Quảng cáo LH: 0128.543.5547
Online: 1
Bây giờ: 2024-05-14 06:57
Chỉ với 500đ có cơ hội trúng iphone 4, Card (100k, 20k, 10k), hàng trăm game, nhạc chuông, hình ảnh miễn phí (ko tin đừng vào)
Chung Thủy Là Hạnh Phúc
Mới sáu giờ sáng thứ hai, Ðan Nghi đã khá thướt tha trong bộ quần áo dài gấm trắng muốt. Cô bé đi ra đi vào trong sân, miệng nhóp nhép nhai chewing gum. Nhìn vẻ nôn nóng của cô con gái, bà Huyền bảo: - Ngồi một chỗ mà chờ vẫn còn hơn là đi tới đi lui, nhìn con mẹ chóng mặt quá. Nghi càu nhàu: - Ngồi một chỗ con không chịu nổị Phải làm một cái gì đó để đốt thời gian chớ mẹ. Liếc nhìn đồng hồ, Nghi nguyền rủa: - Cái thằng bốn mắt này ngủ quên hay sao mà giờ này vẫn chưa ló mặt tới. Hừ! Mai mốt mẹ đừng bắt con đi với nó nữa. Ðầu năm học đã phải dài cổ để chờ, coi chừng tới cuối năm con thành hươu cao cổ mất. Hừ! Thằng cận này là quỷ! Bà Huyền cau mày: - Lớn rồi! Con không thay đổi cách xưng hô cho dễ nghe được hay sao Nghi? Mẹ chưa bao giờ nghe Khôi gọi con là nó, trong khi con mở miệng là thằng này thằng nọ. Ðan Nghi xụ mặt: - Mồm mép nó... ủa quên mồm mép Khôi chả vừa đâu. Nó toàn gọi con là "đi ngang" không hà, sao mẹ không mắng nó chứ! Bà Huyền bật cười: - Có như vậy cũng vừa với con. Ðan Nghi chưa kịp nói tiếp đã nghe tiếng kèn xe ngoài cổng. Con bé chào mẹ rồi ào ào ôm cặp bước ra. Giọng Nghi hầm hừ: - Làm gì tới trễ dữ vậy... lão cận? Vẫn thái độ trầm tĩnh ung dung như ông cụ non, Khôi đưa tay sửa gọng kính rồi nói: - Trễ đâu mà trễ, tại... mấy người ham đi học sớm nên mới tưởng như vậy. Ngồi sau lưng Khôi, Nghi bĩu môi: - Xí! Ai thèm ham vào lớp sớm chứ! Giọng Khôi lấp lửng thật dễ ghét: - Ai thì người đó biết. Nghi gân cổ lên: - Ðầu năm đi sớm vẫn hơn. Vẫn cái giọng ông cụ, Khôi chậm rãi nói: - Học cả tuần, học quanh năm suốt tháng còn đầu năm gì nữa. Nghi muốn vào sớm chắc phải có vấn đề... Thổi chewing-gum nổ cái bóc, Nghi vờ vịt: - Ðúng là không có chuyện gì qua nổi bốn mắt của Khôi. Chả là hôm nay Nghi hứa khao tụi con gái 1 chầu kem. Khôi nhíu mày: - Về chuyện gì nhỉ ? Nghi vừa nhóp nhép kẹo cao su vừa trả lời ậm ự: - Chuyện từ hồi hè ấy mà! Nhớ không ? Khôi kêu lên: - À, nhớ rồi! Bài thơ đã xưa như trái đất giờ lại bới móc lên để tốn tiền. Ngốc vừa vừa thôi! Ðan Nghi nổi cáu: - Tự nhiên mắng người ta ngốc. Ông quả là ngố, chả hiểu thế nào là câu "Quân tử nhất ngôn". Tui đã hứa với tụi nó nếu có bài đăng Mực Tím là khao. Chuyện xảy ra từ hè, nhưng chưa khao thì bây giờ phải nghiêm túc thực hiện vì danh dự của mình chứ! Khôi tung ra 1 câu nghe thật dễ xa nhau: - Người ta dễ chết chìm vì danh dự hão lắm. Ðan Nghi cụt hứng, cô bé nhai ngấu nghiến chewing-gum rồi tiếp tục thổi lốp bốp bên tai Khôi cho bõ ghét. Nghi biết cu cậu chúa ghét cái trò mà cu cậu gọi là lai căng này. Quả là Nghi không sai, cô phùng má cho bong bóng nổ chừng mới 1 phút thì đã nghe giọng Khôi bực tức: - Ðẹp cái trò du côn ấy đi mà Nghi. Mình đã thỏa thuận rồi còn gì! Ðan Nghi vẫn nghiến răng: - Vâng! Thưa... ông để con nuốt... nó cho vừa lòng ông ạ! Khôi kêu lên thảng thốt: - Trời ơi! Sao lại nuốt ? - Chớ... phun xuống đất cho ông mắng là phá hoại môi trường thành phố hả ? - Nghi mát mẻ. Kh@´i tấp xe vào lề ngay 1 thùng rác công cộng rồi hất hàm: - Nhả... đại đi, không thì trễ thật đó! Ðan Nghi cười. Ðúng là lão già khó chịu. Cô bé nhả vội miếng kẹo cao su vào thùng rác rồi leo lên xe cho Khôi chở tiếp. Tới chân cầu chữ Y xe dồn cứng ngắc, Nghi chắt lưỡi: - Tiêu đời rồi! Ðã bảo phải đi sớm hơn mà không chịu nghe. Khôi gắt: - Ðừng càu nhàu nữa! Có cảnh sát ngay cầu, không kẹt đâu mà nhằn. Ðan Nghi vẫn không ngậm miệng: - Như vầy cũng đủ hít no khói rồi, nói chi tới chuyện kẹt cầu. Tội nghiệp bộ áo dài mới, nó sẽ hôi rình mùi khói cho mà xem. Rồi cả hai cùng thoát khỏi cái nỗi "Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay". Ngồi đằng sau buồn miệng, Nghi chúm môi huýt sáo hàng lô hàng lốc những bài nhạc không đầu không đuôi và bài thơ "Qua cầu rớt dép" của mình. Khôi làm thinh không nói gì, nhưng Nghi cũng thừa biết "ông cụ" cũng đang bực cái trò du côn trong những trò du côn của cô. Tính ra Nghi có đến hàng tỷ cái trò mà bọn con gái trong lớp thường nhăn mặt, bĩu môi như thấy Nghi thổi chewing-gum, phóng xe ào ào trên phố và huýt sáo ầm ĩ giữa giờ ra chơi, hoặc nhảy 1 lượt mấy bậc thang để tranh về sớm với tụi con trai... Những lúc như vậy, Nghi thường hỏi Khôi ý nghĩa những cái trề nhún ấy. Anh chàng không trả lời mà sửa lại gọng kính rồi nhìn cô trách móc. Cái nhìn... thủy tinh của Khôi y như cái nhìn dè bỉu của bọn con gái, nó làm cô ghét thấu xương. Nhưng hôm nay ngồi sau lưng Khôi, Nghi líu lo huýt sáo liên khúc những bài tình ca, mà lão cận vẫn làm thinh quả là điều lạ. Chẳng lẽ màng nhĩ của lão có vấn đề ? Không lý nào khi vừa mới đây Khôi đã không chịu nổi âm thanh lốp bốp của bong bóng chewing-gum mà giờ đã khác ? Chịu hết nổi thái độ hóa đá ấy, Nghi hậm hực thúc vào lưng Khôi: - Ê... Bill Gates, làm gì câm như hến vậy ? - Câm để Nghi huýt gió nghe cho đã... - Khôi ậm ự. Ðan Nghi búng ngón tay đánh tróc: - Xì! Ông không cam phận dữ vậy đâu. Chắc là ông đang... tư duy chuyện gì rồi! Khôi lấp lửng: - À thì mình đang nghĩ tới chuyện lớp sắp có thêm bạn mới. Nghi kêu lên: - Bạn mới hả ? Boy or girl ? - Boy ? - Sao ông biết ? Khôi ra vẻ bí mật: - Hỏi làm chi. Nghe thế đủ rồi! Ðan Nghi vẫn không bỏ tật tò mò, cô gân cổ lên: - Nghi vẫn chưa đoán được tại sao Khôi phải suy nghĩ khi lớp có thêm bạn thì vui. A... tui hiểu rồi, Khôi không muốn có người lạ mặt ngồi kế bên chứ gì ? Ích kỷ vừa thôi Bill Gates à! Chỗ ngồi kế bên ông là chỗ công cộng mà! Khôi chống chế: - Không phải vậy đâu... Mà thôi! Nghi nghĩ sao thì tùy. Vào lớp, Ðan Nghi bị lũ con gái bao vây tứ phía. Dầu biết bọn chúng thường ngày vẫn thường lườm nguýt sau lưng mình, nhưng vốn lòng dạ... bao dung, rộng lượng, Nghi chả để bụng làm chi. Cô muốn dịp này chứng tỏ cho tụi nó thấy Ðan Nghi là người phóng khoáng, dù cô biết tỏng bọn chúng đang lợi dụng cơ hội đã qua để đòi khao. Vừa nở nụ cười vờ khiêm tốn nhưng thật ra rất xấc xược, Ðan Nghi vừa hào hứng nói: - Giờ ra chơi mời các bạn xuống căn tin ăn kem mừng bài thơ đăng từ hè rồi của mình. Cả tổ vỗ tay rần rần. Nghi hả hê khi thấy mấy con nhỏ điệu... nhảy nhót của lớp cũng vui vẻ cười với cô. Thế đấy, 1 bài thơ 4 câu đăng báo mực tím từ hồi nẫm đủ làm... uy tín Ðan Nghi tăng lên gấp bội. Sao Nghi xem thường bọn con gái giả bộ ngoan hiền này quá! Lớp Nghi vẻn vẹn có 9 mống con trai, còn bao nhiêu là gái hết, nhưng chỉ vài đứa là chơi được, nên dù không muốn Nghi vẫn thân với 9 thằng khác... đầu tóc hơn. Và để đấm những cái mồm bà Tám nhiều chuyện, thỉnh thoảng cô phải khao như thế này. Mẹ vẫn nói: - Ðời người ta bạn bè thì nhiều, nhưng tri âm, tri kỷ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ðiều ấy quả không sai. Ngao ngán nhìn quanh, rồi quay ra sau nhìn Khôi đang chăm chú coi lại bài, Nghi chợt thắc mắc... Chẳng biết lão cận mọt sách có gương mặt khờ khờ như Bill Gates này có phải là tri âm, tri kỷ gì đó của nàng không. Nghĩ cũng lạ, chả hiểu 2 đứa có nợ nần gì với nhau không mà cứ học chung. Từ nhà trẻ, tới mẫu giáo, cấp 1, 2, 3... Ðể cứ mỗi đầu năm học khi dò danh sách lớp, Nghi đều vái ông địa đừng bị học chung với thằng đeo hai mảnh đít chai ấy. Thế nhưng bụt nhà không thiêng. Ông địa không đáp ứng với lời khẩn cầu thảm thiết của Nghi, cô lại tiếp tục bị Khôi kềm kẹp. Chả là vì Nghi có nhiều thói hư tật xấu như của một thằng con trai, trong khi Khôi lại có rất nhiều ưu điểm của 1 cô gái ngoan hiền, lại đạo mạo, thâm trầm và chịu khó như 1 bà lão. Bởi vậy, Khôi luôn luôn tâu gởi với mẹ Nghi những tội trạng cô phạm trong lớp. Ðó là chuyện đời xưa chứ bây giờ Khôi đã thôi thói mách lẻo rồi, nhưng anh chàng cứ y như 1 cô bảo mẫu suốt ngày để mắt tới Nghi rồi phê bình phán xét. Mà có lẽ cũng chỉ mình Khôi chịu đựng nổi Ðan Nghi trong suốt bao nhiêu năm, khi những đứa bạn cứ chập chờn như những cái bóng phù vân, vừa thân đó đã chia tay. Mẹ vẫn bảo: "May mà mày có thằng Khôi, nếu không chẳng có đứa bạn nào ra hồn". Lúc ấy Ðan Nghi đã vênh váo: - Mẹ nói thế nó sẽ lên mặt với con. Nhưng ngoài Khôi ra, con còn có khối thằng bạn khác còn thân hơn nữa kìa! Mẹ chép miệng: "Mẹ nói thế mà vẫn chưa hiểu ra. Mày đúng là ngốc". Tới bây giờ Nghi vẫn chưa biết mình ngốc ở chỗ nào. Mà thôi! Nghĩ làm chi lời lẩm cẩm của mẹ. Mình không phải là con nhỏ tò mò, nhưng cũng muốn xem mặt... thằng bạn mới sắp vào lớp này coi tròn méo, cao lùn, đen trắng ra sao. Chuông reo vào học. Cô chủ nhiệm dắt theo 1 gã đẹp trai làm bọn con gái ngẩn ngơ mất vía. Cô nói: - Lớp mình có thêm Thiên Lãm. Cô mong các em sẽ là những người bạn tốt của nhau. Ðang lúc cả lớp vỗ tay chào mừng, bỗng có 1 chú chim sẻ lạc vào phòng. Chú đảo 1 vòng không may va vào cánh quạt trần rơi bịch xuống đất trước mặt Lãm. Anh chàng ngồi xuống, đặt chú chim bị thương vào lòng bàn tay, nhìn con vật tội nghiệp hồi lâu, Lãm mới ngước lên... nhả ra vỏn vẹn được 3 tiếng: - Chào các bạn! Cô chủ nhiệm bảo: - Em tới ngồi kế Khôi ở bàn cuối. Lớp đã ổn định rồi, cô không thể xếp chỗ lại được. Mỉm cười thật lịch sự, Lãm... ôm con chim sẻ hiên ngang đi xuống và ngồi phịch sau lưng Nghi trước mấy chục đôi mắt huyền ngưỡng mộ của bọn "Lady belle" trong lớp. Không khí lớp bỗng lắng xuống như vừa trải qua 1 biến cố hết sức trọng đại. Ðan Nghi liếc 1 vòng và thấy dường như cô nào cũng điệu đàng hơn thường ngày 1 chút. Bích Tuyên kéo lại vạt áo, Diễm Uyển vuốt lại mái tóc cứng đơ vì vuốt gel, Hoàng Lan vờ quay ra sau lục lọi cặp nhưng thật ra là để nhìn trộm Lãm, còn Mai Ly thì điệu ra mặt khi cúi xuống soi gương. Chà! Xem ra trong mắt các cô nương gã Thiên Lôi, ý lộn, Thiên Lãm này phong độ dữ. Tự nhiên Ðan Nghi thấy buồn cười khi nghĩ mấy con nhỏ này đã bị... sét đánh tập thể. Giờ chơi đã đến. Nghi hăng hái đứng dậy chào cô trước rồi dõng dạc: - Nào! Tụi mình xuống căn tin. Ðáp lại lời mời của Nghi là những cái cười khách sáo, những ánh mắt vờ chú ý vào trang vở, những cái chớp mi rất tài tử. Nhưng khi Lãm lôi chú chim non nho nhỏ từ hộc bàn ra thì rất nhiều đứa bước đến. Giọng Cam Ly vang lên ngây thơ như đứa trẻ mẫu giáo chưa bao giờ biết chim chóc là gì. - Eo ơi! Trông nó kìa, dễ thương làm sao! Hoàng Lan dịu dàng, nhân ái hơn: - Trông nó tội nghiệp quá! Chắc là gãy cánh rồi. Phải làm sao giúp nó bay chớ! Lãm không nói lời nào. Anh chàng nhẹ nhàng kéo cánh con sẻ nhỏ ra. Bích Tuyên mau mắt chìa miếng băng keo cá nhân lên bàn: - Mình có băng cá nhân nè! Lãm mỉm cười, nụ cười của kẻ quen được quan tâm, chìu chuộng trông khó ưa làm sao! Ðan Nghi thấy tự ái... dồn cục khi bị bạn bè bỏ rơi. Cô bé nhún vai bước ra hành lang, lòng dâng lên nỗi ác cảm với gã lính mới một cách ghê gớm. Ðang quay quắt trong tức tối Nghi bỗng bị vỗ vai cái bốp. Quay lại cô thấy chín thằng con trai trong lớp đang dàn hàng trước mặt mình. Tuấn cười toét mồm: - Bọn này xuống căn tin với tinh thần ủng hộ... sự nghiệp văn chương của Nghi có được không? - Dĩ nhiên là được rồi! Thế mới là bạn bè chứ! - Ðan Nghi buột miệng. Dứt lời Ðan Nghi ngông nghênh đi trước. Bọn lâu la tóc ngắn nối bước theo sau, trong đám đó dĩ nhiên có cả Khôi. Ðúng là chuyện lạ vì tánh Khôi không thích tham gia những chỗ ồn ào nhất là ba cái vụ... ăn uống, còn thì kéo bè kéo lũ như vầy. Hay là hôm nay lão Bill tội nghiệp khi thấy cô bạn nối khố bị đám con gái bỏ rơi? Mà dù lý do gì chăng nữa, Khôi cũng đã phá lệ vì Nghi. Ðiều này khiến cô cảm động hết sức. Vừa ngồi xuống ghế, Ðức đã độc mồm phán một câu nghe “ý vị”: - Tao có cảm giác lớp mình vừa mới được bổ sung một con công hay xòe đuôi sặc sỡ. Thái “giám” gật gù: - Nhận xét độc đáo thật! Tên đó màu mè đến mức che mờ nhỏ “Ði ngang” luôn. Nghe Thái chỉa cả mũi dùi vào mình, Nghi phản ứng ngay: - Nhằm nhò gì chuyện đó! Mỗi người đều có chỗ đứng riêng của mình chứ. Dù tên Thiên Lãm, Thiên Lôi gì đấy có màu mè sặc sỡ tới đâu thì bản chất cũng là thích xòe đuôi, chả ảnh hưởng gì tới tui. Khôi vẫn im lặng, ánh mắt lơ đãng ngó đâu đâu. Ðá vào chân Khôi một cái, Tiến hỏi: - Ê... Bill! Mày đã nói chuyện với nó rồi chưa? Khôi chậm rãi đáp: - Có chuyện gì đâu mà nói. Tuấn vẫn cười hì hì: - Thằng đó thích chim hơn thích người tụi bay ơi! Thái lừ mắt: - Lại nhảm nhí! Ðan Nghi hất hàm: - Nào! Kem hay yaourt, gọi đi chớ? - Hai thứ càng tốt. Ăn nhiều ủng hộ nhiều. - Ðức tham lam. Nghĩa cà khịa: - Mày bóc lột vừa thôi, không khéo nhỏ Nghi méo mồm, trông khiếp lắm! Nghi hùng hồn: - Cứ thoải mái! Ðan Nghi không... chơi thì thôi, đã... chơi phải tới bến. Dứt lời cô thấy mặt Khôi cau lại. Hừ! Sắp giở giọng bảo mẫu ra rồi đây, nhưng may mắn sao lão cận vẫn ngồi im cho Ðức oang oang cái mồm: - Chà! Câu nói này nghe giống của bợm nhậu quá! Tới bến đồng nghĩa với quắc cần câu đó! Mặt Nghi xìu xuống: - Lại kiếm chuyện! Nghĩa vuốt đuôi Nghi: - Thằng Ðức đúng là kiếm chuyện. Nhỏ Nghi là dân văn chương, nó muốn nói kiểu nào lại không được chứ! Ðứng dậy, Nghĩa nói: - Ðể tao đi gọi yaourt. Thái chống tay dưới cằm: - Chẳng biết thằng đó từ đâu chuyển tới nhỉ? Ðan Nghi cười cười: - Muốn biết cứ tới mà hỏi. Thái bỉu môi: - Xì! Ai mà thèm. Nó phải tự giới thiệu mình chứ! Nghi liếc Khôi: - Chắc là lão Bill biết đó! Khôi khoát tay: - I don’t know! Giọng Tiến có vẻ hằn học: - Tao nhất định không... kết nạp con chim công đó vào nhóm chín thằng mình. Thái “giám” rờ cằm: - Tao cũng vậy. Ý bọn bây ra sao? Khôi... bác ngay: - Không nên đâu. Dầu gì thằng Lãm cũng thuộc phe mày râu, làm sao để con gái nạp... nó được. Tiến gân cổ lên: - Bọn con gái... nạp nó cũng như mình kết nạp nhỏ “Ði ngang” này thôi. Hơn nữa tao thấy nó khoái mấy con mém ấy hơn bọn mình. Khôi vẫn từ tốn: - Là do mày thấy thế, biết có đúng không. Mà thôi, đừng bàn chuyện này nữa. Yaourt hết lạnh rồi kìa! Bưng hũ yaourt lên, Khôi nói: - Chúc mừng... nhà thơ trào phúng Ðan Nghi, tác giả của bài thơ “Qua Cầu rớt dép”. Cả bọn nhao nhao: - Cầu nào vậy? Cầu chử Y hả? Vẫn là giọng cà khịa của Nghĩa: - Ðứa nào hỏi kỳ! Chả lẽ cầu chữ O? Ðan Nghi hí hửng cười. Cô không thèm giận câu nói móc hầu móc họng của Nghĩa. Cô thầm cảm ơn lão cận đã... lái bạn bè trở lại mục đích chánh của chầu yaourt hôm nay. Chuông reo, cả bọn hỉ hả kéop về lớp. Nghi như quên mất chuyện con công hay múa vừa được bổ sung. Vào tiết toán được năm, mười phút, Nghi chợt nghe Khôi nhắc nhở: - Nè! Ðừng nhai chewing-gum nữa. Ðang giờ học mà cứ nhóp nhép, người khác bị chi phối đó nghen. Ðan Nghi tưởng Khôi kiếm chuyện với mình, cô chưa biết phản ứng bằng cách nào thì nghe vang lêng mấy tiếng lốp bốp quen thuộc của bong bóng kẹo cao su cùng với giọng nói lạ hoắc: - Những lúc như thế này mới cần chewing-gum cho thoải mái đầu óc chớ! Ðan Nghi mím môi cười khi biết có thêm người thích... luyện tập cho gương mặt đang ngồi kế bên Khôi. Hà! Hà! Ðúng là ghét của nào trời trao của ấy. Dễ gì “lão cận”... trị nỗi cái trò luyện tập cơ mồm của Lãm như đã làm với Nghi. Thật ra Ðan Nghi cũng chẳng hiền từ gì để Khôi ăn hiếp. Cô bé chỉ không nhóp nhép khi “lão cận” chở mình đến lớp. Ðó là thỏa thuận nhỏ đầu tiên mà Nghi chấp nhận nhượng bộ Khôi thôi. Bây giờ Lãm ngồi kế bên cứ thổi bong bóng nghe bộp bộp, làm sao lão cận chịu nỗi nhỉ? Thế nào một lát tan học về, Nghi cũng sẽ nghe Khôi càu nhàu cho mà xem! Hà! Cứ đợi đấy! Giờ tan học, Ðang Nghi ngông nghênh bước ra trước như mọi khi. Xuống sân, cô ngồi ghế đá, chờ Khôi lấy xe. Môi chúm lại, Nghi huýt gió quy nạp những âm thanh vi vu. Suy cho cùng hôm nay cô vui nhiều hơn buồn. Khởi đầu một tuần như vậy là tốt quá rồi! Ðợi sân trường vắng bớt, Nghi mới ung dung bước ra ngoài đường. Cô đến gốc cây sao già chỗ Khôi đang ngồi trên xe chờ cô. - Ra sớm chỉ sau thầy mà bây giờ mới thấy mặt. Nghi diễn vai gì trong sân vậy. – Khôi càu nhàu. Ðan Nghi hất hàm: - Ðếm là vàng được không? Khôi rồ ga: - Dư hơi! Nghi léo nhéo sau lưng: - Bực ai đâu lại đổ vào người ta. Dư hơi là sao chứ? Khôi làm thinh. Cái trò nhí nhố của Ðan Nghi, Khôi chả lạ gì. Thôi thì nhịn cho yên nhà lợi nước, nếu không lại điếc con ráy. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng”. Thấy Khôi phớt lờ sự khiêu khích của mình, Ðan Nghi lại tiếp tục quấy rối. - Nói gì đi chứ Bill? Sao trong giờ toán thì lải nhải bây giờ lại im re. Khôi buột miệng: - Nhắc tới giờ toán mới nhớ. Nghi không được quên làm bài tập đó. Ðan Nghi ậm ự: - Không quên đâu mà! Rồi cô không dằn được thói lắm điều: - Nè! Lúc nãy... lão hậm hự gì với thằng nhóc ấy vậy? - Thằng nhóc nào? – Khôi lừng khừng. - Chậc! Sao chậm tiêu quá! Nhóc nào bây giờ, “thưa ông”? - Ạ! Thiên Lãm hả! Có gì đâu! Mình nhắc nó vài điều về nội qui lớp ấy mà! Ðan Nghi dài mồm: - Tốt bụng quá nhỉ! Nó có phúc mới ngồi cạnh Bill Gates, người khôn ngoan nhất thế giới. Khôi thản nhiên: - Với ai Khôi cũng tốt hết. Ngày mai có tiết Văn, Nghi nhớ xem kỹ bài Vi Hành đó! Ðan Nghi nổi cáu, cô làm một tăng: - Biết rồi! Khổ lắm! Nhắc mãi! Chán! Và cô ngao ngán khi nghĩ... chả biết từ hồi nào, Khôi đã biến thành một... ông vú em kè kè một bên Nghi như thế này. Thầy toán phát bài kiểm tra và nói: - Lớp có hai điểm mười duy nhất. Khôi, “Bill Gates” thì thầy biết rồi. Còn Thiên Lãm là em nào đâu? Mặc cho bao nhiêu con mắt đổ dồn về phía mình, Lãm bình thản đứng lên, miệng cười khoe cái răng khểnh thì nguy gấp bốn lần con gái, nhỏ Diễm Uyển đã trắng trợn bảo thế. Thầy tỏ vẻ hài lòng: - Bài số năm em giải hay và rõ ràng. Lên bảng sửa giùm thầy. Với tác phong nhanh nhẹn cộng thêm chút gì bụi bụi khá hay, Lãm lên bảng. Làm một loáng là xong, anh chàng ung dung về chỗ ngồi để lại sau lưng cả một... trời ngưỡng mộ của các cô nàng đã cảm Lãm sau câu chuyện chú chim sẻ con đầy ấn tượng. Phải nói Lãm có một ngoại hình người mẫu, to cao, đẹp trai, môi luôn ngự một... nụ cười phớt đời khiến con gái khổ tâm. Nhưng Lãm vốn lịch lãm như cái tên của mình, nên anh chàng chưa làm mếch lòng ai trong lớp, dù Lãm cũng chưa thân thiện với riêng cá nhân nào. Tự dưng Ðan Nghi bị một dấu hỏi to đùng hành hạ. Cô bé tò mò muốn biết nhiều hơn về Lãm, nhưng cô đành nén thắc mắc của mình xuống vì thái độ dửng dưng của anh ta đối với cô ngày đầu vào học cho tới nay. Dường như Lãm ghét cô. Ðiều này đúng thôi, vì cô là đứa con gái duy nhất trong lớp không thèm làm quen với anh ta trước. Tội tình gì phải hạ mình như thế chứ! Không chơi với Lãm, Nghi vẫn còn chín thằng con trai hậu thuẫn cơ mà! Giờ chơi. Bọn con gái, chuyền tay nhau tờ Mực Tím rồi xì xầm đầy bí mật. Ðan Nghi chợt nhớ ra cô chưa mua số báo mới này. Nghiêng đầu về phía Bích Tuyên, cô vội hỏi: - Có gì hay không? Nhỏ Tuyên lơ lửng: - Không những hay mà còn đặc biệt nữa. Bộ mày chưa mua hả? Nghi gật đầu: - Ừ! Tao quên! Diễm Uyển mỉa mai: - Không có bài thì mua làm gì. Mượn coi là được rồi phải không? Ðan Nghi... sùng lắm. Cô độp ngay: - Ðừng nên suy bụng ta ra bụng người. Ðãi bọn bây mấy chầu yaourt còn được, huống hồ chi mua một quyển Mực Tím. Bích Tuyên khinh khỉnh: - Vậy mới nói! Người ta được đăng bao nhiêu là truyện là thơ, được giới thiệu cả hình trên báo mà vẫn khiêm tốn làm thinh. Ai như mày, có bài thơ hay đăng ở mục nhí nhố chả ra làm sao đã làm đình làm đám. Ðúng là khua mõ trật chỗ. Ðan Nghi cau mày. Cô không hiểu hai cái con độc mồm này muốn nói tới người ta nào mà úp úp mở mở thế kia. Nghi đang căng đầu suy nghĩ thì Lãm từ hành lang bước vào. Với gương mặt dửng dưng, anh chàng ngồi xuống chỗ mìnhl, không quan tâm đến xung quanh. Ấy vậy mà mấy cái mép chua ngoa bỗng trở nên hiền dịu y như bước vào đền thờ. Nhỏ Diễm Uyển chớp lia lịa hàng mi điệu hạnh còn Bích Tuyên đã dạn dĩ và nhanh nhẹn hơn: - Lãm nè! Trong số Mực Tím này, truyện ngắn Ngõ Vắng là tuyệt nhất. Hoàng Lan ngồi ở xa cũng với lời góp vào: - Ðúng vậy! Mình chấm điểm mười đó! Diễm Uyển trỗi giọng ngọt ngào: - Từ trước tới giờ bọn mình vẫn thích đọc truyện ngắn trong Mực Tím. Còn mục Nhí Nhố, bọn mình chỉ lướt qua cho có lệ thôi, chứ thời gian đâu mà đọc ba cái thứ vô bổ đó! Ðan Nghi tức muốn nổ đom đóm mắt, nhưng không biết phải mở miệng thế nào cho bọn yêu tinh nhền nhện này một trận. - Truyện “Ngõ Vắng” cũng thường thôi! - Vừa lúc đó Lãm nhếch môi. Bích Tuyên vuốt đuôi tóc dài của mình: - Ðâu có! Truyện ấy rất dễ thương. Tuyên thích cô bé có mái tóc dài ấy ghê, dù cô ta có hơi vô tâm. Diễm Uyển vốn nổi tiếng dốt Văn, nhưng cũng... phát biểu như mình là một nhà phê bình thời đại: - Nhân vật trong Ngõ Vắng hay lắm! Chắc tác giả có nhiều kinh nghiệm sống phong phú. Lời văn ngắn gọn nhưng đầy cảm động. Ðan Nghi cố nín cười. Chả biết truyện của ai mà được khen lắm thế. Nhưng làm gì bọn con gái lại xum xoe dữ vậy? Nghi bỗng thấy mình bị thừa và vô duyên khi ngồi trước Lãm. Nghi lẳng lặng bỏ ra hành lang và nghe giọng... bình văn của các “nhà phê bình văn học” vọng ra sang sảng, nhưng không nghe giọng Lãm. Gã ta cũng tiết kiệm lời nói như Khôi. Hà! Ðúng là hai hòn đá ngồi cạnh nhau. Ðứng mãi chẳng thấy... thằng quái nào trong lớp, Nghi buồn tình xuống căn tin mua chewing-gum. Hừm! Những lúc như thế này đúng là cần chewing-gum mùi trái cây thơm ngon. Mặc cho lão Bill cằn nhằn, Ðan Nghi phải... chơi hết phong này cho thoải mái tinh thần mới được. Hiên ngang vào lớp với cái miệng nhóp nhép, cái mặt hất lên trời kiểu dọc ngang chẳng biết trên... đời có ai. Ðan Nghi ngồi xuống chỗ của mình. Cái kiểu ngồi thẳng đuột vì sợ lưng tôm của Nghi vô tình che mất tầm nhìn đối tượng của Diễm Uyển. Thường ngày con nhỏ đã ong óng chồm lên rồi, nhưng sao hôm nay nó hiền thế nhỉ? Vờ coi thế sự như pha, Nghi lấy vở sử ra xem lại bài, nhưng đầu óc cứ để đâu đâu. Ngoài cửa lớp Tuấn “vẫu” xông vào, mồm ngoác lên: - Sao ngồi buồn thế “Ði ngang”? Trừng mắt nhìn Tuấn, Nghi không thèm nói tiếng nào. Anh chàng tiếp tục phá đám Thiên Lãm và bầy con gái bằng cách chĩa mũi dùi vào Nghi. - Ðể mình đọc thơ cho Nghi dzui nhe! Rồi chả cần biết cô bé có đồng ý hay không, Tuấn đứng trước bảng rống to: Bích Tuyên nhỏng nhảnh qua cầu Vờ rơi chiếc dép xuống đầu chàng... Bill Rằng yêu thì nói là yêu Chớ đừng tặng dép mà tiêu đời chàng. Nghi khoái chí cười ha ha, bọn con gái cũng cười ré lên, chỉ có nhỏ Tuyên là nhảy đong đỏng: - Dô diên vừa vừa thôi nghe! Tôi yêu cầu bạn phải thu hồi lại những câu thơ rác rưởi ấy đi. Tuấn vẫn trơ tráo: - Từ xưa tới giờ tui chỉ biết thơ lãng mạn, thơ trào phúng chớ hổng rành về thơ rác rưởi. Với lại khi tui đọc, thơ đã chấp cánh bay tới tận từng lỗ tai, thấm sâu vào máu thịt các bạn rồi, làm sao thu hồi thứ rác rưởi ấy lại được. Diễm Uyển khịt mũi: - Nói như ông nghĩa là bọn tui trúng độc cả rồi hả? Tuấn vênh mặt: - Ðúng vậy! Nhưng trước khi tui đọc thơ à nghen. Mấy bạn bị ngộ độc tâm hồn vì đọc truyện ngắn ấy! Bích Tuyên giậm chân: - Ông tráo trở vừa thôi nghen! Tuấn cười hì hì: - Tráo trở cũng là một trong nhiều thủ thuật viết của các cây bút. Ðúng không Thiên Lãm? Ðan Nghi nhấp nhỏm chờ nghe anh chàng trả lời câu hỏi đá giò lái bất ngờ của Tuấn, mà trong bụng cứ thắc mắc không hiểu sao Tuấn “vẫu” lại bày ra trò này. Chuông vào lớp vang lên. Tuấn bèn... tắt đài trở về chỗ, trong khi Lãm vẫn chưa nói gì. Cả lớp cắm cúi ghi bài. Bọn con gái bàn trên lén chuyền nhau tờ Mực Tím. Ðan Nghi ấm ức vì không biết truyện ngắn “Ngõ Vắng” ấy nói về cái gì mà làm cả lớp xôn xao như sóng ngầm vậy. Vừa nghe cô giảng bài vừa lo ra, Nghi thấy mình không tiếp thu được chút nào hết. Ðiệu này chắc phải mượn vở của Khôi. Lão cận ấy có óc tập trung cực kỳ tốt, chớ không hay lảng vảng trời mây như Nghi. Khôi học giỏi nhất lớp, thông minh nhất lớp nên mới được tặng danh hiệu “Bill Gates” người giàu có khôn ngoan nhất hành tinh, xứng đáng làm... vú em của Ðan Nghi. Hôm nay nhất định Nghi sẽ bắt... vú em khai tại sao biết chuyện Thiên Lãm chuyển lớp. Nếu vú em trả lời kiểu lơ lửng cố hữu thì Nghi sẽ giận cho mà xem. Ðang suy nghĩ miên mang Nghi giật thót người suýt rơi cả kẹp cao su trong mồm khi nghe giọng cô Sương giận dữ: - Tờ Mực Tím này của ai? Cả lớp im thin thít. Cả bàn của Bích Tuyên cúi gầm đầu trên vở, dầu cho cô vừa nhặt tờ báo ngay trên bàn con nhỏ. Cô giáo dạy sử nổi tiếng nghiêm khắc. Giờ của cô ít đứa nào dám làm việc riêng, vậy mà bữa nay cô lôi ra quyển Mực Tím trong lớp, bảo sao cô không bực mình cho được. Không khí đang căng thẳng, Lãm bỗng đứng dậy, giọng chững chạc, đàng hoàng: - Thưa cô, của em ạ! Cô Sương nghiêm giọng: - Tôi trừ em mười điểm đạo đức về tội đem sách báo vào phòng đọc trong giờ học. Khôi đứng dậy: - Thưa cô, bạn Lãm mới chuyển từ trường khác đến nên không rõ nội quy, xin cô đừng trừ điểm bạn ấy! Cô Sương lạnh lùng: - Dầu học ở trường nào cũng phải hiểu không được làm như thế. Tôi sẽ trừ điểm luôn cả em vì tội bao che. Hừ! Ngồi xuống đi. Nửa tiết học còn lại cả lớp bỗng ủ ê, thụ động đến mức chán ngán. Ðứa nào cũng mong hồi chuông... Cứu mạng vang lên cho rồi. Giọng cô Sương đầy chân tình: - Ðây là năm thi, cô phải khó với các em mới được. Có thể các em đang trách cô khô khan, không thông cảm với tuổi Mực Tím. Nhưng cô tin sau này lớn lên các em sẽ hiểu cô hơn. Hết tiết. Cả lớp nhao nhao, mỗi người một ý. Diễm Uyển bước tới chỗ Lãm, giọng sũng nước như vừa mắc mưa: - Sao Lãm lại nhận của mình? Có đáng làm thế không? Khoát tay như người lớn, Lãm nói: - Ðừng có nhắc tới chuyện đó nữa. Rồi với cái túi đeo và vai, anh chành khệnh khạng bước ra cửa lớp trước bao nhiêu cặp mắt trìu mến của các nàng. Hoàng Lan mắng Bích Tuyên: - Mày đúng là hèn, để người ta nhận lỗi thay mà ngồi im như thóc. - Phải làm sao cho Lãm đừng buồn đây? - Diễm Uyển thở dài ray rứt. Ngồi ở dãy bên kia, Thái “giám” chĩa mồm qua: - Ối dào! Các bà cứ quan trọng hóa vấn đề. Bill Gates cũng bị trừ mười điểm oan mạng kìa, sao chả ai an ủi thằng nhỏ. Ðúng là có mới nới cũ. - Khôi khác Lãm. Bạn ấy rất nhạy cảm. - Diễm Uyển chống chế. Tuấn “vẫu” nhịp tay lên bàn: - Bị trừ mười điểm đạo đức mà thành siêu sao thì có nhằm nhò gì. Ðúng là trò tâm lý rẻ tiền của những thằng... nhạy cảm. Hoàng Lan dài giọng: - Hừ! Vậy sao lúc nãy ông không làm như Lãm để trở thành siêu sao? Hất mái tóc ta-bu so le lên. Tuấn “vẫu” bĩu môi: - Ðây đâu cần phải hạ mình như nó. Ðan Nghi hết hứng thú khi nghe đấu võ mồm. Cô xách cặp ra về. Ðứng chờ ngoài cổng khá lâu Nghi mới thấy Khôi dẫn xe ra tới. Nghi hỏi khi ngồi sau lưng Khôi: - Sao lúc nãy Khôi lại làm thế? Lão cận lấp lửng: - Vì Khôi không thể im lặng được. Lãm là người mới mình không muốn nó bị cô lập, vì không bạn bè bênh vực. Ðan Nghi liếm môi: - Khôi từng biết nó trước à? Giọng Khôi chắc nịch: - Không có. Tật tò mò bẩm sinh bỗng trỗi lên hành hạ Nghi, cô hỏi tiếp: - Hai người đã nói chuyện với nhau chưa? Vẫn không giảm tốc độ, Khôi hờ hững: - Chưa! Nghi kêu lên: - Sao ông hà tiện lời dữ vậy? Khôi nhún vai: - Chẳng có gì để nói hết. Với lại nó có quan tâm tới ai đâu! - Khôi nói vậy là không đúng. Nếu không quan tâm tới người khác thì lúc nãy nó không nhận tờ Mực Tím là của mình. – Ðan Nghi phản ứng. Khôi cười cười: - Nghi nghĩ thế à! Dứt lời cả hai lại im lặng. Nghi lại nhóp nhép bên tai, nhưng lão cận chẳng hề nhắc nhở dẹp cái trò dỏm ấy đi. Cuối cùng cô bé phải lên tiếng trước. - Bill nè! Lãm học khá đó chứ! - Ờ, cũng khá! Ðan Nghi nhấn mạnh: - Sao Khôi biết trước chuyện nó sẽ vào lớp mình học vậy? - Mình tình cờ nghe cô chủ nhiệm nói. - Giọng lão cận khề khà. Ðan Nghi ngờ vực. - Thật không? Khôi càu nhàu: - Chuyện có gì bí mật đâu mà phải dối! Nghi nè! Làm ơn đừng thổi chewing-gum vào tai tôi nữa. Ðan Nghi vẫn ngoan cố: - Nhưng nhai cho đỡ căng thẳng chắc lão OK chứ? Khôi xẵng giọng: - Nghi làm gì mà căng thẳng? Ngập ngừng một tí, cô bé nói: - Ừ thì căng thẳng chuyện của lớp. Chả hiểu trong tờ Mực Tím có gì mà tụi nó chuyền nhau đọc cho sanh sự. Khôi ngạc nhiên: - Ủa! Nghi chưa đọc à? Cô bé ậm ự: - Chưa mới thắc mắc chứ! - Thảo nào... – Khôi buông lửng. Nghi thúc hông Khôi: - Thảo nào cái gì? Mặc cho Ðan Nghi sốt ruột, Khôi nhẩn nha nhả từng tiếng: - Thảo nào chả nghe Nghi góp lời góp vốn gì vào truyện ngắn “Ngõ Vắng” của tác giả Hoàng Thiên Lãm hết. Ðan Nghi nhỏm người lên làm chiếc xe chao đi: - Hoàng Thiên Lãm là... là... Lãm đó hả? Có bao giờ trùng họ trùng tên không vậy? Thay vì trả lời Nghi, Khôi nói tiếp: - Từ trước giờ Nghi vẫn thường khen truyện ngắn của Hoàng Thiên Lãm mà! Nghi vẫn chưa chịu tin: - Nhưng có đúng là Lãm này không? Khôi lơ lửng: - Cứ đọc đi rồi biết ngay mà! Tự nhiên Ðan Nghi thấy hụt hẫng. Một chút ganh tỵ về... tài năng bỗng đè nặng tim cô bé. Hừm! Thì ra Lãm có vẻ lạnh lùng, kênh kiệu là vì vậy. Nó từng được giới thiệu là một lá me với những tác phẩm đầu tiên gây được tiếng vang. Thật hư chưa rõ thế nào nhưng vừa rồi phiến lá mới này nổi đình nổi đám bằng một hành động hết sức đáng... nêu gương. Cô buột miệng: - Giờ Nghi đã hiểu vì sao Lãm nhận quyển Mực Tím là của mình rồi. Nó đúng là ranh ma khi biết cách tự nâng giá bản thân. - Nghi lại ganh tỵ rồi! - Khôi lắc đầu. Bị đánh trúng tim đen, Ðan Nghi chối biến: - Tự nhiên lại ganh tỵ! Lão cận này vớ vẩn! Rồi cô dè dặt: - Hình như Lãm vẫn chưa quen ai trong lớp, dù có rất nhiều đứa muốn làm quen với nó. Im lặng một hồi Khôi mới nói: - Nghi có muốn làm quen không? Chỉ cần xoay mặt lại cười là quen ngay chứ gì? Ðan Nghi khó chịu: - Sao Khôi lại nói thế nhỉ? Nghi đâu rẻ tiền như bọn Bích Tuyên, Diễm Uyển... Khôi thản nhiên nói tiếp: - Mình thấy Lãm có nhiều cái lạ, quen một người như nó, Nghi sẽ không thấy chán như quen với người như Khôi. Ðan Nghi chợt bực bội vì những lời của Khôi, cô nàng khịt khịt mũi: - Ý kến của Bill bao giờ cũng đáng giá, chắc Nghi phải suy nghĩ lại. Có thêm bạn thì tốt, nhất là bạn cùng... rơ, thích văn vẻ và thích nhai cả kẹo cao su. Sao từ trước đến giờ Nghi chưa nghĩ tới chuyện làm quen với Lãm nhỉ? Hai đứa chả thèm nói với nhau thêm lời nào. Tới cổng nhà Ðan Nghi, Khôi tự giác lôi quyển vở sử: - Chắc chắn Nghi ghi bài chưa đủ. Nghi mỉm cười cầm lấy rồi nhìn theo cho tới khi Khôi khuất ở cuối phố. Thêm một người bạn thì tốt hay xấu nhỉ? Thật tình Ðan Nghi không biết được. Ðiều cô bé quan tâm lúc này là cái truyện ngắn “Ngõ Vắng” ấy viết về điều gì mà cả lớp lại xôn xao đến như thế! Ðan Nghi vứt cuốn bài tập hoá qua một bên rồi đi tới kệ tìm cuốn Mực Tím có truyện ngắn “Ngõ Vắng” của Lãm. Cô đã đọc đi đọc lại nhiều lần câu chuyện viết về một cô nàng tiểu thư có mái tóc dài tuyệt đẹp và anh chàng bạn học cùng lớp nhà nghèo rớt mùng tơi. Anh chàng nghèo đến mức đêm nào cũng chở thúng bánh giò đi bán khắp phố. Bao giờ chàng đi ngang biệt thự của nàng, nàng cũng sai người làm ra mua vào ba cái. Cách giúp đỡ bạn bè tế nhị ấy của nàng đã khiến chàng cảm động. Ðêm đêm khi còng lưng đạp xe bánh giò, chàng vẫn luôn nghĩ về nàng để thấy cuộc đời vẫn đẹp sao, nhưng mỗi sáng khi đến lớp chàng lại khổ vì nhận ra giữa hai người là một khoảng cách vô tận về giàu nghèo. Thế là sang năm học mới chàng xin chuyển trường và chuyển cả con đường bán bánh giò của mình. Sự ra đi đột ngột không lời chia tay của chàng khiến cô nàng buồn bã. Ðêm đêm nhìn con ngõ vắng tanh, nàng thấy nhớ tiếng rao nên thường nhủ lòng sẽ tìm cho ra chỗ ở của chàng. Nhưng mỗi sáng khi vào lớp học với bạn bè giàu có của mình, nàng lại quên… Cái kết thúc lơ lửng của câu chuyện làm bọn con gái bàn tán. Bản chất nhân vật nàng của Lãm quả là vô tâm, nhưng nhiều đứa lại bên vực, chúng bảo vì nàng còn quá trẻ con nên mới vô tình như thế. Có đứa hỏi thẳng: tại sao kết thúc lại lơ lửng? Lãm lắc đầu không trả lời. Bữa nay đọc lại “Ngõ Vắng” lần nữa, Nghi vẫn chưa tìm được chút nào con người của Lãm trong cả hai tuyến nhân vật. Nếu là văn là người thì Lãm là ai nhỉ khi chắc chắn nó không thể là gã bán bánh giò bánh gai đáng thương kia. Nghi uể oải đứng dậy, cô xuống bếp xin mẹ vào nhà sách để… bồi dưỡng tinh thần cho hăng lên một chút. Bà Huyền hỏi: - Con tự đạp xe à? - Vâng! Bà càu nhàu: - Ðợi hôm nào có Khôi, nó chở cho. Ðan Nghi nhăn nhó: - Cái gì cũng Khôi! Nó còn khối việc riêng, hơn nữa con cũng muốn một mình cho thoải mái đôi chút. Ði đâu, làm gì cũng đụng mặt nó, chán muốn chết. Bà Huyền dặn dò: - Qua cầu cẩn thận đấy! Tốt nhất là xuống dắt bộ. Ðan Nghi kêu lên: - Trời! Cầu chữ Y chớ có phải cầu Mỹ Thuận đâu mẹ. Con dư sức qua, hơi đâu mà mẹ lo cho mệt! Nghi phóc lên xe rồi lao thẳng ra đường, cô cười hì hì khi nghe giọng mẹ quát theo: - Con ranh! Coi chừng ngã vỡ mặt bây giờ! Nghi biết mẹ không an tâm cho cô đạp xe đến trường, hay ra đường một mình vì thói phóng xe ào ào của cô. Mẹ cứ nghĩ có Khôi kế bên nó sẽ giám sát cô hộ mẹ, nên đi đâu cũng bắt cô đi với nó. Hừ! Mất tự do quá, đâu có được. Lão cận mà cứ lải nhải mãi, có ngày sẽ mất chức bảo mẫu đấy! Gởi xe, vào nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Ðan Nghi tấp vào quầy sách văn học mà thoải mái đọc. Ðang say sưa với “Cuộc đời tự kể”, cô bỗng cảm giác có người nhìn mình. Quay sang bên trái, cô thật bất ngờ khi nhìn thấy Lãm. Anh chàng cười khoe răng khểnh: - Chào! Ðan Nghi đáp một cách dè dặt: - Chào! Lãm đặt quyển sách đang cầm trên tay vào kệ: - Nghi đi một mình à? - Sao Lãm lại hỏi thế? Lãm nhún vai: - Vì thường ngày tôi thấy Nghi luôn có… tài xế riêng. - Nếu tôi có tài xế riêng, tôi vẫn thích có những lúc một mình như lúc này. – Nghi nói. - Ơn chúa! Ðây đúng là cơ hội của tôi. – Lãm kêu lên. Nghi tò mò: - Cơ hội gì vậy? - Tôi muốn làm quen với Nghi. Ðan Nghi dài giọng: - Ủa! Thì ra mình không phải là bạn cùng lớp sao? Lãm hơi bối rối. Thái độ này Nghi chưa từng thấy ở nó bao giờ. Dạo này Lãm đã quen hết lớp, nó trò chuyện rất thường với đám con gái, trừ Nghi. Khi đấu láo với các tiểu thơ, lúc nào Lãm cũng đĩnh đạc, khoan thai và đầy vẻ tự tin. Nhưng lúc này thì không. Lãm ngập ngừng: - Nhưng tôi … tôi đã nói chuyện với Nghi lần nào đâu? Nghi bắt bẻ: - Sao ở lớp Lãm không nói? Lãm có vẻ thành thật: - Lúc nào cũng thấy đám con trai bên cạnh Nghi, nhất là Khôi. Tôi ngại … Ðan Nghi che miệng cười. Ðây là cử chỉ con gái hiếm thấy ở cô. Hơi yểu điệu khác thường ngày một chút, Nghi nói: - Tôi và Khôi học chung từ nhà trẻ, mẫu giáo, cho đến tận bây giờ, nhà lại chung đường nên vẫn đi học chung. Bạn bè thường nói đùa Khôi với Nghi như hình với bóng. Ðiều ấy đúng về hiện tượng còn bản chất thì lại hoàn toàn khác. - Tôi cũng có những nhận xét như thế! – Lãm gật gù. Và anh chàng tự nhiên hơn khi nghe Nghi giải thích. Ðan Nghi tò mò: - Nhà Lãm gần đây à? - Bên kia cầu chữ Y. - Thật hả? Lãm gật đầu: - Có gì đặc biệt không? Ðan Nghi nói như reo: - Có chứ. Nhà tôi cũng vậy … Lãm sáng rỡ mắt: - Nếu mỗi ngày tan học chúng ta về cùng đường thì sẽ rất vui. Ðan Nghi tủm tỉm cười: - Lãm thích vậy à! Lớp mình còn nhiều đứa có cùng nhà bên ấy lắm. Hồi năm lớp 11, mỗi lần kẹt cầu, đi học trễ gần một phần ba lớp, thấy mà tội! Liếc Lãm một cái, Ðan Nghi nói: - Bích Tuyên luôn cần một hộ vê đi kèm đấy! Lãm nghĩ sao? Lãm thản nhiên: - Thấy tiếc rằng tôi không phải là vệ sĩ. À! Nghi thích loại sách nào? - Truyện cổ tích! Lãm hơi ngỡ ngàng: - Tôi lại không nghĩ thế! Ðan Nghi nói: - Tôi mê cổ tích vì nó luôn cho người ta một chỗ dựa, một niềm hy vọng. Lãm cao giọng triết lý: - Nhưng cuộc đời và cổ tích là hai vế của một bất phương trình không thể nào cân bằng được. - Chính là vì thế nó mới dạy cho người ta nhiều điều chưa biết. Thú thật nhé, mỗi lần đọc lại truyện cổ Anđecxen, tôi đều khám phá ra những điều kỳ thú mới mẻ. - Thí dụ như điều gì? Ðan Nghi cười ranh mãnh: - Tại sao tôi phải nói khi mỗi khám phá đều có giá trị của nó. Bạn cứ tìm cổ tích mà đọc, rồi tự nhiên khám phá lấy. Sẽ thú vị lắm đó! Thôi! Mình về đây! - Tôi cũng về nữa! Hai chiếc xe đạp song song nhau trên con đường nhiều cây to và nhiều quán cà phê sinh viên. Lãm lưỡng lự một lát mới nói: - Tôi đưa Nghi về nhà nghen! Ðan Nghi lắm đầu nguầy nguậy: - Không cần đâu! Tôi không quen đạp xe song song như vầy. Dứt lời cô đạp nhanh lên trước, Lãm vội nhấn mạnh pedal vọt theo sau. Cả hai vất vả lên dốc rồi như để bù lại, bây giờ nó tự động trôi xuống dốc cầu. Nghi nghiêng đầu nhìn Lãm: - Tới nhà tôi rồi! Thôi … bye nhé! Dứt lời Nghi rẽ vào con hẻm trước vẻ mặt ngơ ngác của Lãm. Vào sân, cô thấy chiết Cub của Khôi dựng sát gốc mận, chúm môi lại huýt gió, Nghi nhún nhảy theo nhạc và bước vô nhà. Khôi ngồi nghiêm chỉnh trên ghế, tay lật quyển Tuổi Trẻ chúa nhật. Cô cất giọng hỏi: - Có chuyện gì vậy Bill? Mặt Khôi ấm áp sau cặp kính trắng: - Ngày mai kiểm tra Lý … Nghi ngắt lời: - Nghi biết rồi. Giọng Khôi vẫn nhỏ nhẹ. - Có mấy bài tập Nghi chưa làm, Khôi đoán thầy sẽ cho ngay phần đó … Ðan Nghi ngấy lên vì cái điệp khúc cũ rích ấy, thay vì cảm kích. Khôi lại còn dai hơn mẹ Nghi nữa. Rõ chán! Khôi sững sờ nhìn Nghi rồi im lặng đứng lên: - Không làm phiền Nghi nữa, Khôi về đây. Khi Khôi dắt xe ra tới cổng, bỗng dưng Nghi buột miệng: - Ngày mai trở đi, Khôi khỏi mất công đón Nghi nữa, Nghi muốn đi một mình cho … tự do. Với nét mặt không hề thay đổi, Khôi nhỏ nhẹ: - Tùy Nghi thôi … Ðan Nghi ngồi xuống gốc mận, trong đầu cô bao nhiêu suy nghĩ mâu thuẫn đang đánh lộn với nhau chan chát. Cô nhớ tới cuộc hội ngộ bất ngờ đầy lý thú với Lãm mà tủm tỉm cười. Trò chuyện với anh ta thật thoải mái, chớ đâu như với Khôi cùng điệp khúc học nữa, học mãi của nó. Càng nghĩ Nghi càng thấy không có gì nhàm chán, cũ kỹ, nhạt nhẽo như Khôi. Học giỏi nhất, khôn ngoan nhất vẫn chưa phải là nhất đâu Bill Khôi ơi! Bắt đầu từ hôm nay Bill đã thôi vai trò vú em với Ðan Nghi cô nương này rồi. Bổn cô nương sẽ rong ruổi một mình với con chiến mã sắt, tha hồ vui. Biết đâu chừng dọc đường gió bụi ấy cô nương sẽ có người năn nỉ được làm bạn đồng hành. Hà! Hà! Lúc ấy Bill đừng… Bà Huyền bước ra với chén chè đậu xanh: - Ủa, Khôi đâu? Ðan Nghi gãi ót: - Nó về rồi ạ! - Sao về sớm vậy! Mẹ đã bảo chờ ăn chè rồi mà lại … - Nó bị con … mắng nên tự ái biến mất rồi. Bà Huyền ngạc nhiên: - Sao con lại mắng nó? Ðan Nghi ấp úng: - Nó… nói nhiều quá. - Khôi mà nói nhiều, chuyện lạ à! Lý do gì khiến nó phải nói nhiều. Chắc chắn là tại con rồi. Nghi giận dỗi: - Mẹ thật bất công, lúc nào cũng bên nó dù chưa rõ nguyên nhân. Dứt lời Nghi chạy tót lên phòng, đóng kín cửa lại không thèm ăn cả chè mẹ vừa đem ra. Ngồi một mình giữa bốn bề vắng lặng Nghi tự kiểm lại lòng và thấy mình không hề sai. Cô cũng như Khôi chớ có gì kém cỏi mà phải bị nó kèm kẹp cơ chứ? Từ giờ trở đi Nghi sẽ sống khác, sẽ làm theo ý mình thử xem Khôi làm gì được! Nghĩ tới gương mặt ngơ ngác của nó mỗi lúc có chuyện bất ngờ, Nghi lại cười đắc ý. Ðan Nghi này! Vắng tiết chót, sao mình không vào quán nhỉ? Tôi biết trên đường này có một quán nhạc… chiến đấu lắm. Nghi vẫn thong thả đạp xe chớ chưa vội trả lời Lãm. Lời đề nghị nghe khá hấp dẫn. Khôi chưa bao giờ rủ rê kiểu này. Kiểu như hai người đã là một, đã thân từ kiếp nào, thân tới mức lời nói của kẻ này là lời đại diện của người kia. Kiểu rủ rê của những người đã trưởng thành biết làm chủ bản thân của Lãm làm Nghi thấy mình không còn là trẻ con nữa. Cô hờ hững như người lớn: - Nếu có nhạc hay, tôi không bao giờ từ chối. Mặt vẫn tươi rói một nụ cười, Lãm nói: - Vậy thì … “go”. Vào quán, Lãm gọi cà phê và hỏi: - Nghi từng đi như vầy với Khôi chứ! Nghi gật đầu: - Bạn bè đi ăn uống là chuyện thường có gì đặc biệt đâu. Lãm nheo mắt: - Với tôi, thì đặc biệt vì Nghi là người bạn đầu tiên trong lớp tôi mời. Ðan Nghi hóm hỉnh: - Hân hạnh cho tôi quá nhỉ. Nhưng cà phê nào cũng đen và đắng hết. Vừa lúc ấy trong loa vang vang: “Ngồi quán uống ly cà phê, nghe nắng mưa đi về …” Giọng Lãm trầm xuống theo tiếng nhạc: - Nghi có nghĩ đến lúc mình phải thành người lớn chưa? Nghi lắc đầu: - Chưa và để làm chi khi bây giờ Nghi thấy mình cũng chả còn bé bỏng gì nữa? Lãm có vẻ hơi tán tỉnh: - So với các bạn gái trong lớp, Ðan Nghi là người đặc biệt nhất! Nghi thản nhiên: - Vậy sao? Nhưng ở điểm nào? - Ở tính cách. Nghi phá ra cười: - Hy vọng tôi không trở thành một nhân vật xấu xí nào đó của Lãm. Thấy anh chàng hơi ngượng vì câu nói thẳng đuột của mình, Ðan Nghi liền lảng đi: - Sao lâu quá không thấy truyện mới củ Lãm? - Dạo này bận học đâu dám cầm viết… - Lãm ậm ự. Ðan Nghi trêu chọc: - Phải vậy không, hay vì lý do khác? Lãm mồm mép: - Cũng có thể, nhưng vì lý do gì tôi chưa nghĩ ra. Nghi tiếp tục hỏi: - Trước đây Lãm học ở đâu nhỉ? - Một trường bán công nào đó trong thành phố. Bố tôi lo ngại tôi ham chơi hơn ham học nên đã xin chuyển trường. Ý ông là học trường mới bạn mới vẫn thích hơn. - Thế Lãm thấy sao? Lãm cười: - Người lớn bao giờ chả đúng. Nghi nheo mắt: - Bởi vậy Lãm đang mong mình thành người lớn hơn chưa? Lãm bưng tách cà phê lên: - Nghi thích nghe nhạc gì nhỉ? - Dĩ nhiên là Rock. - Sao giống tôi thế! Nghi nói: - Vì mình chưa già để thích nghe nhạc cổ điển. Thiên Lãm hăng hái: - Nhà tôi có khối nhạc của Eric Clapton, Snadra, Michael Jackson… Tôi sẽ cho Nghi mượn. Co người cùng nghe một đĩa nhạc với mình, sẽ thấy tuyệt hơn mấy lần vì được chia xẻ. Ðan Nghi thở dài: - Nhưng tôi lại hơi dốt ngoại ngữ. Nghe nhiều mà hiểu chẳng bao nhiêu. - Khỏi lo, tôi sẽ phiên dịch cho Nghi. Dĩ nhiên là không thể hay như nhạc sĩ nhưng đủ để Nghi hiểu lời nhạc muốn nói gì. Cô vờ vịt dù trong bụng rất khoái: - Như vậy tốn thời gian của Lãm lắm! Lãm vồn vã: - Có sao đâu! Ðó là một trong nhiều cách rèn luyện ngoại ngữ mà! Lắng nghe bài nhạc vừa được thay băng. Lãm hỏi: - Nghi biết bài này không? - Biết! “Love Me Tender”. Lãm gật gù: - Một bản nhạc rất nổi tiếng của vua nhạc rock, Elvis Presley. Dù bản nhạc thuộc về nhiều thập niên trước kia nhưng nó vẫn bất tử như Elvis. Rồi không đợi Nghi nói tiếp, Lãm say sưa kể về những huyền thoại của vua nhạc rock. Cô bé nhâm nhi từng tí cà phê và khám phá ra dường như mình đang hợp rơ với Lãm hơn. Ở anh chàng này có nhiều điều hay hay mà Khôi không có và ngược lại. Phải chi Lãm và Khôi chỉ làm một người thì hay biết mấy. Khôi luôn xem Nghi là trẻ con, trong khi Lãm lại rất bình đẳng với cô. Dầu hai đứa cùng tuổi nhưng lão cận rất thích lên mặt dạy đời, dặn dò hay lo lắng đủ thứ. Gần bên Khôi, Ðan Nghi không tự tin như ở bên Lãm. Bây giờ cô đã thoát khỏi cái vòng Kim cô của Khôi rồi, thì với bất cứ ai, Nghi cũng vênh váo tự tin như tính cách lâu nay của cô mà chả sợ bị mẹ mắng… Lãm ngắt ngang suy nghĩ của Nghi: - Cà phê ở đây không đến nổi đắng nghét chứ? Nghi chưa kịp trả lời thì thấy Thái và Tuấn bước vào. Cả hai đứa đều ngạc nhiên đến mức ngớ ra khi đụng phải Lãm và Nghi. Thái xoa cái cằm không có lấy một cọng râu, giọng dài ra: - Chà! Thật là vô cùng bất ngờ… Ðan Nghi tỉnh queo: - Thì cũng như mội người. Bọn mình vào đây uống cà phê và nghe nhạc. Nhưng tới giờ tụi này về rồi … Lãm thân mật vỗ vai Tuấn: - Ở lại nhé! Quán này khá lắm! Lên xe đạp, Ðan Nghi chợt thấy những vòng quay nặng chịch. Cô nghĩ đến Khôi và nhún vai … Sao lại tự ràng buộc mình thế! Lãm cũng là bạn như Khôi kia mà! Chả lẽ đi uống cà phê với Lãm mà không có Khôi là sai? Sáng hôm sau, bước vào lớp Nghi đã bắt gặp cái nhìn đầy ác cảm của bọn con gái. Cô phớt tỉnh tới chỗ của mình và liếc nhìn về phía Khôi. Lão cận vẫn mãi chúi mũi vào ba mớ công thức toán. Thái độ tỉnh như ruồi của Khôi làm Nghi ấm ức thế nào ấy. Nhưng cảm giác đó mau chóng biến mất khi Lãm vào tới. Lấy trong túi ra một compac disc bỏ túi và một xấp đĩa nhạc, Lãm nói: - Nghi thử nghe xem, không thích thì tôi sẽ đổi đĩa khác. Dù không bộc lộ ra, Ðan Nghi có vẻ tự đắc trước bao nhiêu cặp mắt trố ra vì ganh tỵ của Diễm Uyển, Bích Tuyên, Hoàng Lan… Rất thản nhiên, Nghi cho dĩa vào máy và đeo headphone … Giờ ra chơi. Khôi bỏ ra ngoài sau khi ném vào mặc Nghi một câu nặng nghìn cân: - Dẹp cái trò chướng mắt đi, đừng làm Khôi thất vọng hơn nữa. Lúc Nghi còn sững sờ vì câu nói ấy là Lãm bước tới, giọng thật dịu dàn: - Tôi nghĩ Nghi về nhà hãy nghe tiếp. Sắp đến tiết cô Sương, chắc Nghi đâu nỡ để tôi đứng dậy nhận những thứ này là của mình chứ! Ðan Nghi tủm tỉm cười. Cô quên bẵng những lời khó nghe của Khôi và thấy mình quan trọng hơn với Lãm. Ngày hôm sau Khôi xin cô chủ nhiệm chuyển chỗ qua dãy của Thái với lý do bàn chót xa quá, không trông thấy bảng. Khi nghe Khôi nói thế trước lớp, Ðan Nghi ngồi im và nhịp nhịp những ngón tay. Cô không ngờ Khôi lại đành đoạn rời xa cái bàn mà nó đã gắn bó hơn hai năm trời với một lý do rất … xạo. Hừ! Chắc lão Bill không muốn ngồi gần Nghi nữa. Tự dưng cô bé thấy tự ái nhiều hơn là buồn. Nhưng để chứng tỏ chuyện Khôi chuyển chỗ chẳng… xi-nhê gì với mình Nghi quay ra sau mỉm cười với Lãm. Anh chàng chộp lấy thời cơ dúi cho cô một phong chewing-gum. Hà! Những lúc như thế này nhai chewing-gum có nên không nhỉ? Khẽ liếc mắt về phía Khôi, Nghi thấy nó mãi nghiêm túc nhìn lên bảng nghe như nuốt từng lời, từng chữ của giáo viên. Thế đấy! Lão cận hết quan tâm đến Nghi rồi. Lão đang chạy đua nước rút cho sự nghiệp học nữa, học mãi không biết chán là gì. Suy cho cùng Khôi đổi chỗ vậy mà hay. Nghi sẽ thân thiện hơn nữa với Lãm và không còn ngần ngại trước ánh mắt lạnh tanh của Khôi. Ngẫm nghĩ mà khổ! Thâm tâm Nghi luôn muốn được là bạn tốt của cả hai người. Nhưng thái độ của Khôi làm cô buồn quá. Chẳng lẽ khi làm bạn với người này thì không được thân với người khác? Có lẽ Khôi nghĩ vậy nên mới vượt tuyến sang bên dãy bên kia thì đúng là chán thật! - Ðan Nghi lên bảng! Ðang nghĩ ngợi lung tung, cô giật nãy người vì bị gọi cả tên lẫn chữ lót. Nhìn đề toán, Nghi ngẫn ngơ như mới trên cung trăng vừa rơi xuống. Thầy có vẻ giận: - Học không học mà lo ra! Ai giải được bài toán này? Sao? Lớp hôm nay ngủ hết rồi à? Hừm! Ðịnh gởi cả chữ nghĩa, công thức lại thầy cô chắc? Nào, Khôi hay Lãm lên đây giải vây cho công chúa đi chứ! Ðan Nghi cúi gằm đầu xuống. Chưa bao giờ cô bị quê độ như vầy. Cả lớp im lìm đến mức nghe cả tiếng tít tít của đồng hồ đeo tay. Cuối cùng thầy chỉ Khôi. Lão cận sửa gọng kính rồi trịnh trọng bước lên bảng. Lão cận giải bài toán theo hai cách, cách nào cũng ngắn gọn, rõ ràng. Cả lớp thở phào nhẹ nhõm khi mặt thầy tươi hẳn ra: - Học như thế mới học chớ! Thằng Bill này giấu tài nhé! Liếc nhìn sang phía Nghi, thầy hất hàm: - Về chỗ với một…cây gậy! Nghi buột miệng: - Cám ơn thầy! Thầy trợ mắt: - Cám ơn cái gì? Nghi liếm môi: - Cám ơn thầy không cho em cặp… mắt kiếng ạ. Hừm! Nếu cần mắt kiếng thì tới mà xin Khôi. Tôi cảnh cáo em và cho một cây gậy để chống. Tuần sau em sẽ được… đăng đàn nữa. Ráng tập chống gậy từ bây giờ đi! Tan trường. Ðan Nghi có ý chờ nhưng Khôi không thèm đếm xỉa gì tới cô. Nhớ tới mớ bài tập dày đặc trong vở, Nghi thở dài. Cô đạp xe về. Lãm lặng lẽ theo một bên: - Vẫn còn rầu vì cây gậy của thầy tặng à? - Ðâu có! Nghi đang nghĩ tới cà phê. Lãm lắc đầu: - Vào lúc này thì không nên vì mẹ đang chờ ở nhà. Ðan Nghi nhếch môi: - Sao lúc nãy Lãm không lên bảng? - Tôi không thích làm thế. Nhưng Nghi cũng đừng nên trách Khôi. Cậu ấy bị chỉ định! - Ðồng ý! Nhưng có cần trổ tài Bill Gates giải hai cách như thế không? - Nếu không giải hai cách, thầy sẽ coi thường lớp mình… Lãm nhỏ nhẹ. - Lãm đừng nói nữa. Mình hiểu mà! - Những lúc buồn Lãm thường làm gì? - Rồi cô ngập ngừng. Lãm đáp: - Tôi sẽ viết, nếu viết không thể thổ lộ cùng ai. Viết rồi đọc lại sẽ nguôi ngoai. - Những truyện ngắn của Lãm được ra đời trong những hoàn cảnh như thế à? Lãm cười nhẹ: - Nghi phỏng vấn tôi đấy hở? Nghi hất mặt lên: - Không được sao? - Ðược chứ! Nhưng tôi không trả lời vào lúc này đâu! Nghi im lặng. Hai đứa chạy xe song song. Ðến gần ngõ nhà Nghi. Lãm lại đưa một thanh chewing-gum: - Ðể … đi học thêm nhai cho đỡ buồn ngủ. Ðan Nghi lắc đầu: - Với tôi hình như nhai chewing-gum hết … phê rồi. - Vậy sao! Nghi luôn là cô gái đặc biệt nhất của lớp. Nghi hờ hững: - Ðặc biệt như tôi cũng chả hay ho gì. Thôi bye nghen! Tới nhà. Cô thấy chiếc Cub của Khôi dựng ngay gốc mận, đúng y chỗ trước đây nó vẫn dựng. Hừ! Thì ra lão cận đã biết tội, nên mới ghé để nhận… khuyết điểm. Tự nhiên cô thấy mát ruột mát gan, nhưng cô vẫn… gầm gừ trong cổ: - Hừ! Dễ ghét thật! Cho ngồi đó luôn. Mặc xác Khôi bơ vơ ngoài phòng khách, cô đi một mạch tới bếp làm bà Huyền ngạc nhiên: - Ủa! Khôi còn ngoài trước mà! Nghi làu bàu: - Chờ con sao thấy con vào mà chả nói một lời? Ðã vậy còn ngồi như ông cụ, chắc đợi người ta thưa mới chịu mở miệng quá! Bà Huyền lắc đầu: - Lúc nào cũng trách móc người khác. Nó không đợi mày thì ngồi làm gỉ? Có được mỗi đứa bạn thân mà không biết giữ thì thôi... Ðan Nghi cãi: - Nó không phải là bạn duy nhất của con. Không có nó, con vẫn có khối bạn khác. Bà Huyền có vẻ giận: - Nói vậy mà nghe được sao? Nếu được thì ra đuổi nó về ngay đi. Ðan Nghi gãi đầu. Ðó là dấu hiệu mỗi khi cô rối trí. Mở tủ lạnh, cô uống cạn một ly đầy nước rồi từ từ trở ra. Ngồi phịch xuống trước Khôi với vẻ bất đắc dĩ, cô koanh tay im lặng. Khôi chỉ đống sách trên bàn: - Sách hướng dẫn bài giải toán, Nghi xem để tham khảo cách giải những bài tập thầy vừa cho. Tuần sau thầy sẽ gọi Nghi đó. Bỗng dưng Nghi khách sáo một cách vụng về: - Cám ơn! - Không có gì! Khôi chỉ vì lớp thôi! Nghi chúm chím cười... lão vì ai cũng được, nhưng lão tới đây làm hòa trước xem như Nghi đã thắng. Ðiều đó làm cô... khoái. Thấy Nghi cười bỗng dưng Khôi buột miệng: - Sáng mai Khôi tới chở Nghi nha! Cô lắc đầu khi thoáng nhớ tới Lãm: - Nghi thích đi một mình. Rồi cô nói tiếp khi thấy mặt Khôi xìu xuống: - Ðạp xe cũng là vận động chớ phải không? Khôi vẫn chê Nghi lười vận động là gì? Khôi cười gượng gạo: - Năm nay học nhiều, chỉ sợ Nghi mất sức khi qua cầu mồi ngày. Nghi tinh quái: - Bữa nào mệt Nghi sẽ gọi điện thoại nhờ Khôi tới chở. - Ừ! Ráng học đấy! Nghi lại nhăn nhó: - Lại điệp khúc cũ nữa rồi! Chán! Khôi thủng thỉnh nhả chữ: - Chán cũng phải nghe. Dạo này Nghi học sút lắm. Bớt vào quán đi! Nghi nóng mặt: - Khôi thì biết gì mà nói thế! Khôi đứng dậy: - Thôi không cãi nữa. Khôi về đây. Buổi tối Nghi lấy quyển sách bài giải của Khôi ra xem. Từ trong sách rơi ra một tờ giấy có vẽ hình một gã thư sinh đang gắng sức chèo một con thuyền ngược nước. Phía dưới hình có ghi câu: "Học không tiến ắt lùi". Ðan Nghi tủm tỉm cười. Lão cận này cứ y như cụ non. Thật tức cười! Quơ cây viết trên bàn, cô vẻ tặng cặp kính tròn vo cho gã thư sinh trói gà không chặt mà bày đặt chèo ngược dòng. Vẽ xong Nghi cắm cúi ghi thêm: "Học không chơi như vệ tinh quay quanh trái đất. Không tiến, không lùi mà chỉ chạy vòng quanh". Hài lòng với câu châm chích ngôn của mình, Ðan Nghi búng tay thật điệu nghệ rồi mày mò vật lộn với đám bài tập, nhưng... mò không ra, dù đã có hướng dẫn sẵn trong sách. Thế đấy, không có Khôi, đầu óc cô bỗng trở nên tăm tối chưa từng thấy. Nhưng dầu tối cỡ nào, Ðan Nghi cũng phải cố đốt cho mình một ngọn nến. Ðốt không thèm cháy mới nản! Nghi tự mắng mình ngu dốt rồi nằm bò ra giường với suy nghĩ: "Ðan Nghi không thể trở thành nhà toán học được. Nhưng nhà văn, nhà thơ thì có thể..." Tự động viên để đừng tủi thân, Nghi nhìn lên trần nhà và nhớ lại cảm giác đứng "chào cờ" một mình sáng nay trong giờ toán. Vùng dậy ngồi trước trang giấy trắng tinh, Nghi loay hoay viết rồi bôi xóa, bôi xóa rồi viết. Mấy tiếng đồng hồ, Nghi mới... sáng tác hoàn chỉnh bốn câu thơ: "Giờ toán thầy kêu lên bảng đen Xóa ghi đáp số biết bao phen Có đàn chim sẻ qua ngang cửa Chở hết phương trình đi xứ quên" Cô khoan khoái nhịp nhịp chân và đọc đi đọc lại siêu tác phẩm của mình. Nội dung bài thơ không chính xác so với sự kiện xảy ra trong lớp vì Ðan Nghi mù tịt, chớ có giải được chút nào đề toán hóc búa ấy đâu mà "xóa ghi đáp số". Còn nữa. Ngoài chú chim sẻ vô phúc sa vào lớp rồi bị cánh quạt đập trúng, rơi ngay trước mặt Lãm tới nay, hầu như chẳng có con chim thứ hai nào bay ngang lớp cô, nói chi tới "một đàn chim sẻ" để có thể chở cả "phương trình đi xứ quên". Chỉ có trong mơ ấy. Nhưng văn nghệ sĩ nói chung là những người siêu tưởng, có thể biến không thành có, biến chó thành gà, biến cà ra quýt, biến mít thành sầu riêng, thì sao Ðan Nghi cô nương này không sử dụng chất liệu sống thực có sẵn để nhào nắn nó thành bài thơ tuyệt cú mèo như vầy chứ? Hí ha hí hửng, Ðan Nghi đi tới đi lui trong phòng, nhẩm đi nhẩm lại từng chữ từng lời với tất cả niềm vui thích. Có nên gởi... tác phẩm này cho Mực Tím không nhỉ? Chà! Ðiều này phải... tham khảo ý kiến của Lãm mới được. Ðọc xong bài thơ đầu tay của Ðan Nghi, Lãm gật gù khen: - Khá lắm! Thơ rất có hồn. Khoái phỗng mũi, nhưng Nghi vẫn khiêm tốn: - Lãm nói thế chứ, tôi thấy còn nhiều khuyết điểm không thật. Ra vẻ một người giàu kinh nghiệm viết lách, Lãm nói: - Trong văn chương, sự thật chỉ có ba phần, còn bảy phần kia điều là hư cấu. Nghi hư cấu như thế này là quá tốt rồi. Ðan Nghi do dự: - Tôi chỉ sợ bị chê... xạo. Lãm bật cười: - Không phải xạo mà là tưởng tượng phong phú. Nghệ sĩ hơn người khác ở chỗ biết tưởng tượng. Tôi nghĩ Nghi nên gởi đăng báo bài thơ này. Khác với những lần gởi bài cho mục Nhí Nhố, lần này Ðan Nghi thấy ngại. Cô xìu giọng: - Tôi sợ họ chê lắm! Lãm xua tay: - Bảo đảm họ sẽ không chê. Nghe lời Lãm đi, nếu Nghi cảm thấy ngại, tôi sẽ gởi hộ cho. Ðẩy tách cà phê đen về phía gần Ðan Nghi, Lãm nói tiếp: - Tôi không ngờ chuyển vào lớp này tôi lại gặp bạn thơ. Từ nay trở đi, tôi đã có người để trút cạn lòng mình qua thơ truyện rồi. Buổi cà phê hôm nay để đánh dấu sự việc trọng đại này. Ðan Nghi uống đi! Ðan Nghi bỗng thấy mình thành một nhà thơ nữ sau những lời tán dương của Lãm. Cô cho rằng lãnh một... cây gậy để trở thành nhà thơ thì cũng xứng đáng lắm. Phải cám ơn thầy toán đã cho cô cảm xúc mới đúng hơn là trách thầy. Nếu bài thơ được đăng báo, Nghi sẽ có dịp nhìn những gương mặt ganh tỵ của các cô nàng trong lớp. Rồi Khôi nữa. Nó sẽ không dám nghênh ngang bảo Nghi: "Dẹp cái trò chướng mắt ấy đi". Hừ! Nghệ sĩ là người lập dị, ngông nghênh, cô chỉ mới nghe nhạc không chép bài mà Khôi đã lên lớp. Ðến khi Nghi nổi tiếng như Ðỗ Trung Quân, nó sẽ phải ân hận vì trước đây không chịu động viên cô, trái lại lúc nào cũng ép cô vào một khuôn mẫu cứng ngắt. Chà! Biết đâu chừng cái khuôn mẫu ấy của Khôi bấy lâu nay đã... ém tài Nghi, làm cô không có "tinh anh phát tiết ra ngoài" được để làm thơ, viết truyện. Phải chi Nghi làm bạn với Lãm sớm hơn, chắc bây giờ cô cũng là cây bút đầy tài năng và triển vọng rồi. Thật đáng tiếc lắm thay... Bưng tách cà phê lên uống một ngụm như người sành điệu. Ðan Nghi nói: - Lãm vẫn chưa cho tôi biết mình viết truyện như thế nào đấy! - Nghi định lấn cả sang sân của tôi sao? - Lãm tủm tỉm. Ðan Nghi nhún vai: - Hỏi cho biết vậy mà! Lãm nheo nheo mắt: - Rất dễ! Tôi luôn bắt đầu công viết từ trái sang phải cho đến khi xong... Nghi liếc Lãm một cái rõ dài. Lãm cười cười nói tiếp: - Nhưng trước khi viết, tôi cũng như Nghi, tôi phải có cảm xúc, sau đó là hư cấu, tưởng tượng. Ðan Nghi dài giọng: - Lãm phải... minh họa cụ thể, tôi mới hiểu chứ! Lãm có thể lấy truyện "Ngõ Vắng" để dẫn chứng. Hơi ngập ngừng một chút, Lãm nói: - Thật sự tôi có một thằng bạn nghèo, đêm đêm phải phụ gia đình đi bán bánh giò. Năm rồi nó không đến lớp nữa, tôi cho rằng nó đã nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn... Còn nhân vật nữ trong truyện thì sao? - Nghi tò mò. Lãm toe toét: - Làm gì có nhỏ nào để ý tới nó. Tôi tưởng tượng ra mà. - À! Tôi hiểu rồi! Lãm đã thay nhân vật ấy vào chỗ của mình để câu chuyện có phần cảm động, lãng mạn hơn. Ðúng không ? - Ðan Nghi gật gù. - Ðó là thủ thuật của người viết có kinh nghiệm. - Lãm có vẻ tự mãn. Ðan Nghi khen: - Lãm giỏi tưởng tượng thật. - Cũng không giỏi đâu. Chỉ nhờ tôi biết vận dụng bí quyết kế thừa trong văn học thôi. Ðan Nghi lùng bùng lỗ tai. Cô chả hiểu "Bí quyết kế thừa trong văn học" là gì, nhưng không tiện hỏi vì sợ Lãm chê kiến thức nghèo nàn. Phải chi Lãm là Khôi, Nghi đã tha hồ thắc mắc. Thằng cận ấy dư sức biết kiến thức của cô có bao nhiêu, nên với nó, Nghi chả sĩ diện làm chi, để rồi ấm ức. - Tôi có thể bật mí bí quyết ấy với Nghi. - Lãm hạ giọng. Ðan Nghi mừng rơn: - Nó như thế nào vậy ? Không trả lời Nghi, Lãm hỏi: - Nghi có nhớ truyện Trương Chi - Mỵ Nương không nhỉ ? Nghi gật đầu với tất cả vẻ hoang mang. Truyện ấy thì có liên quan gì tới "Ngõ Vắng" cơ chứ ? Lãm ngân nga: - Chuyện kể rằng chàng lái đò vừa xấu trai vừa nghèo khó tên Trương Chi được trời phú cho giọng hát mà Quang Linh còn thua xa. Mỗi đêm khi thả thuyền trôi theo trăng, chàng thường cất giọng hát của mình. Tiếng hát ấy theo gió bay đi thật xa làm thổn thức biết bao trái tim con gái. Trong số các cô gái hay mơ mộng ấy có cả tiểu thư con nhà quyền quý - Mỵ Nương. Nàng Mỵ Nương say mê giọng hát và tưởng tượng người có giọng hát ấy phải là một trang tuấn tú, nên đã đâm ra ốm, tương tư rất nặng. Lãm im lặng một chút mới kể tiếp: - Cha Mỵ Nương sau khi tìm hiểu nguyên nhân đã không ngại ngần mời Trương Chi vào hát cho Mỵ Nương nghe. Trong cơn thập tử nhất sinh, cô tiểu thư nhiều mơ mộng đã bình phục nhờ giọng hát đầy mê hoặc ấy. Nhưng đến khi nhìn thấy chàng Trương, My Nương đã vỡ mộng vì Trương Chi không phải là Leonardo Dicaprio trong phim Titanic… Lãm thở dài: - Mà chàng ta xấu còn hơn thằng gù nhà thờ Ðức Bà. Thế là Mỵ Nương nhanh chóng loại bỏ hình bóng lẫn tiếng hát Trương Chi ra khỏi tâm tưởng mình và vô tư sống trở lại những tháng ngày chưa biết thế nào là thương một người. Ðầu hơi cúi xuống buồn phiền, Lãm than: - Chỉ tội nghiệp cho Trương Chi. Phải! Ðúng là tội nghiệp Trương Chi. Gã lái đò cũng không thể sống như đã sống những năm tháng lặng lờ con nước trước đây. Gã bị nét thiên kiều bá mỵ của cô tiểu thơ con nhà quan thâu mất ba hồn bảy vía rồi. Gã cũng lăn đùng ra ốm tương tư, mà cô nàng Mỵ Nương chẳng chút quan tâm. Thế rồi Trương Chi đã chết vì thất tình. Hận tình không tan nên hồn phách gã tụ lại tron tim. Thân xác hóa tro bụi nhưng trái tim lại biến thành khối ngọc. Người đời mang ngọc tạc thành chén. Ðổ nước vào chén sẽ thấy lung linh bóng thuyền Trương Chi. Dân gian truyền tụng nhau hai câu thơ: Lệ tình biết trả cho ai Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan. Giọng ngậm ngùi, Lãm nói tiếp: - Hai câu thơ đến tai Mỵ Nương cùng với cái chén ngọc. Nhìn thấy bóng thuyền Trương Chi trôi trong cõi mơ hồ kỳ ảo, Mỵ Nương đã nhỏ những giọt lệ ăn năn. Kỳ lạ thay, khi nước mắt nàng đầm đìa rơi xuống chén ngọc lại tan thành tro bụi … Một cuộc tình thương đau, lãng mạn và đẹp tuyệt phải không Nghi? Ðan Nghi thắc mắc: - Chuyện Trương Chi - Mỵ Nương có ăn nhập gì với truyện Ngõ Vắng chứ! Lãm nói ngay: - Có đấy! Nếu tinh ý một chút, Nghi sẽ nhận ra cấu trúc câu chuyện thuộc mô típ đó. Dĩ nhiên mỗi thời đại anh chàng Trương Chi và cô nàng Mỵ Nương phải khác đi cho phù hợp. Tôi đã kế thừa truyện xưa tích cũ để viết Ngõ Vắng. Cái kết thúc lơ lửng của tôi cũng phù hợp với xu hướng bây giờ. Nghi chép miệng: - Nhân vật nữ của Lãm vô tâm hơn Mỵ Nương gấp trăm lần. - Vì người ta bây giờ đều sống như thế. – Lãm thản nhiên. Ðan Nghi không đồng ý với Lãm, nhưng cô làm thinh chứ không tranh luận như mỗi lần bất đồng với Khôi. Chống tay dưới cằm, cô thắc mắc: - Người bánh giò bánh gai của Lãm bây giờ ra sao rồi? Lãm nhún vai: - Tôi không thân với nó, nên đâu có quan tâm. Ðịnh nói: “Vậy là Lãm cũng vô tâm như cô bé tóc dài trong truyện” nhưng Nghi kềm lại được. Nhìn gương mặt đầy vẻ tự đắc của Lãm, trong lòng cô có một điều gì đó tương tự như là thất vọng. Lãm sâu sắc lắm kia mà, sao lúc này nó lại nói như thế về bạn, cũng là nhân vật tạo cho mình cảm xúc để viết được một truyện ngắn làm mọi người yêu thích nhỉ? Dường như Lãm đọc được những điều cô nghĩ nên nó ngần ngừ giải thích: - Thật ra cảm xúc chỉ là một rung động thoảng qua rất nhanh. Chộp được nó để viết thành bài thơ hay trong truyện ngắn rồi cảm xúc cũng tan biến đi. Nếu cứ nghĩ đến việc đã qua hoài, làm sao tiếp nhận rung động mới để viết nữa chứ ! Nghi nói: - Ðiều này tôi thật sự không hiểu. Tôi luôn nghĩ khác về những người biết viết lách như Lãm. Lãm xoay xoay cái tách cà phê: - Nghi nghĩ như thế nào nhỉ? Nghi bối rối: - Nói ra làm chi? Lãm ra giọng kẻ cả: - Các cô hay thần tượng hóa về những người cầm viết như chúng tôi. Nghi thấy rồi đó, tôi có khác gì các bạn trong lớp đâu … Có chăng tôi viết ra được tưởng tượng của mình, còn các bạn thì không. Nghi hỏi vặn lại: - Chỉ là tưởng tượng thôi sao? - Thì tưởng tượng dựa trên thực tế mà! – Lãm chống chế. Nghi kêu lên: - Phức tạp thật! Giọng Lãm nhẹ nhàng: - Ðâu có gì phức tạp. Khi làm được bài thơ thứ hai, thứ ba Nghi sẽ hiểu thôi. Cầm bài thơ trên tay, Lãm nói: - Tôi sẽ gởi báo cho Nghi. Chờ tin vui đi. Về nhà. Ðầu óc lâng lâng vì nghĩ tới cuộc trò chuyện vừa rồi, Nghi học không vô, cô đọc báo rồi xem tivi thoải mái mà quên bẵng ngày mai kiểm tra Sinh. Ðến khi nhớ ra Nghi mới phát hiện một điều tệ hại hơn nữa là cô chưa chép bài, vì hôm đó mãi lo nghe nhạc trong lớp. Mới … ăn một cây gậy cách đây mấy ngày, lẽ nào lại … ăn tiếp nữa. Nghi quýnh quáng nhìn đồng hồ. Gần mười giờ rồi, ngoài Khôi ra, đâu còn ai … vui lòng cho cô mượn vở vào lúc này. Nhấp nha nhấp nhổm, Nghi rầu thúi ruột vì chả biết làm sao. Thật muối mặt nếu phải gọi cầu cứu Khôi về chuyện học hành bê bối của mình. Nhưng thà xấu hổ với Khôi còn hơn bị nêu tên trước lớp. Nhấc điện thoại lên, Nghi nôn nóng chờ giọng lão cận “Alô” rồi hỏi ngay: - Khôi học bài Sinh xong chưa? - Xong rồi! Có chuyện gì không Nghi? Cô liếm môi: - Ơ … chả biết quyển vở Sinh của Nghi lạc đâu mất nữa. Kiếm cả buổi mà không ra. Nghi nghe giọng Khôi cười khẽ trong ống nghe: - Coi chừng Nghi bỏ quên ở quán cà phê nào đó. Mà tới giờ này Nghi mới tìm vở học à? Khôi e muộn quá rồi. Khôi chẳng còn ngồi gần để đọc cho Nghi chép mỗi khi có bài kiểm. Thật đáng tiếc! Dứt lời lão cận gác máy nghe cái cụp. Ðan Nghi tức đến nghẹt thở. Vậy là Khôi biết cô không chép bài nhưng không thèm nhắc nhở, không thèm cho Nghi mượn vở như lâu nay nó vẫn có bổn phận với cô. Ði tới đi lui, Nghi nguyền rủa thằng nhãi bốn mắt không tiếc lời. Hừ! Từ giờ trở đi hai đứa không còn là bạn bè gì nữa hết. Người ta bảo: “Tình bạn là tình yêu không có cánh”. Vậy mà cái tình yêu không có cánh ấy đã bốc hơi mất rồi. Suốt mười hai năm ròng bên nhau, nào ngờ Khôi lại thay đổi kỳ cục vậy. Nếu đã thế thì thôi luôn. Không chơi với nó, Nghi vẫn còn Lãm cơ mà. Lấy cuốn sổ điện thoại cá nhân ra, Nghi lẩm nhẩm đọc số của Lãm rồi nhấn máy. Một giọng đàn bà khó chịu vang lên làm cô hết hồn: - Kiếm ai? Nghi ấp a ấp úng: - Dạ cho cháu gặp Lãm ạ! - Hừ! Con gái gì … hư thế? Biết mấy giờ rồi không mà còn gọi điện thoại kiếm con trai. Lãm ngủ rồi, làm gì một ngày tìm nó mấy lần vậy hả? Nghi còn điếng người thì đã nghe tiếng gác máy. Cô tức tưởi ngồi phịch xuống xấu hổ. Ai tìm Lãm hồi nào, để làm gì không biết, Nghi mới gọi cho nó lần đầu đã nghe mắng. Ðúng là xui tận mạng. Có thật nó đã ngủ rồi không, hay mẹ nó nói dối vì không muốn cậu quý tử bị làm phiền. Mà với lý do nào đi chăng nữa, Nghi đã bị xúc phạm bởi cả Khôi lẫn Lãm. Kể cũng đáng đời, ai bảo cô đểnh đoảng, ham chơi hơn ham học làm chi. Giờ nên trách mình chớ đừng trách người khác. Bà Huyền bước vào với quyển sổ trên tay: - Thằng Khôi nó đưa đây nè! Mừng hơn bắt được vàng nhưng Nghi vẫn trề nhún: - Tốt dữ à … - Không tốt sao lặn lội giữa khuya mang vở tới cho con mượn. Mà con làm gì tới giờ này mới mượn vở hả? Nghi chối quanh quẩn: - Tất cả cũng tại nó ích kỷ … Bà Huyền nhìn vào mắt con gái: - Hai đứa bây vẫn còn gây nhau à? - Ðâu có… mẹ. Bà Huyền hỏi tới: - Vậy sao nó đến mà không vào nhà? - Ờ … tại vì khuya và tại nó … sợ con … đục bể mắt kiếng vì tội … tới bây giờ mới nhớ cho con mượn tập. Bà Huyền thở dài: - Ăn với nói. Lẽ ra mày phải là con trai mới đúng. Nghi lắc đầu: - Làm con gái như con sướng hơn nhiều chứ mẹ. Bà Huyền chép miệng: - Ối dào! Chả biết sau này thằng vô phúc nào vớ phải mày. Ðan Nghi phụng phịu: - Lúc nào mẹ cũng coi thường con gái mình. Có khối thằng vô phúc thấy hạnh phúc khi phục vụ cho con đó mẹ ạ. Bà Huyền lắc đầu bước ra. Ðan Nghi vội ôm quyển vở, kê lên gối và lảm nhảm đọc… Trong vở lại rơi ra một miếng giấy, nhưng mảnh giấy này không có hình vẽ nào cả mà chỉ có một câu Anh ngữ: “Everything I do, I do it for you”. Chà! Cái lão bốn mắt khô như ngói ấy cũng bày đặt nghe nhạc nước ngoài nữa sao? Lão ấy ghi lời bài hát của Brian Adams ra làm gì nhỉ? Bộ định kiểm tra vốn liếng sinh ngữ của Nghi à? Hay là định chạy đua với Lãm? Hơi khó hiểu đấy, nhưng lúc này Ðan Nghi không có thời gian tìm hiểu vấn đề của lão Bill. Cô bắt đầu tụng niệm vì không muốn lãnh thêm gậy, cũng như không muốn cô chủ nhiệm gọi lên hỏi lý do vì sao… Ngày mai trở đi Nghi phải siêng học hơn vì lão cận đã … bay theo tình bạn bao nhiêu năm tưởng rất bền bỉ của hai đứa rồi. Sẽ chẳng còn ai nhắc nhở, dặn dò Ðan Nghi từng ly từng tí nữa đâu. Cô sẽ được “tự do” theo ý muốn. Nhưng ai dám bảo tự do ấy không phải là trả giá chứ! Cả lớp hét to như vỡ chợ khi nghe lớp trưởng thông báo giờ Sinh nghỉ vì cô bị bệnh đột xuất. Ðan Nghi tươi cười mang vở đến để trên bàn Khôi: - Cám ơn Khôi nha! Ơn chúa! Hôm nay cô bệnh rồi, nếu không Khôi ngồi xa quá làm sao đọc cho Nghi được. Mặt của lão cận lạnh lùng, dửng dưng y như Bill Gates thứ thiệt đang chờ nghe phán xét sau cùng của tòa án về vấn đề độc quyền. Hãy đợi đấy đi Bill, để rồi xem Ðan Nghi sẽ … bảnh cở nào khi không bị lão kềm kẹp. Tuấn “vẫu” nhảy nhót lên đứng trước bảng, thái độ lăng xăng như hề Xuân Hinh đang hát chèo: - Thầy giám thị không cho phép ra khỏi lớp, vậy mình sẽ … xả hơi tại chỗ. Tui xung phong làm speaker điều khiển chương trình thư giãn cuối tuần. Các bạn có đồng ý không? Nghĩa gân cổ lên: - Cứ … vô tư đi, hỏi ý kiến, ý ruồi làm chi cho tốn thời gian. Ai thích thì nghe, thì nhìn, hỏng thích thì mở vở ra dò bài … Nào! Bắt đầu nhanh… Tuấn “vẫu” nghiêng người: - Tuấn M.C… kính chào các bạn… xin một tràn pháo tay. Ðan Nghi đang tủm tỉm nhìn Tuấn diễn trò thì nghe Lãm hỏi mình: - Tuấn điều khiển chương trình thư giãn cuối tuần gì vậy? Nghi quay xuống giải thích: - À! Lớp này vẫn thích văn nghệ, văn gừng, những lúc trống tiết thường diễn vài màn cho vui để hưng phấn học tiếp. Tuấn dẻo mồm lắm đấy. Trên bảng, Tuấn bắt đầu mở cuốn Mực Tím ra và ỉ ả lẩy Kiều: - “Trăm năm trong cõi người ta Bích Tuyên, Diễm Uyển khéo là ghét nhau Ðức “cống” có một… chùm dâu Hai nàng tranh hái thật đau đớn lòng. Chẳng cần biết ngọt hay không Miễn sao dâu ấy nằm trong tay mình… Bọn con trai cười rũ rượi trong khi Bích Tuyên hầm hầm đứng dậy xỉ vào mặt Tuấn: - Bậy bạ vừa thôi nghen! Coi chừng ăn dép đó! Tuấn tỉnh rụi: - Ủa! Bà qua cầu rớt dép rồi mà! Còn đâu nữa để hăm dọa. Diễm Uyển nhỏ nhẹ nhưng hết sức chanh chua: - Vừa vô duyên vừa phi nghệ thuật, xuống cho rồi. Lớp mình đâu thiếu những tay văn chương. Mời người lên nói chuyện văn học không hay hơn sao? Tuấn cười như không biết mình vừa bị mắng: - Vâng! Ý kiến hay! Xin cám ơn và xin mời phiến lá mới Hoàng Thiên Lãm tác giả truyện ngắn từng làm xôn xao bạn đọc lên… sân khấu để phục vụ những người ái mộ mình. Mặc Tuấn nhắc lại lần thứ hai, Lãm thản nhiên ngồi nhai chewing- gum. Tuấn “vẫu” không bỏ cuộc. Nó tằng hắng lấy giọng và chuyển hệ lưu loát… bác học chả thua gì Lại Văn Sâm: - Vâng! Thưa các bạn. Người xưa thường nói “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán” để ca ngợi tài nghệ văn chương của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát. Ngày nay chúng ta cũng ca tụng “Văn như Ánh như Vinh” để khen tặng Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, những cây bút quen thuộc của tuổi mới lớn. Im lặng một … giây để tập trung hơn nửa sự chú ý của cả lớp, Tuấn “vẫu” … quậy tiếp: - Nhưng chúng ta có một người bạn được xem là cây bút trẻ tài năng trong mọi tài năng. Bạn ấy sẽ toả sáng như ngôi sao mai trên nền trời hoàng hôn. Tương lai không thua gì bậc đàn anh Vinh, Ánh. Ðó chính là … là … Bọn con gái ré mồm lên khi Tuấn “vẫu” vờ đưa micro về phía chúng: - Hoàng Thiên Lãm! Tuấn “vẫu” toét mồm: - Vâng! Chính là anh, Hoàng Thiên Lãm. Cái tên ba chữ này nhắc chúng ta liên tưởng đến các tài danh cải lương như Kim Tử Long, Vũ Minh Vương… Nhưng anh không thuộc giới cải lương mà là nhà văn trẻ. Các bạn rất mong được giao lưu với Hoàng Thiên Lãm. Một lần nữa xin mới Thiên Lãm lên sân khấu. Ðan Nghi cười vì cái mép dẻo quẹo của Tuấn. Cái thằng có khiếu làm M.C. thật! Quay ra sau, cô thì thầm: - Lên đi Lãm… Lãm nhìn Nghi: - Nếu Nghi thích! - Ờ! Nghi thích! Nói gì cho vui nhe! Lãm khoan thai bước lên bục giảng. Kín đáo liếc về phía Khôi, Nghi thấy lão cận cũng rời mắt khỏi quyển tập dày cộm trên bàn để nhìn lên trên. Thế đấy! Hai người đang là đối thủ nặng ký của nhau, Nghi kiêu hãnh khi nghĩ họ kình nhau vì mình. Lãm mỉm cười khiến bọn con gái đang xù xì phải im phăng phắc. Tuấn “vẫu” xoa hai vai vào nhau: - Lãm này! Bạn có thể cho lớp biết đôi điều về … quá trình hoạt động văn học nghệ thuật của mình không? Lãm chưa kịp trả lời đã nghe Nghĩa ré lên: - Dao to búa lớn quá Tuấn ơi! Không khéo đứt tay, lỗ đầu đó! Bình tĩnh vững vàng như một tay chuyên nghiệp, Lãm nói: - Ðúng như Nghĩa nói. Tuấn dùng từ … kêu quá khiến tôi ngại vì mình có quá trình hoạt động văn học nghệ thuật gì đâu … - Nhưng Lãm là một cây bút trẻ mà. Hãy nói vì sao bạn đến văn chương đi! – Mai Ly cắt ngang. Lãm tủm tỉm cười: - Tất cả do tình cờ thôi! Một sớm mai nào đó vừa thức dậy, tôi chợt thấy mọi vật chung quanh ta sao đẹp quá thế là tôi buột miệng: “Vươn vai buổi sáng Nắng trôi vào nhà Ðôi mắt nhắm lại Thấy trời bao la Vươn vai buổi sáng Then cài giọt sương Gió quên đóng cửa Giấc mơ dang dở Tràn ra mặt đường”. (Thơ Phạm Tiến Ngọc) Thế là tôi đến với thi ca. Diễm Uyển tấm tắc một cách thật ngây thơ: - Một tình cờ mà không thể trong chúng ta ai cũng có được. Lý thú thật! Bích Tuyền tò mò: - Thế còn truyện ngắn? Lãm đã viết bao nhiêu truyện rồi? Ðan Nghi có cảm giác mắt Lãm đang ấm áp dành cho riêng mình, dù nó đang đứng trước mấy chục đứa bạn. Cũng như những con nhỏ khác trong lớp, cô cũng háo hức nghe Lãm trả lời, và tiếc là sao trước đây, khi ngồi với nhau trong quán, cô chưa bao giờ nghĩ ra những câu cụ thể như vậy để … phỏng vấn Lãm. Với vẻ ung dung tự tại, Lãm trả lời: - Thật tình tôi không nhớ mình đã viết bao nhiêu truyện, vì ngoài những tác phẩm được trình làng, tôi đã xé biết bao nhiêu tác phẩm không được xử dụng. Hoàng Lan ồ lên tiếc rẻ: - Sao lại xé uổng thế! Dầu thì cũng là chất xám cơ mà! Nghĩa vọt miệng: - Không phải chất xám. Nói theo kiểu nhà văn thì tác phẩm là máu thịt, là con cái … Nhưng đông con khổ mẹ, chất lượng kém dần khi số lượng tăng phải không? Thấy Lãm lúng túng vì câu hỏi độc của Nghĩa, Bích Tuyền vội cứu bồ: - Lãm thích truyện nào nhất trong những truyện đã viết? Lãm chấn phấn thấy rõ, nói màu mè: - Khi ý tưởng còn trong đầu, tôi đều thích chúng như nhau, nhưng khi đã trải lòng ra trên giấy, được đông đảo người yêu thích, tôi lại thấy chán vì không hài lòng với những gì mình đã viết. Thú thật tác phẩm tôi yêu nhất vẫn chưa ra đời. Ðang Nghi chống tay dưới cằm. Cách trả lời này cô vẫn thấy nhan nhản trên các bài báo, chả chút gì đặc biệt, nếu không muốn nói là nhàm chán. Cô hướng mắt mình về phía Khôi và bắt gặp cái nhếch mép của nó. Hừ! chắc là ganh tỵ rồi! - Bạn đã viết “Ngõ Vắng” trong tâm trạng nào? – Hoàng Lan thắc mắc. Lãm trầm giọng: - Ðó là một câu chuyện có thật hết chín mươi phần trăm. Hai nhân vật đều là bạn, tôi chỉ là người ghi chép lại những gì mình thấy. Mai Ly tiếp tục phỏng vấn: - Lãm nghĩ như thế nào về nhân vật nữ trong “Ngõ Vắng”? Lãm cười duyên: - Giống như mọi chúng ta, cô gái ấy thật vô tâm, nhưng dễ yêu. Nếu không anh chàng bánh giò sẽ không thầm thương trộm nhớ. Diễm Uyển tò mò: - Thế cô ấy bây giờ ở đâu? - Vẫn lẫn khuất đâu đó … Nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra cô ấy ngay. Thái … “giám” vỗ bàn: - Nói dài, nói dai, và nói dỡ. Chuyển mục đi Tuấn ơi! Bích Tuyên hầm hầm: - Bất lịch sự! Quay sang nhìn Lãm, Tuyên nói nghẹn ngào: - Tụi mình rất muốn nghe Lãm đọc thơ … Bọn con gái nhao nhao: - Ðúng rồi, đọc thơ đi Lãm. Mặc kệ cho bọn con trai khó chịu ra mặt, Lãm thản nhiên bám trụ. Nó từ tốn bảo: - Tôi sẽ đọc thơ dịp khác, còn hôm nay tôi sẽ kể chuyện cười cho các bạn đỡ buồn ngủ. Ðan Nghi khá ngạc nhiên khi nghe Lãm nói thế. Cô không nghĩ nó thích chuyện tiếu lâm trong khi cô ghét. Mỗi khi ngồi chung, bọn con trai nhắc tới tiếu lâm là Nghi đứng lên ngay. Lãm không biết bọn con gái thích nó vì nó thuộc dạng lãng mạn hay sao? Kể chuyện tiếu lâm nó sẽ bị mất điểm ngay. Nhưng cũng tại lúc này Nghi bảo Lãm “Nói gì cho vui”. Nó muốn làm vừa lòng cô, và đang hạ giá mình mà không hay. Nghi rất muốn ngăn Lãm nhưng chưa biết bằng cách nào, anh chàng đã cất giọng: - “Trên một máy bay có năm người: viên phi công, Michael Jordan, Bill Gates, Ðạt Lai Lạt Ma và một gã bụi đời có vẽ lãng đãng như một nhà thơ. Nghe tới Bill Gates và nhà thơ bụi đời, bọn con trai bắt đầu chú ý. Lãm nắm được điều đó nên ung dung kể tiếp: - Bỗng một bình oxy trong khoang hành lý phát nổ, khói lan khắp máy bay. Cửa buồng lại bật mở, viên phi công xộc vào trong khoang hành khách và hổn hển nói: - Tôi có một tin tốt và một tin xấu cho các người. Tin xấu là máy bay chúng ta sắp rơi. Tin tốt là có bốn cái dù và tôi đã mang một cái đây. Dứt lời anh ta giơ tay chào và nhảy ra khỏi máy bay. Michael Jordan vội bật dậy: - Tôi là vận động viên vĩ đại nhất thế giới. Thế giới cần có những vận động viên vĩ đại. Tôi nghĩ vận động viên vĩ đại nhất thế giới nên có một cái dù! Dứt lời anh ta chộp một lấy một cái dù nhảy nhanh qua cửa. Bill Gates đứng lên sửa gọng kính và nói: - Tôi là người khôn ngoan nhất thế giới. Thế giới bao giờ cũng cần những người khôn ngoan. Tôi nghĩ người không ngoan nhất cũng nên có một cái dù. Bill chộp lấy một cái và nhảy ra khoảng không. Hai người còn lại nhìn nhau. Ðạt Lai Lạt Ma nói: - Này con trai, tôi đã sống một đời an lạc, đã giác ngộ lẽ vô thường. Con còn trẻ lắm, con hãy mang dù, để ta rơi theo máy bay. Gã nhà thơ bụi đời tươi cười đáp: - Ồ! Thầy không phải lo. Người khôn ngoan nhất thế giới vừa nhảy ra ngoài với cái ba lô thơ của con…” an Nghi là đứa cười to nhất. Vừa cười cô vừa liếc Khôi và thấy nó cũng cười, không chỉ để cười, nó còn đứng dậy vỗ tay khen Lãm, dù Lãm vừa chơi nó một vố khá đau. Không ngờ Hoàng Thiên Lãm… thâm đến thế. Chuyện tiếu lâm nó vừa kể độc lắm chớ đâu phải vừa. Ðan Nghi không hiểu lão cận đang nghĩ gì trong đầu, nhưng bỗng dưng cô hết muốn cười. Ðứng lên cô bỏ ra khỏi lớp trước cái nhìn ngạc nhiên của Lãm. Giờ về. Lãm kề theo một bên xe Nghi. Giọng săn đón: - Nghi sao thế? Cô trả lời nhát gừng: - Có sao đâu! - Rõ ràng là không được vui. - Sao lại không, lúc nãy tôi cười đau cả bụng, mỏi cả miệng. Mắt Lãm sáng rỡ: - Nghi thích truyện đó chứ? Ðan Nghi lắc đầu: - Không! Tôi thích những truyện vui thuần túy kìa. Lãm nhíu mày: - Thế nào là chuyện vui thuần túy? Ðan Nghi nói: - Ðó là những chuyện để cười nhưng không mỉa mai, châm chọc ai. Lãm nhẹ nhàng: - Nghi muốn nói tới Khôi à? Thật ra tôi chả có ý gì mỉa mai, châm chọc bạn ấy cả. Tôi kể chuyện tiếu lâm cho vui như Nghi muốn, câu chuyện ấy đăng lên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ai cũng có thể đọc được. Ðan Nghi bướng bỉnh: - Nhưng nếu Lãm kể một chuyện khác vẫn hơn. - Lần sau tôi sẽ chú ý, vừa lòng Nghi chứ! - Lãm đấu dịu. Hai đứa cùng cười, Ðan Nghi biết ơn Lãm, cô có một vị trí quan trọng. Lãm tôn trọng cô chứ không như Khôi. Nghĩ tới lão Bill, Ðan Nghi vẫn ấm ức không ngui. Rồi thì bài thơ “Giờ Toán” của Ðan Nghi cũng được lên báo. Lần này cô không làm đình, làm đám, đãi đằng như những lần trước nữa, mà lặng lẽ cùng Lãm vào quán cà phê để … đàm đạo về văn chương. Cô cảm thấy mình người lớn hẳn ra và tức cười khi nhớ lại những trò trẻ con, ấu trĩ trước kia khi có bài đăng nhí nhố. Với ai, Ðan Nghi cũng ngẩng cao đầu hãnh diện, riêng với Khôi, cô vẫn thấy có điều gì đó như mặc cảm khi điểm số của cô ngày càng một nhỏ dần. Lão cận mặt mày lúc nào cũng lạnh tanh, lão tránh gặp Nghi. Ðã đôi lần cô chủ động hỏi, Khôi cũng trả lời nhát gừng, kiểu không chút hứng thú. Nó làm như ngoài nó ra, Nghi chẳng chơi với ai được. Chắc Khôi cũng như mẹ, luôn nghĩ rằng “May mà Nghi có Khôi, nếu không…” Hà! Bây giờ Ðan Nghi có Lãm chẳng thích hơn sao? Ngoài cái rơ cùng mê nhạc Rock ra, mỗi lần trò chuyện với Lãm, cô đều hiểu thêm đôi điều gì đó về một nhà văn, nhà thơ. Ví dụ như trong vấn đề viết lách. Nghi vẫn chưa đồng ý hết những lời Lãm nói. Nhưng với cô thế đã quá tốt, vì Khôi chẳng bao giờ quan tâm tới văn học nghệ thuật. Lão Bill chỉ là một con mọt sách dễ chán. Trong khi Lãm lại có khối cái hay cái lạ, đã vậy lại không bao giờ làm cô phật ý. Người ta phải biết chọn bạn mà chơi. Khôi đã rẽ ngang, đã không chọn cô. Ðã thế thì thôi, dầu sao chăng nữa, Ðan Nghi cũng vẫn là một đứa con gái kia mà. Sao Khôi lại chấp nhất con gái kia chứ? Ðan Nghi nuốt tiếng thở dài. Cô nhớ cách đây một tuần. Kẹt cầu chữ Y, cả hai cùng về trễ. Ðụng mặt nhau ở hành lang, Khôi đã nhận xét rất khẽ. - Nghi đã thay đổi nhiều quá! Cô chưa kịp hỏi: - Thay đổi về mặt nào? Hai đứa đã vào lớp. Mãi tới hôm nay cả hai vẫn chưa tự nhiên, thân thiện lại với nhau như hồi lớp mười, lớp mười một. Ôi! Cái thời ấy sao vui thế nhỉ? Ðang đạp xe ngon lành, Nghi vỗng thấy cái bàn đạp quay nhưng xe không đi. Lại bể bi, hư bạc đạn hay hổng con chó gì rồi! Cô nhảy xuống dáo dác tìm chỗ sửa, nhưng chẳng thấy ai. Thế là đành dắt bộ qua cầu, cầu bao nhiêu mét, em rầu bấy nhiêu. - Ðan Nghi! Nghe gọi, Nghi quay lại đúng lúc Khôi trời chiếc Cub cũ mèm tới: - Xe hư hả? Nghi thiểu não gật đầu. Khôi hỏi tiếp: - Hư cái gì vậy? Nhớ tới thái độ phớt tỉnh ăng-lê của lão cận hổm rày, Nghi bỗng giận. Cô cộc lốc: - Con chó! Khôi sửa gọng kính: - Cái gì? Nghi gắt: - Hư con chó! - Vậy mà Khôi tưởng mình bị mắng chứ! – Khôi bình thản. Ðan Nghi bĩu môi: - Ai dám đụng tới ông. Vừa nói cô vừa hất mặt dắt xe đi nhanh hơn. Tan học, trưa nắng như đổ lửa, mới dắt xe chừng hơn một trăm mét Ðan Nghi đã mệt muốn xỉu. Nghĩ tới đoạn đường trước mặt mà kinh hãi. Giọng Khôi dịu dàng: - Ðể xe đạp Khôi dắt, nghi lên chiếc Cub rồ đi! Ðan Nghi liếm đôi môi khô vì khát nước. - Sao tự nhiên tốt thế lão cận? - Từ nhỏ tới giờ Khôi luôn tốt với Nghi. Nào! Ðưa xe đạp đây! Ðan Nghi dài mồm: - Thôi! Tui không thể … bóc lột ông. Khôi gắt: - Ðừng nhiều lời nữa. Miệng để nhai chewing-gum vẫn hay hơn. Dứt lời lão Bill xuống dựng chống và dằn lấy ghi-đông xe đạp của Nghi. Cô khoái rơn trong bụng nhưng vẫn múa mép: - Tự Khôi chuốc lấy cái khổ chứ không phải tại Nghi nhe! Lên xe chạy được một đoạn, Nghi dừng lại chờ Khôi và đề nghị: - Hay là để Nghi kéo Khôi? Khôi lên … đời cụ ngay: - Vi phạm luật giao thông, Khôi không muốn. Ðan Nghi liếc xéo lão cụ non một cái rồi rồ ga. Về nhà, bà Huyền ngơ ngác khi thấy cô dẫn xe vào: - Sao lại thế? Nghi ngồi phịch xuống ghế: - Xe con hư, Khôi dắt bộ về sau. - Mày chỉ giỏi nước đày đọa thằng bé. – Bà Huyền lắc đầu. - Nó tự nguyện chớ con không hề yêu cầu. – Nghi gân cổ lên. Thay quần áo xong, Nghi vào bếp làm hai ly nước cam to và nôn nóng ra sân đợi Khôi. Cả nửa tiếng sau mới thấy nó lót tót đạp xe về. Giọng Khôi từ tốn: - Sửa xong rồi đấy! Nghi ngạc nhiên: - Khôi sửa à? - Không, thợ sửa ấy chớ! - Mất bao nhiêu tiền, để Nghi … xin mẹ … Khôi xua tay: - Chỉ đáng giá một chầu cà phê thôi. Cứ xem như Khôi và Nghi vừa uống xong cà phê không có nhạc. Nghi ngập ngừng: - Nhưng Khôi có uống tí nào đâu. Cô ngập ngừng: - Ngồi nghỉ mệt đi… Bill. - Khôi đâu có mệt. Nghi vênh mặt lên: - Không mệt cũng nghỉ. Trở vào bép, Nghi bê hai ly cam vắt to đùng lên: - Mỗi đứa một ly. Nãy giờ Nghi khát muốn chết… Mắt Khôi lấp lánh sau tròng kính: - Sao Nghi không uống? Ðan Nghi cười dễ thương hơn bao giờ hết: - Nghi chờ Khôi cùng uống không được hả? Khôi ực một cái hết nửa ly, nó bảo: - Xe chỉ sửa tạm thôi, thợ nói phải thay vài món, nếu không sớm muộn gì cũng hư nữa. Bà Huyền bước ra truyền lệnh: - Vậy thì ngày mai hai đứa đi chung. Con Nghi không được cãi mẹ đâu. Con đi học một mình mẹ chẳng yên tâm chút nào. Giọng yếu xìu: - Xe hư thì đành nhờ vả người khác thôi! Nhưng khi bố đi công tác về, con sẽ nhờ bố sửa … Bà Huyền trừng mắt: - Có sửa xong, con cũng phải đi học cùng Khôi. Nghe chưa? Ðan Nghi ấm ức! - Vâng! Quay sang Khôi, bà Huyền nhẹ giọng: - Ở đây ăn cơm nhé. Bác có nấu canh sườn dưa cải cháu thích đấy! Khôi từ chối: - Dạ thôi ạ! Hôm nay bố cháu cũng đi công tác, cháu muốn ăn cùng mẹ cho vui ạ. - Vậy bác không ép, nhưng chờ bác một tý. Ðợi mẹ vào khuất trong nhà, Nghi nói ngay: - Nghi biết Khôi không thích chở Nghi … - Khôi chưa nói vậy bao giờ. - Cần gì phải nói, chỉ cần nhìn Nghi đã hiểu Khôi nghĩ gì trong đầu rồi. Hôm trước Khôi bảo “Nghi thay đổi nhiều quá”. Nhưng Khôi đã soi gương chưa? Người thay đổi không phải là Nghi đâu. Vào lớp Nghi vẫn ngồi chỗ cũ, vẫn hòa đồng vui vẻ với tất cả … Khôi ngắt lời Nghi: - Chính vì không thay đổi nên Khôi mới xin cô chuyển chỗ ngồi. Khôi không muốn thấy những chuyện chướng tai gai mắt… Mặt Nghi nóng lên, cô gắt: - Chuyện chướng tai gai mắt nào hở Bill. Lão ganh tỵ với Lãm phải không? Khôi gằn: - Không! Bà Huyền xách cà-mên canh chua dưa cải ra, giọng ngơ ngác: - Hai đứa lại gây à? Bưng ly nước cam chỉ còn đá không lên uống Ðan Nghi lánh câu trả lời. Trong khi Khôi ấp úng nói dối: - Vâng! Bọn cháu gây về … bài văn sắp làm ạ. - Bài văn ấy thế nào? Nghi nhịp tay chờ nghe lão Bill nói láo, đây không phải nghề của chàng, thế nào cũng lòi đuôi cuội. Nào ngờ giọng lão Bill tỉnh queo: - Cháu nhắc Nghi nhớ làm bài, Nghi bảo dễ òm, chỉ cần một tiếng trước khi đi ngủ là xong. Cháu cho rằng Nghi quá chủ quan vì không phải viết được một bài thơ, các truyện ngắn rồi xem thường những đề luận trong lớp của thầy cô. Ðan Nghi dẫy nảy: - Con không có ý như vậy à! Khôi tủm tỉm: - Thế thì tốt, hy vọng bài văn cô sắp phát ra Nghi sẽ được điểm tám. Bà Huyền chép miệng: - Có thế cũng um sùm! Ðúng là trò trẻ con. Bà dặn dò Khôi: - Bác giao Ðan Nghi cho cháu trông chừng. Nó ham chơi, lười học cháu phải thông báo với bác, cũng như nhớ nhắc nó học mỗi ngày. - Làm như thế người ta bảo sao biết không? – Ðan Nghi le lưỡi trêu Khôi. Không đợi Khôi kịp trả lời, Nghi cao hứng đọc luôn hai câu Lãm từng đọc cho cô nghe: “Chân mình lấm tấm bùn mê Mà cầm bó đuốc đi rê chân người”. Bà Huyền mắng: - Ranh con! Ðiêu ngoa vừa thôi! Nào! Thằng Khôi về đi kẻo mẹ mong. Mang cà-mên ra giỏ xe, Ðan Nghi hầm hừ: - Ông nói dối như thật đấy. Ngày trước ngồi gần tôi, ông… hiền khô. Ðúng là con người thay đổi khi… chỗ ngồi thay đổi. Khôi điềm tỉnh: - Nếu có thay đổi, Khôi cũng vì Nghi. Hôm qua phụ cô cộng điểm, Khôi thật thất vọng khi thấy trung bình đợt này của Nghi có bốn phẩy tám. Ðan Nghi tái mặt: - Sao … sao thấp dữ vậy? Chắc lão lộn với thằng Nghĩa rồi lão cận ơi! - Thằng Nghĩa chẳng có cây gậy nào cả. Ðiểm kiểm tra Sử, Anh văn của nó toàn trên năm, Toán, Lý, Hóa, nó cũng không có điểm hai, ba. Nghi cứ … để tâm hồn treo ngược trên cành cây mãi, đến lúc hối hận cũng muộn rồi. Ðan Nghi nuốt nước bọt. Trung bình bốn phẩy tám. Thế thì … tiêu tùng. Nhớ tới những lời cằn nhằn thấu xương của mẹ, cô ớn lạnh. Rồi bố nữa, ông mà biết cô sắp đội sổ chắc bố buồn lắm. Cô lo lắng nhìn Khôi: - Giờ phải … phải làm sao đây? Khôi nhẹ nhàng: - Học! Học nữa! Học mãi! Khôi chỉ có thể nói như vậy thôi. Còn Nghi là người quyết định. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu” “Chớ nói hôm nay không học còn có ngày mai”. Khôi e rằng ngày mai của Nghi đã thành ngày hôm qua, hôm kia mất rồi. Rồ ga, Khôi còn dặn dò: - Phải cố lên! Ngày mai kiểm tra mười lăm phút Hóa, Khôi về đây kẻo Nghi lại nổi nóng vì Khôi nói dai quá.

80s toys - Atari. I still have