Lò rèn bên bờ suối
Tám Được quay tay búa mỗi lúc một nhẹ dần. Ngọn lửa trong lò đang cháy đỏ và vài
mảnh than sáng rực chực rơi ra. Trời đã về chiều.
Sau một ngày làm việc cật lực, ông Tám đang lơi tay búa và sắp kết thúc công
việc trong ngày. Thường khi ông chỉ làm việc tới giữa trưa là nghỉ, lúc này phải
làm dồn nhiều việc do bà con trong làng đang vào mùa khai khẩn, cày cấy nên lò
rèn của ông – cái lò rèn duy nhất trong vùng – phải đáp ứng nhiều hơn nào cuốc,
xẻng, dao, rựa…
Một năm có một mùa làm rẫy nên nghề rèn dao, cuốc rựa.. phải biết đón lấy cơ
hội… lượm tiền. Hà hà…
Ông Tám hả hê nhìn lại vật dụng vừa gò lại xong, cho hết thảy vào nước ngâm.
Ngày mai, nếu có thời giờ ông sẽ gọt lại mấy con dao, rựa rồi mài lại. Ngày mốt
giao hàng. Bây giờ nghỉ được rồi. Nhưng vì sao ông Tám lại chọn bờ suối này làm
nơi trú ngụ và mở lò rèn?
Vì ở đây là ngã ba suối nên liên lạc với cánh đồng bậc thang ngoài kia mà cũng
rất gần với mé rừng cho nhiều cây tốt giúp ông đốt lò. Nhưng có một điều ông Tám
chưa hài lòng là con suối thường làm lũ lụt dâng tràn và ổ nước xi xả xuống cánh
đồng phía cuối làng gây nhiều tổn thất cho bà con. Làm sao cản được nước lũ?
Ông Tám lấy áo quần ra suối tắm. Ông men theo ghềnh đá chọn chỗ nước chảy nhẹ
nhất để ngồi gột rửa bụi đất trên người. Con suối nước chảy khá mạnh. Là ngã ba
nên nước từ hai nhánh suối chảy vào tạo thành dòng chảy rất xiết. Mấy bữa nay
mưa trên nguồn mù cả đất trời nên nước tràn xuống dữ dội tạo thành những cơn lũ
nhỏ tung bọt trắng xóa ghềnh đá.
Rồi thì mặc cho dòng nước cắt ngang vỗ mạnh vào ghềnh đá, ông Tám Được vẫn bơi
ra giữa dòng lặn hụp thỏa chí. Cả ngày cởi trần trùng trục, da thịt đỏ theo lửa
trong lò, giờ được ngâm trong dòng suối lạnh… ông Tám thấy khỏe vô cùng…
- Mình cũng giống cây rựa kia… ha ha… Nung cháy đỏ rồi được ngâm trong nước. Có
vậy mới chắc da chắc thịt…
Trời sập tối.
Ông Tám Được kịp bắt cho mình một nồi cơm trên đám than hừng hực cháy. Ông Tám
chỉ nấu một lon gạo cho mỗi mình ông ăn thôi. Hôm nay, thằng nhỏ phụ việc xin
nghỉ để xuống làng đi lễ lạc gì đó. Cái chòi và lò rèn còn mình ông Tám bên ngã
ba suối và cánh rừng với nhiều cây to đang chìm dần vào bóng tối.
- Mình còn một ít khô… Hà hà…
Ông Tám thắp đèn dầu cho cái chòi sáng lên và lấy từ v vànhà hai miếng khô cá
thật ngon.
Bữa cơm chiều đạm bạc của ông chủ lò rèn chỉ có cá khô và vài ly rượu trắng thơm
lừng…
Lúc con trăng rừng lên cao ngang ngọn đồi phía làng thì ông Tám đi ngủ:
- Ái chà… cái thằng phụ việc giờ này đang xem phim dưới làng. Mệt quá rồi… đi
ngủ thôi.
Ông Tám trải đệm nằm cạnh cửa vào căn chòi bé nhỏ của mình với tấm phên được
chống lên cao và hình như chẳng bao giờ ông hạ nó xuống… Tấm vải dù kéo ngang
ngực ông. Vậy là ông ngủ ngon lành…
Ngoài bờ suối, bế lò hãy còn đỏ lửa. Chai rượu đã vơi, mấy miếng khô vụn còn nằm
trên dĩa…
Sương xuống nhiều làm ánh trăng cũng bạc trắng như sương…
Một cái bóng trắng từ vạt rừng bên kia mò qua gặp cái bóng trắng khác từ lòng
suối mò lên. Cả hai bước tới chòi lá ông Tám Được. Dưới ánh trăng chỉ thấy họ là
hai người đàn ông tuổi khoảng ngoài ba mươi, tóc dài quá vai, râu ria bờm xờm.
Họ là cư dân trong vùng hay lâm tặc?
- Còn chút rượu này. Mình nhậu chia tay nhé?
- Có vài miếng khô hà… Lão già Tám này “phá mồi” chứ nhậu gì? Hà hà…
Hai bóng trắng ngồi xếp bằng đối diện nhau ở giữa là chai rượu còn lưng chai và
dĩa khô cá. Lửa trong lò còn cháy hắt ánh sáng lung linh ra bờ suối trong veo.
Ánh trăng bị che bởi đám mây vừa kéo ngang bầu trời.
- Mày đừng nói lão già Tám phá mồi. Ông ấy nướng khô ăn cơm mà. Ông ấy làm vài
ly cho ấm bụng thôi. Ái chà… mày rót rượu đi chứ…
- Ừ! Rượu ngon quá chừng…
- Ngon như thứ rượu mày uống năm ngoái rồi chui vào bánh xe be kéo gỗ không?
- Mày nhắc chi chuyện đó… ớn quá chừng. Chết là hết… chuyện!
- Hết sao được. Mày chết cũng như tao chết chỉ là một chuyện. Còn mày sắp đi,
tao cứ ở đây canh con suối này hoài là chuyện khác…
- Ừ phải. Nhưng mà, ma da này..
- Nhưng cái gì… Uống đi. Tao chờ… khát nước rồi đó thằng… ma rừng rú!
Cái bóng trắng kia cười nghiêng ngả:
- Ừ! Tao là ma rừng còn mày là ma da. Hai đứa mình đều ma chứ có khác gì đâu!
Tao… uống đây!
Hai bóng trắng uống lai rai vài ly, im lặng và cùng nhìn vầng trăng sáng vừa nhô
ra khỏi đám mây. Một người hỏi:
- Bữa nay… mùng mấy?
- Mười sáu rồi chứ còn mùng gì nữa. Trăng sáng trưng kia kìa!
- Mai mười bảy… mày được chuyển xuống dưới? Rồi chừng nào… đầu thai?
- Mày hỏi… chuyện tao chưa biết không hà?
- Hì hì…
- Tao nói cho mày mừng nha! Hồi sáng tao nhận lệnh chuyển đi, có hỏi thăm thằng
ma đưa văn thư, nó nói tuần sau ngày hăm bốn có hai nhân mạng tới đây… chết ở
cái suối này để thế chỗ cho mày đó ma da. Chắc mày cũng sẽ chuyển xuống dưới!
- Vậy sao? Mừng quá chừng. Tao ở đây sáu tháng rồi… buồn quá. Với lại… gần cái
lò rèn của lão Tám… nóng… muốn chết.
- Ủa! Mày chết rồi mà!
Ông Tám ở rừng mấy năm nay gặp ma hoài mà nào có sợ gì? Có đêm ông thấy cả bầy
ma kéo đi lũ lượt từ bên kia suối ngang qua cánh rừng này đi thẳng lên rẫy. Họ
đi đâu vậy? Thì ra bọn ma đó đi ra rẫy mót lúa hay đào trộm khoai củ gì đó. Ma
đói mà. Không ai cúng kiếng nên cả bọn lang thang…
Có lần ông thấy hai con ma ngồi tâm sự ngoài suối. Trời khuya lạnh buốt mà họ
vẫn tình tứ, ông kêu mấy tiếng thì hai đứa ma tình nhân đó biến mất. Chắc tụi
nó… mắc cỡ.
Hai bóng trắng vừa uống rượu, ăn khô của ông Tám Được chính là hai con ma mà ông
Tám đã quen. Một thằng thành ma vì uống rượu say lái xe honda chui đầu vào lòng
xe be kéo gỗ. Xe cán nát óc. Còn thằng ma da kia chết đuối dưới con suối hung dữ
này vào mùa lũ cách nay sáu tháng. Ông Tám hết sức cố gắng cứu nó… mà cứu không
được. Đó là thằng ma… đi tìm vàng. Nó chết dưới suối rồi trở thành ma da.
Lần đó…
Mưa ba ngày ba đêm nên nước đầu nguồn đổ về khá mạnh. Nhìn nước đỏ ngầu đầy xác
lá mục ông Tám lo ngại cho mùa vụ dưới làng. Lũ mạnh vậy cuốn trôi hết rau,
khoai, ngập úng cả cánh đồng. Dân làng sẽ thiếu cái ăn đây.
- Cầu cho ông bớt mưa. Mưa vậy… làm ăn gì cũng khó.
Ăn cơm xong, thấy trời còn mưa, ông Tám định nằm nghỉ lưng một lát thì thằng nhỏ
phụ việc lò rèn kêu ông hỏi:
- Ông Tám ơi… vùng này có mỏ vàng hả ông Tám?
Ông Tám với tay lấy cây quạt, quạt nhè nhẹ đáp:
- Có! Mà tuốt bên kia đồi Chuối lận. Mày tính bỏ tao đi đào vàng hả?
Thằng nhỏ chừng mười sáu tuổi, nó cười hề hề:
- Ý không có đâu ông Tám. Con thấy ở dưới làng người ta tụ tập đông lắm. Họ nói
đi đào vàng… trong núi.
Ông Tám chép miệng:
- Trong núi làm gì có. Vàng ở lạch suối đầu nguồn bên kia đồi. Tìm có vàng thì
ham lắm nhưng rồi chia nhau, giành nhau chém giết lẫn nhau chứ có hưởng một mình
được đâu. Nghề đó… khốn nạn lắm. Sinh mạng mỏng manh.
Nghe nói vậy thằng nhỏ phụ việc không trả lời. Nó im lặng suy nghĩ lời ông Tám
nói. Ông Tám là cha chú nó, là thầy dạy nghề cho nó. Ông nói chắc chắn đúng.
- Nhưng mà… – Nó hãy còn tò mò muốn biết thêm chuyện tìm vàng. – Mưa vậy trên đó
người ta tìm vàng được không ông Tám?
- Hên xui.
- Là sao ông Tám?
- Tìm ngay chỗ có vàng thì hưởng. Còn bằng không thì… thôi!
Im lặng một lát sau, ông Tám nói thêm:
- Cái đó là trời cho ai nấy hưởng. Còn cơm mày ăn, quần áo mày mặc, tiền mày
xài… là của tao cho mày. Tao cho mày vì mày phụ công chuyện với tao. Vậy thôi.
Đừng hỏi nữa tao ngủ chút xíu coi… cái thằng lộn xộn!
Trời dứt mưa lúc xế trưa…
Thằng nhỏ đặt vài thân củi to vào lò tiếp tục làm công việc bơm ống thụt. Ông
Tám dặn phải luôn giữ lửa trong lò có độ nóng. Xứ này là rừng có nhiều cây không
lo tốn củi.
Những tia lửa dày, mạnh mẽ phun lên ào ào tạo thành những tiếng khè khẹt liên
hồi theo nhịp bơm hơi của thằng nhỏ. Lò lửa nóng khiến thằng nhỏ thấy ấm trong
người rồi chẳng bao lâu mồ hôi nó tuôn ra ướt đẫm cả người…
Đang làm công việc thường ngày của nó, chợt thằng nhỏ thấy bên mé rừng có một
người đi ra trên vai vác một cái bao coi bộ nặng. Đó là một người đàn ông khoảng
ngoài ba mươi tuổi. Anh ta vác cái gì vậy?
- Ê thằng nhỏ… – Người đàn ông kêu nó.
- Cái gì chú ơi! – Thằng nhỏ nói.
Người đàn ông dò từng bước đi qua ghềnh đá để đến cái chòi lá của ông Tám lò
rèn. Trên vai anh ta là quần áo, dao rựa, cây cuốc nhỏ và một ít lương thực. Anh
ta đi tìm vàng miệt trên, sẵn đường qua đây, ghé hỏi chuyện có ý hỏi thăm đường
đi nước bước…
Không may cho người tìm vàng. Vàng chưa thấy mà cái chết cận kề. Bàn chân anh ta
đặt lên bậc đá đầy rêu xanh nên trượt ngang. Vậy là anh ta chới với mấy giây rồi
té xuống suối ngay ngã ba với con nước rất mạnh tràn qua ào ạt… Bao đồ nghề bị
nước cuốn trôi cùng với người chủ của nó…
Thằng nhỏ hốt hoảng la lên:
- Ông Tám ơi có người té suối!
Ông Tám Được vừa chợp mắt nghe thằng nhỏ phụ việc la hoảng vội bật dậy liền. Ông
lao ra suối, chạy theo cái bao và một con người đang bị nước cuốn trôi đi. Bất
kể hiểm nguy ông phóng xuống dòng nước đang chảy xiết, vươn hai tay bơi theo
thật nhanh…
Ngay ngã ba suối là vùng nước xoáy dữ dội.
Ông Tám không nhìn thấy người bị nạn đâu cả. Ông lo trong bụng:
- Đâu mất rồi? Trời ơi… có nước chết!
Ông lao qua bên này, bơi qua bên kia để mong cứu người đàn ông vô phước bị nước
cuốn kia. Chắc anh ta không biết lội, chắc anh ta bị va chạm lúc té xuống suối
nên bất tỉnh, rồi thì…
Ông Tám trồi lên đưa tay vuốt nước trên mặt rồi quay lại lò rèn lắc bàn tay với
thằng nhỏ phụ việc. Thằng nhỏ hiểu ý lắc tay lại có nghĩa là nó cũng không thấy
người đàn ông kia đâu cả.
- Thôi tiêu rồi…
Ông Tám Được bỏ cả buổi chiều lặn hụp dưới suối, bơi tuốt xuống dưới thật xa để
tìm kiếm mà vớt xác người xấu số kia lên. Nhưng ông chỉ mò được cái bao dụng cụ
đào vàng của anh ta mà thôi. Đúng là chưa tìm được vàng đã thiệt thân.
- Hên xui! Thằng này xui tận số luôn…
Ông Tám rời con suối, leo lên bờ đi thẳng vào chòi. Vài phút sau ông trở ra với
ba cây nhang trong tay. Ông thắp nhang cắm bên bờ suối với lời khấn chân thành:
- Tôi chưa biết anh là ai. Thấy anh gặp nạn mà không cứu được thật cũng ái ngại.
Anh có chết thiêng thì cho tôi thấy xác anh vướng lùm cây nào, bờ đá nào để tôi
đưa lên chôn cất tử tế.
Đêm hôm sau, ông Tám Được thấy anh chàng tìm vàng về báo mộng. Và ông tìm được
xác anh ta đem chôn ở mé rừng cạnh con suối cách cái chòi ông vài trăm mét.
Lâu lâu ông Tám thấy anh ta về, đứng xớ rớ trước lò rèn rồi bỏ đi.
Anh ta trở thành ma da “thường trú” ở con suối này. Và con suối trở nên dữ dằn,
dòng chảy xiết, nước vỗ vô bờ ì ầm. Làm như thằng tìm vàng chết tức tưởi nên nó
khuấy động dòng nước cho đã cơn tức tối.
Từ ngày đó tới nay là sáu tháng. Thỉnh thoảng thằng “ma tìm vàng” đến ngồi bên
bờ suối gục đầu giữa hai gối rầu rĩ. Có lẽ nó tiếc cho giấc mơ làm giàu trên bãi
vàng đồi Chuối đã vượt xa tầm tay nó? Hay nó nhớ quê?
Sau này khi hai người thân thiện nhau thì nó ứng mộng nói cho ông Tám biết nó
phải ở lại con suối này rất lâu, lâu cho đến khi có ai đó chết ở con suối này
thay thế cho nhiệm vụ ma da của nó mới thôi. Nó chờ đợi ở ông Tám hay thằng nhỏ
phụ việc là người thay thế nó.
Nhưng cả hai đều sống phây phây…
Có lần thằng ma da đến uống rượu với ông Tám, lúc ngà ngà say nó nói lời cám ơn
ông Tám đã cố mà cứu nó, nhưng số phận của nó đến đó là hết cho nên ông Tám có
ráng cách mấy cũng uổng công:
- Sống chết có số ông… già ơi. Tôi… biết ông sống dai lắm. Phải chi ông… thay
thế cho tôi thì hay lắm. Ông là người nhân đức…
- Tao sáu mươi mấy rồi. Có đi cũng chẳng sao. Nhưng mà cái số tao chưa tới.
- Ừ! Tôi… cũng biết vậy.
Thằng ma da thở dài lúc con trăng ngả hẳn về Tây. Nó uống tiếp một hớp rượu nữa
rồi đi.
Nó xuống suối…
Ma thì có gì lạ?
Nhưng lạ là lần này ông nằm ngủ chập chờn nghe hai thằng ma nói chuyện mà thấy
nổi gai ốc. Sẽ có hai nhân mạng đến đây, chết ở cái suối này để thế chỗ cho
thằng ma da đi về cõi âm? Vậy hai người sắp chết ở con suối này, ngày hăm bốn
sắp tới là ai?
Thằng nhỏ phụ việc trở lại lò rèn vào sáng hôm sau. Nghe ông Tám kể chuyện tối
qua ông thấy hai thằng ma, nó rùng mình:
- Thấy ghê vậy ông Tám? Ủa mà sao lúc con… ở đây… con không thấy… ma hả ông Tám?
- Mày nặng… bóng vía quá làm sao thấy?
- Nặng bóng vía là sao ông Tám?
- Mày biết vậy thôi đừng hỏi lòng vòng. Coi đốt lò đi. Bữa nay còn một mớ đồ nữa
đó…
Ông Tám nói xong thì bỏ đi. Ông không bỏ đi cái thằng này còn hỏi tiếp nữa. Mệt.
Ông Tám ngồi gọt dao rựa ngoài khoảng đất trống mà suy nghĩ riết. Thằng ma rừng
nói với thằng ma da sẽ có hai mạng đến thay thế vị trí cho thằng ma da vào ngày
hai mươi bốn. Hai mạng đó là ai? Không lẽ là ông và thằng nhỏ phụ việc? Nếu là
ông thì chẳng ngại gì. Tội nghiệp thằng nhỏ còn quá trẻ. Nó chết uổng lắm.
Ông Tám tiếp tục suy nghĩ. Dân làng chỉ đặt hàng ông làm lúc ông xuống chợ. Rựa
cỡ nào, dao cỡ nào, lưỡi cuốc nào đều được người đặt hàng ghi sẵn cùng với tên
họ. Ông cứ làm xong là xuống chợ giao hàng. Còn người tìm vàng lúc này không đi
qua đây nữa vì đã có con đường tắt từ chợ lên thẳng đồi Chuối.
Vậy thì vùng này còn ai léo hánh tới đâu mà có tới hai mạng người? Thằng nhỏ vô
tư chẳng biết mối lo canh cánh trong lòng ông Tám. Ngày hai mươi hai tới. Còn
hai ngày nữa thôi…
Giữa trưa ông Tám kêu thằng nhỏ giao việc:
- Mày vác mớ dao rựa đó xuống chợ giao cho ông Năm bán tạp hóa. Có tờ giấy đây.
Dặn ông Năm giao cho khách giùm tao. Tiền bạc tính sau nghen…
- Dạ.
- Rồi mày…
Ông Tám đang lựa lời nói khéo.
- Sao ông Tám?
- Mày ở chơi dưới đó hết ngày hai mươi lăm hãy lên. Tao mắc công chuyện phải đi
vài bữa.
- Ông Tám đi thì con lên đây coi chừng chòi…
Ông Tám xua tay:
- Không được! Lúc lên ghé chợ cõng một bao gạo, lấy một ký khô, một chai dầu ăn…
Nói ông Năm… cho trừ vào tiền dao rựa giao khách hàng ở dưới. Dư thiếu tính sau.
- Tao dặn có nhớ không?
Thằng nhỏ gật đầu lặp lại:
- Ở chơi sáng hai mươi sáu lên. Cõng gạo, xách khô, chai dầu ăn con két…
Ông Tám chỉ cái bao ở gốc cây:
- Đi đi… Tao dặn phải nhớ không được trái ý của tao nghe chưa!
Thằng nhỏ vác đồ đi liền. Vừa đi nó vừa lấy làm lạ về cử chỉ của ông Tám:
- Mấy bữa nay thấy ông Tám kỳ kỳ…
Cả ngày hai mươi bốn ông Tám chẳng làm gì cả. Ông nấu cơm ăn xong thì ngồi trước
chòi hút thuốc. Nhìn ống bể lạnh tanh ông thấy buồn. Ngọn gió rừng lào xào và
tiếng suối reo làm lòng ông khó chịu. Trong đầu ông cứ xoay mãi câu hỏi: Hai
mạng người hôm nay là ai? Là ai? Hay là chính ông và một ai nữa sẽ tới đây theo
lời xúi giục của thần Chết?
- Không phải mình. Thằng ma da nói sống chết có số. Mình chưa tới số chết sao
được?
Ông Tám vấn điếu thuốc bập lửa đốt hút chơi. Sống ở đây lúc nào cũng có lửa lò
rèn ấm áp đã quen, bữa nay không đốt lò thấy thiếu thiếu. Phải hút thuốc bù vào.
Uống miếng rượu cho ấm. Phải rồi. Ông Tám đứng dậy bước vào chòi rót rượu. Ông
tìm chai rượu mấy bữa trước còn chút ít. Xong ông tìm cái ly. Loay hoay tìm kiếm
trong chòi một hồi ông Tám mới có được gói đậu phộng rang, thằng nhỏ phụ việc
mua ăn còn bỏ lại nửa gói.
- Vậy được rồi…
Ông Tám thích thú đem hết ra ngoài dự tính sẽ lai rai chơi một mình bên bờ suối.
Nhưng khi ông bước ra thì ông liệng hết rượu, đậu, cái ly… hốt hoảng la lên:
- Đừng có xuống suối…
Ngoài kia có một cô gái đang lần bước theo ghềnh đá mò xuống suối… Ông Tám chạy
nhanh ra, miệng kêu:
- Ê! Có nghe không… Đừng… đừng…
Ông chưa nói hết lời thì cô gái nọ trượt chân ngã nhào xuống suối. Dòng chảy lúc
này đang mạnh, chỉ trong tích tắc cô ta đã bị nước cuốn trôi, hai cánh tay đưa
lên chới với trong ngàn bọt nước sủi lên đỏ ngầu…
Ông Tám lao xuống suối đón đầu kịp nắm cánh tay đó. Thằng ma da dưới suối trồi
lên nắm chân cô gái nọ ghì xuống. Ông Tám cảm thấy lực kéo đó biết rõ thằng tìm
vàng đang cố thoát kiếp ma da ở con suối này. Ông bậm môi dùng hết sức lôi, dùng
hai chân đạp nước thật mạnh để nhanh chóng vào bờ. Ông hét lên một tiếng:
- Để tao cứu người ta chứ?
Thằng ma da có lẽ nghe tiếng hét của ông già lò rèn giật mình buông lơi sức kéo.
Nhờ vậy ông Tám đạp nước thật mạnh mới đưa được cô gái vào bờ, đẩy lên ghềnh đá.
Vậy là thoát.
Cô gái trẻ mặt mày xanh lét. Cô lạnh run hay thoát chết mà vẫn còn run? Ông Tám
đưa cô ta vào chòi rồi lấy khăn đưa cho cô gái. Lúc này ông Tám mới nhìn thấy
cái bụng cô ta tròn vo. Thì ra cô gái này có thai. Ông thở khì:
- Đúng là… hai mạng người! May mà mình cứu kịp…
Ngoài con suối tự nhiên nước chảy rất mạnh. Bọt nước trắng xóa tung lên ghềnh
đá. Tiếng nước gầm gừ dữ dội ầm ì, ầm ì liên tục… Ông Tám bước ra ngoài cảm được
một luồng gió lạnh thổi tạt vào mặt mình. Ông thì thào:
- Tao… tao… xin lỗi!
Đưa cô gái về chợ xong, ông tạt qua hàng tạp hóa. Ông muốn mua ít đồ hàng mả
cúng thằng ma da sẵn dịp kêu thằng phụ việc về luôn.
- Sao ông Tám dặn sáng hai mươi sáu con lên. Bây giờ kêu lên?
Thằng phụ việc mê chơi vừa nhìn ông vừa hỏi.
- Mày hỏi lung tung chi vậy. Nè… xách giỏ đồ cho tao. Về!
Đồ hàng mả ông Tám mua cho thằng ma da là nhang đèn, mấy bộ quần áo, hai xấp
vải, vàng mả, tiền bạc và một con ngựa, một cái thang… Tất cả đều làm bằng giấy.
Có hai món là thật là chai rượu nếp, hai con cá khô.
Thằng nhỏ với tay lượm bịch đậu phọng rang bỏ luôn vào giỏ mây… Hai ông cháu trở
lên lò rèn.
Hình ảnh cô gái trẻ có thai làm ông bàng hoàng cả người. Cô ta có thai với ai mà
phải đi trầm mình tự tử vậy? Cô quyết đi tìm cái chết nhưng khi cô trượt chân té
xuống dòng nước thì hốt hoảng giơ tay lên níu kéo cuộc sống. Con người ta ai
chẳng muốn sống. Chết là do số thôi. Trước đây ông Tám cũng từng cứu thằng ma da
mà không cứu được. Tại số nó phải chết. Còn cô gái thì chưa… dù cho thằng ma da
cố kéo chân cô gái để mong được hóa kiếp.
- Mình làm thằng ma da thất vọng. Mình cải… số Trời?
Ông Tám nói lầm bầm trong miệng làm thằng nhỏ phụ việc nhìn ông chẳng hiểu gì
cả.
Đêm đó ông Tám bày áo quần, vải vóc, dựng con ngựa bên cạnh xấp tiền, vàng…
ngoài ghềnh đá. Con suối bỗng dưng dịu lại. Chắc thằng ma da đang tò mò muốn
biết ông Tám đang làm cái gì.
Ông Tám đốt hai cây đèn cầy, thắp nhang vái với lời lẽ êm ái nhẹ nhàng của người
biết lỗi:
- Ma da… Mày lên đây nhận chút quà mọn của Tám Được này. Rồi uống rượu… chia tay
với tao. Đêm nay mày đi mà. Phải không? Mày đừng trách tao vô tình với mày. Tao
làm chuyện cải mệnh trời vì tao không thể thấy người ta sắp chết mà không cứu.
Nếu tao vì mày mà bỏ đi thì tao không còn là Tám Được nữa, tao không còn là…
thằng người nữa.
Ba cây nhang cắm dưới đất trong chốc lát tàn nhang cong lại. Ông Tám biết thằng
ma da đang nghe ông nói và bằng lòng với lý lẽ của một con người ngay thẳng. Ông
bày rượu ra, kêu thằng nhỏ đem khô nướng ra rồi rót rượu mời thằng ma da chắc
đang lẩn quẩn đâu đây:
- Uống vài ly gọi là tiễn biệt nhé ma da.
Ông Tám uống trước, rót tiếp ly khác đặt xuống đất. Chiếc ly rung nhẹ. Rượu còn
nguyên nhưng thằng ma da đã uống một hớp coi như nó chấp nhận lời ông chủ lò
rèn.
- Tao gửi mày tiền, vàng, quần áo, vải vóc và… con ngựa để mày đi về cõi âm cho
nhanh. Hình như mày cũng bị trễ vài tiếng đồng hồ rồi? Thôi, xuống suối lấy hành
lý của mày để đi cho kịp giờ.
Một mình ông Tám uống hết ba ly rượu gọi là đưa tiễn thằng hàng xóm ma da. Xong,
ông đốt hàng mả, kêu tên thằng ma da để giao nhận. Ông đốt luôn con ngựa giấy.
Và động tác sau cùng là ông dựng chiếc thang giấy từ mép ghềnh đá bên bờ suối
lên bờ. Vừa đốt chiếc thang giấy, ông Tám vừa nói như lời cầu xin các đấng
thiêng liêng cõi trên, cõi dưới:
- Thằng ma da tới lúc phải đi. Lẽ ra có hai nhân mạng thay thế cho nó ở vị trí
ma da con suối này. Nhưng tôi đã cứu sống hai mẹ con người ta. Nay xin các vị
khuất mặt khuất mày tha thứ và giúp cho thằng ma da được dùng chiếc thang giấy
này đi vào cõi khác, nhanh chóng siêu thoát.
Ngọn lửa cháy lung linh liếm dần chiếc thang giấy. Khi ngọn lửa bao trùm chiếc
thang thì có một cái bóng trắng từ con suối tối đen nhẹ nhàng bước qua chiếc
thang leo lên ghềnh đá ngay chỗ ông Tám ngồi. Cái bóng đó leo lên yên con ngựa
trắng vừa rung lục lạc kêu leng keng bên vách chòi lá của ông già Tám.
Ông Tám đứng dậy nhìn thằng ma da. Nó vừa thay quần áo mới, tay cầm xấp tiền
giấy rãi khắp nơi. Rồi thì nó cười với ông, ghìm dây cương ngựa, trở bước…
Ông Tám đứng nhìn theo bàn tay vẫy mãi…
Thằng ma da đi khuất sau cánh rừng ông Tám mới thở phào tan hết âu lo. Thằng ma
da đi trước lúc nửa đêm, nghĩa là kịp giờ hóa kiếp… Ông Tám rất mừng…
Từ đó trở đi, con suối trở nên hiền hòa dù cho mưa trên nguồn có nhiều hay ít.
Ngã ba suối cũng êm ái hơn, dòng chảy dịu lại, đầy ắp phù sa đất đỏ badan.
Mùa vụ trên cánh đồng dưới kia nhờ vậy mà vô cùng xanh tốt. Dân làng no ấm, hạnh
phúc.
Vì sao? Việc này chỉ một mình ông Tám hiểu.