vợ rồi mà còn muốn kén một bực tiểu tinh diễm lệ để vui thú cảnh nhà, vì ông Hàn vẫn tự phụ là người hào hoa phong nhã. Hôm ấy, mặt trời đã lên cao, mà ông Hàn còn chưa thức giấc. Tối hôm qua, ông chơi những bốn năm hội tổ tôm ở nhà vợ ba, xong lại hút thuốc đến gần sáng, nên hôm nay sớm lắm cũng gần tra, thì họa may ra ông mới dậy. Ðược ông chồng luôn ngủ bên nhà mình, cô ba lên mặt hãnh diện với hàng xóm láng giềng lắm, và tỏ ỷ tôn kính chồng như một ông quan lớn vậy: ra vào rón rén, bắt đầy tớ không được nói chuyện hoặc hắng giọng để được tĩnh mịch cho quan Hàn yên giấc. Lúc đó, cô ba bỗng nghe có người nheo nhéo gọi cổng ngoài, vì nhà các ông cự phú ở chốn thôn quê bao giờ cũng có hai ba chặng cổng và cài đóng rất cẩn thận. Cô Hàn nghe tiếng, cau mặt lẩm bẩm, sai một người đầy tớ ra xem tên nào dám làm huyên náo như thế, để mất giấc ngủ của quan. Một lúc, tên người nhà trở vào đưa Mai và người lão bộc theo sau. Cô ba trông thấy vội kêu: - Quan còn ngủ, sao mầy cho họ vào. Rồi chạy ra sân hỏi: - Ông già kia đến có việc gì? Lão bộc ấp úng chưa dám ngỏ lời, thì Mai đã ung dung đáp lại: - Chúng tôi ở bên Ninh Bắc sang muốn kêu cụ Hàn chút việc. Ý chừng bà Hàn nghe Mai gọi quan Hàn là cụ nên không bằng lòng nên nguây nguẩy quay vào nhà không thèm trả lời. Lúc bấy giờ ông Hàn Thanh thức giấc nghe có tiếng ồn ào ở ngoài sân, liền hỏi cô ba: - Cái gì đấy? Cô ba lãnh đạm trả lời: - Có con bé nào đi với một lão già ý chừng đến vay tiền. Cô Hàn quay bảo tên người nhà: - Mày bảo chúng nó cút đi. Ông Hàn đã ngủ một giấc ngon trong người thấy khoan khoái, dễ chịu, vui vẻ, liền cười bảo vợ: - Thì cứ cho người ta vào. Mình không cho người ta vay thì thôi chứ có hề gì! Rồi ông gọi tên người nhà lại: - Mày cứ bảo họ vào đây! Cô Mai và ông lão Hạnh theo ngườiđầy tớ bước vào căn nhà ba gian. Bên cạnh tủ chè, trên sập gụ, ông Hàn ngồi rửa mặt, mình vận cái áo ngắn để hở cả bụng, đầu búi tóc ngược trông có vẻ oai vệ lắm. Nhác thấy Mai ông ngây người ra, rồi quấn vội chiếc khăn lược, mặc vội cái áo đoạn, như để đón tiếp một người khách quý vậy. Cô ba ngắm cử chỉ của chồng lấy làm lộn tiết. Cô thừa biết rằng chỉ vì con bé kia có chút nhan sắc mà được cái hân hạnh chồng mình xử một cách quá lễ phép đến như thế. Bởi có cái tiên khiến đó nên ban nãy cô Hàn chỉ muốn sai đầy tớ đuổi ngay bọn họ mà thôi. Cô vẫn không lạ gì cái tính hiếu sắc của chồng. Khi đã khăn áo chỉnh tề, đã vuốt cẩn thận bộ râu mép cho thẳng thắn, ông Hàn mới quay mặt ra chỗ Mai: - Cô đến có việc gì vậy? Mời cô hãy ngồi tạm xuống ghế, sao lại đứng thế? Cả ông già nữa! Ông lão Hạnh chắp tay, lễ phép đáp lại: - Bẩm quan lớn, để mặc chúng cháu. - Cô em với ông già ở đâu? Ðến có việc gì? Mai vẫn đứng, khép nép trả lời: - Bẩm cụ, chúng cháu là con ông Tú Lâm ở bên Ninh Bắc. Chả biết ông Hàn có quen cụ Tú thực không nhưng mà có lẽ ông thấy con cụ xinh đẹp quá nên ông vẫn vồn vã hỏi thăm như chỗ thân mật lắm: - Thế à! Cô là con cụ Tú Ninh Bắc đấy à? Tưởng đâu xa lạ! Vậy cú Tú cho cô sang hỏi tôi việc gì vậy? Mai hai má đỏ ửng, cuối mặt se sẽ đáp: - Thưa cụ, thầy cháu đã khuất. Ông Hàn làm bộ sửng sốt: - Thế à? Cụ Tú quy tiên rồi à? Thế mà chả báo tin cho tôi biết để tôi sang đưa đám. Vậy nay cô cần điều gì đấy? - Thưa cụ chúng cháu túng bấn... Cô Hàn đứng lắng tai nghe, phần căm tức về chồng thấy gái thì híp mắt lại, phần lộn tiết về cô ả kia chắc chỉ đến tán tỉnh để định vay mượn. Khi nghe Mai nói đến đây, cô Hàn vội lại gần sập rồi dằn từng tiếng bảo chồng: - Ðấy ông coi, tôi đoán có sai đâu? Ông Hàn gạt đi mà rằng: - Thì bà hãy cho cô ấy nói dứt lời đã nào. Rồi quay lại phía Mai hỏi: - Sao nữa, cô định nhờ tôi việc gì vậy? - Thưa cụ, thầy cháu mất đi, chị em cháu, vì cháu có em giai đương đi học, chị em cháu túng bấn, sang kêu cụ làm ơn mua giúp cho cái nhà và miếng đất... Ông Hàn ngắt lời Mai, đáp lại: - Cô tính tôi làm gì có tiền mà mua đất. Mà tôi mua làm gì nhà đất ở tận bên Ninh Bắc? Cô Hàn nghe thấy chồng chốt phắt, lấy làm bằng lòng lắm, tươi cười nói: - Phải mua nhà cửa đất cát ở tận bên Ninh Bắc thì ai sang đấy mà ở? Mai kêu nài: - Bẩm nhà thì hai cụ cho dỡ ra tiện sông chở về bên làng, nhà cháu là nếp nàh gạch năm gian hai chái làm toàn là gỗ lim tốt, lại có cái nhà ngang, ba gian lợp ngói cũng còn tốt. - Vẫn biết thế, nhưng có tiền đâu mà mua. Vả lại tôi là chỗ quen thuộc với cụ Tú khi xưa, nay mua nhà của cô không tiện. - Bẩm cụ, cụ mua nhà cho cháu là phúc cứu sống được hai chị em cháu, có gì mà ngại, chắc thầy cháu dưới suối vàng cũng phải mang ơn cùng cụ...Bẩm, vả lại cháu cần tiền thì cụ giả rẻ cháu cũng phải bán. Cô Hàn ngồi nghe biết cô bé con dại dột, chắc có thể xoay được và có thể mua được món hời, liền đưa mắt ra hiệu cho ông chồng rồi sẽ nói: - Ông vào buồng cho tôi hỏi tí việc. Khi vào buồng, cô Hàn thì thầm khuyên chồng nên dìm giá mà mua thật rẻ vì cô có nghe tiếng ông Lâm Hàn ngày xưa ở Ninh Bắc là người giàu có thì hai cái nhà ấy chắc cũng dựng bằng gỗ tốt. Còn đất, bán lại cho ai mà không được, nếu không cho người nhà sang ở càng hay chứ sao, vì ở bên ấy hẳn cũng có mấy chục mẫu ruộng phụ canh. Ông Hàn cười bảo vợ: - Tôi đã định liệu đâu đấy cả rồi, bà cứ để mặc tôi. Cô Hàn khen nịnh chồng một câu: - Phải, ông thì còn phải kể, còn bao giờ kém cạnh nước gì. - Vậy bà cứ để tôi xoay cho con bé một mẻ. Nhà và đất của nó có lẽ giá đáng nghìn bạc chứ chẳng chơi, nhưng rồi bà xem tôi chỉ giả độ ba, bốn trăm là mua rồi. Cô Hàn nghe lấy làm hởi dạ, mỉm cười nũng nịu bảo chồng: - Thế ông mua cho tôi, văn tự đứng tên tôi nhé. Ông Hàn lấy tay tát yêu hai bên má vợ ba trả lời: - Lại mua cho ai nữa! Cả mấy chục mẫu ruộng ở bên kia Ninh Bắc rồi cũng đứng tên ai? Cô Hàn sung sướng đỏ bừng cả mặt. Ông Hàn nghĩ một tí rồi lại nói: - Nhưng nếu có bà ở đây khó xoay vì bà tính hay nóng nảy. Vậy bà ra đồng trông coi bọn thợ cấy, để mặc tôi với...với lão già cùng con bé, thế nào chốc nữa bà về cũng làm xong văn tự...Không khéo chỉ hai trăm cũng nên. Cô Hàn nghĩ đến lợi, nên bằng lòng, liền cắp nón đi ngay để mặc chồng ở nhà cùng Mai và người lão bộc. Ông Hàn đợi cho vợ đi được một lúc lâu mới ra nhà ngoài, mủm mỉm cười nhìn Mai hỏi: - Cô có biết bà Hàn dặn tôi những gì không? Mai đương mong đợi biết kết qủa sự bàn định của hai vợ chồng ông Hàn, vội vàng hỏi lại: - Thưa cụ, bà Hàn dặn cụ những điều gì thế? Ông Hàn lại gần sẽ nói: - Bà Hàn dặn tôi đừng mua nhà của cô, dù cô nằn nỉ thế nào, cũng từ chối. Mai thực thà, tin lời ông Hàn, buồn rầu đứng dậy toan cáo từ ra về, thì ông giữ lại: - Hãy thong thả ngồi chơi uống nước đã. Làm gì mà vội vàng thế? Mai nghe câu mời của ông Hàn có ý lả lơi, càng qủa quyết muốn về ngay. Ông Hàn cười híp mắt, lấy tay vuốt mãi bộ ria, rồi hỏi Mai: - Cô có biết tại sao bà Hàn không bằng lòng để tôi mua nhà của cô không? Câu hỏi ngộ nghĩnh, khiến Mai phải bật cười: - Thưa cụ, cháu không biết tại sao? - Tại... Ông Hàn đương nói dở câu, bỗng ngừng lại, bảo ông Hạnh: - Này ông già, ông xuống nhà giục nó đun nước mau lên. Mai vội đỡ lời: - Thôi, xin cụ cho phép cho, chúng cháu không khát. Khi người lão bộc đã xuống bếp, ông Hàn liền ghé lần lại chỗ Mai, khiến cô sợ hãi vội lùi một bước. Ông Hàn tươi cười bảo Mai: - Bà Hàn không bằng lòng để tôi mua nhà của cô là vì cô đẹp lắm. Mai vừa xấu hổ vừa tức giận, nguây nguẩy toan bước ra sân. Ông Hàn nói tiếp: - Tôi khen cô đẹp thì đã làm sao cô mà cô giận? Mai nghiêm sắc mặt nói: - Thưa cụ, cụ nói cụ là bạn thầy tôi, vậy tôi cũng như con cụ. - Tôi đâu dám. Thì cô hãy tạm ngồi xuống tôi nói nốt câu chuyện đã nào. - Cụ để mặc cháu. - Câu chuyện tôi sắp nói hay lắm, hay cho cô vì cô bán được nhà, mà hay cả cho tôi, nhưng mời cô hãy ngồi xuống đã. Mai chỉ lo không bán được nhà, nghe ông Hàn nói tới đó thì mừng thầm, cô dằn lòng ngồi xuống. Ông Hàn ngọt ngào nói: - Tôi có ngót ba chục mẫu ruộng ở bên kia Ninh Bắc. Chẳng nói giấu gì cô, đó là ruộng của tôi mua lại cụ Tú nhà khi xưa. Cụ cần tiền đem bán cho tôi, tôi đưa tiền cụ tiêu, từ chối không dám nhận ruộng của cụ, song cụ nhất định không nghe, đòi viết văn tự cho bằng được, thành thử... Mai nhẹ dạ, nghe ông Hàn nói, lấy làm cảm động, với ngắt lời: - Thưa cụ, việc mua bán phải ra việc mua bán chứ, cháu thiết tưởng... Ông Hàn cười tỉnh: - Cô cứ bày vẽ! Cụ với cháu mãi. Tôi đối với cụ Tú nhà chỉ vào hàng con cháu, cô cứ gọi tôi là cụ và xưng cháu với tôi, làm tôi ngượng chết đi ấy. Ông Hàn vừa nói vừa nhích lại gần chỗ Mai, Mai vô tình ngồi yên, khiến ông Hàn tưởng cô đã chịu liền giở giọng tán: - Cô ạ, giá ngót ba chục mẫu ruộng ấy, có người đứng trông coi cho tôi thì tiện biết bao. - Thưa cụ, cụ mua nhà cháu rồi cho người sang đấy để coi. - Không được. Ở bên này ba bà Hàn nhà tôi; ba bà tôi coi ngang nhau chứ chẳng phân cả lẽ, trên dưới gì đâu; ba bà đều có cơ ngơi vườn ruộng cả rồi, không thể cho sang bên ấy được. Mà sai đầy tớ thì không tiện thì phải vợ con mới có thể giao phó cho những việc to tát ấy được. Vì thế tôi đương tìm một bà vợ nữa để đứng trông coi ruộng bên ấy cho tôi, mà tất phải bên làng và trẻ tuổi, trẻ...như cô ấy. Mai nghe nói, hơi cau đôi mày, ngồi lùi về phía tường, rồi nghiêm trang đáp lại: - Thưa cụ, bên cháu chả có ai ra hồn. Ông Hàn mủm mỉm cười, mấy ngón tay vẫn vơ xoa cằm: - Thôi, cô này...nói gần nói xa chẳng qua nói thật...cái nhà của cô ấy mà...không cần cầm bán...cũng có tiền...Tiện cho cô mà tiện cả cho tôi. - Thưa cụ, cụ dạy gì, cháu không hiểu... - Lại còn không hiểu. Nghĩa là cô đứng trông coi nhà cửa ruộng nương bên ấy cho tôi. Mai bỡ ngỡ hỏi: - Thưa cụ... - Ðã bảo đừng gọi người ta bằng cụ mà! Gọi bằng ông hay bằng anh cũng được. Mai hai má đỏ ửng, đứng phắt dậy, ra hiên gọi: - Ông Hạnh! Ông Hạnh! - Làm gì mà cô phải gọi rối lên thế? Mai sợ thất sắc tuy lúc bấy giờ người lão bộc ở nhà dưới nghe tiếng gọi đã vội chạy lên. Cô biết rằng nóng nảy khi gặp sự chẳng lành, liều đấu dịu ung dung gượng cười trở lại chỗ cũ: - Thưa cụ, cháu gọi ông ấy lên để sắp xin phép cụ trở về, vì cụ chẳng thương mà mua giúp nhà đất cho. Thiết Thanh ghé tận tai, bảo sẽ Mai: - Có cô chẳng thương tôi thì có. Mai vờ không nghe tiếng, chắp tay vái chào: - Lạy cụ ạ, chúng cháu xin về. - Hãy thong thả, được nước rồi, uống vài chén chè tàu với tôi đã. Mai lễ phép: - Thưa cụ, qủa cháu nhà quê nhà mùa không biết uống chè tàu. - Thì làm gì mà vội thế? Vậy cả nhà lẫn đất cô lấy bao nhiêu tiền, cô lấy tôi...bao nhiêu tiền? Ông Hàn ta nghe chừng đắc chí vì đã nói được một câu có ý nhị, tình tứ, nhắc đi nhắc lại mãi câu: "Cô lấy tôi...bao nhiêu tiền". Mai không hiểu, ngẫm nghĩ rồi đưa mắt nhìn ông Hạnh. Ông lão bộc đỡ lời cô chủ: - Thưa cụ, đáng giá thì đến nghìn rưỡi đấy. Nhưng vì cụ là chỗ bạn cụ Tú cháu, thì cô cháu chỉ xin cụ chẵn nghìn bạc. Ông Hàn gật gù đọc truyện Kiều: - Thưa rằng giá đáng nghìn vàng. - Ông ta lấy làm tự đắc rằng có tài ứng đối, vui sướng bảo Mai: - Cô bằng lòng nhé? Bằng lòng tôi nhé? Nghìn vàng đấy! Rồi cười ha hả nhắc lại câu chuyện Kiều: "Thưa rằng giá đáng nghìn vàng". Bỗng ông ta ngừng bặt, ngẫm nghĩ, quay ra bảo người lão bộc: - À ông...ông gì? Ông Hạnh, ông giục nước mau cho. Người lão bộc vâng lời xuống nhà, ông Hàn liền dỗ Mai: - Cô nghĩ kỹ mà xem...thật là lợi cho cô nhiều lắm. Này nhé, lấy tôi... Mai tức giận chảy nước mắt, ấp úng đáp: - Thưa cụ... Ông Hàn vẫn thong thả tiếp: - Lấy tôi, tôi làm cho nghìn bạc làm vốn, lại có ruộng vườn, mà vừa được ở nhà ở cửa như xưa, sung sướng biết bao... Không thấy Mai trả lời, ông Hàn lại nói: - Cô bằng lòng đấy nhé?... Mai vẫn không trả lời, vì cô tức uất người, nghẹn ngào không nói được lên tiếng. Cô đã toan cự tuyệt, song nghĩ đến thân gái yếu ớt lỡ bước, nếu không khôn khéo thì khó lòng thoát được tay phàmtục, liền dịu dàng đáp lại: - Thưa cụ... - Thưa ông mà lại... Mai cười gượng: - Thưa ông, cháu tang tóc đâu dám nghĩ tới việc hôn nhân... - Cô cứ bằng lòng là được rồi. Sang năm cô hết trở - có phải sang năm không, cô? - Vâng, sang năm. - Tháng mấy sang năm? Mai cố nén lòng, trả lời: - Tháng sáu sang năm. - Trời ơi! Thế ra còn những mười lăm tháng nữa... mười lăm tháng dài bằng mười lăm năm cho tôi đấy, cô ạ! Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình? Ông Hàn tìm được câu Kiều nữa, lại đắc chí cười ngặt nghẹo. Rồi nói luôn: - Vậy mười lăm năm, à quên, mười lăm tháng nữa, chúng ta hãy làm lễ thành hôn, động phòng huê chúc cũng được chứ gì? Mai không giữ nổi lòng căm tức, nước mắt giàn giụa, nâng vạt áo hỉ mũi, ông Hàn lại gần âu yếm hỏi: - Sao em lại khóc? Mai thấy Hàn Thanh đứng sát cạnh mình liền lùi lại một bước liền vờ tươi cười, cái cười đau đớn hơn tiếng khóc, trả lời chống chế: - Thưa cụ... - Thưa ông, thưa mình... - Thưa ông, tôi nhớ thầy tôi, nên tôi khóc. Hàn Thanh làm bộ thương tiếc cụ Tú: - Khốn nạn! Cụ chả ở dương gian mà mừng cho cón sắp lên bà Hàn. Ngẫm nghĩ một lát, Hàn Thanh đăm đăm nhìn Mai, mỉm cười, rồi lại nói: - Vậy bây giờ tôi đưa cô một nghìn để cô...để em làm vốn và vờ em làm tờ cầm nhà, cầm đất để che mắt thiên hạ hẹn đến tháng sáu năm sau chuộc...Thế rồi...thế rồi đến tháng sáu sang năm...tôi lại giả văn tự cho cô, cho em...Thế thì cô tính có tiện không? - Thưa cụ, cụ hãy cho cháu về nghĩ lại đã. - Còn nghĩ ngại gì nữa? Mỗi cái giấy đây, cô viết cho mấy chữ rồi tôi giao tiền xong, cô biết viết đấy chứ? Mai nghĩ ra được một kế, một kế hoãn binh: - Thưa cụ, cháu không biết chữ. - Viết chữ quốc ngữ cũng được. - Cháu cũng không biết viết chữ quốc ngữ. Thưa cụ, hay thế này, vài hôm nữa mời cụ sang chơi bên cháu, rồi cháu nhờ người trong họ thảo hộ văn tự, với lại bán cũng có chú bác ký tên vào văn tự nữa mới được. - Thế cũng được, thế càng hay, tôi sang thăm nhà cô, nhà chúng ta. Vậy chiều mai tôi sang thăm nhé? Thế thì em ngoan lắm! - Bây giờ, cháu xin phép cụ, cháu về. - Vâng thì cô về. Chiều mai tôi đem tiền sang đấy. Nhà cô mát đấy chứ? - Thưa cụ, cũng khá. - Thế cô ngẫm nghĩ đi nhé. Chớ đổi ý kiền mà rầy rà đấy. Nhà cô mà tôi đã không mua thì tôi đố đứa nào ở vùng này dám mua nổi. Không những thế, còn khốn khổ cực nhục với tôi nữa kia. Những ấy là nói phòng xa đấy thôi, chứ chắc cô thương tôi lắm rồi. Ông Hàn trong lòng sung sướng, lại ngâm một câu Kiều nữa: - Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên. Mai cắp nón vái chào: - Lạy cụ ạ, cháu xin về. Hàn Thanh cười: - Không dám, em về nhà, thế chiều mai em nhớ nhé...À tên là gì nhỉ? - Thưa cụ, cháu tên là Mai. Thanh Mai! Thanh Mai! Ðôi ta có lẽ se lại bởi duyên giời. Thanh Mai, hay lắm! Mai đã bước ra tới sân, gọi ông lão Hạnh ra về, ông Hàn còn dặn với một câu: - Vậy mai nhé, Mai? Rồi ông ta lấy làm bằng lòng rằng đã tìm được chữ Mai có hai nghĩa, mỉm cười vân vê bộ ria, đứng nhìn theo, nhắc lại một lần cuối cùng: - Chiều mai nhé, Mai! Mai không trả lời, không quay lại, đi thẳng ra cổng. Mặt trời đã lên cao, điểm ánh nắng lên dãy núi Tam Ðảo như vẽ chỗ tím, chỗ xanh. Một đám mây trắng nhỏ vờn ngang sườn núi như một làn khói nhạt. Trên một ngọn đồi phản chiếu ánh sáng vàng, thơ thơ mấy cây thông, lá xanh đen xòe ra như những cái tàn cắm lên lưng con rùa. Cũng cảnh ấy, hôm qua Mai ngắm thấy bao tình tứ ẩn núp ở trong, mà hôm nay Mai chỉ thấy nhuộm một sắc buồn. Cho đến tiếng chim xuân ríu rít hót trên cành, Mai nghe như toàn những lời mai mỉa. Hai người lẳng lặng đi bên cạnh nhau, không ai nói với ai nửa lời. Bỗng Mai bưng mặt khóc. Lão bộc buồn rầu hỏi: - Sao cô khóc thế? - Ông Hàn nhận lời mua nhà cho cô, cô còn buồn nỗi gì? - Mua nhà à? Mua người ấy? Ông lão không hiểu, nhưng biết rằng cô chủ đương có sự gì đau đớn lắm, nên không dám hỏi nữa. Còn Mai tuy người mỏi mệt, mà trời lại hơi oi, nhưng vẫn dấn bước trên đường cho mau về tới nhà. Là vì cái hình ảnh Hàn Thanh vẫn còn lẩn quẩn trong tâm trí cô, khiến cô sợ hãi, lúc nào cũng có cảm giác bị người đuổi theo sau. Về tới nhà gọi cổng. Người ra mở cổng không phải là con bé bên hàng xóm mà ông lão bộc nhờ trông nhà hộ, nhưng lại chính là Lộc. Mai ngơ ngác không kịp chào hỏi. Cô vừa kinh ngạc, vừa sung sướng, không nói được nửa lời. Lộc vồn vã tươi cười: - Chào cô, tôi ở Phúc Yên đi chuyến xe tám giờ về thăm cô và xem cô có bán được nhà không. Tôi hỏi thăm mới tìm được nhà của cô. Khi đến nơi, gặp con bé con, nó nói cô sang nhà bên cạnh. Mai e lệ vẫn không trả lời. Lộc lại nói: - Vậy công việc của cô ra sao? Ðã dạm bán nhà cho ai chưa? Mai se sẽ đáp: - Thưa ông, không có ai mua. Xin mời ông lên nhà ngồi chơi. Rồi cô quay lại bảo ông lão Hạnh: - Ông lên nhà giải chiếu mới ra mời quan Tham ngồi chơi, tôi xuống nhà đun nước. Rồi cô chào Lộc, chạy vụt xuống bếp. Trong khi Mai lúi húi đun nước thì ở nhà trên Lộc ngồi hỏi chuyện ông lão Hạnh về công việc bán nhà, bán đất: ông lão già chỉ biết rằng buổi sáng cùng Mai sang dạm bán nhà cho ông Chánh Thanh, còn việc thuận hay không thuận mua thì ông ta cũng không rõ. Ở dưới nhà bếp, siêu nước chè tươi sôi đã lâu, và Mai đã dập tắt lửa, song cô vẫn không dám lên nhà lấy ấm tích xuống rót nước. Cô sợ, cô sợ ông Tham Lộc cười cảnh nhà cô thanh bạch. Những người xưa giầu có nay bị sa sút vẫn có cái tư tưởng ấy. Cô đương loay hoay nghĩ ngợi, tay cầm que để cời tro, thì ông lão bộc ở trên nhà đi xuống. Cô vội hỏi: - Lấy gì đựng nước được, ông Hạnh? - Cô để tôi lên lấy ấm tích. - Cái ấm tích không nắp ấy à? - Thì thưa cô cả nhà có mỗi cái ấm ấy. Mai mỉm cười ngượng nghịu: - Thôi cũng được! Vậy ông lấy xuống, đánh cho sạch cáu vối bám xung quanh đi...Nhưng còn chén? - Uống bát cũng được, cô ạ. - Không được! Hay ông...lấy tạm chén thờ cụ? Ông già nhăn nhó: - Chết! Sao lại lấy chén thờ? - Thôi cũng được! Ông cứ nghe tôi, phải tội tôi chịu. Năm phút sau, ông Hạnh kính cẩn bưng đặt lên giường cái khay thờ trong đựng cái ấm tích không có nắp và hai cái chén cổ bịt đồng. Mai cũng theo lên nhưng đứng nấp ngoài hiên, ghé mắt nhìn qua khe cửa, không dám vào. Lộc hỏi ông lão Hạnh: - Cô Mai đâu! Ông mời cô lên xơi nước. - Thưa thầy, cô cháu không dám, mời thầy xơi nước. Miệng nói tay rót nước ra chén. Lộc sợ ông Hạnh ngờ mình có tư tình gì với Mai, liền kể lể: - Ông lão à! Tôi với cô Mai đây cũng giống như anh em ruột. Ngày trước cụ Tú ngồi dạy học ở nhà tôi, khi cụ thân sinh ra tôi còn là Tri huyện Ðông Anh kia. Vậy tôi là môn sinh cụ Tú thì cũng như anh cô Mai. Mai đứng ngoài mỉm cười vì cô nghe Lộc nói dối. Thật ra không bao giờ Lộc có học cụ Tú. Tuy nhiên Mai thấy trong lòng sung sướng, cô cho là sự nói dối kia rất có ý nghĩa, rất có tình tứ. Rồi cô lẩm bẩm nói đùa một mình: - Nếu là môn sinh thật thì đối với ta là chị chứ anh em sao được! Lộc ngồi uống nước, mãi không thấy Mai lên lấy làm sốt ruột bảo ông Hạnh: - Ông lão xuống nói với cô Mai hộ tôi rằng tôi xin về. Mai nghe nói hoảng hốt không kịp giữ gìn vội vàng bước vào trong nhà chắp tay, ấp úng chào mời. Lộc úi đầu đáp lễ: - Mời cô xơi nước. - Bẩm quan, tôi không dám. - Thế nào cô, nhà đất có bán được không? - Bẩm không...bán được. Lộc thương hại, an ủi: - Càng hay cô ạ. Thực ra tôi không muốn cô bán nhà...bán bàn thờ cụ Tú. Lão bộc thấy Lộc nói trúng ý mình lấy làm thích chí cười bảo Mai: - Ðấy cô coi, quan Tham cũng nói thế đấy nhé. Thế mà cô nỡ đem bán đi. Ðến mai người ta sang làm văn tự thì còn nói năng gì nữa. - Vậy ra cô tìm được người mua nhà rồi đấy. Thế mà cô định giấu tôi. Mai nghĩ tới chuyện xãy ra buổi sáng phần tức giận, phần xấu hổ, không sao nói được nên lời, chỉ gầm mặt xuống, nuốt ngầm nước mắt. Lộc lại hỏi: - Vậy bán được bao nhiêu tiền? Lão bộc đáp: - Bẩm một nghìn. - Có một nghìn rẻ lắm cô ạ! Cô cứ nghe tôi đừng bán. Mai se sẽ trả lời: - Nhưng thưa quan, có bán được đâu! - Sao cô cứ giấu tôi mãi thế? - Bẩm thực ạ, không bán được. Ông Hạnh ông ấy nghễnh ngãng nghe không ra đấy thôi. Nhưng mà không bán được lại tốt bằng một trăm... Lộc an ủi: - Không lo cô ạ, đã có tôi giúp đỡ. Tôi về đây hôm nay chỉ có một mục đích ngăn không để bán nhà. Về việc học của cậu Huy tôi có thể giúp cô được. Ông lão Hạnh cảm động bước lại gần sát chỗ Lộc ngồi để nhìn cho rõ mặt người ân nhân của nhà cụ Tú mà có lẽ Trời Phật thương tình đã dắt lại. Rồi ông lão vừa đưa tay lên dụi mắt vừa nói: - Quan Tham đáng là môn sinh cụ Tú lắm. Lộc hơi ngượng, nói lảng để ngắt lời người lão bộc: - Vậy ra nhà không bán được đấy. Tôi đã nói có sai đâu. - Nhưng quan... - Thôi cô cứ gọi ông hay anh tiện hơn, cô ạ! Mai đứng lặng ngẫm nghĩ, vì cô lại nhớ tới câu chuyện buổisáng, nhớ tới những lời lả lơi của ông Chánh Thanh, mỗi khi cô gọi ông ta là cụ. Cô bỗng có một cảm tưởng chung về bọn đàn ông, cho rằng đứng trước mặt bạn gái họ không bao giờ giữ được ngôn ngữ cử chỉ đứng đắn. - Thế nào, sao cô lại im? Mai ngửng phắt đầu lên, nhìn thẳng vào mặt Lộc trong lòng căm tức. Nhưng khi cô thấy cặp mắt Lộc dịu dàng có vẻ chân thật thì cô lấy làm ân hận rằng ngờ oan cho người có lẽ đối với mình chỉ chỉ có tấm lòng thương hại. Từ từ cô cúi đầu cất giọng run: - Thưa ông đến mai... Mai như nặng lời không nói được nữa. Lộc đoán chắc mới xãy ra việc gì phi thường liền đứng dậy lại gần chỗ Mai, hỏi: - Cô có việc gì thế cô, cô cứ nói, tôi sẽ giúp cô. Mai ấp úng: - Ðến mai ông Hàn Thanh sang đây. - Ông ấy sang mua nhà cô phải không? Mai bẽn lẽn đáp: - Không phải. Lộc nóng ruột muốn biết ngay câu chuyện, hỏi dồn: - Thế sang làm gì? ...Ông ta người ở đâu? ...Ông ta định sang đây làm cái trò gì? Mai lại cố bình tĩnh đem chuyện ban sáng kể qua cho Lộc nghe. Lộc mặt đỏ bừng, mắm môi trợn mắt, nhìn thẳng như mắng ai đương đứng trước mặt: - Thằng đểu...! Mai thấy thế trong lòng sung sướng, lại càng bịa đặt thêm vào cho câu chuyện có vẻ bi quan. Rồi cô kết luận: - Ðấy ông coi, những điều tôi thưa cùng ông hôm qua có sai chút nào đâu. Ở làng mà đã dễ được yên thân ư? Bị bọn cường hào họ hà hiếp, còn khó bằng mấy mươi bị lưu lạc ở nơi thành thị. Nhưng bây giờ thì thực tiến, thoái lưỡng nan. Ði cũng dở, vì không bán được nhà, lão Hàn ấy đã thù thì không những không bán được nhà mà còn khổ sở với lão ta... Lộc nói to: - Cô không sợ! Có bác tôi làm quan ơ Phúc Yên, cô không sợ. Mai thở dài: - Thưa ông, ở nhà quê họ thù ngấm thù ngầm, quan xa biết đấy là đâu. Ông lão Hạnh cũng góp một câu: - Bẩm quan lớn, chính thế đấy. Cách đây dăm năm ông Hàn Thanh có chuyện hiềm khích lấy tranh nhau một vợ lẽ, mà ông ta đã đốt nhà ông Ấm Cả, ở bên làng Thượng. - Sao không kiện? - Bẩm bằng cớ đâu kiện. Việc ấy dai dẳng mãi rồi sau cũng thôi. Cả hàng tổng đều biết đích là ông Chánh Thanh sai người đầy tớ đốt nhà ông Ấm, nhưng không có tang chứng, câu chuyện rồi cũng không ra manh mối. Ấy ông ông Ấm là người có thân thế đấy. Lộc tức tối, đi đi lại lại trong ba gian nhà, miệng lẩm bẩm: - Thế thì ở nhà quê, khó chịu quá nhỉ! Rặt một phường cá lớn nuốt cá bé! Ông lão Hạnh lại bàn: - Hay là cô bằng lòng quách. Ở riêng một mình một dinh cơ, lại có vườn có ruộng! Mai buồn rầu nhìn người lão bộc: - Ông lại khuyên tôi câu ấy ư? - Cô nghĩ kỹ mà xem, bà Hàn ba cũng sung sướng đấy nhé, sung sướng bằng mấy bà cả, bà hai. Cô lại lấy lòng ông Hàn thì chắc còn sung sướng bằng mấy bà ấy nữa chứ lại. Mai mỉm cười chép miệng: - Lúc quẫn bách có lẽ cũng phải liều, chứ biết sao. Lộc đứng đăm đăm chờ Mai đáp lại ông lão bộc ra sao. Nghe câu trả lời chàng cười gằn: - Vậy cô bằng lòng đấy? - Thưa ông quý hồ em Huy có tiền ăn học. - Thì tôi đã bảo cô, cậu Huy tôi trông nom cho mà lại hay cô về Hà Nội thuê nhà ở chung với cậu Huy? Mai cười: - Trước tôi bàn thế thì ông lại gạt đi, nay ông lại khuyên tôi về Hà Nội. - Trước khác bây giờ khác. Cô phải nhớ rằng ngày mai lão Hàn sang đây. Nghe lời nói và ngắm điệu bộ của Lộc, Mai đứng im lặng, mỉm cười sung sướng và cúi xuống vớ vẫn cấu cuống chiếu. Lộc bàn: - Việc này phải cả quyết, và làm cho mau chóng, cô nên đi Hà Nội ngay hôm nay, giao nhà cho ông Hạnh trông coi. Mai lão Hàn có sang đây, ông Hạnh sẽ nói với lão ta rằng vì cậu Huy ốm nặng, cô phải về Hà Nội ngay, như thế sẽ tránh được thù hằn nhỏ nhen của nó, rồi sau này có xảy ra sự gì, ta sẽ liệu. Mai ngẫm nghĩ, rồi thốt nhiên hỏi: - Ăn cơm xong, đi có còn kịp tàu không thưa ông? - Còn kịp, còn kịp chán. Lộc rút đồng hồ ra xem giờ rồi nói luôn: - Bây giờ mới một giờ mà bốn giờ mới có xe hỏa. Vả nếu nhỡ chuyến bốn giờ thì ta đi chuyến sáu giờ cũng được kia mà. Lộc cảm động, nói rất nhanh. Còn Mai, Mai cũng cảm động, hai má đỏ bưng. Từ đó hai người không dám nhìn nhau nữa, tưởng như cũng đương mưu đồ một việc gì ám muội. Mai bỗng bảo ông Hạnh: - Ông đứng hầu quan Tham, tôi chạy qua ra chợ xem có gì ăn không? Lộc vội gạt: - Thôi cô ạ, bày vẽ làm gì, ăn quàng qué cho xong để còn đi. Bữa cơm hôm ấy Mai cố làm thật lịch sự, tuy chỉ có cơm hẩm và một con cá chép vừa nấu, vừa rán, bày trong một cái mâm gỗ sơn son, nhưng mà Lộc cho là xưa nay chưa được ăn chưa được ăn bữa cơm nào ngon miệng bằng Tiểu gia đình Một năm sau. Trong một căn nhà ở phố Yên Phụ, bên hồ Trúc Bạch, một gia đình sống trong cảnh sung sướng êm đềm. Một người chồng làm tham tá ở công sở, một người vợ và một cậu học trò năm thứ tư trường Bưởi. Ðó là gia đình Lộc và Mai. Từ khi Lộc đưa Mai về Hà Nội, thuê nhà ở cho hai chị em Mai ở trọ trong làng Bưởi nay đã gần mười hai tháng. Trong mười hai tháng đã xảy ra bao nhiêu sự buồn, khổ, mừng vui! Trong thời kỳ ba tháng đầu. Mai ở chung với em, không ngày nào Lộc không đến chăm nom săn sóc. Mà tình cảm một ngày một nặng, chẳng bao lâu đã đổi sang tình yêu. Rồi một buổi chiều, buổi chiều ấy Mai còn bao giờ quên được! Ðứng bên làn nước biếc in trời, Lộc ngỏ lời xin lấy Mai làm vợ. Biết bao âu yếm trong đôi mắt nhìn nhau..Mai nhỏ luỵ rồi quay mặt đi...Mai sung sướng quá...Mai không ngờ đâu lại có ngày hôm ấy trong đời Mai. Nhưng giá ngay buổi tối, Mai được mục kích một tấn kịch diễn trong một căn nhà ở phố H, thì chắc sự sung sướng của nàng cũng chỉ đến đó thì kết liễu. Lộc về đếnnhà đem đầu đuôi câu chuyện kể cho mẹ nghe, người mẹ mà Lộc kính mến, mà Lộc chưa từng trái lệnh một lần. Nào những Mai là con nhà nho giáo, Mai tốt với em, Mai bị quẫn bách, Mai bị hà hiếp. Mai là một cô gái hoàn toàn, về dung nhan và đức hạnh, và Lộc xin phép mẹ cưới Mai làm vợ. Khốn tay Mai chỉ hoàn toàn đối với Lộc mà thôi, chứ đối với bà Án thì Mai chỉ là một cn bé khốn nạn, vô giáo dục, một con bé trong đám hạ lưu không đáng làm vợ một quan tham tá. Những lời tấn tụng của con, bà Án để ngoài tai hết. Bà cho con bà dại dột bị lời ngon ngọt của một cô gái giang hồ cám dỗ. Bà nói: - Nếu nó bằng lòng mày thì biết đâu nó lại không bằng lòng người khác. Mày phải biết chỉ có vợ cha mẹ hỏi cho, có cheo có cưới mới quý, chớ đồ liễu ngõ hoa tường, thì mầy định đưa nó về để bẩn nhà tao hay sao? Lộc sợ hãi kiếm lời chống chế: - Bẩm mẹ, nhưng người ta có phải là phường liễu ngõ hoa tường đâu, người ta là con một ông Tú kia mà. Bà mẹ càng nổi cơn thịnh nộ: - Nhưng mầy phải biết, nó đã bỏ nhà bỏ cửa trốn lên Hà Nội, thì còn là người tử tế sao được! Lộc càng tức giận: - Bẩm, con đã bẩm mẹ rằng người ta mồ côi cha mẹ bị bọn cường hào ức hiếp mới phải trốn tránh. - Mày tin gì được lời nó nói. Vả lại tao đã hỏi con quan Tuần cho mày, người ta đã thuận gả. Mày tưởng chỗ người lớn với nhau, nói trẻ con được đấy hẳn. Nghe mẹ nhắc tới con quan Tuần, Lộc hơi chau mày, thưa lại: - Bẩm mẹ, con đã xin mẹ đừng hỏi đám ấy cho con, con không bằng lòng. Bà Án xỉa xói vào mặt con: - À, mày giở văn minh ra với tao à? Tự do kết hôn à? Mày không bằng lòng nhưng tao bằng lòng. Mày phải biết lấy vợ gả chồng phải tìm chỗ môn đăng hộ đối, chớ mày định bắt tao thông gia với bọn nhà quê à? Với bọn cùng đinh à! Mày làm mất thể diện tao, mất danh giá tổ tiên, mày là một thằng con bất hiếu. Nghe chưa? Lộc thấy mẹ giận dữ, quát tháo, liền cúi đầu tạ lỗi và xin cam đoan vâng lời mẹ dạy. Xưa nay Lộc vận là người con có hiếu. Sáng sớm hôm sau, Lộc đến thăm Mai và Huy, nói dối người yêu rằng đã xin phép lấy Mai khiến Mai sung sướng suýt ngất người, và Huy cảm động quá, lại bắt tay Lộc một cách thân mật để tỏ lòng tạ ơn. Suốt một tháng trời, Lộc bày mưu lập kế để lấy cho được Mai mới nghe, vì chàng yêu Mai đã đến cực điểm. Kể ra giá chàng cứ thú thực với Mai rằng mẹ chàng không bằng lòng cho chàng kết hôn cùng Mai, nhưng ngoài Mai ra chàng không thể yêu được một người nào khác, thì có lẽ Mai cũng vì chàng mà hy sinh hết trinh tiết cùng danh dự, hy sinh cả cái đời thanh niên. Thực vậy, từ ngày nàng gặp Lộc đến nay, trái tim nàng đã nhiều lần hồi hộp vì những tính tình cao thượng, những tư cách hành vi quân tử của chàng. Nàng chỉ mong có dịp báo đáp ơn sâu. Những khi nàng tưởng tới cha thì nàng nhớ đến lời phụ huấn: "Ở đời không có gì xấu hơn sự quên ơn. Cừu nhân, ta không sợ bằng ân nhân. Ta chỉ lo sẽ xảy ra sự gì khiến ta không thể trả được ơn, chứ đối với kẻ thù thì không có khí giới nào mạnh bằng lòng hữu ái. Lòng hữu ái ấy, nếu ta đem ra đối đãi với ân nhân thì chẳng hóa ra ta đặt ân nhân ta ngang hàng với kẻ địch của ta ư? " Lời dạy của cụ Tú Lâm đủ tỏ rằng tuy cụ là môn đồ Khổng học mà trí thức, tư tưởng cụ, cụ đặt hẳn ra ngoài vòng kiềm tỏa của nho giáo. Vì cứ theo lời đức Khổng thì phải đem điều đức báo điều đức, đem điều trực báo điều ác. Có lẽ cụ Tú cho như thế còn tầm thường lắm; tuy vẫn là một tư tưởng thiết thực của đạo làm người nhưng có chí cao thượng! Dịp ấy chính là buổi chiều hôm Mai được nghe lời trần tình thành thực của Lộc, Mai mỉm cười. Người thế tục chắc cho cái nụ cười ấy là nụ cười sung sướng. Không phải, sự sung sướng đến cực điểm ngay từ ngày Mai được quen biết Lộc. Cái nụ cười của Mai ở đây có ý nghĩa khác: Mai nghe như lương tâm Mai thì thầm: "Thì ông không biết cái thân này, cái linh hồn này đã là của ông rồi hay sao? Hà tất ông còn phải xin, phải van!" Ý tưởng ấy ở trong trí não chạy qua xuống trái tim, khi ra đến cặp môi thì nở thành nụ cười. Vậy thì nụ cười ấy chỉ có nghĩa chất phác, chân thật, chứ không hề ngụ một tư tưởng dục tình. Vả lại, Mai cũng không hề ngờ rằng, không từng hy vọng rằng đối với mình, một người trong hàng quý phái ngỏ lời xin lấy làm vợ như thế. Giá người ấy không phải là Lộc thì Mai cho ngay là anh chàng tán tỉnh để được hưởng chút đặc quyền trong giây lát. Nhưng người ấy là Lộc mà Mai kính yêu, thì dẫu nàng xin hết thảy các đặc quyền, những đặc ân, nàng cũng chẳng từ chối. Ý tưởng ngộ nghĩnh ấy. Ta cho là ngộ nghĩnh, chỉ là kết qủa một nền giáo dục có thể gọi là lãng mạn. Bàn về cái hay, cái dở của nền giáo dục ấy là công việc của các nhà xã hội học, một nhà soạn tiểu luân lý học. Tác giả chỉ là thuyết nghĩa, là chỉ tả ra những cảnh ngộ, những tình trạng, những tính tình của một xã hội, của một thời đại mà thôi. Ba ngày sau hôm trần tình của hai người, Lộc đưa tới nhà Mai một bà cụ mà chàng nhận là mẹ. Bà cụ xem ra bằng lòng Mai lắm, khiến Mai sung sướng quá, nhan sắc tăng lên bội phần. Còn Huy thấy chị sung sướng thì cảm động chảy nước mắt. Bà cụ nói đáng lẽ về tận làng Ninh Bắc để thưa chuyện với ông chú, bà bác bên nhà Mai. Nhưng chắc Mai sợ bên ông Chánh Thanh thù hằn thì cũng chẳng dám về. Mai đứng hầu chuyện, e lệ cúi đầu. Nàng nghĩ tới họ hàng mà chán ngán. Vì thế, tuy ở Hà Nội nàng có một người bác làm Thông Phán, mà nàng cũng giấu, không nói cho bà cụ biết, nàng trả lời vắn tắt: - Bẩm cụ, cụ không hề nghĩ tới nhà con nghèo khó mà thương tới con. Mai nói được có thế. Qua một tuần lễ. Ngày nào cũng vậy, Mai chẳng làm gì hết, chỉ ngồi nghĩ vơ nghĩ vẫn nhì vơ nhìn vẫn, chờ Lộc tới để bàn về việc cưới. Mai lấy cớ rằng chưa hết trở nên cũng không bày vẽ ra sắm sửa nhiều thứ, nói chỉ nên dùng cái lễ nghi bắt buộc phải có để thành vợ, thành chồng mà thôi. Nghe Mai nhắc tới tang cụ Tú, Lộc hơi ngượng hỏi: - Không biết có trở lấy nhau, họ dị nghị không nhỉ? Mai trước khi đáp lại, đưa mắt nhìn Lộc, thấy chàng buồn rầu, có ý mong đợi câu trả lời của mình, Mai lấy làm thương hại. Ở đời, Mai chỉ tưởng đến hạnh phúc của hai người: Huy và Lộc. Ngoài ra nàng không cần một sự gì hết. Lễ nghi? Lễ nghi? Thì người đặt ra lễ nghi đã biết đâu là hoàn toàn có lý. Vả lễ nghi ấy đem so sánh với tính tình cao thươ;ﮧ của nàng đã dễ sánh kịp chưa? Bởi vậy, Mai mạnh bạo trả lời: - Nếu cho là bất hiếu, cho là làm trái lễ nghi thì chúng ta yêu nhau thế này cũng bất hiếu, cũng trái với lễ nghi. Lộc nghe Mai nói xong, sung sướng đăm đăm nhìn nàng, mỉm cười... Chiều hôm ấy, Huy ở trường về hơi muộn, nét mặt rầu rầu. Chị hỏi chuyện, Huy chỉ ứa nước mắt mà không nói. Mai đoán chắc đã xảy ra sự gì chẳng lành. Hỏi gạn, thì Huy do dự một lúc rồi thì thầm: - Chị em ta khổ lắm chị ạ. Mai gượng cười: - Chuyện gì mà bí mật thế em. - Thôi, thà chị không biết còn hơn. - Không, cứ nói, dẫu sao chị cũng không sợ mà. - Chị ạ, ai ngờ người thế... Mai vội vàng hỏi: - Người nào? Người nào thế em? - Người ấy... Anh Lộc ấy? - Em im ngay. Anh Lộc là người em không thể bình phẩm bậy bạ được. Huy tức quá, cười gằn...Nhưng hối hận xin lỗi chị ngay: - Chị tha lỗi cho em. Nhưng chắc sắp xảy ra sự gì đây...Cái bà cụ đến đây tuần lễ trước không phải là thân mẫu của anh Lộc đâu. Mai đứng thừ người ra ngẫm nghĩ, không trả lời. Huy tưởng chị ngờ mình bịa đặt hay là đoán phỏng, liền lại nói tiếp: - Ban nãy, em đi qua phố H, thấy anh Lộc ngồi nói chuyện với một bà ở trong nhà số 224. bà ta còn khỏe và khuôn mặt trông giống khuôn mặt anh Lộc lắm. Em đứng lại nghe, thấy anh Lộc kêu bà kia là mẹ. Em hỏi người anh em bạn thì biết đích rằng bà ấy là bà Án... Mai cười, ngắt lời em: - Sao em lại nghe trộm như thế? Xấu lắm em ạ. Nhất là em lại tò mò đi hỏi chuyện nhà người ta. Huy nghe chị cự lấy làm tức tối quay đi. Mai chạy theo gọi lại buồn rầu bảo: - Chị xin em làm ơn cho chị một việc này nhé: Em đừng đá động gì đến chuyện ấy với anh Lộc. Thế rồi Mai Lộc, hai người lấy nhau. Rồi Lộc thuê nhà bên hồ Trúc Bạch ở với Mai và Huy. Xưa nay Lộc vẫn ở với mẹ. Lần này Lộc phải nói dối mẹ xin phép đi thuê một gia phòng ở biệ hẳn một nơi cho được tĩnh mà học thêm để cuối năm thi tham tá ngạch tây. Bà Án tuy cũng bằng lòng, nhưng vẫn ngờ vục con tó tình nhân. Bà chưa quên câu chuyện Lộc xin lấy con Tú Lâm. Vì thế, bà nhắc cho Lộc biết rằng bà đã ngỏ lời với bà Tuần đến tháng tám xin làm lễ nghênh hôn. Lộc làm ra bộ tươi cười xin mẹ hãy cho thi đậu vào ngạch đã rồi hãy cưới vợ cũng không muộn, chỉ đến sang năm là cùng. Từ đó Lộc sợ mẹ đến nhà riên thăm mình nên ngày nào cũng ít ra một lần thân lại nhà mẹ vấn an ân cần lắm. Nhưng ngày xưa nay bọn đàn ông ta khó lòng giấu nổi, khó lòng lừa dối nổi phái phụ nữ, nhất là người ta định lừa dối lại là mẹ ta. Mắt người mẹ đoán thấu ý nghĩ của con còn tinh gấp mấy mắt người vợ, mắt người tình đoán được tư tưởng của chồng, hay của người yêu. Bà Án xét từ ngôn ngữ, cử chỉ cho chí tính nết vui cười cặp mắt nghĩ ngợi viển vông của con thì bà biết ngay rằng con đương đắm đuối trong bể ái. Bà liền cho người rình mò để biết chỗ ở của Lộc. Nhưng, nếu bà khôn thì Lộc cũng ngoan. Những người nhà à phần nhiều là tay trong của Lộc. Lộc cho chúng tiền luôn luôn nên dầu có tìm được nhà chàng, chúng cũng về nói là không thấy, hoặc nói dối là chỉ thấy chàng ở một mình. Về phần Mai, thì tuy được hưởng hạnh phúc êm đềm của ái tìn đằm thắm, song vẫn thấp thỏm hình như tâm linh báo trước cho biết rằng không khỏi xảy ra sự trắc trở sau này. Nhiều lần nàng toan ngỏ lời với Lộc rằng nàng biết hết những sự bí mật của Lộc, và xin phép Lộc về lạy mẹ để tạ tội. Nhưng Mai lại sợ làm phật lòng người yêu, hoặc làm cho người yêu phải buồn rầu: Lộc đương sung sướng mê man trong giấc mộng êm đềm, nàng không nỡ đánh thức vội. Trong nhân loại có một hạng người đa cảm đến nỗi thà chịu khổ còn hơn là đứng ngắm cái khổ của người khác. Vì thế, họ hay nghĩ đến hy sinh sự nọ, hy sinh sự kia. Mai cũng đáng liệt vào hạng ấy. Huống những người mà nàng muốn vì họ hy sinh lại là hai người thân nhất trên đời. Bởi vậy, dẫu biết mình đương ở trong hoàn cảnh khó khăn, nàng vẫn tươi tắn vui cười như thường. Em có nhắc tới câu chuyện ám muội của Lộc thì nàng cũng chỉ van xin. - Chị lạy em, em để cho chị được sung sướng ngày nào hay ngày ấy. Em nhắc tới những chuyện xa xôi cũng vô ích. Anh Lộc yêu quý chị em mình thế, em chưa cho là đủ hay sao?