I
Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản vừa có một giấc mơ thú vị. Chàng mê thấy
chính tay mình bắt sống được Sài Thung, tên sứ hống hách của nhà
Nguyên, khinh nước Nam bằng nửa con mắt.
Tháng trước, Sài Thung sang sứ, tự tiện qua Tử Cấm thành, ngang
nhiên cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Lính canh cửa ngăn lại
thì Thung cầm roi ngựa quất túi bụi vào đầu người lính. Nó ỷ thế là
quan nước lớn, chễm chệ ngồi ở quán sứ như ở nhà nó không bằng.
Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là bậc đại thần to
nhất nước, đến quán sứ xin yết kiến. Sài Thung nằm trên giường,
không thèm tiếp vị tể tướng của ta. Rồi nó bắt quan gia phải sang
chầu Hốt Tất Liệt. Nó đòi ta phải cống bạc vàng, châu báu, đòi phải
nộp người có tài khéo nghề tinh. Ai nấy đều bầm gan tím ruột. Nhưng
vì không muốn để xảy ra chuyện can qua nên ai nấy đành nuốt cay ngậm
đắng. Hoài Văn thì không chịu được. Hoài Văn chỉ nghĩ làm sao bắt
được Sài Thung mà chẻ xác nó ra...
Hoài Văn bắt được nó mà từ quan gia đến triều đình đều không ai
biết. Hầu trói nó lại, đập roi ngựa lên đầu nó, và quát lớn:
- Mày có còn dám đánh người chúng tao nữa không? Đừng có khinh nước
Nam tao bé nhỏ!
Sài Thung lạy Hoài Văn như tế sao. Hoài Văn đóng cũi giải nó về
kinh. Thấy nó khóc lóc, Hoài Văn ôm bụng cười sặc sặc. Giữa lúc ấy
thì chàng bừng tỉnh giấc. Chàng không thấy Sài Thung đâu cả, chỉ
thấy mình vẫn nằm trong điện Lan Đình.
Trần Quốc Toản giụi mắt, gạt tung cái chăn bông bọc vóc vàng và ngồi
nhỏm dậy. Nội điện im ắng lạ thường. Quan gia và các vương hầu đâu
cả? Mẩu nến đỏ trên cây nến đồng đặt trên một cái đôn men xanh kê ở
gian giữa, còn cháy leo lét run rẩy trong ánh sáng buổi sớm đã tràn
vào. Màn the lớn căng từ tường hoa ra tới gần cửa, nơi kê cái sập
của Hoài Văn Hầu, vẫn còn rủ xuống. Gian bên kia, màn the cũng buông
kín. Nhưng các chăn vóc thì đều lật tung, để lộ những nệm gấm giải
sát vào nhau trên những sập rồng kê liền lại. Những cột rồng, những
câu đối, hoành phi, những bức cửa võng lấp lánh son vàng. Hoài Văn
như còn nghe văng vẳng tiếng nói chuyện của quan gia và các vương
hầu, kéo dài mãi đến quá canh hai chưa dứt.
Ơn cửu trùng mênh mông như trời biển. Từ ngày Hoài Văn theo chú là
Chiêu Thành Vương về kinh, hai chú cháu được quan gia giữ lại trong
cung cấm. Hầu được cùng ăn uống với quan gia và các vị vương hầu.
Tối thì trải gối dài, chăn rộng, kê giường nằm chung, thật là bốn bể
một nhà, không phân trên dưới. Ơn ấy, dù cho óc gan lầy đất, Hoài
Văn phải nghĩ mà báo đáp. Khốn nỗi, chàng cứ bị coi là đứa trẻ con
chưa ráo máu đầu. Mỗi khi Hoài Văn len vào góp chuyện thì các vương
hầu nói:
- Cháu còn nhỏ, chưa biết được việc quân quốc trọng sự.
Nể các vị chú bác, Hoài Văn đỏ mặt làm thinh. Một hôm, Quốc Toản
đánh liều thưa:
- Cháu còn ít tuổi thật. Nhưng ví bằng quân Nguyên sang cướp nước
ta, thì cháu cũng xin theo các chú, các bác đi đánh giặc.
Các vị vương hầu cười ồ. Chú Chiêu Thành Vương nói:
- Cháu có khẩu khí anh hùng. Thế mới là dòng dõi họ Đông A. Nhưng
bây giờ thì cháu phải học đã, sao cho văn hay, võ giỏi rồi mới đi
đánh giặc được.
Các vương hầu lại quay vào việc nước, chẳng để ý đến Hoài Văn. Và
sớm nay, quan gia và các vương hầu đột ngột đi đâu đâu mà không cho
Hầu biết?
Nhìn cái nội điện vắng ngắt, Hoài Văn tức đến phát khóc. Chàng mở
toang các cánh cửa thâm nghiêm, nhảy xuống thềm. Được rồi! Các vương
hầu ở đâu, ta tìm đến đó. Việc nước là việc chung, không cho bàn, ta
cũng cứ bàn. Thử xem gan ai to, gươm ai sắc. Xem ta có lấy được đầu
tướng giặc hay không?
II
Đấy là một thanh niên, không, đấy là một thiếu niên thì đúng hơn, vì
Hoài Văn chưa tròn mười sáu tuổi. Bộ áo vóc lùng thùng, chưa bó sát
vào tấm thân mảnh khảnh. Tay áo chét theo kiểu nhà võ còn quá rộng
so với cổ tay. Hầu vấn khăn nhiễu như người lớn. Nhưng búi tóc còn
quá nhỏ, tinh ý mới nhìn thấy được. Những mớ tóc quá ngắn xùm xoà
sau gáy và hai bên má. Kể ra thì Hầu là người chóng lớn, như tất cả
con trai họ nhà Trần. Với thân hình dong dỏng cao, với khăn áo chỉnh
tề, với thanh gươm lớn bên mình, với bước đi nhanh nhẹn, hiên ngang,
Hoài Văn làm cho những người mới thoạt nom thấy có thể ngỡ chàng là
một bậc vương hầu đã từng xông pha trăm trận. Nhưng khi ngắm chàng
tận mặt thì không ai nhầm được cả. Khuôn mặt trái xoan với đôi má
phinh phính còn bụ sữa. Nước da trắng mịn óng ánh những lông tơ. Môi
dày đỏ chót. Đôi mắt to đen, lòng trắng xanh biếc, vừa trong sáng
vừa mơ màng. Đôi lông mày chưa rậm viền cong cong trên mắt làm cho
chàng thêm vẻ thanh tú. Hầu xinh như một cô gái. Nhiều vương tôn
công tử mong ước được đẹp như Hoài Văn. Nhưng Hoài Văn không thích
thứ đẹp ẻo lả ấy. Chàng muốn có cái uy phong quắc thước của Hưng Đạo
Vương, cái tài trí của Chiêu Minh Vương, cái sức khoẻ lẫm liệt của
Bảo Nghĩa Vương. Chàng muốn có xương đồng da sắt. Chàng muốn xông
vào giữa muôn trùng giáo mác, chém tướng giật cờ dễ như trở bàn tay.
Quốc Toản chạy như bắn qua bao nhiêu vườn, bao nhiêu hồ, bao nhiêu
toà giả sơn, bao nhiêu lâu đài cung điện, Hầu không biết nữa. Hầu
chạy một mạch khỏi Tử Cấm thành, tìm đến quán nghỉ của những người
đi theo hầu, hỏi:
- Đức ông đã ra đây chưa?
Một người thưa:
- Đại vương có ra đây, nhưng rồi đi từ tinh mơ.
- Đức ông đi đâu?
- Bẩm, vương tử không biết thì chúng con biết làm sao được. Chỉ thấy
đức ông kéo quân ra bến đò. Đức ông có dặn chúng con nói với vương
tử phải về Võ Ninh ngay, kẻo phu nhân ở nhà mong. Phu nhân cho đi
một tháng, mà vương tử ở kinh thấm thoắt đã hai tháng rồi.
Hoài Văn bậm môi vì tức giận. Chú đưa ta về kinh, nay lại bảo ta về
một mình, là nghĩa thế nào? Hoài Văn nói:
- Ta viết một lá thư. Một người mang về trình bà, thưa với bà rằng
ta chưa về định tỉnh thần hôn được. Ta còn phải đi gặp đức ông đã.
Giao thư cho một người mang đi xong, Hoài Văn nhảy phắt lên ngựa,
cùng đám gia nhân phóng ra khỏi thành Thăng Long. Qua những câu
chuyện nghe lỏm được trong cung, Quốc Toản đoán là quan gia hạ giá
tới bến Bình Than để bàn việc nước với các vương hầu ở khắp bốn
phương về. Hoài Văn vung roi quất ngựa luôn tay, mình cúi rạp trên
yên, miệng thét mọi người phi nước đại...
III
Hoài Văn nằn nì thế nào quân Thánh Dực cũng không cho chàng xuống
bến. Hầu đứng trên bờ, thẫn thờ nhìn bến Bình Than. Hai cây đa cổ
thụ rủ bóng râm mát che kín cả một khúc sông.
Dưới bến, những thuyền lớn của các vương hầu về hội sư, đậu dài san
sát, sơn đủ các màu. Trên mũi thuyền, phất phới những lá cờ hiệu của
các vương hầu. Hiệu cờ của Chiêu Minh Vương, của Chiêu Quốc Vương,
của Chiêu Văn Vương, của Hưng Đạo Vương, của Chiêu Thành Vương, chú
ruột mình. Thuyền của các vị đại vương chức trọng quyền cao nhất của
triều đình đều ở gần thuyền ngự. Thuyền ngự cao lớn hơn cả, chạm
thành hình một con rồng lớn rực rỡ son vàng, hai bên mạn dàn bày cờ
quạt, tàn vàng, tán tía và đồ nghi trượng của đấng thiên tử. Hết
thuyền của các đại vương là thuyền của các tước vương bậc dưới, rồi
đến thuyền của các tước hầu, cuối cùng là thuyền của các tướng sĩ đi
hộ vệ. Mắt Hoài Văn đăm đăm nhìn thuyền của Hưng Võ Vương, Hưng Trí
Vương, Hưng Hiếu Vương... Thì ra các con trai của Hưng Đạo Vương đều
đủ mặt. Những người em họ ấy, chẳng qua chỉ hơn Hoài Văn dăm sáu
tuổi! Cha ta mất sớm, nên ta mới phải đứng rìa nhục nhã thế này! Mắt
Hoài Văn giương to đến rách, nhìn những lá cờ bay múa trên những
đoàn thuyền đẹp như gấm như hoa.
Qua các cửa sổ có chấn song triện và rủ mành mành hoa của thuyền
rồng, Hoài Văn thấy các vương hầu đang ngồi bàn việc nước với quan
gia. Hoài Văn chẳng biết các vị đang nói gì. Nhưng bàn gì thì bàn,
Hoài Văn dám chắc cũng chẳng ngoài cái việc lớn là cho quân Nguyên
mượn đường vào đánh Chiêm Thành hay chống cự lại mà thôi. Dã tâm của
quân giặc đã hai năm rõ mười rồi. Nó giả tiếng mượn đường, kì thực
là để cướp sống lấy nước Nam. Chỉ có việc đánh, làm gì phải kéo ra
tận đây mà bàn đi bàn lại? Chao ôi! Lúc này mà Hoài Văn được xuống
thuyền rồng và được bàn việc nước! Chàng sẽ quỳ trước mặt quan gia,
và xin quan gia cho đánh!
Thuyền rồng im lặng. Tàn tán, cờ quạt và các đồ nghi trượng in màu
vàng son trên mặt nước sông trong vắt. Chốc chốc lại thấy những
người nội thị quỳ ngoài mui, dâng trầu cau, dâng thuốc. Hoài Văn
muốn xô mấy người lính Thánh Dực để chạy xuống bến nhưng lại sợ tội
chém đầu.
Chàng muốn thét to: "Xin quan gia cho đánh", nhưng lại e phạm
thượng! Mấy tháng ở kinh, thấy sứ Nguyên hạch sách đủ điều, Hoài Văn
chỉ có một ý nghĩ là đánh, đánh để giữ lấy quốc thể. Rồi lại đến cái
ngày quan gia mời các bô lão khắp bàn dân thiên hạ về kinh để nhà
vua hỏi ý dân xem nên cho giặc mượn đường hay nên đánh lại. Các bô
lão là những người quê mùa chất phác, chưa bao giờ được bước chân
vào nơi lầu son, gác tía, chưa bao giờ được bàn việc nước, thế mà
nghe quan gia hỏi, họ đều nắm tay, gân mặt, khẳng khái tâu lên: "Xin
đánh", trăm miệng một lời, rung chuyển cả toà điện Diên Hồng. Những
người áo vải ấy còn biết đường phải trái, huống chi ta là bậc tôn
thất há lại không nghĩ được như họ hay sao? Đến họ mà quan gia còn
hỏi kế, sao ta là người gần gụi, quan gia chẳng hỏi một lời?
Suốt ngày hôm qua, Hoài Văn ruổi ngựa đi tìm vua, quên không ăn
uống. Hôm nay, đợi mãi từ sớm đến trưa, Hoài Văn thấy đói cồn cào,
mắt hoa lên, đầu choáng váng, chân tay buồn bã. Hoài Văn không chịu
được nữa. Đứng mãi đây cho đến bao giờ? Thôi thì liều một chết vậy.
Ta cứ xuống, chỉ nói hai tiếng xin đánh, rồi mặc cho triều đình luận
tội. Hoài Văn xô mấy người lính Thánh Dực ngã chúi, xăm xăm xuống
bến. Một viên tướng hốt hoảng chạy tới, níu áo Hoài Văn lại. Quốc
Toản tuốt gươm, mắt trừng lên một cách điên dại:
- Không buông ra, ta chém!
Lính ập đến giữ lấy Hoài Văn. Thực ra, vì nể chàng là một vương hầu,
nên họ đã để cho chàng đứng đấy từ sáng. Nay thấy Hoài Văn làm quá,
viên tướng nói:
- Quân pháp vô thân, Hầu không có phận sự ở đây, nên trở ra cho anh
em làm việc. Nhược bằng khinh thường phép nước, anh em tất phải
chiếu theo thượng lệnh.
Hoài Văn đỏ mặt bừng bừng, quát lớn:
- Ta xuống xin bệ kiến quan gia, không kẻ nào được giữ ta lại. Lôi
thôi thì hãy nhìn lưỡi gươm này!
Viên tướng tái mặt, hô quân sĩ vây kín lấy Hoài Văn. Quốc Toản vung
gươm múa tít, không ai dám tới gần. Tiếng kêu, tiếng thét náo động
cả bến sông.
Vừa lúc ấy thì cuộc họp bàn ở dưới thuyền rồng tạm nghỉ. Vua Thiệu
Bảo và nhiều vị vương hầu ra ngoài mui, ngắm cảnh sông nước. Nghe
tiếng ồn ào trên bến, vua và các vương hầu nhìn lên, thấy Hoài Văn
đang giằng co với một đám quân Thánh Dực. Vua hỏi:
- Cái gì trên ấy?
Quốc Toản nhìn xuống bến, thấy vua Thiệu Bảo đứng tựa đầu rồng dưới
một cái tán vàng. Nhà vua còn rất trẻ, mặt đỏ như gấc chín. Đứng sau
vua là Hưng Đạo Vương cao lớn, chòm râu dài đốm bạc bay theo chiều
gió. Chiêu Thành Vương lật đật chạy lên bờ, hỏi cháu:
- Cháu không sợ tội chết hay sao mà đến đây? Ai bảo cháu?
Hoài Văn thưa:
- Cháu nghe tin thiên tử họp với các vương hầu ở đây nên cháu đến.
- Cháu chưa đến tuổi dự bàn việc nước. Bên trong là tình họ hàng máu
mủ, xuề xoà, thân mật với nhau thế nào cũng được. Nhưng ra ngoài là
việc nước, có tôn ti, có phép tắc, không thể coi thường. Cháu tự
tiện đến đây đã không phải, lại gây sự với quân Thánh Dực, đấy là
tội chết. Chú cũng phải vạ lây. Sao cháu không nghe lời chú, về quê
thờ mẹ, mà lại tự tiện vô cớ đến đây gây ra cái vạ tày trời này?
Hoài Văn cúi đầu thưa:
- Cháu biết là mang tội lớn. Nhưng cháu trộm nghĩ rằng khi quốc biến
thì đến đứa trẻ cũng phải lo, huống hồ cháu đã lớn. Cháu chưa đến
tuổi dự bàn việc nước, nhưng cháu có phải là giống cỏ cây đâu mà
ngồi yên được? Vua lo thì kẻ thần tử cũng phải lo. Cha cháu mất sớm,
cháu được chú nuôi nấng. Chú thường dạy cháu những điều trung nghĩa,
cháu vẫn ghi trong tấc dạ. Cháu liều chết đến đây, chỉ muốn góp một
vài lời. Thưa chú, chẳng hay quan gia cùng các vương hầu bàn định
thế nào? Cho nó mượn đường hay đánh lại?
- Việc đó còn đang bàn. Có người chủ chiến. Có người chủ hoà.
Quốc Toản đứng phắt dậy, mắt long lên:
- Ai chủ hoà? Ai chủ hoà? Cho nó mượn đường ư? Không biết đấy là kế
giả đồ diệt Quắc của nó đấy sao? Dâng giang sơn gấm vóc này cho giặc
hay sao mà lại bàn thế?
Quốc Toản chạy xồng xộc xuống bến, quỳ xuống tâu vua, tiếng nói như
thét:
- Xin quan gia cho đánh! Cho giặc mượn đường là mất nước.
Nói xong, Hoài Văn run bắn, tự đặt thanh gươm lên gáy và xin chịu
tội. Thiệu Bảo gật đầu, mỉm cười nhìn Hưng Đạo Vương và Hưng Đạo
Vương cũng gật đầu. Lời nói của Hoài Văn chính hợp với ý của nhà vua
và Hưng Đạo. Nhưng trong đám vương hầu, có một người sầm nét mặt.
Đấy là Chiêu Quốc Vương Ích Tắc. Ích Tắc là kẻ chủ hoà. Chiêu Quốc
Vương nói:
- Hoài Văn Hầu làm loạn phép nước. Muốn trị nước phải trị người thân
trước đã. Cúi xin quan gia cho chém đầu để nghiêm quân lệnh!
Hoài Văn cúi rạp đầu xuống đất. Bên cạnh Hoài Văn, Chiêu Thành Vương
cũng quỳ để xin chịu tội. Thiệu Bảo ôn tồn nói:
- Hoài Văn Hầu làm trái phép nước, tội ấy đáng lẽ không dung. Nhưng
Hoài Văn còn trẻ, tình cũng đáng thương, lại biết lo cho vua, cho
nước, chí ấy đáng trọng.
Vua truyền cho hai chú cháu đứng dậy, và nói tiếp:
- Việc nước đã có người lớn lo. Hoài Văn Hầu nên về quê để phu nhân
có người sớm hôm trông cậy. Đế vương lấy hiếu trị thiên hạ, em ta
không nên sao nhãng phận làm con.
Vừa lúc ấy, một người nội thị bưng một mâm cỗ đi qua. Thiệu Bảo cầm
lấy một quả cam sành chín mọng trên mâm, bảo nội thị đưa cho Hoài
Văn. Vua nói:
- Tất cả các vương hầu đến đây đều có phần cam. Chẳng lẽ Hoài Văn
lại không được hưởng. Vậy thưởng cho em ta một quả.
Hoài Văn đỡ lấy quả cam, tạ ơn vua, lủi thủi bước lên bờ. Đằng sau
có tiếng cười của Thiệu Bảo và các vương hầu. Nghe rõ cả tiếng cười
của mấy vị tước vương chỉ nhỉnh hơn mình vài tuổi. Vua ban cam quý.
Nhưng việc dự bàn thì vẫn không cho. Hoài Văn tức, vừa hờn vừa tủi.
Uất nhất là đám quân Thánh Dực cũng khúc khích cười chế nhạo. Hoài
Văn quắc mắt, nắm chặt bàn tay lại. Được rồi! Ta sẽ chiêu binh mãi
mã cầm quân đi đánh giặc. Xem cái thằng phải đứng ngoài rìa này có
phải là một kẻ toi cơm không? Hai hàm răng Hoài Văn nghiến chặt. Hai
bàn tay càng nắm chặt lại, như để nghiền nát một cái gì. Hai bàn tay
rung lên vì giận dữ. Hoài Văn lẩm bẩm: "Rồi xem ai giết được giặc,
ai báo được ơn vua, xem ai hơn, ai kém. Rồi triều đình sẽ biết tay
ta". Hai nắm tay Hoài Văn càng bóp mạnh.
Đám người nhà trông thấy Hoài Văn hầm hầm trở ra thì chạy ùa tới hỏi
chuyện. Để đỡ ngượng với họ, Hoài Văn nói liều:
- Ta đã tâu với quan gia cho đánh. Quan gia ban cho quả cam này. Ơn
vua lộc nước, ta đem về để biếu mẫu thân.
Trần Quốc Toản xoè bàn tay phải ra. Quả cam đã nát bét chỉ còn trơ
bã.
IV
Về đến phủ riêng, Hoài Văn chạy lên nhà trên vấn an mẹ. Quần áo của
chàng bám đầy bụi, trán chàng ướt đẫm mồ hôi. Phu nhân ngồi trên
sập, hai tay hơ trên lồng ấp, miệng xuýt xoa vì rét. Phu nhân hỏi:
- Chú đâu mà con lại về một mình? Sao con đi lâu thế để mẹ ở nhà
mong mỏi mắt?
Hoài Văn nhìn mẹ già, vừa thương mẹ, vừa tủi cho mình. Phu nhân nói:
- Cho con ngồi. Trời rét thế này, đi đâu mà quần áo xộc xệch, mặt
mày ngơ ngác, mồ hôi mồ kê thế kia, con?
Hoài Văn kể hết nỗi niềm tâm sự của mình cho mẹ và nói:
- Con ở kinh sư hai tháng, thấy hàng ngày sứ Nguyên đi lại hống
hách, làm những điều trái tai gai mắt. Nó bắt nộp người nộp của. Nó
đòi phải tìm cho thấy cột đồng Mã Viện. Cột đồng đã bị vùi lấp đi
rồi, còn tìm đâu ra dấu vết? Nó bắt phải cho con em sang làm con
tin. Nó bắt phải để nó đặt quan giám sát mọi việc của triều đình...
Phu nhân kêu khẽ:
- Sao nó lại dám vô lễ đến như vậy! Triều đình bàn thế nào?
- Quan gia đã bác hết. Nó lại đọc chiếu của vua nước nó, bắt quan
gia phải lạy.
- Có đời thuở nào như thế!
- Nhưng quan gia không chịu. Quan gia đúng là một bậc thánh nhân, là
một ông vua nước nhỏ mà không chịu khuất phục uy vũ nước lớn. Thưa
mẹ, nay quân Nguyên ngấp nghé ngoài quan ải, thái tử nhà Nguyên đưa
thư sang, đòi mượn đường nước ta đi đánh Chiêm Thành, lại đòi ta
phải cấp lương thực. Cho nó mượn đường là đưa thịt vào miệng hổ đói
đấy, mẹ ạ.
Nói đến đây, Hoài Văn quỳ sụp trước sập và thưa:
- Con muốn xin mẹ một điều.
- Con xin mẹ điều gì?
- Thưa mẹ, thấy quốc sỉ mà làm thinh là hèn. Thấy quốc nạn mà chịu
một bề, không phải là dũng. Con không được dự bàn việc nước, nhưng
con không muốn khoanh tay ngồi nhìn quân giặc sang cướp nước. Các vị
vương hầu đều thương con còn nhỏ. Quan gia bảo con phải về phụng
dưỡng mẹ. Nhưng con trộm nghĩ, quân giặc đánh sang chỉ còn là chuyện
sớm tối. Con cũng muốn theo gương các vương hầu, chiêu binh mãi mã,
tích thảo dồn lương để đánh giặc dữ, cứu nạn nước. Mẹ giúp con để
cho con nối được chí cha con, khỏi mang tiếng là trai thời loạn.
Phu nhân đăm đăm nhìn đứa con trai duy nhất. Đứa con mảnh dẻ như nữ
nhi, yếu như cánh hoa chưa chịu được sương gió. Phu nhân rùng mình,
nghĩ lại ba mươi năm trước, quân Nguyên đã kéo sang, ngựa nhung nhúc
đầy đồng nội. Giặc đi đến đâu thì cỏ không mọc được, ruộng nương trơ
trụi, làng mạc cháy hết, trâu bò không còn. Đến khi đuổi được giặc
thì người chết như rạ, đất nước tan hoang, kinh đô biến thành tro
bụi. Thuở ấy, đức ông phải dấn mình vào vòng khói lửa. Phu nhân thì
dẫn mẹ chồng đi chạy loạn, trải biết bao nhiêu gian truân cơ cực.
Nay mà lại nổi can qua, thì lại là cảnh thịt nát xương tan, đầu rơi
máu chảy, mệnh người như cỏ rác. Phu nhân đã già rồi, chân yếu tay
mềm, biết có chạy được không? Khi xưa, phận làm vợ dám đâu mong đức
ông ở lại bên mình. Nhưng nay là mẹ, há lại chẳng bảo được con ở nhà
đỡ mẹ hay sao? Người mẹ rùng mình, nhắm nghiền mắt lại. Con ta sức
như đào tơ liễu yếu, đánh làm sao được bầy lang sói.
Quốc Toản hỏi:
- Ý mẹ thế nào?
- Để cho mẹ nghĩ đã.
- Giặc kéo sang không biết lúc nào. Không liệu trước e trở tay không
kịp, mẹ ạ.
- Đợi chú con về, mẹ hỏi xem thế nào đã.
Quốc Toản lắc đầu một cái cương quyết. Người mẹ nói:
- Con ơi! Cha con mất sớm. Trước khi nhắm mắt, cha con dặn chú trông
nom. Mẹ là phận gái chữ tòng, mọi việc phải hỏi chú đã. Con ngồi lên
cho mẹ hỏi đây.
Quốc Toản vẫn quỳ trước sập. Chàng nói:
- Mẹ hỏi chú thì chú không cho đi đâu. Cốt là mẹ. Mẹ nhất định đi
mới được. Con thề với mẹ sẽ chém đầu giặc dữ, rửa thù cho nước non.
Người mẹ đã biết tính con. Nó giống đức ông xưa, đã quyết thì hành.
Vả lại, mẹ dạy con đạo trung quân ái quốc, há lại ngăn con không giữ
phận thần tử hay sao? Phu nhân nói:
- Mẹ không phải là người muốn cho con giữ được chữ hiếu mà mất chữ
trung...
Quốc Toản nhoẻn miệng cười, cái miệng tươi như hoa còn dễ hờn, dễ
khóc như miệng mọi đứa trẻ thơ ngây. Phu nhân cố cầm giọt lệ đọng
trên mi mắt:
- Mẹ chỉ thương con còn nhỏ quá...
Mặt Hoài Văn tái đi:
- Con không còn nhỏ nữa. Con đã biết nghĩ rồi.
- Trong tay con không có khí giới, người nhà bất quá vài chục tên,
con đi đánh giặc bằng gì?
Giọng nói của Hoài Văn trở nên rắn rỏi:
- Mẹ giúp con thì việc lớn sẽ thành. Mẹ ơi! Giáp trụ của cha con
đâu? Binh thư của cha con đâu?
Mắt người mẹ hoa lên. Phu nhân mím miệng khẽ lắc đầu rồi lại gật
đầu. Phu nhân chỉ thấy lấp loáng cái bóng mảnh khảnh của con trai
chạy ra ngoài sân và nhảy lên lầu của đức ông mà mười hai năm nay,
phu nhân vẫn khoá kín.
Phu nhân cho gọi người tướng già vẫn theo đức ông đi trận mạc ngày
xưa, và hỏi:
- Nay Hoài Văn Hầu muốn khởi binh đi đánh giặc. Ta sợ con ta còn
trẻ. Ông nghĩ thế nào?
Người tướng già thưa:
- Vương tử có chí lớn, thật xứng đáng là con một bậc hổ tướng.
- Khi sinh ra nó, đức ông chỉ cầu trời khấn phật cho nó trở nên một
người văn võ toàn tài. Văn thì ta dạy, ta biết sức con ta, nhưng võ
của nó thì sao?
- Vương tử rất chăm học võ, múa gươm đã khá nhanh, giương cung đã
khá mạnh, phi ngựa thì không biết mỏi.
Phu nhân đưa cho người tướng già ba lạng bạc và nói:
- Ta thưởng công ông dạy dỗ con ta. Nhưng con ta còn non dại, chưa
quen chinh chiến. Ta nhờ ông giúp con ta nên người võ nghệ cao
cường. Khi con ta ra trận thì ông theo nó.
Người tướng già vái tạ và thưa:
- Xưa chúng tôi theo đức ông thế nào thì nay theo vương tử cũng như
vậy. Xin phu nhân cứ yên lòng. Tôi đã ngoài bảy mươi rồi, nhưng sức
còn mạnh. Tôi sẽ giúp vương tử đi đến đâu giặc tan đến đấy.
V
Chiêu Thành Vương ở hội nghị Bình Than về ấp thì được tin chị dâu đã
bằng lòng cho Hoài Văn đi đánh giặc. Vương vội vàng chạy sang. Vương
nói:
- Em nay về, trước là bái yết từ đường, sau là vấn an chị, sau nữa
là mộ thêm binh lính. Em chỉ ở nhà độ vài ngày rồi lại trở về kinh
sư đợi mệnh. Việc nước chúng em lo, việc nhà đành trông vào chị. Em
nghe nói chị cho cháu Toản mộ binh đi đánh giặc. Em nghĩ thế này:
chí cháu thì đáng khen, nhưng tuổi cháu còn nhỏ quá. Quân giặc đã
hung hãn, lại thiện chiến. Đến chúng em đã từng xông pha trận mạc mà
còn thấy lo, huống hồ là cháu đã biết việc binh là gì? Vả chăng, chi
họ nhà ta, anh thì mất sớm, em thì đường tử tức còn muộn mằn. Nối
dõi tông đường sau này trông cả vào cháu Toản, nhỡ nó có mệnh hệ
nào, thì khi trăm tuổi, chị em ta xuống suối vàng gặp anh thì sẽ nói
sao? Cứ như ý em thì phải giữ cháu ở nhà. Chị đã già. Nay mai gặp
bước loạn ly, chị phải có cháu ở bên mình để sớm hôm giúp đỡ. Em đi
phen này đã thề một chết, không biết có còn gặp chị nữa không. Trước
khi đi em xin bàn với chị như vậy.
Phu nhân nói:
- Anh không được trời cho tuổi thọ, may mà còn chú. Mọi việc trong
nhà chị trông vào chú cả. Chị cũng nghĩ như chú. Nhưng chị biết nói
thế nào với cháu? Cháu hư thì mới răn bảo khuyên can. Đằng này cháu
xin đi phò vua giúp nước. Chị đã dạy cháu học hành kinh sử, há lại
bảo cháu làm trái đạo thánh hiền được sao? Chú nghĩ thế nào, xin chỉ
giáo cho chị.
Hai chị em ngồi nói chuyện rất lâu. Trán hai người đều nhăn lại.
Cuối cùng, Chiêu Thành Vương nói:
- Em chỉ lo nó còn trẻ, văn chưa thông, võ chưa giỏi, sức chưa kham
được những cảnh màn sương gối tuyết. Chứ như cháu đã lớn thì chị em
ta làm gì còn phải bàn luận dài dòng. Nhưng em đã có cách. Để em bảo
cháu...
Vương cùng mấy người hầu cận ra bãi tập của Trần Quốc Toản. Từ hôm
về, suốt ngày Hoài Văn luyện tập trên một bãi rộng có nhiều gò đống
cao thấp nằm bên một con ngòi. Hoài Văn tập nhảy qua các gò đống,
tập bơi hụp dưới nước, tập khuân đá tảng, chém cây to, cưỡi ngựa
phóng tên... Tinh mơ Hoài Văn đã ra đây, chiều nhá nhem tối mới trở
về.
Khi Chiêu Thành Vương tới bãi tập thì thấy Quốc Toản cởi trần đóng
khố để lộ nước da trắng trẻo. Lố nhố chung quanh là những trai tráng
trong làng, cũng đóng khố cởi trần, mình đen trùi trũi. Người tướng
già cũng ngồi trong đám vật. Trông thấy Chiêu Thành Vương, người
tướng già phục xuống lạy. Hoài Văn đang mải vật với một anh trai
làng. Anh này nằm dán xuống đất. Hoài Văn nằm trên, nhưng loay hoay
mãi, không lật ngửa anh kia ra được. Vai và lưng Hoài Văn đỏ tấy,
hằn lên những vết ngón tay của đối phương. Chiêu Thành Vương đứng
xem, ngứa mắt nói to:
- Kéo gọng vó lên! Đánh vật chưa biết miếng. Toản đánh miếng gọng
vó, mau...
Bấy giờ Hoài Văn mới biết là chú đến, vội buông anh bạn, sụp xuống
lạy. Chiêu Thành Vương bảo Hoài Văn:
- Đánh vật là nghề riêng của họ nhà ta. Cháu ham đánh vật như vậy,
chú rất mừng. Nhưng đánh vật mới là trò chơi mà cháu còn lúng túng
như thế, thì đến khi đánh giặc thật, cháu còn lúng túng đến thế nào.
Bây giờ cháu thử vật với chú một keo. Cháu vật được chú thì chú bằng
lòng cho cháu đi đánh giặc.
Mọi người đều tưởng rằng vị đại vương chức trọng quyền cao nói đùa.
Không ngờ Vương đã cởi áo, đóng khố. Vương đã ngoài bốn mươi tuổi,
nhưng thân hình nở nang, bắp thịt rắn như sắt, người chắc như một
hòn đá tảng. Vương cười và ung dung bước vào xới vật. Hoài Văn đang
hăng như một con gà chọi. Hoài Văn nói:
- Chú cho phép thì cháu xin hầu vật.
Hai chú cháu quần nhau trên xới vật. Tay Quốc Toản bắt vào tay chú
như cành que đập vào phiến đá. Ba keo thông luôn, Hoài Văn bị quật
ngã trắng bụng. Nhưng anh chàng vẫn hăng máu xin vật nữa. Người chú
ruột cười khà khà:
- Chú khen cháu là kẻ có gan to, thua mà không nản chí. Nhưng cháu
còn phải tập nhiều, chưa đánh giặc được đâu. Cháu có biết rằng quân
Nguyên thằng nào cũng khoẻ như Trương Phi cả không?
- Hàn Tín ngày xưa trói gà không nổi sao đánh được Hạng Vũ có sức
bạt núi cử đỉnh?
- Hàn Tín là bậc đại tướng, ta không nên so sánh. Còn như đã gọi là
ra trận thì phải có sức khoẻ tuyệt luân như Anh Bố, Bành Việt mới
được. Cháu còn tập môn gì nữa nào? Cháu có biết quân Nguyên cưỡi
ngựa không cần cầm cương, ngồi trên ngựa như ta đi dưới đất, có tài
bắn trăm phát trăm trúng không?
- Cháu xin bắn thử chú xem.
Hoài Văn dẫn chú đến chỗ tập bắn, rồi đeo cung tên nhảy lên ngựa,
chạy ra xa, xa đến khi nhòm lại điểm hồng tâm chỉ bé bằng hạt gạo.
Quốc Toản nhìn thẳng hồng tâm, giương cung lắp tên, bắn luôn ba phát
đều trúng cả. Mọi người reo hò khen ngợi. Người tướng già cũng cười,
nở nang mày mặt. Chiêu Thành Vương gật đầu:
- Cháu bắn đã khá, chú mừng cho cháu. Nhưng cháu phải luyện tập nữa
mới đánh giặc được. Cháu xem chú bắn đây này.
Vương nhảy phắt lên ngựa, chạy xa hơn Trần Quốc Toản. Vương vẫn
phóng ngựa, không xoay mình, chỉ quay đầu lại, giương cung lắp tên.
Mũi tên bắn trúng và mạnh đến nỗi những mũi tên của Trần Quốc Toản
cắm vào hồng tâm đều rơi xuống đất. Khi Vương quay ngựa trở lại, mọi
người đều lạy rạp, bái phục tài bắn của Vương. Vương bảo Hoài Văn: -
Chú mong cháu khôn lớn, trở thành người tôi hiền tướng giỏi. Nhưng
nay cháu còn nhỏ, chưa lượng sức mình mà cứ đi đánh giặc, thì e rằng
sẽ chuốc lấy cái hại vào mình. Chú nói thế để cháu biết bụng chú.
Vương lại bảo người tướng già:
- Ông nên giúp cậu luyện tập thêm. Ta phải ra trận, không thể ở nhà
mà bảo ban cháu ta được.
Chợt trông thấy một cái hố dài để tập nhảy. Vương cười và hỏi:
- Ngắn thế này thôi ư?
Chiêu Thành Vương cùng mọi người đào thêm cái hố dài đến hai trượng.
Trong lòng hố Vương cho cắm chi chít những giáo mác và tre vót nhọn,
cái cao cái thấp. Làm xong, Vương nhảy phắt một cái qua hố, nhẹ như
con sóc, mặt thản nhiên không động. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi.
Hoài Văn định nhảy liều. Người tướng già ngăn lại. Chiêu Thành Vương
nói:
- Cháu cố tập thêm rồi hãy nhảy. Sao cho người nhanh như cắt, lòng
tĩnh như trời xanh, nhảy qua chông gai như không, thì đến khi đứng
trước giặc dữ mới không nhụt nhuệ khí, cháu đã nghe chưa?
Vương đi rồi, mọi người vẫn trầm trồ khen ngợi sức khoẻ của Vương.
Hoài Văn hỏi người tướng già:
- Ông xem ta ra trận được chưa? Làm thế nào cho ta bằng chú ta được?
- Vương tử không lo. Vương tử chưa tập được là bao, thế tất phải kém
đại vương đã dày công luyện tập. Phương ngôn có câu: có công mài
sắt, có ngày nên kim. Xin vương tử gia công luyện tập, có chí thì
thành.
- Phải tập cho nhanh. Giặc sang đến nơi rồi. Ta sẽ học tập cả ngày
lẫn đêm. Chí ta đã quyết, dù cho khó nhọc đến đâu, ta cũng chẳng sờn
lòng.
VI
Khi Chiêu Thành Vương dựng cờ lên thì trai tráng kéo đến dưới cờ
đông như hội. Những người đã theo về với Hoài Văn cũng chạy cả sang
hàng ngũ Chiêu Thành Vương. Sắp xếp đội ngũ xong, Vương cất quân rầm
rộ lên đường.
Hoài Văn nói với người tướng già:
- Trai tráng đi theo chú hết rồi. Lấy đâu ra quân nữa?
Người tướng già nói:
- Người thì có bao giờ hết được? Muốn cho người ta tin theo, phải có
danh chính ngôn thuận. Cứ như ý tôi, ta phải chịu khó đi vào các
thôn xóm nói rõ cho mọi người biết được nghĩa lớn. Dân gian ai chẳng
có lòng trung quân ái quốc? Tôi được biết ở Võ Ninh ta có nhiều bô
lão được thiên tử vời về điện Diên Hồng hỏi kế, ta nên gặp những
người ấy. Các cụ đã quyết chí đánh giặc, há lại không gióng giả bảo
người trong họ ngoài làng theo về với vương tử hay sao? Lo gì không
có quân!
Quốc Toản mừng lắm, nói:
- Ông đã vén cho ta một đám mây mờ.
Từ đấy, ngày nào Hoài Văn cũng xuống các thôn xóm, vận động bà con
đứng lên cứu nước. Một hôm, đã khuya lắm, Hoài Văn còn chong đèn
trên lầu. Quốc Toản nghĩ: "Chú ta dựng cờ lên là thiên hạ nô nức
đến. Ta cũng phải có một lá cờ. Lá cờ nêu rõ chí ta". Suốt từ chập
tối đến canh hai, Hoài Văn tự hỏi: "Ta sẽ viết chữ gì trên lá cờ của
ta? Chữ đề phải quang minh chính đại như ban ngày. Chữ đề phải là
một lời thề quyết liệt. Chữ đề phải làm cho quân sĩ phấn khởi, cho
kẻ địch kinh hồn". Trống đã điểm canh ba. Mắt Hoài Văn bỗng rực
sáng, toàn thân như bừng bừng cháy. Tay Hoài Văn giơ lên như đang
phất một lá cờ. Hoài Văn thét lớn:
- PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN.
Hoài Văn nhẩm đi nhẩm lại:
- Phá cường địch, báo hoàng ân. Báo hoàng ân, phá cường địch. Phá
cường địch...
Chàng gật gù, sung sướng. Sáu chữ đối nhau chan chát, lời đanh thép,
ý hùng hồn. Chàng lấy hết gân tay viết sáu chữ lên một tờ giấy điều.
Chàng mơ màng thấy lá cờ sáu chữ tung hoành trên các trận, và chàng
thì đang trỏ giáo, vung gươm chém đầu tướng giặc. Hoài Văn định nhảy
xuống lầu để khoe với người tướng già sự khám phá mới mẻ của mình
thì chợt có tiếng chân bước nhẹ lên lầu. Quốc Toản nhìn ra thì chính
là mẹ. Chàng chìa tay đỡ mẹ lên. Phu nhân khẽ hỏi:
- Sắp sáng rồi, sao con thức khuya thế? Mẹ thấy con ngày một võ
vàng. Áo đâu mà phong phanh thế kia?
Quốc Toản có gầy đi nhiều. Hầu lại chỉ mặc một áo lót mỏng, vì Hầu
muốn luyện cho mình thành một người có thể dãi gió dầm mưa, chịu
đựng được mọi nỗi vất vả của sa trường. Quốc Toản đỡ mẹ ngồi lên kỷ
và thưa:
- Con để mẹ phải lo nghĩ, con thật mang tội bất hiếu. Nhưng giặc sắp
kéo sang, có muốn ở yên cũng không được. Phải tập khổ cho quen đi.
Phu nhân cầm lấy tờ giấy hồng điều trong tay con. Trên tờ giấy viết
sáu chữ lớn: "Phá cường địch, báo hoàng ân", nét bút gân guốc. Phu
nhân không nói, lặng nhìn sáu chữ, mừng thầm cho con có chí khác
thường. Quốc Toản nói:
- Con muốn dựng một lá cờ đề sáu chữ này để chiêu binh mãi mã. Nay
mai ra trận, con sẽ phất lá cờ ấy thề sống chết với quân thù. Mẹ may
cho con lá cờ ấy nhé. Đến khi xông pha chiến trận, con nhìn lá cờ là
thấy được mẫu thân.
Phu nhân xoa đầu con, và Hoài Văn gục đầu lên gối mẹ. Phu nhân nói:
- Mẹ đã không giữ con ở nhà, thì làm gì không may nổi cho con một lá
cờ. Thôi, con ngủ đi. Sáng rồi!
Phu nhân dắt Quốc Toản đến giường, bảo nằm xuống, kéo chăn đắp lên
mình con. Người mẹ cầm ngọn đèn, nhẹ bước xuống lầu. Trở về phòng
riêng, phu nhân chong đèn, lúi húi thêu sáu chữ bằng những sợi chỉ
vàng trên một tấm lụa đỏ thắm.
VII
Mấy hôm sau, trước dinh cũ của đại vương, cha Trần Quốc Toản, một lá
cờ được dựng lên. Lá cờ đỏ đề sáu chữ vàng rực rỡ: PHÁ CƯỜNG ĐỊCH
BÁO HOÀNG ÂN.
Khắp nơi xa gần, người ta kháo nhau về lá cờ. Người ta khâm phục
Hoài Văn tuổi nhỏ mà có chí lớn. Một ông lão dắt hai chàng trai trẻ
đến trước dinh, vái Hoài Văn rồi chỉ vào hai người con trai và nói:
- Một thằng là con út, một đứa là cháu nội lão, chúng nó đều trạc
tuổi vương tử. Hai đứa đều mộ tiếng Hoài Văn Hầu, muốn cầm roi theo
gót ngựa. Lão đã được về kinh, lão đã quyết một lòng đánh giặc. Chỉ
vì sức yếu mà không đi được, nhưng đã có con cháu đi thay. Mong Hoài
Văn Hầu thu nhận. Lão xin chúc vương tử phen này ra quân, ngựa bước
tới đâu thành công đến đấy.
Từ đấy, có nhiều người đến dưới cờ xin đi theo Quốc Toản, phần lớn
đều cùng một lứa tuổi với chàng. Trần Quốc Toản cùng những người bạn
mới say mê luyện tập võ nghệ và học cách bài binh bố trận. Chẳng bao
lâu Hoài Văn đã nhảy qua được cái hố dài hai trượng, lòng hố tua tủa
những bàn chông. Một hôm, chàng chỉ một đàn sáo bay trên trời và nói
với mọi người:
- Ta bắn rơi con thứ ba nhé!
Và chàng giương cung bắn, và con sáo thứ ba rơi xuống.
Nhưng số người đi theo Hoài Văn tính ra chỉ vẻn vẹn được có sáu
trăm. Thấy Hoài Văn lo ngại, người tướng già nói:
- Quân quý giỏi, không quý nhiều. Ta chỉ có sáu trăm quân, nhưng anh
em đều có chí vẫy vùng, ra đi không bận thê noa. Họ tập luyện nhanh
nhẹn, bảo một biết hai. Ai nấy đều mong chóng đến ngày đền ơn vua nợ
nước. Chỉ xin vương tử coi họ như anh em, không phân biệt sang hèn,
họ sẽ coi vương tử như ruột thịt. Trên dưới một lòng thì đánh đâu
thắng đó.
Hoài Văn khen phải. Người tướng già sắp xếp sáu trăm người vào cơ
nào đội ấy, tề chỉnh như quân của đại vương xưa.
Quốc Toản đi khắp các cơ, các đội, ăn với họ một mâm, nằm với họ một
chiếu, ngày thì cùng nhau tập luyện, đêm thì cùng học binh thư. Họ
sống với nhau như anh em một nhà, tình nghĩa mỗi ngày một thắm
thiết. Phu nhân xuất tiền may quần áo, sắm khí giới cho đoàn quân
trẻ tuổi. Dân gian khắp vùng Võ Ninh mộ tiếng đoàn quân, người cúng
ngựa tốt, người biếu trâu bò, người mang tiền, gánh gạo đến khao
quân. Người ta đua nhau đánh thêm dao, thêm kiếm cho Hoài Văn. Các
bễ lò rèn không nghỉ. Tiếng búa tiếng đe rầm rập đêm ngày.
VIII
Một năm đã qua.
Thế rồi một hôm, Hoài Văn đang luyện tập với sáu trăm gã hào kiệt,
thì có tin đồn thái tử nhà Nguyên là Trần Nam Vương Thoát Hoan,
thống lĩnh năm mươi vạn binh mã, đã phạm vào cửa ải. Quan quân đã
giao chiến với giặc.
Sáu trăm người hoa chân múa tay, xin Hoài Văn gấp gấp lên đường.
Một buổi sáng tháng chạp rét như cắt. Mây xám phủ đầy trời. Gió rít
lên từng trận. Giữa bãi tập, lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng tung bay
ngạo nghễ, xua tan không khí ảm đạm. Trên đàn đất đắp cao bày một
hương án. Trên hương án, trầm hương toả khói thơm. Hai bên đàn, sáu
trăm gã hào kiệt đứng nghiêm chỉnh, chống những cây giáo thẳng, đều
tăm tắp, mũi nhọn sáng ngời. Mọi người đều nín thở. Trong im lặng,
chiêng trống bỗng rung lên.
Khăn áo chỉnh tề, Hoài Văn bước lên đàn cao, quỳ trước hương án.
Người tướng già thắp thêm hương, đốt thêm trầm. Hoài Văn lầm rầm
khấn trời đất phù hộ nước Nam, và dõng dạc đọc lời thề, phỏng theo
những lời thề mà chàng đã nghe quan gia đọc ở đền Đồng Cổ tại kinh
thành:
- Chúng tôi, sáu trăm nghĩa sĩ, tình như ruột thịt, nghĩa tựa keo
sơn, thề đồng tử đồng sinh, đuổi giặc cứu dân. Ai bất nghĩa, bất
trung, xin trời tru đất diệt!
Sáu trăm hào kiệt đọc lời thề:
- Ai bất nghĩa, bất trung, xin trời tru đất diệt!
Và họ uống máu ăn thề. Họ nhìn lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng, lòng họ
bừng bừng, tay họ như có thể xoay trời chuyển đất. Đêm hôm ấy, đã
khuya lắm, người ta vẫn còn nghe thấy những tiếng mài gươm.
Sáng hôm sau, Hoài Văn Hầu dậy sớm, lên nhà trên từ biệt mẹ già:
- Con đi phen này đã thề sống chết với giặc. Bao giờ đất nước thanh
bình, bốn phương bể lặng trời im, con mới trở về. Xin mẹ ở nhà giữ
ngọc gìn vàng để cho con được yên lòng xông pha trận mạc.
Hoài Văn lạy mẹ. Phu nhân quyến luyến không muốn chia tay, nhưng phu
nhân không sa nước mắt. Phu nhân nói:
- Con đi vì nước, nên mẹ chẳng giữ. Mẹ chỉ có một mình con đây. Mẹ
mong con chóng ca khúc khải hoàn, mẹ con ta lại được sớm cùng nhau
sum họp.
Đây là lần thứ hai trong đời, Hoài Văn xa mẹ. Lần trước về kinh
thành, chỉ là một chuyến đi chơi. Lần này mới thật là đi xa, không
biết bao giờ trở lại. Lòng Hoài Văn bỗng thấy nao nao thương mẹ.
Nhưng chiêng trống bên ngoài đã nổi rộn ràng. Hoài Văn lạy mẹ một
lần nữa, vén mành bước ra sân khi ấy còn tối mờ mờ.
Hoài Văn Hầu mặc áo bào đỏ, vai mang cung tên, lưng đeo thanh gươm
gia truyền, ngồi trên một con ngựa trắng phau. Chàng giữ vẻ uy nghi
của một vị chỉ huy. Theo sau Hoài Văn là người tướng già, mặt sạm
đen vì sương gió, chòm râu dài trắng như cước. Tiếp sau là sáu trăm
gã hào kiệt, nón nhọn giáo dài. Đoàn quân hùng hổ ra đi trên con
đường cái nhỏ, hai bên là đồng không mông quạnh. Tiếng chiêng tiếng
trống rập rình.
Đoàn quân đã đi xa. Bà con ra tiễn vẫn còn trông thấy lá cờ đỏ đề
sáu chữ vàng mở đường đi trước. Lá cờ căng lên vì ngược gió.
IX
Lá cờ thêu sáu chữ vàng mỗi lúc một căng lên vì ngược gió.
Sáu trăm gã hào kiệt đi tìm quan quân.
Nhưng quan quân ở đâu? Họ không biết nữa.
Hoài Văn nói:
- Bây giờ dù có tìm được quan quân, quan quân lại đuổi về thôi.
Chẳng bằng ta đi tìm giặc, đánh vài trận cho người lớn biết tay anh
em ta đã.
Sáu trăm gã thưa:
- Vương tử nói phải. Ta đi tìm giặc mà đánh.
Và họ tiến theo hướng bắc. Và lá cờ đỏ căng lên vì ngược gió. Những
cánh đồng Võ Ninh đã hết. Họ tiến vào vùng đồi đất. Chẳng mấy chốc,
đồi đất cũng lùi xa. Họ lọt vào giữa rừng núi. Rừng mỗi lúc một rậm,
núi mỗi lúc một cao, suối mỗi lúc một nhiều, dân mỗi lúc một thưa.
Họ cảm thấy càng đi lên càng gần mặt trận. Lòng họ vui như tết.
Nhưng đi đã mấy ngày đêm liền, họ vẫn chẳng thấy tăm hơi giặc. Mắt
chỉ thấy núi rừng âm u. Tai chỉ nghe tiếng hoẵng kêu, vượn hú.
Một buổi chiều, sau một ngày lội suối trèo đèo vất vả, sáu trăm gã
hào kiệt đổ vào một cánh đồng rộng, núi vây bốn phía. Lưng chừng
núi, lác đác mấy xóm thổ dân.
Hoài Văn cho mọi người nghỉ dưới chân một ngọn núi cao và chuẩn bị
cơm nước. Bỗng nổi lên những tiếng trống dồn dập. Từ trên lưng chừng
núi, nỏ bắn xuống như mưa. Đoàn quân giật mình ngơ ngác, nấp vào
trong các bụi, các hốc. Hoài Văn thét:
- Đội ngũ hãy chỉnh tề, theo ta giết giặc lập công.
Hoài Văn ngồi trên mình ngựa, dưới lá cờ sáu chữ. Chàng hỏi người
tướng già cưỡi ngựa đứng bên:
- Quan quân ở đâu để giặc đến đây rồi?
Nhưng người tướng già có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Hoài Văn nhìn lên
núi, thấy lấp ló trong rừng rậm những bóng người áo xanh, nón rộng,
lưng đeo đao lớn. Chúng thét lên những tiếng hãi hùng. Chúng nhấp
nhổm như sắp đánh xuống. Hoài Văn ra lệnh:
- Chờ cho quân giặc xuống gần, hãy nhất tề xông lên mà đánh.
Nỏ vẫn bắn xuống rào rào. Trên núi, bỗng có một người đứng thẳng
lên, dáng cao lớn hơn những người khác. Áng chừng đấy là thủ lĩnh
của chúng nó. Nó kêu mấy tiếng rùng rợn, và quân áo xanh leo xuống,
nhẹ như bay. Hoài Văn giương cung lắp tên định bắn tên thủ lĩnh.
Người tướng già giữ lại và nói:
- Khoan đã. Chưa chắc đã phải là giặc.
- Không phải giặc sao lại bắn ta?
- Họ biết ta là ai mà chả bắn? Tôi theo đại vương đi chinh chiến
khắp đông tây nam bắc, đã nhiều phen ở lẫn với những người Thổ, Mán.
Tôi đã nhìn kĩ những người trên ngọn núi này. Đấy là những người
Mán, không phải là giặc đâu. Vương tử cho dựng cao lá cờ lên để họ
nhìn cho rõ. Tôi xin lên thương thuyết với họ.
Hoài Văn ngăn lại:
- Ông làm sao thì ta trông cậy vào ai?
Người tướng già cười:
- Người mình với nhau, có gì mà đáng lo!
Người tướng già xuống ngựa, đi bộ lên núi, tay thì giơ mộc đỡ những
mũi tên nỏ bắn tới tấp chung quanh, miệng thì không ngớt gọi to bằng
tiếng Mán. Hoài Văn truyền dựng lá cờ cho thật cao, và bảo mọi người
chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi sự bất trắc. Sáu trăm gã hồi
hộp nhìn lên núi. Người tướng già vẫn vừa leo vừa gọi. Người tướng
già đã tới trước mặt viên thủ lĩnh. Họ đã nói chuyện với nhau. Theo
ngón tay chỉ của người tướng già, người cao lớn nhìn xuống chân núi,
đầu gật gật làm cho cái nón rộng vành hất lên hất xuống. Hoài Văn
luồn cung vào vai và nói:
- Không phải giặc rồi, chút nữa thì lầm to!
Người tướng già đi trước, viên thủ lĩnh theo sau, cả hai xuống núi.
Tới trước ngựa Hoài Văn, viên thủ lĩnh nói một tràng tiếng Mán.
Người tướng già nói:
- Ông ta mời vương tử lên núi đấy.
Viên thủ lĩnh là một người đã ngoài bốn mươi, to lớn vạm vỡ, mắt
sắc, râu thưa, nước da cháy đen, mặt cứng như đá. Mình mặc áo chàm,
chân đi giày cỏ. Cử chỉ thì vụng về chậm chạp. Người tráng sĩ Mán tự
xưng là Nguyễn Thế Lộc, chủ trại Ma Lục, thuộc đạo Lạng Giang.
Hoài Văn cho quân nghỉ ngơi ăn uống, rồi theo Thế Lộc lên núi. Trời
vừa sập tối. Sương toả mịt mù. Trại của người tráng sĩ là một động
đá rộng, khí lạnh thấu xương. Mấy ngọn đuốc bằng nhựa trám hắt một
thứ ánh sáng lờ mờ, làm cho không khí của động càng huyền ảo. Lố nhố
những người ngồi, người đứng, thảy đều mặc áo chàm, đi giày cỏ.
Người nào cũng lực lưỡng gân guốc, im lìm như đá cả. Họ nhìn những
người khách mới đến, chẳng chào hỏi một câu. Trên các vách đá, treo
cung tên và những con dao to bản, sáng quắc. Lẫn trong đám những
người áo chàm, có bốn năm người có vẻ lanh lợi, sắc sảo. Xem cách ăn
mặc của họ, Hoài Văn đoán đấy là lính của triều đình. Trông thấy
Hoài Văn, họ có vẻ nửa mừng nửa sợ. Hoài Văn hỏi:
- Những người này là thế nào?
Họ tái mặt. Một người thưa:
- Bẩm, Ngài có phải vâng lệnh Quốc công Tiết chế lên đây cứu viện
không?
- Giặc ở đâu mà phải cứu viện? Các người thuộc đạo quân nào mà lại ở
đây?
Họ run bắn người lên không nói. Những người Mán vẫn chẳng nói chẳng
rằng. Người tướng già rỉ tai Hoài Văn:
- Chủ trại cho biết thế giặc to lắm, đi đến đâu quan quân vỡ đến đó.
Chung quanh đây, giặc đã đóng cả rồi. Ta đã lọt vào giữa vòng vây
của giặc. Những người lính này lạc đường chạy vào trong này, tạm
nương nhờ người Mán, rồi sẽ tìm đường về gặp quan quân.
Quốc Toản nổi nóng quát to:
- Giặc mới đến đã chạy. Để các người làm gì? Sống cũng chỉ ăn hại
thiên hạ mà thôi!
Chàng tuốt gươm toan chém mấy người lính. Người tướng già giữ tay
Hoài Văn, nói:
- Xin vương tử hãy bớt nóng. Hãy nghe chủ trại kể chuyện đầu đuôi sự
tình đã.
Mặt Hoài Văn vẫn hầm hầm. Thế Lộc mời Hoài Văn ngồi lên phiến đá
cao, còn mình thì ngồi trên một hòn đá thấp. Gió ở bên ngoài gào
rít, rung động cả núi rừng. Những ngọn đuốc trong động khi mờ khi
tỏ, bốc khói ngùn ngụt. Thế Lộc bập bẹ nói tiếng Kinh, giọng nói cộc
lốc, không kiêng dè, mạnh như dao chém thớt. Theo lời Thế Lộc thì
tình thế rất rối ren. Quân Nguyên đã vượt cửa ải, kéo đến Lộc Châu.
Quan quân chặn giặc ở núi Kheo Cấp, nhưng giặc lại tiến đánh úp ải
Khả Ly. Quan quân chống cự không nổi, đã phải rút về. Đại quân của
Thoát Hoan đóng khắp Lạng Giang. Thế Lộc nói:
- Nó thả quân đi cướp trâu, cướp ngựa. Cỏ nó cũng cướp.
Hoài Văn hỏi:
- Nó đến thì Thế Lộc định thế nào?
Đôi mắt xếch của Thế Lộc mở rộng, dữ dội một cách khác thường. Không
nói gì, Thế Lộc vớ một con dao to bản chém mạnh vào một hòn đá, làm
cho lửa toé lên. Thế Lộc nhìn hòn đá vỡ, dằn tiếng:
- Nó vào thì tao chém nó thế này lố!
Hoài Văn cười khanh khách, tay vỗ mạnh lên tấm vai u của Thế Lộc:
- Thế Lộc ở nơi sơn dã mà có lòng trung nghĩa, thật là phúc cho nước
nhà. Ta đang đi tìm giặc để mổ ruột moi gan nó, may sao được gặp
tráng sĩ của xứ lâm tuyền. Ông biết giặc ở đâu, ta cùng đi đánh
giặc.
Từ lúc gặp Quốc Toản, Thế Lộc không hề cười. Hình như người Mán ấy
không cười bao giờ. Thấy Hoài Văn cười lớn, Thế Lộc chỉ ngồi lim dim
mắt, thỉnh thoảng khẽ vuốt chòm râu thưa. Đến đây, Thế Lộc gật đầu,
nói:
- Có thêm mày lên đây, tao thích lắm. Mày đi đường có mệt không? Tao
cho ăn cơm rồi đi ngủ. Ngày mai, tao dẫn mày đi tìm giặc đánh.
Thế Lộc bảo người nhà dọn cơm rượu khoản đãi Hoài Văn. Ngồi tiếp
rượu người khách trẻ tuổi, Thế Lộc nói:
- Tao trông thấy sáu chữ của mày, tao chưa đánh đấy. Chứ mày là giặc
thì không thoát được tao đâu. Tao chưa bắn tên thuốc độc, tao chưa
ra lệnh bật bẫy đá. Trên sườn núi, chỗ nào tao cũng có bẫy đá.
Hoài Văn nghĩ một người ở nơi thâm sơn cùng cốc này còn biết lo việc
đánh giặc, cớ sao quan quân lại bỏ chạy? Chẳng đáng thẹn lắm ru?
Hoài Văn uống cạn một bát rượu Mán. Người nóng bừng bừng. Đêm hôm
ấy, nằm trong hang đá lạnh, không màn, không chiếu, Hoài Văn ngủ
không yên giấc.
X
Tinh mơ hôm sau, Hoài Văn đã trở dậy. Thế Lộc nai nịt gọn ghẽ theo
Hoài Văn ra khỏi động. Ngoài động, các tráng sĩ áo chàm tấp nập đặt
thêm những bẫy đá. Họ reo hò lăn thử những tảng đá cực kì to lớn
xuống chân núi. Đá lăn ầm ầm như sấm động gió gào. Thế Lộc chỉ những
cây cối gãy ngổn ngang và nói:
- Giặc có khoẻ bằng mấy cây kia không?
Hoài Văn ngắm nghía từng cái bẫy, luôn miệng khen ngợi người tráng
sĩ của nơi rừng xanh núi đỏ. Chợt lại thấy mấy người Mán ngồi bện
một hình người cỏ, Hoài Văn hỏi Thế Lộc:
- Bện làm gì đấy?
- Mày làm tướng mà không biết gì cả. Quân tao ít thì tao phải làm
người cỏ cho nó nhiều chứ!
Hoài Văn say sưa ngắm nhìn người cỏ trong cái thế đang giương cung
định bắn. Bện xong hình người cỏ, mấy tráng sĩ Mán đem đặt sau một
lùm cây rậm. Họ giật dây, hình người cỏ cử động như người thật vậy.
Hoài Văn càng thêm hào hứng, quay bảo người tướng già:
- Ngày xưa, nước ta có Lý Ông Trọng là một thần tướng thân cao mười
trượng. Ngài được cử sang giúp nhà Tần dẹp loạn Hung Nô. Hễ trông
thấy Ngài là quân Hung Nô mất vía. Khi Ngài mất, nhà Tần thương tiếc
sai làm tượng to lớn như người thật. Quân Hung Nô lại sang, vua nhà
Tần cho khiêng tượng tới. Giặc tưởng Ngài còn sống, chạy như chuột.
Nay ta cũng nên bện một hình nhân to lớn như đức Thánh Chèm, giặc
Nguyên trông thấy tất phải vỡ mật.
Người tướng già nói:
- Vương tử nói rất hợp ý tôi. Tôi biết giặc Nguyên cần cỏ cho ngựa
như cần lương thực. Cánh đồng Ma Lục nhiều cỏ, thế nào chúng cũng mò
đến. Ta dử chúng vào đấy, dùng mưu mà đánh. Nhất định thắng to. Ta
nên làm như thế này...
Người tướng già rỉ tai nói thầm với Hoài Văn và Thế Lộc. Hoài Văn
gật đầu, cười lớn:
- Phải đấy. Phải đấy.
Tức thì quân sĩ của Hoài Văn Hầu và các tráng sĩ của Thế Lộc vào
rừng đốn gỗ, đốn tre nứa. Họ xúm vào đan một hình thần tướng, cao
hơn vựa thóc, lớn hai người ôm. Mặt thần tướng đen như lòng chảo,
râu xồm quai nón, mắt ốc nhồi mở trừng trừng nhìn xuống cánh đồng.
Thần tướng giương một cái nỏ to như một thuyền nan, mũi tên dài như
ngọn giáo. Đứng ở dưới cánh đồng nhìn lên, thấy thần tướng sát khí
đằng đằng, tướng mạo kì quái, dữ tợn.
Thế Lộc bỗng chỉ một cây đa cổ thụ ở dưới cánh đồng, cành lá xùm xoà
vùng ra chung quanh rộng như cái ao lớn. Thế Lộc nói với Hoài Văn:
- Tao bàn thế này với mày. Có thần tướng kia, thì phải có tên thần,
mới đánh lừa được cái thằng giặc lố.
Hoài Văn mừng rỡ, tay vỗ mạnh vào lưng người Mán:
- Ta có ngờ đâu, nơi sơn dã cũng ẩn những tướng tài. Thế Lộc giỏi!
Thế Lộc giỏi lắm!
Người ta leo lên ngọn cây đa cao chót vót, đục thủng một cành lớn
đến một người ôm không xuể. Người ta luồn qua lỗ đục một khúc gỗ đẽo
thành hình một mũi tên khổng lồ. Sáu bảy cây cổ thụ khác dưới cánh
đồng đều bị những mũi tên thần xuyên thủng như vậy. Sáu trăm gã và
những tráng sĩ Mán say sưa hết nhìn thần tướng trên núi lại ngắm
những mũi tên xuyên thủng những cây cổ thụ hàng trăm năm.
Bỗng từ dưới chân núi có một người hớt hải chạy lên. Thế Lộc nói với
Hoài Văn:
- Em tao là Nguyễn Lĩnh, đóng ở trại ngoài, về đây chắc có việc gì.
Nguyễn Lĩnh đã bước vào động. Lĩnh giống Thế Lộc như đúc, chỉ khác
là cằm nhẵn không râu. Nguyễn Lĩnh nói:
- Giặc nó vào đấy!
Thế Lộc hỏi:
- Bao nhiêu thằng?
- Năm trăm, thằng nào cũng cưỡi ngựa.
- Ngựa thì ngựa. Nó vào thì đánh bỏ mẹ, cần gì.
Hoài Văn xoa tay sung sướng:
- Chúng nó đến nộp mạng cho chúng ta rồi. Lệnh cho mọi người không
để cho một thằng giặc chạy thoát!