Chương 1: Đi Qua Hoa Cúc
Trước nhà bà nội tôi có một cây bàng cao thật cao . Mỗi lần về thăm
nội, khi chiếc xe gobel của ba tôi ngoặt quanh cái giếng đá đầu
làng, bao giờ tôi cũng nhấp nhổm ở yên sau và hồi hộp ngước mắt
trông lên. So với dãy hàng rào dâm bụt của những ngôi nhà nằm dọc
hai bên con đường đá sỏi, kể cả ngọn sầu đông và cây sứ trắng toả
hương thơm nức mũi trước sân nhà bà tôi lúc nào cũng vươn cao sừng
sững. Khi nhìn lên, hễ thấy tán bàng xanh um kia hiện ra trong tầm
mắt như một chấm đen mỗi lúc một lớn dần, tôi biết ngay đã sắp đến
nhà bà. Và thế là tôi không nén nổi nụ cười sung sướng. Và cả e thẹn
nữa, chẳng hiểu vì sao . Những lúc đó, bao giờ tôi cũng úp mặt vào
lưng ba tôi để giấu đi nỗi xao xuyến của mình.
Cũng như vậy, trước ngõ nhà ông ngoại tôi là một hàng rào hoa giấy
đỏ. Hoa không thẫm, chỉ đỏ hồng. Vì trồng lâu năm nên cây uốn lượn
chằng chịt, gốc nào gốc nấy to bằng bắp chân người . Hoa rực rỡ từng
chùm, từng nhánh, phủ kín cả hai trụ cổng bằng đá ong lâu ngày lên
rêu xanh mướt.
Quê nội tôi thuộc một làng miền núi . Quê ngoại tôi ở miệt đồng
bằng. Nhà ông tôi ở cách đường quốc lộ non một cây số về phía biển.
Nhưng vì không bị cây cối che khuất nên đứng trên đường người ta vẫn
có thể trông thấy rõ mồn một vừng hoa đỏ ối dưới kia . Sau này, khi
đã đi xa, mỗi lần về thăm ngoại, tôi ngồi trên xe đò băng qua cầu
Cẩm Lễ, mắt nôn nao ngóng về phía biển, hễ thấy hoa đỏ vẫy tay là
biết đã tới nhà.
Vườn nhà ông tôi không chỉ mọc toàn hoa giấy . Phía sau dãy hàng rào
rực rỡ kia là một cái mương nhỏ bao quanh vườn đầy cá lòng tong.
Từng đàn cá nhỏ li ti cứ suốt ngày rủ nhau chui qua chui lại dưới
những đám rong dại, bên trên dương xỉ mọc đầy .
Cây me cao mọc sát bờ mương. Những chiếc lá con bé bằng nửa móng tay
chẳng những không che mát nổi lũ cá bốn mùa nô giỡn, mà mỗi khi có
một làn gió thổi qua, lại thi nhau rụng đầy mặt nước khiến lũ cá
nhát gan phải trốn chạy cuống cuồng.
Khoảng sân rộng chạy dài từ gốc me vào tận hiên nhà, đầu sân hoa cúc
nở vàng. Hoa cúc nhiều màu, nhưng trong sân nhà ông tôi chỉ có vàng
hoa cúc. Hoa cúc tươi tắn mà dịu dàng. Dãy hoa giấy đỏ xốn xang
ngoài ngõ xa nhờ hoa cúc mà bớt phần gay gắt. Chứ nếu không, trước
nắng ngồi trong nhà nhìn ra, khắp đất trời chỉ một sắc chói chang,
tỉnh mịch.
Thật ra, suốt bốn năm ròng rã ở nhà ông tôi, tôi có thiết tha gì cúc
vàng cúc trắng. Bốn mùa mười hai tháng tôi hết đu đưa trên cây me
đằng trước lại hì hục leo trèo cây xoài cây ổi phía sau . Hoa cúc
mỏng manh vô tích sự, ăn không được, trèo cao té nặng cũng không
xong. Đối với tôi, hoa cúc chỉ dành cho dì Miên chiều chiều ra sân
tưới nước, dành cho ông tôi sai học trò hái phơi khô đem bỏ lẫn vào
bình trà.
Vậy mà có một dạo tôi bỗng đem lòng yêu hoa cúc. Tôi không cho dì
Miên tưới nước nữạ Tôi giành lấy chiếc gàu mo cau trên tay dì hăm hở
chạy ra giếng đá ở vườn sau tự mình múc nước tưới hoa . Rồi tôi ngồi
lặng lẽ hàng giờ bên cúc vàng lặng lẽ, thả hồn theo mây gió lang
thang. Tôi tha hồ mơ mộng. Tôi tha hồ nghĩ ngợi vẩn vơ . Đó là dạo
chị Ngà về ở với dì Miên. Đó là dạo chị Ngà hay nói "Miên nè, đỗ tú
tài xong, tao sẽ xin thi vào trường sư phạm. Ra trường, tao sẽ xin
về trường huyện. Tao sẽ ở đây với mày . Tao sẽ lấy chồng người làng
này, không đi đâu hết, mày có thích không Miên?". Năm đó, tôi mười
sáu tuổi .
Chương 2: Đi Qua Hoa Cúc
Nhà tôi ở ven lộ, kế chân cầu Cẩm Lễ. Ba tôi đi công tác xa, tôi ở
nhà với mẹ và một bầy em năm đứa . Những năm tiểu học, tôi học ở
trường làng. Lên lớp sáu, tôi phải ra trường huyện. Tôi ra trường
huyện, mẹ tôi lo . Trường làng nằm dưới xóm Cây Duối, từ nhà đến
trường tôi chỉ việc men theo con đường đất quanh co chạy luồn dưới
những khóm tre và những tàng cây trứng cá. Còn trường huyện, mỗi
ngày tôi phải đạp xe đi về trên con đường gần hai mươi cây số. Nhất
là dạo đó các hãng xe tốc hành Phi Long, Tiến Lực ngày nào cũng
phóng vun vút trên đường y như hỏa tiển, đứng trong nhà trông ra đã
muốn nổi da gà.
Cuối cùng, mẹ tôi cho tôi xuống ở với ông tôi để dì Miên ngày ngày
chở tôi đi học.
Dì Miên là con út của ông tôi . Ông tôi có năm người con nhưng bốn
người con lớn, trong đó có mẹ tôi, đã lập gia đình và ra ở riêng. Bà
tôi lại mất sớm. Ông tôi với dì Miên trong căn nhà gạch cũ lợp ngói
âm dương với vô số những khung cửa gỗ, những cánh cửa gỗ lim to bằng
tấm phản, đen bóng, nặng chịch, mỗi lần mở ra đóng vào cứ kêu cót ca
cót két. Chăm sóc cho ông còn có những anh học trò quanh năm xách
tráp theo ông học thuốc. Y sĩ thời Tây, nghỉ hưu về làng, ông tôi
hành nghề chữa bệnh. Tiếng tăm của ông vang tận các huyện xa .
Người ta gọi ông tôi là thầy . Ông thứ bảy, thiên hạ gọi thầy Thất.
Dì Miên lớn hơn tôi hai tuổi nhưng học trên tôi ba lớp. Hồi ở tiểu
học, tôi chỉ thua dì hai lớp. Khi dì lên lớp ba thì tôi vô lớp một.
Nhưng mải lêu lổng chơi bời, tôi học đúp thêm một năm lớp năm. Hồi
đó, mẹ tôi buồn lắm. Nhưng mẹ rất thương con, chỉ la rầy tôi qua loa
. Nói chung, anh em tôi chẳng đứa nào sợ mẹ. Mẹ hiền khô . Chúng tôi
chỉ sợ ba . Nhưng ba tôi quanh năm vắng nhà. Mỗi bận ba ghé về, mẹ
lại không nỡ kể tội chúng tôi .
Chẳng có đòn roi, những năm cuối bậc tiểu học, tôi tha hồ trốn học
đi chơi . Sách giắt cạp quần, tôi theo đám bạn chăn trâu lang thang
suốt ngày ngoài đồng cỏ. Chúng tôi hì hục be mương lấp bờ tát cá và
thi nhau trèo lên cây phá các tổ chim. Rong chơi chán, chúng tôi lại
chia phe đánh lộn, vật nhau bụi đất mù trời . Chiều nào cũng thấy
tôi lếch thếch mò về, không sứt trán cũng u đầu, mẹ tôi chỉ biết thở
dài lấy muối đắp cho tôi . Rồi đợi tôi đi ngủ, mẹ chong ngọn đèn
dầu, âm thầm lôi kim chỉ ra ngồi cặm cụi vá từng manh áo rách để
ngày mai tôi không có cớ nghỉ học nằm nhà.
Chính vì lẽ đó mà khi tôi bắt đầu vào lớp sáu, dì Miên đã lên lớp
chín. Rốt cuộc, dì chỉ chở tôi đi học được có một năm. Trường huyện
không mở cấp ba . Lên lớp mười, dì phải ra tỉnh học. Kể từ năm lớp
bảy, tôi đành phải lủi thủi đi học một mình. Những đứa học trò làng
tôi khi ra trường huyện đều ở trọ lại nhà người thân, chẳng có ai
thân thích, mỗi ngày vẫn thường nhong nhong hai buổi đi về. Có vài
đứa bạn nhà ngay tại huyện lị rủ tôi về ở chung nhưng mẹ tôi không
cho . Mẹ sợ tôi thoát khỏi tầm mắt mẹ, lại chẳng có người lớn trông
nom, sẽ bỏ bê học tập. Mẹ sợ tôi nằm lì ngoài huyện sẽ hóa thành đứa
lông bông, ba tôi về, mẹ tôi hết đường ăn nói .
Tôi không ở luôn ngoài huyện nhưng cũng chẳng về nhà. Tôi tiếp tục ở
với ông tôi dù dì Miên đã không còn ở đó. Dì ra tỉnh học, mỗi tháng
mới về thăm ông tôi một lần. Chỉ đến hè, dì tôi mới về chơi ba
tháng. Hoa phượng tàn, dì lại khăn gói ra đi . Thay thế dì Miên cơm
nước cho ông tôi là bà Sáu láng giềng. Bà Sáu là em họ xa của ông
tôi, năm mươi tuổi vẫn không chồng, cam cảnh bà cô một mình một
bóng. Chiều chiều tôi thường thấy bà trải chiếu trước sân, ngồi ngó
mông ra hàng rào hoa giấy, bâng khuâng như thể ngóng đợi ai . Nhưng
tôi chẳng quan tâm đến bà Sáu nhiều . Dạo đó, tâm trí tôi hoàn toàn
bị anh em thằng Chửng thu hút. Tôi say bọn chúng như điếu đổ.
Mẹ tôi sở dĩ cho tôi tiếp tục ở với ông trong những ngày dì Miên đi
học xa một phần vì thương ông quạnh quẽ nhưng phần khác mẹ tôi muốn
tôi xa đám bạn chăn trâu bên chân cầu Cẩm Lễ, xa những ngày trốn học
chạy lang thang. Mẹ tôi không biết ở sau vườn nhà ông, chỉ cách một
đám khoai mì, có hai thằng nhóc còn nghịch ngơm tinh hơn gấp một
ngàn lần, vì vậy cũng hấp dẫn hơn gấp một ngàn lần đám bạn cũ của
tôi .
Anh em thằng Chửng bày tôi đủ trò mới lạ. Chúng xui tôi lấy trộm cặp
kiếng lão và đánh cắp thuốc Bastos của ông tôi đem ra sau hè cho
chúng. Trong khi tôi trố mắt tò mò, thằng Chửng anh đặt điếu thuốc
lên một miếng ngói bể rồi giơ cặp kiếng hướng về phía mặt trờị Những
tia nắng xuyên qua mặt kiếng tụ thành một đốm sáng nhỏ trên đầu điếu
thuốc. Tôi kinh ngạc khi thấy điếu thuốc bắt đầu nghi ngút khói .
Thằng Chửng em vỗ tay, nhảy cẩng:
- Ác chiến chưa !
Chửng anh không nói gì. Nó lặng lẽ đưa điếu thuốc lên môi rít một
hơi, phun khói mù mịt. Nó thở khói ra cả đằng mũi . Tôi tấm tắc
khen:
- Mày hút thuốc không thua gì người lớn !
Nghe tôi khen, Chửng anh nhe răng cười . Nó chìa điếu thuốc đến
trước mặt tôi:
- Mày hút đi !
Tôi lắc đầu:
- Tao không biết hút.
- Không biết thì hút rồi sẽ biết. Lúc đầu, tao cũng có biết hút đâu
.
Tôi ngần ngại nhìn điếu thuốc trên tay nó:
- Dễ không ?
- Dễ ợt. Mày chỉ việc ngậm điếu thuốc vào mồm. Rồi nhắm mắt hít thật
mạnh là xong.
Tôi làm theo lời Chửng anh. Tôi đưa điếu thuốc lên miệng, bặm môi
hít mạnh. Tôi tưởng mọi sự "dễ ợt" như nó nói . Tôi tưởng tôi có thể
phun khói qua lỗ mũi như một tay chơi chính hiệu . Nào ngờ khói
thuốc lá cay xè, đắng nghét. Tôi hít vào chưa trọn hơi, khói đã xộc
lên tận óc khiến tôi lảo đảo . Tôi liệng vội điếu thuốc, hai tay
bưng mặt, ho sặc sụa . Thậm chí tôi phải ngồi bệt xuống đất cho khỏi
buồn nôn.
Chửng anh cúi xuống nhặt điếu thuốc, liếc xéo tôi:
- Mày đúng là cù lần !
Nói xong, nó đưa điếu thuốc cho Chửng em, ra lệnh:
- Biểu diễn cho nó coi, mày !
Chửng em kẹp lấy điếu thuốc giữa hai ngón tay, trông điệu nghệ không
thua gì Chửng anh. Rồi nó mím môi bập lấy bập để. Trước ánh mắt thán
phục của tôi, Chửng em bắt đầu trổ tài . Không những phun khói qua
lỗ mũi, nó chúm miệng thổi hình chữ O . Những vòng khói tròn không
ngớt tuôn ra từ miệng nó khiến tôi nhìn ngây ngất.
Dòm vẻ mặt mê mẩn của tôi, Chửng anh tủm tỉm cười:
- Hay không mày ?
Tôi chắt lưỡi:
- Tuyệt cú mèo !
Chửng anh gật gù:
- Mày làm dư sức !
- Thôi, tao không dám đâu ! - Tôi rụt cổ - Khi nãy suýt nữa tao chết
sặc !
- Không sao đâu! Hút lần đầu ai mà chẳng vậy ! - Vừa nói, Chửng anh
giật điếu thuốc trên tay Chửng em đưa cho tôi - Không tin, mày hút
lại thử coi ! Lần này chắc chắn mày sẽ thấy thích !
Tôi lại đưa điếu thuốc lên miệng. Nhưng tôi không dám hít mạnh như
lần trước. Mà rít từng hơi ngắn. Khói thuốc luồn vào miệng tôi, vẫn
cay xè. Nhưng tôi đã thôi nôn ọe, cũng chẳng ho hen. Tôi chỉ nhăn
mặt.
Chửng anh khen:
- Được rồi đó !
Chửng em hỏi dò:
- Thích không mày ?
Thằng này nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng mỡ miệng ra là "mày mày tao
tao", y như thể tôi bằng vai phải lứa với nó. Với anh nó, nó cũng
xưng hô ngang phè như vậy . Lúc đầu tôi quạu, riết đâm quen. Tôi
nhình nó, phun ra một bãi nước bọt:
- Tao chả thấy ngon lành gì cả ! Đắng bỏ xừ !
- Đồ nhà quê !
Chửng em bĩu môi chê . Cái giọng trịch như thượng của nó khiến tôi
sôi gan. Nó cứ làm như nó là dân thành thị chính hiệu con nai .
Nhưng tôi chẳng thèm chấp Chửng em. Nó bố láo hồi nào đến giờ. Thằng
Chửng anh dễ thương hơn. Và cũng ranh mãnh hơn. Nó vỗ vai tôi:
- Có thể mày thích mà mày không biết đó thôi ! Mày nhớ kỹ lại đi !
Đắng nhưng mà thích thích phải không ?
Cái kiểu vừa hỏi vừa đưa đẩy của Chửng anh khiến tôi ngẩn người ra .
Tôi không biết nó đang giăng bẫy . Vì vậy sau một hồi "nhớ kỹ lại"
theo yêu cầu của nó, tôi ngập ngừng đáp:
- Ừ, tao thấy ... hơi ngồ ngộ !
Chỉ đợi có vậy, Chửng anh vỗ đùi đánh "đét":
- Thấy chưa ! Tao nói đâu có sai ! Ngồ ngộ tức là thích. Nếu không
thích, mày đã chẳng thấy ngồ ngộ, đúng không ?
Tôi không biết nó nói đúng hay không, đành gãi đầu ấp úng:
- Ừ... ừ...
Không thèm để ý đến thái độ phân vân của tôi, Chửng anh hào hứng ba
hoa:
- Hút chừng vài lần nữa, mày sẽ quen. Lúc đó, mày tha hồ thở khói ra
đằng mũi . Rồi mày sẽ thổi ra hình chữ O . Không thua gì tụi tao .
Thế là kể từ hôm đó, cứ cách vài ba ngày, anh em thằng Chửng lại xúi
tôi trộm thuốc của ông tôi . Ba đứa chui vào góc vườn, thay nhau phì
phèo, mắt lim dim hệt như những tay chơi hạng nhất. Tôi học hành thì
chậm chạp mà không hiểu sao cái khoản hút sách lại tiến bộ ghê gớm.
Trong một thời gian ngắn, khói thuốc vọt có vòi qua lỗ mũi tôi trông
cứ như khói đầu máy xe lửa . Tôi đã biết chúm môi thổi những vòng
khói tròn, mặc dù thằng Chửng em cứ khăng khăng bảo chử O của tôi
lúc nào cũng méo xẹo, nhăn nheo như thể đít gà.
Chương 3: Đi Qua Hoa Cúc
Không chỉ dạy tôi hút thuốc, anh em thằng Chửng còn đầu tiêu ra bao
nhiêu là chuyện động trời .
Hồi đó, ông tôi đã gần sáu mươi tuổi, tóc chớm bạc. Trưa nào tôi
không đi học, ông đều kêu tôi quạt cho ông ngủ và nhổ tóc bạc cho
ông. Ông nằm thiu thiu trên ghế xếp, tôi bắc chiếc ghế đẩu ngồi phía
sau, tay phe phẩy chiếc quạt mo thằng Bờm.
Ông tôi rất dễ ngủ. Tôi quạt chừng mười cái đã nghe ông ngáy khò
khò. Thế là tôi buông quạt, bắt đầu mò mẫm nhổ tóc cho ông. Tóc ông
ngắn, rất khó nhổ. Tôi phải dùng một hạt thóc miết vào chân tóc cho
khỏi tuột.
Tôi vốn không phải là đứa khéo léo và nhẫn nại . Vì vậy tôi chúa
ghét những công việc tỉ mỉ. Nhổ tóc cho ông đối với tôi quả là một
cực hình. Nhưng dù vậy, hễ hôm nào ông sai tôi nhổ tóc, tôi đều loay
hoay, cậm cụi bên cái đầu hói của ông một cách hăm hở, mặc kệ anh em
thằng Chửng thậm thò thậm thụt ngoài cửa và đang mặt nhăn mày nhó vì
ngoắt ngoắt vẫy vẫy cả buổi vẫn không sao dụ được tôi ra chơi với
chúng.
Tất nhiên là tôi thèm đi chơi với hai thằng quỉ sứ này đến đứt ruột.
Trưa nắng mà theo tụi nó ra lặn hụp ngoài suối hoặc xách ná đi lùng
sục bọn chim lúc nào cũng cãi nhau lách chách giữa các bụi tre gai
thì đúng là sướng mê tơi . Chỉ mới nghĩ đến thôi, tôi đã nghe máu
chảy rần rật trong người và hai chân muốn run lên. Nhưng dù thèm nhỏ
dãi, tôi vẫn phớt lờ. Mặt lạnh như tiền, tôi đóng vai Tam Tạng thỉnh
kinh, nhất quyết không để hai thằng yêu quái kia cám dỗ.
Một hôm yêu quái anh thắc mắc:
- Bộ mày khoái nhổ tóc cho ông mày lắm hả ?
- Ừ.
Yêu quái anh nhún vai:
- Tao không tin.
- Không tin thì kệ mày .
- Trò đó chán ngắt.
Yêu quái anh nói bâng quợ Nhưng đúng phóc. Tôi đành chép miệng làm
thinh.
Thấy Tam Tạng có vẻ xiêu xiêu, yêu quái anh hắng dọng, lấn tới:
- Thua xa trò bắn chim!
Tôi nhủ bụng "Ai chẳng biết, đồ ngốc!". Nhưng tôi chỉ mím môi ngồi
im.
Yêu quái em đế thêm:
- Thua cả trò câu cá.
- Thua cả trò thả diều! - Yêu quái anh tiếp.
- Thua xa trò ném đất! - Yêu quái em không chịu thua .
Tôi đưa tay bịt chặt hai tai, không thèm nghe . Nhưng giọng nói của
anh em thằng Chửng vẫn thi nhau chui vào tai tôi:
- Thua xa trò bẻ trộm mía .
- Thua cả trò đào trộm khoai .
- Bông nhông xuống suối khoái hơn!
- Ngu mới ngồi nhổ tóc!
Tôi tính không thèm cãi, nhưng câu nói vừa rồi của thằng Chửng em
làm tôi điên tiết. Tôi buông tay ra, hất hàm về phía nó:
- Mày ngu thì có!
Chửng em bĩu môi:
- Tao đâu có ngồi nhổ tóc cả buổi như mày! Mày mới ngu!
Tôi hừ mũi:
-Tại tao thương ông tao . Còn mày, mày đâu có thương ông mày . Mày
là đồ bất hiếu .
Tôi tưởng Chửng em sẽ lồng lên. Nào ngờ nó cười toe:
-Tao đâu có ông. Ông tao chết ngoẻo từ đời kiếp nào rồi!
Thật tôi chưa từng thấy đứa nào nói về cái chết của ông mình mà lại
vui vẻ như thế. Mặt thằng Chửng em cứ tươi hơn hớn, y như thể nó sợ
ông nó còn sống sẽ bắt nó ngồi nhổ tóc như tôi .
Chửng anh điềm tĩnh hơn. Nó không thèm cãi cọ. Mà gật gù nhìn tôi,
giọng thân mật:
- Mày bảo mày ngồi nhổ tóc vì mày thương ông mày phải không?
- Thì tao đã nói rồi .
- Vậy sao hôm qua ông mày sai mày rót nước, mày lại đùn cho bà Sáu ?
Chửng anh đúng là yêu quái giả dạng. Tự dưng nó hỏi đâm hông khiến
tôi phải ấp úng một hồi mới nghĩ ra cách trả lời:
- Hôm qua hả ? Tại hôm qua tao đang ... ốm.
Vừa nói tôi vừa liếc Chửng anh. Nó nhìn tôi bán tín bán nghi nhưng
không nói gì khiến tôi khấp khởi mừng thầm. Nhưng tôi hố tọ Chửng
anh có cái tật nhớ dai dễ sợ. Chuyện xa lắc xa lơ mà nó cũng đem ra
hỏi:
- Thế còn tháng trước?
- Tháng trước sao ?
- Tháng trước ông mày nhờ mày đi mua đá lửa, mày đâu có thèm đi!
Tôi giận cái thằng "moi móc đời tư" này đến tím ruột. Nhưng ngoài
mặt tôi vẫn làm bộ thản nhiên:
- Ờ ờ ... hình như hôm đó tao cũng ... đang ốm hay sao ấy!
- Ốm đâu mà ốm! - Chửng anh cười mũi - Hôm đó mày chuồn ra sau vườn
bắn xoài thi với tụi tao mà!
Cái giọng chế giễu của Chửng anh khiến tôi bất giác đỏ mặt:
- Vậy hả Tao không nhớ. Nếu vậy thì ... thì ...
Tôi cà lăm cả buổi vẫn chưa tìm được cách nào thoát hiểm. Vẻ khổ sở
của tôi chẳng khiến anh em thằng Chửng động lòng tí ti . Chửng em
cười hì hì:
-Thôi, nói thật đi! Mày ngồi nhổ tóc đâu phải vì mày thương ông mày!
Chắc có một lý do nào đó, đúng không?
Tôi phản ứng một cách yếu ớt:
- Dĩ nhiên là có lý do . Nhưng đó là lý do phụ . Cái chính vẫn là
tao thương ông tao .
Chửng em ngoác mồm định cãi nhưng Chửng anh đã giơ tay ngăn lại . Nó
sờ lên cánh tay tôi, giọng đầm ấm:
- Tao tin mày . Nhưng lý do phụ là lý do gì vậy ?
Trước ánh mắt hau háu của anh em thằng Chửng, tôi hết đường tránh
né, đành thở dài thú thật:
- Ông tao thưởng tao tiền.
- Thưởng tiền?
- Ừ, - tôi ngượng ngùng giải thích - Cứ nhổ được một sợi tóc bạc,
tao được thưởng một đồng. Ngủ trưa dậy, ông tao đếm tóc phát tiền
cho tao ...
Tôi nói chưa dứt câu, Chửng em đã ôm bụng cười rú:
- Nhổ tóc cho ông mình mà cũng vòi tiền công! Mày mới đích thị là
đứa bất hiếu!
- Tao đâu có vòi! - Tôi lúng túng chống chế - Đó là do ông tao tự
nghĩ ra trước!
Không thèm để ý đến lời phân bua của tôi, Chửng em ngoe nguẩy tay
trước đầu mũi, giọng khiêu khích:
- Vậy mà lúc nào cũng khoe khoang "tao thương ông tao nhất", "tao
khoái ngồi nhổ tóc cho ông", hóa ra mày chỉ khoái tiền!
Giọng lưỡi đểu cáng của Chửng em khiến tôi sôi gan. Tôi nổi khùng
vặc lại:
- Mày mới là đứa bất hiếu . Ông mày chết, mày vui như mở cờ. Còn
tao, lúc nào tao cũng thương ông taọ Dù ông tao không phát tiền, tao
vẫn khoái ngồi nhổ tóc cho ông hơn là đi chơi với tụi mày!
Đòn phản công của tôi khiến Chửng em nhảy dựng lên:
- À, à, nhớ đấy nhé!
Tôi bĩu môi:
- Nhớ thì nhớ, sợ gì!
- Được lắm! - Chửng em gầm gừ - Có ngon thì mai mốt đừng bám lẵng
nhẵng theo tụi tao nữa!
Tôi "xì" một tiếng:
- Mày bám theo tao thì có!
- Mày bám! - Chửng em hét tướng.
- Mày bám! - Tôi gân cổ hét to hơn.
Cuộc khẩu chiến giữa tôi và Chửng em mỗi lúc một nãy lửa và có nguy
cơ phải giải quyết bằng tay chân thì Chửng anh kịp thời can thiệp:
- Thôi, thôi, đừng cãi nhau nữa!
Rồi quay sang tôi, nó đột ngột hỏi:
- Mỗi lần nhổ tóc, mày được thưởng bao nhiêu tiền?
Câu hỏi bất ngờ của Chửng anh khiến tôi ngớ ra:
- Tao không nhớ. Khoảng mười mấy đồng.
- Ít vậy ?
- Tóc ông tao ngắn ngủn, đụng vô là tuột! - Tôi chép miệng - Ông tao
lại ngủ ít, vừa nằm xuống đã dậy . Phải chi ông tao ngủ đến tối, tao
kiếm được vài trăm!
Chửng anh nháy mắt, ranh mãnh:
- Tao sẽ giúp mày .
- Giúp cách nào ?
- Rồi mày sẽ biết! - Chửng anh giở giọng bí mật.
Tôi nhún vai:
- Mày định nhổ phụ tao chứ gì! Cách đó không được đâu! Trừ tao ra,
không ai được phép sờ đầu của ông tao!
- Tao cóc thèm sờ đầu ông mày! - Chửng anh vung tay - Tao có cách
khác!
- Xạo đi!
Khi nói như vậy, tôi đinh ninh là Chửng anh bốc phét. Nào ngờ mấy
bữa sau, lúc tôi đang lui cui nhổ tóc cho ông tôi, Chửng anh thình
lình xuất hiện. Nó lấp ló ngoài cửa, ngoắt tôi:
- Ra đây!
Tôi chạy ra . Chửng anh lập tức xòe tay . Trong lòng tay nó có một
nhúm lông trăng trắng. Tôi tró mắt dòm:
- Gì vậy ?
- Lông mèo . Cho mày đó.
- Tao lấy lông mèo làm gì! - Tôi kêu lên sửng sốt.
- Mày ngu quá! - Chửng anh khịt mũi - Lông mèo giống hệt tóc bạc!
Ông mày thức dậy, mày chìa nhúm lông này ra, sẽ có khối tiền!
- Thôi, thôi, - tôi lắc đầu nguầy nguậy - tao không dám đâu! Ông tao
biết, chắc tao no đòn!
Chửng anh cười hề hề:
- Làm sao biết được! Giống y chang!
Tôi lại liếc xuống bàn tay xòe ngửa của Chửng anh. Quả đúng như nó
nói, những sợi tóc mèo li ti kia nom giống hệt như những sợi tóc bạc
của ông tôi . Ngần ngừ một thoáng, tôi liếm môi hỏi:
- Ở đâu ra vậy ?
- Của con mèo tam thể nhà tao . Tao lấy kéo cắt.
Nói xong, không cần biết tôi có đồng ý hay không, Chửng anh trút vội
nhúm lông mèo vào tay tôi rồi co giò vọt mất.
Trưa đó, với mớ hàng giả do Chửng anh cung cấp, tôi được thưởng tới
bốn chục đồng. Ông tôi không tỏ một chút nghi ngờ. Ông tôi còn gật
gù khen tôi giỏi .
Nhét tiền vào túi xong, tôi ba chân bốn cảng chạy đi t`im anh em
thằng Chửng. Ba đứa hí hửng kép nhau lên quán bà Sáu Dứa chén mì gà
và ních kẹo đậu phộng đến căng bụng. Xong chúng tôi còn cố uống thêm
ba chai xá xị con cọp và không quên cho mỗi thằng một điếu Ruby .
Kể từ cái ngày lịch sử đó, ba đứa tôi sống như những ông hoàng, tiền
bạc lúc nào cũng rủng rỉnh trong túi . Anh em thằng Chửng đâm ra
lành tính hẳn. Chúng không còn ngứa ngáy co chân sút vào con mèo nhà
nó như sút bóng nữa . Ngược lại, chúng o bế con tam thể hệt như đó
là một con mèo bằng vàng.
Nhưng cuộc sống vương giả của chúng tôi kéo dài không lâu . Một hôm
không biết do lơ đễnh hay nổi máu tham lam, Chửng anh dúi tôi một
nhúm lông to sụ, có đến sáu, bảy chục sợi là ít.
Khi tôi chìa ra tính tiền, ông tôi nhìn sững:
- Bao nhiêu sợi vậy cháu ?
- Dạ khoảng ... bảy chục sợi .
Điệu bộ ấp úng của tôi càng khiến ông thêm nghi . Ông không tin
trong một thời gian ngắn ngủi đứa cháu lười biếng của ông có thể lập
đưực một kỳ công như thế. Và tôi lo đến thót ruột khi ông cầm từng
sợi đưa lên mắt, săm soi .
Tôi len lén nhìn ông, quan sát từng thay đổi nhỏ trên nét mặt, cố
đoán xem ông có phát hiện ra sự gian dối của tôi không. Đang hồi hộp
theo dõi, tôi bỗng giật bắn người khi ông đột ngột hỏi:
- Sao không sợi nào có gốc hết vậy cháu ?
- Dạ ... dạ, chắc nó bị đứt! - Tôi ấp úng đáp, rồi tôi sợ ông hỏi
tới, tôi làm bộ than phiền - Tóc ông ngắn ngủn, khó nhổ quá trời!
Nhưng ông tôi không bị rơi vào bẫy . Ông vẫn tiếp tục thắc mắc:
- Nếu đứt thì đứt một, hai sợi thôi, sao ở đây sợi nào cũng đứt hết
vậy ?
Lần này thì tôi câm như thóc. Tôi đứng im đóng vai ông phỗng đá, mồ
hôi túa thành dòng tren trán. Tự dưng tôi đâm giận anh em thằng
Chửng quá chừng. Chính tụi nó bày ra cái trò này để xúi tôi dẫn đi
ăn đi uống, bây giờ vỡ lỡ ra rốt cuộc chỉ mình tôi đứng chúi mũi
chịu sào .
Giọng ông tôi lại vang lên bên tai, dịu dàng nhưng nghiêm khắc:
- Đây là lông chó phải không cháu ?
Tôi lại giật thót:
- Dạ ... không ... không ạ!
- Cháu còn chối nữa phải không? - Ông đột nhiên gằn giọng - Đây đâu
phải là tóc của ông!
- Dạ nhưng không phải là lông chó! - Tôi nuốt nước bọt - Đó là ...
lông mèo ạ!
Ông thở dài ngán ngẩm:
- Chó hay mèo gì cũng vậy thôi! Cháu lại đằng góc nhà đứng úp mặt vô
đi!
Sự thể đã đến nước này, tôi chẳng còn bụng dạ nào mở miệng xin xỏ
nữa . Tôi nặng nề lê bước lại chỗ góc nhà, bụng nguyền rủa anh em
thằng Chửng tơi bời . Thật ra tôi buồn vì bị phạt thì ít, mà xấu hổ
vì trò gian lận bị khám phá thì nhiều . Ông tôi lại chúa ghét thói
gian tham. Trong đời ông, ông đã đuổi không biết bao nhiêu học trò
chỉ vì sự không ngay thẳng của họ. Ông có cách kiểm tra tinh quái:
mỗi lần đưa quần áo đi giặt, ông thường giả vờ bỏ sót tiền trong túi
. Anh học trò nào thật thà, đem tiền trả lại cho ông thì không sao .
Anh nào tham lam, âm thầm giấu biến, chỉ có nước lủi thủi xách gói
về nhà ngay sáng hôm sau . Cái bẫy của ông rất đơn giản, nhưng không
phải ai cũng tránh được.
Nhưng ông tôi chỉ có thể đuổi học trò. Tôi là cháu ông, ông chẳng
biết đuổi đi đâu . Ông đành đuổi tôi vào ... xó nhà cho tôi đứng một
mình ăn năn sám hối . Cũng may là ông không nói lại với mẹ tôi . Nếu
biết tôi dám bịp ông lấy tiền, còn cả gan đánh lận tóc ông bằng lông
mèo lông chó, hẳn mẹ tôi buồn phiền không kể xiết. Và chắc chắn mẹ
tôi sẽ lôi tôi về nhà ngay lập tức nếu biết những trò hư đốn của tôi
ngày càng phát triển dưới sự hướng dẫn tận tình của cặp yêu quái
đang cư ngụ trong hang động kế sau nhà ông tôi .
Nhưng hồi đó, cũng như mãi mãi về sau này nếu tôi không hớ hênh buột
miệng thì mẹ tôi không tài nào biết cũng như không bao giờ ngờ rằng
trên trái đất có những đứa trẻ hư hỏng một cách quyến rũ như anh em
thằng Chửng và trong suốt một thời gian dài, tuổi thơ tôi đã lớn lên
trong tình bạn ấm áp và lắm gây gổ của tụi nó.
Chương 4: Đi Qua Hoa Cúc
Phải đợi đến cuối năm lớp chín, khi tôi đã bước qua tuổi mười sáu,
hình bóng của anh em thằng Chửng mới bắt đầu nhạt dần trong những
giấc mơ tôi .
Dĩ nhiên chúng tôi vẫn còn cặp kè với nhau như ba thằng tiểu quỷ và
không ngừng lang thang phá làng phá xóm cũng như làm lắm trò ngốc
nghếch khác. Nhưng lúc này, chui vào chùa nấp sau lưng tượng phật để
chờ dịp đánh cắp oản xôi hoặc lẻn lên gác chuông nhà thờ giựt chuông
"boong boong" rồi co giò vọt chạy đối với tôi không còn là những
giây phút mơ mộng của riêng mình.
Đã có những buổi tôi lần mò ra bờ suối mà không có anh em thằng
Chửng. Tôi ra suối chẳng để câu cá, cũng không lặn hụp. Tôi ngồi
trên bãi cỏ bâng khuâng nhìn những chiếc lá khô chập chờn theo dòng
nước, lòng miên man nghĩ tới tận đâu đâu . Đó là dạo chị Ngà về nhà
ông tôi .
Mùa hè năm đó chưa kịp bắt đầu, dì Miên đã hớn hở thông báo với tôi
nhân một chuyến về thăm nhà :
- Trường ơi ! Hè này bạn của dì về đây học thi chung với dì đó !
- Vậy hả !
Tôi đáp một cách hững hờ. Tôi biết dì báo tin đó với tôi không phải
để chia sẻ niềm vui của dì. Hẳn dì sắp đòi hỏi tôi một chuyện gì đó.
Quả nhiên, sau khi ngừng lại để lấy hơi, dì nhìn đăm đăm vào mắt
tôi, khẽ giọng dặn :
- Có bạn của dì về ở, Trường bớt nghịch lại một chút nghen !
- Cháu có nghịch gì đâu ! - Tôi đáp, giọng tự ái .
Thấy tôi giận dỗi, dì Miên cười xòa :
- Thì dì chỉ nói thế thôi !
Vẫn chưa nguôi ấm ức, tôi "trả đũa" bằng cách giả bộ ngây thơ hỏi :
- Bạn trai hả dì ?
Dì Miên tròn mắt :
- Sao Trường hỏi kỳ vậy ? Ai dám rủ bạn trai về nhà học chung ! Đây
là bạn gái ! - Rồi như chợt nhớ ra chuyện gì, dì nói như reo - Chị
Ngà đó, Trường nhớ không ?
Tôi nhún vai :
- Bạn của dì, làm sao cháu biết được ?
Dì Miên nhìn tôi bằng ánh mắt ranh mãnh :
- Nhưng chị Ngà thì chắc Trường phải biết !
Vẻ quả quyết của dì khiến tôi ngạc nhiên. Nhưng sau một hồi đăm
chiêu nghĩ ngợi, tôi vẫn không tài nào nhớ nổi chị Ngà là ai .
Nhìn vẻ mặt ngớ ngẩn của tôi, dì Miên mỉm cười :
- Nếu Trường không nhớ thì để dì nhắc lại cho ! Chị Ngà tức là cái
chị nằm bên cạnh Trường trong chuyến đi cắm trại năm kia, tức là cái
chị sau lần đó đã thề là...
Dì Miên nói chưa dứt câu, tôi đã hét lên một tiếng khủng khiếp, vội
vàng bịt chặt hai tai và co giò phóng ra khỏi nhà như bị ma đuổi ...
Tôi chạy xa thật xa . Ngay cả khi giọng cười tinh quái của dì Miên
đã rơi lại sau lưng, tôi vẫn không dừng bước. Tôi cũng chẳng biết
tôi chạy đi đâu . Mặt nóng ran, rôi nhắm mắt phóng qua những bờ đất
mấp mô chạy cắt ngang những khoảng ruộng trơ chân chạy ra . Một lát
sau, tôi đã ngồi thở hổn hển bên bờ suối . Tiếng rì rào của hàng
dương liễu và hơi gió mát thoảng lên từ lòng suối khiến lòng tôi dịu
lại phần nào nhưng nỗi bứt rứt xốn xang vẫn không hề giảm bớt. Câu
chuyện năm xưa tôi đã quên bẵng mất rồi, bây giờ dì Miên thình lình
nhắc lại khiến tôi đâm xấu hổ chín người .
Cái sự cố "chết người" đó xảy ra vaò năm tôi học lớp bảy . Bấy giờ
dì Miên đang học lớp mười ngoài trường tỉnh. Gần cuối năm học, lớp
dì Miên tổ chức đi cắm trại hai ngày dưới bãi biển Kỳ Hòa . Năm đó
cũng là năm đầu tiên tôi phải đạp xe đi học một mình, dì Miên không
còn đưa tôi đi học nữa . Nỗi "bơ vơ" của tôi có lẽ làm dì Miên động
lòng nên chuyến cắm trại đó, dì đạp xe đò về rủ tôi đi .
Dĩ nhiên tôi bằng lòng cả hai tay . Tôi lót tót theo dì, nỗi sung
sướng không để đâu cho hết. Sung sướng nhất là các anh chị cùng lớp
với dì đều coi tôi như em út, vì vậy cưng chiều tôi hết mức.
Chuyến cắm trại đó sẽ là một kỷ niệm tuyết vời đối với tôi nếu "tai
họa" không thình lình xảy đến. Đêm đó, tôi đang ngủ trong lều với
các anh trai thì mưa bất thần ập đến. Nước tuôn xối xả, gió giật
đùng đùng, chẳng mấy chốc căn lều tôi ngủ bị giật sập khiến mọi
người ướt như chuột lột.
Các anh rủ nhau chui vào một mái hiên đốt nến ngồi đánh bài chờ
sáng. Tôi phận con nít, ngồi chầu rìa mãi cũng chán, mình mẩy ướt
đẩm không ngủ được, bèn bỏ ra ngoài trời đi lang thang dưới rặng phi
lao, lòng chợt nhớ anh em thằng Chửng da diết. Nếu có hai thằng giặc
đó ở đây, hẳn chúng sẽ baỳ trò nghịch ngợm, chứ đâu có cái cảnh mình
tôi cô đơn thất thểu thế này .
Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, bỗng tôi nghe một tiếng gọi sửng sốt vang lên
bên tai :
- Phải Trường đó không ?
Tôi giật thót mình quay lại . Tiếng gọi phát ra từ căn lền nữ. Tôi
mở to mắt nhìn cái khối đen nằm lù dù dưới góc cây và ngạc nhiên
không hiểu sao nó vẫn chưa bị giật đổ dưới những cơn gió rít kinh
hồn.
- Trường đi đâu mà lang thang vậy ?
Tiếng hỏi vang lên, lần này tôi nhận ra ngay giọng dì Miên.
- Căn lều của cháu bị sập ! - Tôi buồn bã đáp.
- Các anh kia đâu ?
Tôi chỉ tay về phía ánh đèn :
- Mấy ảnh đang chơi cát-tê .
Giọng dì Miên dịu dàng :
- Trường lại đây ngủ với dì đi ! Đừng có chạy loăng quăng ngoài trời
nữa !
Tôi ngập ngừng bước lại . Dì Miên chiếu đèn pin vào người tôi, bật
kêu :
- Trời ơi, ướt mèm hết ! Trường cởi đồ dài ra đi ! Chỉ mặc quần đùi
thôi !
Lúc này, lều tối đen. Các bạn của dì Miên có lẽ là ngủ say nhưng
không hiểu sao tôi cứ thấy ngại ngùng.
Thấy tôi đứng loay hoay hoài, dì Miên dường như hiểu ra, liền cười
nói :
- Con nít mà mắc cỡ gì ! Trường không cởi đồ ra, sáng mai bị cảm cho
coi !
Không biết sao, tôi đành phải lóng ngóng cởi bỏ đồ ngoài, chỉ mặc
trần xì cái quần xà lỏn. Dì Miên rọi đèn xuống chiếu, bảo :
- Trường nằm ở đây nè !
- Tôi ngả người chưa kịp nằm, dì Miên đã đẩy lưng tôi :
- Trường nằm vô trong đi ! Để dì nằm ở ngoài bìa !
Tôi đỏ mặt :
- Thôi, cháu không nằm trong đâu ! Cháu thích nằm ngủ ngoài bìa hơn
!
- Ngoài bìa sao được mà ngoài bìa ! - Dì Miên nạt khẽ - Bộ Trường
muốn chết cóng sao ?
Vừa nói dì Miên vừa nhích người đẩy tôi vô trong. Một phần vì không
muốn cãi lại dì nhưng phần chính là đã bắt đầu cảm thấy lạnh, tôi
không buồn đổi chỗ với dì nữa . Tôi lặng lẽ nằm xuống.
So với lều nam, căn lều nữ ấm áp và "tiện nghi" hơn nhiều . Chiếu
trải trên một tấm ni-lông dày, bên dưới là những tấm vạt giường kê
san sát. Những tấm vạt giường này, hồi sáng tôi không thấy, có lẽ
các chị mới hỏi mượn của những căn nhà cạnh bãi biển.
Nhưng dù mệt mỏi, tôi không ngủ được ngay như tôi tưởng. Lần đầu
tiên nằm cạnh những người con gái, lòng tôi tự dưng hoang mang pha
lẫn bồn chồn. Bên phải là dì Miên, bên trái là một cô gái lạ, tôi
nằm ở giữa ngay đơ như cán cuốc, vậy mà mỗi khi làn hương lạ thoảng
qua mũi, trái tim tôi không sao ngăn được bồi hồi .
Nằm ngẩn ngơ, thao thức một hồi, tôi thiếp đi lúc nào không hay .
Tôi chỉ choàng tỉnh dậy khi bên tai bỗng vang lên tiếng la bài hãi :
- Chuyện gì vậy Ngà ?
- Trời sập hả ?
Hóa ra chị nằm kế bên tôi tên Ngà.
- Không biết nước ở đâu chảy ướt cả quần tao ! - Giọng chị Ngà chưa
hết thoảng thốt.
- Hay là mưa dột !
Đến khi dì Miên lia đèn pin xuống chỗ tôi nằm, nhiều người bật kêu
sửng sốt :
- Trời ơi, đứa nào nằm vậy cà ?
- Ai như thằng Trường !
- Đúng rồi, cháu con Miên !
- Sao nó lại nằm đây ? Nó chui vô đây hồi nào vậy ?
Dì Miên tặc lưỡi :
- Lúc tối, lều bên nam sập. Thấy nó đi lang thang ngoài trời, tao
kêu nó vô đây nằm.
Chị Ngà dòm tôi một hồi rồi vụt la lên :
- Ý ! Quần nó cũng ướt !
Mọi người ngó tôi lom lom. Rồi có tiếng cười khúc khích :
- Tao hiểu rồi ! Bữa nay con Ngà bị sao Thủy Tinh chiếu !
- Sao ? - Chị Ngà vẫn chưa hiểu .
- Còn sao gì nữa ! Rõ ràng cháu con Miên "đấm dài" !
- Cái gì ? Lớn tồng ngồng mà còn đái dầm ?
Dì Miên thở dài :
- Thằng này nó mắc cái tật đái dầm từ nhỏ.
- Ôi, hèn gì từ nãy đến giờ tao nghe khai rình ! - Tiếng ai đó than
thở, nửa khôi hài nữa chế giễu .
Ngay từ tiếng la hoảng đầu tiên của chị Ngà, tôi đã giật mình tỉnh
giấc. Nhưng kịp phát hiện ra ngay tình trạng tệ hại mà tôi là thủ
phạm, tôi giả vờ nằm im, ra vẻ ta đây đang ngủ mê mệt. Tôi nhắm tịt
mắt, tai vẫn không bỏ sót một câu đối thoại nào . Tiếng than thở bỡn
cợt vừa rồi khiến tôi xấu hổ muốn chui ngay xuống đất. Nhưng tôi vẫn
cố trân mình giả chết, mặc dù người tôi ngứa ngáy nhột nhạt như bị
kiến bò. Cũng may là tôi nằm xoai nghiêng về phía chị Ngà, một cánh
tay che ngang mặt, nên không ai nhìn thấy sắc mặt thoạt xanh thoạt
đỏ của tôi .
Tôi mắc chứng đái dầm từ hồi còn bé xíu . Tôi cứ tưởng lớn lên, bịnh
sẽ tự khắc hết. Nào ngờ học hết cấp một rồi mà đêm nào tôi cũng tè
vãi ra quần. Mẹ tôi bắt tôi uống đủ thứ thuốc. Mẹ lấy mề gà đốt
thành than, ngào với cơm nát, vo viên bắt tôi uống. Tôi còn uống cả
nước lá cải củ hòa với muội nồi . Rồi rễ chanh, rồi bông mã đề, rồi
hoa mào gà lẫn cam thảo, thứ nào nghe thiên hạ bảo trị được bịnh đái
dầm, tôi đều tống tuốt tuột vào bụng. Vậy màcũng chẳng ăn thua gì.
Đêm đêm, quần tôi ướt đẫm để sáng hôm sau tôi phải len lén đi giặt
một mình. Khi chui vào ngủ trong căn lều nữ, tôi quên bẵng mất cái
tật khủng khiếp của mình. Bây giờ mọi chuyện vỡ lỡ ra, tôi đành phải
nằm co ro như con tôm luộc, mặt đỏ rần giấu dưới cánh tay .
Đang than thân trách phận, tôi bỗng nghe chị Ngà khịt mũi trách :
- Đầu đuôi cũng do con Miên !
Dì Miên cười :
- Tại số mày xui !
- Xui con khỉ ! Ai bảo mày đặt thằng cháu quí hóa của mày nằm cạnh
tao !
- Tao đâu có biết ! - Dì Miên chép miệng - Ai ngờ mười ba tuổi rồi
mà nó vẫn còn đái dầm !
- Mười ba tuổi thì mười ba tuổi chứ ! Giọng chị Ngà vẫn chưa hết hậm
hực - Từ nay về sau, tao thề không nằm cạnh một đứa con nít nào hết,
mười ba hay mười bốn tuổi cũng vậy !
- Thôi được rồi ! - Dì Miên hắng giọng - Để khi nào thằng cháu tao
được hai mươi tuổi, tao sẽ cho nó nằm cạnh mày !
- Mày dám nói cái giọng đó với tao hả !
Chị Ngà vừa la lên vừa chồm về phía dì Miên. Lúc này, ánh đèn pin đã
tắt. Căn lều tối om vang lên những tiếng la oai oái lẫn tiếng cười
khúc khích.
Chỉ có tôi là cười không nổi . Tôi khẽ mở mắt và thận trọng thở từng
hơi ngắn. Quần tôi ướt đẫm, dính bết vào đùi nhưng tôi không dám gỡ
ra cũng không dám trở mình. Tôi cứ nằm nghiêng một bên như vậy, trằn
trọc mãi tới gần sáng.
May cho tôi, suốt ngày hôm sau, không ai mở miệng chòng ghẹo tôi về
"sự cố" đêm trước. Chỉ có những ánh mắt nhìn về phía chị Ngà kèm
theo những nụ cười tủm tỉm. Nhưng dù mọi người ý tứ không đả động
tới, nỗi xấu hổ vẫn không ngừng bám lấy tôi . Suốt từ sáng tới chiều
tôi tránh xa căn lều nữ, cứ tò mò bám theo các anh nam cho đến tận
khi nhổ trại ra về.
Câu chuyện kinh hoàng đó xảy ra cách đây đã hai năm và chứng đái dầm
đã giã từ tôi từ cuối năm lớp tám. Tất cả lẽ ra đã chìm vào quên
lãng nếu hôm nay dì Miên không tình cờ gợi lại . Và tôi cũng không
thể ngờ "nạn nhân" năm nào của tôi lại sắp sửa khăn gói về đây và
điều đó khiến tôi cực kỳ lúng túng.
Tôi ngồi cả buổi bên bờ suối, hết thở vắn lại than dài, lòng chỉ
mong cho chị Ngà bị té xe hay va đầu phải tảng đá, gốc cây nào đó để
trí nhớ lộn tùng phèo mà quên tuốt tuột chuyện đó đi .
Chương 5: Đi Qua Hoa Cúc
Chị Ngà không té xe cũng chẳng va đầu vào gốc cây tảng đá. Nhưng
dường như chị đã quên bẵng câu chuyện năm nào. Hoặc giả chị còn nhớ
nhưng chị không một lần nhắc tới. Chị khác dì Miên. Chị sợ tôi mắc
cỡ.
Năm ngày sau khi niên học kết thúc, chị Ngà theo dì Miên về nhà. Hôm
đó, tôi cùng anh em thằng Chửng đi bắn chim ngoài bãi xa, mãi chiều
tối mới về.
Vừa bước qua cổng, tôi đã thấy dì Miên ngồi hóng gió trước hiên với
một người con gái lạ. Tôi biết ngay đó là chị Ngà mặc dù hình ảnh
chị đã xóa nhòa khỏi ký ức tôi từ lâu.
Bụng giật thót, tôi giả vờ như không trông thấy và tìm cách đi vòng
ra ngõ sau. Thấy tôi toan đánh bài chuồn, dì Miên liền gọi giật:
- Trường ơi! Ði đâu đấy? Lại đây!
Biết không thể tránh được, tôi ngập ngừng bước lại, trái tim đánh lô
tô trong ngực.
Dì Miên chỉ chị Ngà, nháy mắt hỏi tôi:
- Trường biết ai đây không?
Tôi khẽ đằng hắng:
- Biết.
- Ai?
Tôi định nói đấy là chị Ngà nhưng không hiểu sao tôi không thể mở
miệng nổi. Tôi cứ đứng nuốt nước bọt liên tục.
Thấy tôi lúng túng, chị Ngà mỉm cười giải vây cho tôi:
- Năm nay Trường học lớp mấy rồi?
Tôi liếm môi:
- Năm nay em vô lớp mười.
Dì Miên hừ giọng:
- Chị Ngà là bạn của dì, Trường phải xưng bằng cháu chứ!
Tôi đớ lưỡi chưa biết nói sao, chị Ngà đã liếc dì Miên, giọng cười
cười:
- Mày đừng có ỷ mày làm dì, hễ mở miệng ra là ăn hiếp thằng bé!
Bị dì Miên kê tủ đứng vào miệng, tôi đã cáu, giờ lại nghe chi Ngà
kêu tôi là “thằng bé”, tôi liền tức tối buột miệng:
- Em không phải là thằng bé. Em lớn rồi. Năm nay em mười sáu tuổi.
Dì Miên chun mũi:
- Trường nói xạo! Trường chỉ mới mười lăm tuổi thôi!
Tôi đỏ mặt:
- Mười sáu! Cháu sinh cuối tháng năm. Bây giờ qua tháng sáu rồi.
Cháu mười sáu tuổi.
Thấy tôi gân cổ cãi, dì Miên xuống giọng làm hòa:
- Muốn mười sáu thì mười sáu! có gì mà Trường phải đỏ mặt tía tai
lên thế!
- Cháu chẳng muốn gì hết! – Tôi vẫn chưa nguôi tức – Cháu mười sáu
thì cháu nói mười sáu, thế thôi!
Ðiệu bộ của tôi có lẽ hung hăng lắm nên chị Ngà vội vã can thiệp.
Chị lái câu chuyện sang hướng khác:
- Trường đi đâu mà về tối mịt thế?
Câu hỏi đúng lúc của chị Ngà khiến lòng tôi lập tức dịu lại. Tôi hí
hửng chìa xâu chim vừa bắn được ra trước mặt giọng khoe khoang:
- Chị thấy cái gì đây không?
Chi Ngà vội nghiêng người qua một bên, sợ hãi kêu:
- Úy! Cái gì vậy?
Tôi ưỡn ngực:
- Chim đấy! Em vừa đi bắn chim về.
Tôi tưởng chi Ngà sẽ phục tôi sát đất. Nào ngờ chị đưa tay ôm ngực
và nhăn mặt trách:
- Sao Trường ác vậy? Bắn tụi nó làm chi?
Tôi chưng hửng:
- Sao lại bắn tụi nó làm chi! Thịt tụi nó ngon thấy mồ! Quấn lá
chanh lá ổi nướng ăn hết sẩy!
Chị Ngà không màng đến khoản “quấn lá chanh lá ổi” hấp dẫn của tôi.
Chị xua tay lia lịa:
- Thôi, thôi, Trường đem đi chỗ khác đi! Chị sợ lắm!
Tôi bỏ ra sau hè, miệng thở dài lẩm bẩm “Ðúng là đồ con gái”.
Trước khi ngoặt quanh hông nhà, tôi còn nghe tiếng chị Ngà nói vói
theo:
- Lần sau Trường đừng có bắn chim nữa nghen!
Tôi không thèm đáp, lầm lũi xách xâu chim chạy một mạch.
Chương 6: Đi Qua Hoa Cúc
Chị Ngà đúng là chúa nhát. Tôi đoán không sai.
Một hôm tôi đang hì hục đào trùn sau hè để kiếm mồi câu cá, bỗng
nghe tiếng chị la toáng lên trong nhà.
Tôi liền tức tốc chạy vào. Chị Ngà đang run rẩy nép sát vào một gốc
cột, mặt mày xanh lè xanh lét.
- Gì vậy? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
Chị Ngà xợ hãi chỉ tay về phía bàn học kê cạnh cửa sổ:
- Trường coi kìa! Có con gì kinh quá!
Tôi bước lại gần bàn, lỏ mắt dòm. Quan sát một hồi, tôi mới phát
hiện ra con sâu cuốn chiếu đang nằm khoanh tròn kế chồng tập.
- Ðây là con cuốn chiếu! – Tôi bật cười – Nó không làm gì mình đâu!
- Trường nói thật không? - Giọng chị Ngà bán tín bán nghi.
- Em nói xạo chị làm gì!
Chị Ngà vẫn chưa hết sợ:
- Sao trông hình thù nó ghê thế?
- Ngó vậy chứ nó hiền khô à!
Vừa nói, tôi vừa bắt con cuốn chiếu bỏ trên lòng bàn tay. Tôi chìa
sát mặt chị Ngà:
- Chị thấy không, nó đâu có dám cựa quậy!
Chị Ngà nghiêng ngó một lát rồi gật đầu:
- Ừ, ngộ quá hén! Nó cứ nằm im hoài!
Tôi khẽ hắng giọng:
- Chị chìa tay ra, em bỏ con sâu qua cho!
Nghe tôi nói vậy, chị Ngà hốt hoảng bước lui một bước:
- Thôi, thôi, chị không dám đâu! Chị sợ lắm!
Tôi nhún vai:
- Con sâu nhỏ xíu mà sợ gì!
Chị Ngà vẫn lắc đầu nguầy nguậy:
- Nhỏ xíu chị cũng sợ! Hễ sâu, gián với chuột là chị sợ!
Tôi cười hì hì:
- Chuột mà sợ! Thịt chuột ăn ngon gấp mấy lần thịt gà!
Chị Ngà rụt cổ:
- Eo ôi, ai lại ăn thịt chuột!
- Tại chị không biết đó thôi! – Tôi nheo mắt - Ở đây ai cũng ăn thịt
chuột! Ðến mùa hun chuột là cả làng túa ra đồng!
Ðang nói, chợt phát hiện ra sự vắn mặt của dì Miên, tôi bật hỏi:
- Ủa, dì Miên đi đâu rồi?
- Dì Miên ra huyện mua đồ.
Tôi chớp mắt:
- Vậy từ sáng tới giờ chị ngồi học một mình hả?
- Thì một mình chứ sao!
Tôi buông thõng:
- Học vậy buồn chết1
Chị Ngà mỉm cười:
- Chị chẳng thấy buồn chút nào!
- Không buồn thì thôi! Giọng tôi xụi lơ.
Chị Ngà có vẻ ngạc nhiên trước bộ mặt ỉu xìu của tôi. Chị băn khoăn
hỏi:
- Bộ Trường tính nói gì với chị hả?
Tôi hít vào một hơi, ngập ngừng đáp:
- Tưởng chị buồn, em định rủ chị đi chơi.
- Ði chơi? - Chị Ngà tròn mắt – Ði chơi đâu?
Tôi lắc lon trùn trên tay:
- Ra ngoài suối. Chị em mình đi câu cá.
Tôi tưởng chị Ngà sẽ từ chối. Nào ngờ chị nhìn tôi, vui vẻ:
- Ði thì đi!
Nói xong, chị nhanh nhẹn gấp tập lại và xoay người đi theo tôi.
Tôi vác hai cần trúc tên vai, dẫn chị Ngà men theo những bờ ruộng
lồi lõm, lần ra suối. Chị Ngà đi đường đất không quen, cứ bước cao
bước thấp, dép tuột cả chục lần.
Tôi ngứa mắt không chịu nổi, bèn quay lại nói:
- Chị cởi dép cầm tay đi! Ði chân không như em vậy nè!
Chị Ngà nghe lời tôi, liền cởi dép cầm tay. Nhưng lần này, đi một
hồi chị lại xuýt xoa:
- Ðau chân quá Trường ơi!
Tôi trấn an:
- Tại chị đi chưa quen đó thôi! Ði một lát chân chị hết đau liền!
Nhưng chân chị Ngà là chân con gái thành thị. Nó không “một lát hết
đau” như tôi tưởng. Ði thêm một quảng, chị Ngà liền ngồi xuống, rên
hừ hừ:
- Chị đi hết nổi rồi!
Tôi đành bước lại gần chị, tặc lưỡi nói:
- Chị ráng thêm một chút đi! Gần tới nơi rồi!
Chị Ngà nhăn mặt:
- Ráng cũng không được! Ðau thí mồ!
- Hay chị xỏ dép vô đi!
- Xỏ dép sao được mà xỏ dép! – Chị Ngà ngước nhìn tôi - Bộ Trường
muốn chị bị què giò luôn hả?
Tôi quay mặt đi chỗ khác để tránh ánh mắt chị Ngà, bụng phân vân quá
thể. Giục thì bị chị trách, nhưng chẳng lẽ để chị ngồi hoài ở đây!
Ngần ngừ một thoáng, tôi rụt rè đề nghị:
- Hay là chị vịn vai em mà đi! Em đi chầm chậm bên cạnh chị.
Nghe tôi nói vậy, chị Ngà liền chỏi tay đứng dậy, miệng cười tươi:
- Ừ, để chị vịn vai Trường chị đi.
Trước nay tôi vẫn xem chuyện tiếp xúc với đàn bà con gái là chuyện
bình thường. Mẹ tôi và mấy đứa em gái, cả dì Miên nữa, thỉnh thoảng
vẫn cao hứng quàng vai bá cổ tôi, tôi vẫn chẳng thấy gì khác so với
những cử chỉ thân thiện của anh em thằng Chửng. Vậy mà chẳng hiểu
sao khi chị Ngà chạm tay vào vai tôi, lòng tôi bỗng dưng xao xuyến
lạ lùng. Một cảm giác kỳ lạ, nửa thích thú nửa sợ hãi, lan ra khắp
người khiến mặt tôi đột nhiên đỏ lựng. Y hệt như cảm giác đêm nào
tôi nằm trong căn liều vải giữa những mùi hương lạ.
Chị Ngà chẳng để ý đến vẻ mặt khác thường của tôi. Chị khập khiễng
đi bên cạnh, thỉnh thoảng lại buột miệng than thở:
- Ðường đất gì mà khó đi quá trời!
Tôi định nói “Tại chị đi chưa quen đó thôi” nhưng sực nhớ khi nãy đã
nói câu đó rồi, tôi liền nín lặng.
Ra tới suối, trong khi chị Ngà ngồi bệt xuống bãi cỏ nghỉ mệt, tôi
lặng lẽ móc trùn vào lưỡi câu.
Nhác thấy con trùn ngo ngoe trên tay tôi, chị Ngà vội vàng nhắm tịct
mắt lại:
- Trông ghê quá Trường ơi!
Tôi cười:
- Ghê gì mà ghê! Nếu chị sợ, lát nữa em móc mồi giùm cho.
Dĩ nhiên là chị Ngà bằng lòng ngay. Nhưng chị không dám nhìn cái
cảnh tôi hăm hở xỏ con trùn vào lưỡi câu sáng loáng. Chị lật đật
quay mặt đi chỗ khác. Thái độ chết nhát của chị khiến tôi không khỏi
bực mình. Nhưng tôi chẳng nỡ mở miệng chê bai, chỉ hừ mũi một cái rõ
to.
Lát sau, tôi chìa cái cần câu về phía chị, hắng giọng:
- Thôi, quay lại đi! xong rồi nè!
Chị Ngà quay mặt lại. Thấy bộ tịch giận dỗi của tôi, chị khẽ mỉm
cười:
- Mặt Trường trông đẹp ghê!
Tôi đỏ mặt chưa kịp đáp, chị đã ngạc nhiên kêu lên:
- Ôi, cái gì trăng trắng vậy nè?
Tôi nhìn theo tay chỉ của chị, “hứ” một tiếng:
- Cái phao mà cũng không biết!
- Cái phao gì mà nhỏ xíu vậy?
- Ðây là cái phao để câu cá chứ đâu phải để bơi mà to với nhỏ. Thả
lưỡi câu xuống nước, cái phao này sẽ nổi lên. Khi nào cái phao bị
chìm tức là cá đã cắn câu, phải giật lên liền.
Vừa nói tôi vừa hạ cần câu của mình xuống sát mặt suối, khẽ dặn:
- Chị làm giống như em vậy nè!
Chị Ngà vừa liếc tôi vừa từ từ buông lưỡi câu xuống nước. Nhưng chị
Ngà chỉ “làm giống như tôi” ở cái động tác buông câu. Còn những
khoản sau đó, chị chẳng thể nào bắt chước tôi nổi. Trong khi tôi
giật lia giật lịa hết con cá này đến con cá khác thì chị cứ ngồi trơ
ra, chẳng buồn nhúc nhích.
Thấy vậy, tôi đâm sốt ruột:
- Chị sao vậy?
- Cá không cắn câu.
- Cái phao không chìm hả?
- Ừ, nó cứ nổi lều bều hoài.
Tôi liếc xuống mặt nước, chỗ chị ngồi. Nhưng sau một hồi dòm dỏ, tôi
chẳng thấy cái phao “nổi lều bều” kia đâu, liền sửng sốt buột miệng:
- Cái phao đâu?
- Kia kìa!
Tôi nheo mắt:
- Sao em không thấy?
Chị Ngà chỉ tay xuống suối:
- Nó nằm sát bờ kìa. Chỗ gốc ổi đó.
- Trời ơi là trời! – Tôi kêu lên – Ðó là cọng rơm chứ đâu phải cái
phao. Còn cái phao biến đâu mất tiêu rồi. Chị giật mạnh lên thử coi!
Nghe tôi la hoảng, chị Ngà quýnh quíu nhấc cần câu lên.
Ðúng như tôi đoán, đang dãy dụa ở đầu sợi cước là một con cá rô bự
thật bự.
- Ôi, con cá! - Chị Ngà reo lên, giọng mừng rỡ pha lẫn kinh ngạc.
Tôi khịt mũi:
- Thì con cá chứ sao! Mình đang câu cá mà!
Con cá vùng vẫy mỗi lúc một hăng. Tron gkhi đó chị Ngà cứ tròn mắt
ngắm nghía “thành tích” của mình, chẳng buồn động đậy. Tôi phải hắng
giọng “ra lệnh”:
- Chị kéo con cá vô bờ đi! Không khéo nó sẩy xuống nước bây giờ.
Như sực tỉnh, chị Ngà từ từ quay cần trúc vô bờ. Cái bộ điệu chậm rờ
của chị trông thật ngứa con mắt. Ngay cả khi con cá đã nằm lăn quay
đơ trên bãi cỏ, chị cũng chẳng tỏ vẻ gì vội vàng. Chị đứng xa xa,
thấp thỏm hỏi:
- Nó chết rồi hả?
- Còn khuya nó mới chết! Chị lại đây mà coi nè!
Chị Ngà sè sẹ bước lại. Chị cúi nhìn con cá trên tay tôi với vẻ tò
mò. Bỗng chị bước lùi một bước, vẻ kinh hãi:
- Ôi, Trường coi kìa!
- Gì vậy?
- Con cá nó ngậm lưỡi câu!
Tôi nửa cười nửa mếu:
- Thì nó ngậm lưỡi câu chứ sao! Nó không cắn câu sức mấy mình giật
được!
- Nhưng lưỡi câu lòi cả ra ngoài! Trông ghê quá!
Chị Ngà vừa nói vừa rụt cổ. Tôi nhìn xuống con cá lúc này đã thôi
còn vùng vẫy. Nó nằm im trong tay tôi, bất lực và chịu đựng. Quả là
lưỡi câu đã xuyên thủng mép nó, thò cả cạnh sắc ra ngoài. Nếu không
vậy, có lẽ lúc nãy nó đã vùng thoát được. Ðộng tác của chị Ngà chậm
chạp và ngờ nghệch như thế, lũ cá ranh chỉ cần giãy mạnh một cái là
phi thân ngay xuống nước, dễ còn hơn đi dạo.
- Ai biểu tham ăn! Chị câu thêm vài con nữa đi! Xem chị với em ai
câu được nhiều hơn!
Nào ngờ chị Ngà chẳng thèm đếm xỉa gì đến đề nghị hấp dẫn của tôi.
Chị phán một câu khiến tôi cụt hứng:
- Thôi, chị không câu nữa đâu! Trường câu một mình đi!
- Câu một mình thì câu làm quái gì!
Tôi bực mình xẳng giọng. Nhưng tôi không thèm năn nỉ. Tôi biết có
năn nỉ cũng chẳng được. Chị Ngà là chúa nhát. Trông thấy con trùn
ngoe nguẩy trên lưỡi câu, chị đã chết khiếp, lại thêm cái cảnh lưỡi
thép móc thủng mồm con cá tham ăn, chị càng mất vía. Bây giờ có cho
vàng cũng đừng hòng chị rớ tới cái cần câu. Nghĩ tới nghĩ lui một
hồi, tôi đâm ra giận mình. Ðã biết gan chị bé hơn gan thỏ, còn rủ đi
câu cá câu cua làm gì cho rắc rối! Thà khi nãy chui rào qua rủ anh
em thằng Chửng, bây giờ còn có lắm trò hay!
Thấy tôi ngồi im, tay cầm cần câu vẽ nguệch ngoạc trên mặt đất, chị
Ngà nhích lại gần, khẽ hỏi:
- Bộ Trường giận chị hả?
- Giận đâu mà giận!
Tôi nói không giận nhưng giọng lại đầy ấm ức. Chị Ngà dòm tôi lom
lom:
- Nếu Trường không giận, Trường cười lên chị coi!
Tôi cũng không buồn nhếch mép. Chị Ngà thở dài:
- Như vậy là Trường giận chị rồi.
Giọng chị Ngà như một lời than. Tôi thấy tội tội liền nhe răng “hì”
một cái. Ðiệu bộ của tôi có lẽ rất khó coi nên tôi vừa “cười” xong,
chị Ngà liền bụm miệng cười theo.
- Chị cười gì vậy? – Tôi đỏ mặt hỏi.
- Cười Trường! Trường vừa ho đấy phải không?
Tôi “hứ” một tiếng:
- Người ta cười mà kêu ho. Thật chưa thấy ai...
Ðang nói nửa chừng, chợt biết mình bị lỡm, tôi liền sầm mặt và quay
đầu đi chỗ khác:
- Thôi, em không chơi với chị nữa đâu!
Chị Ngà vội níu tay tôi:
- Thôi, thôi, chị giỡn chơi chút xíu mà.
Rồi như sợ tôi vẫn còn giận dỗi, chị rũ:
- Bây giờ hai chị em mình đi tắm đi!
- Ði tắm? – Tôi quay phắt lại.
- Ừ, không đi câu thì đi tắm. Chắng lẽ ra tới đây rồi lại quay về.
- Tắm đâu?
- Thì tắm dưới suối chứ tắm đâu? - Giọng chị Ngà thản nhiên.
- Chị biết bơi không? – Tôi lại hỏi.
- Biết. Ở thành phố, chị bơi hoài.
Tôi chớp mắt:
- Ở thành phố làm gì có suối như ở đây.
- Nhưng ở đó có hồ bơi. Chị bơi trong hồ.
Tôi bán tín bán nghi nhưng không hỏi nữa. Tôi liếc xuống suối, nói:
- Vậy em với chị lên trên kia bơi. Trên kia nước trong hơn.
Nói xong, tôi dẫn chị Ngà men theo hàng dương liễu đi ngược về phía
cầu Cẩm Lễ. Tới một khúc suối vắng nép mình sau những bụi dừa nước
và dứa dại, tôi đứng lại và ấp úng nói:
- Chỗ này nè!
Tôi chỉ thốt được có ba tiếng, rồi lúng túng đứng nhìn chị, bụng
không hiểu chị sẽ tắm bằng cách nào.
Nhưng tôi đã quá lo xa. Không thèm biết đến những suy nghĩ viển vông
trong đầu tôi, chị Ngà quay sang tôi, cười:
- Chị tắm trước nghen!
Rồi trước sự kinh ngạc tột độ của tôi, chị để nguyên cả quần áo trên
người, nhảy ùm xuống nước. Nhấp nhô hai, ba cái, chị đã ở giữa suối
và quay lại vẫy tay tôi.
Như trút được một gánh nặng trên ngực, tôi vội vàng cởi áo ném đại
trên bãi cỏ rồi hớn hở lao mình xuống dòng nước mát.
Hóa ra chị Ngà bơi giỏi hơn tôi nghĩ nhiều. Chị thuần thục nhiều
kiểu bơi. Trong khi đó, tôi chỉ rành mỗi kiểu bơi... chó. Chính vì
vậy tôi không dám bơi gần chị. Hễ thấy chị ở bên phải, tôi vội vã
tấp qua mé trái. Và ngược lại.
Chị Ngà là chúa vô tâm. Chị không hiểu nỗi khổ tâm trong lòng tôi.
Tắm một lát, chị kêu:
- Trường ơi! Lại đây đi!
- Chi vậy? – Tôi hồi hộp hỏi.
- Lại đây chị với Trường bơi thi.
- Giọng chị Ngà dịu dàng là thế, nhưng lúc này tôi nghe như sét nổ
bên tai. Tôi tìm cớ thoái thác:
- Em chẳng bơi thi với chị đâu. Con trai ai lại thi với con gái.
- Con gái thì con gái chứ! Con gái cũng biết bơi vậy/
- Nhưng mà...
Thấy tôi bỏ lửng, chị Ngà thắc mắc:
- Nhưng mà sao?
Tôi nhăn mặt:
- Em bơi dở lắm!
- Trường mà bơi dở? - Chị Ngà tỏ ý không tin.
- Em nói thật mà.
- Ðâu, Trường bơi thử chị coi!
Biết không thể tránh né được, tôi đành phải chầm chậm bơi lại phía
chị. Những lúc không thuộc bài bị cô giáo kêu lên bảng, lòng tôi
cũng thấp thỏm hệt như lúc này.
Từ lúc xuống suối đến giờ, chị Ngà không để ý tôi bơi, bây giờ nhìn
kỹ, chị há hốc miệng:
- Ủa, Trường bơi kiểu gì vậy?
Tôi ngượng ngùng:
- Em hả? Em bơi kiểu... tự do.
- Kiểu tự do? - Chị Ngà phì cười – Làm gì có kiểu bơi đó!
- Sao lại không có! – Tôi chống chế - Con nít làng em toàn bơi kiểu
này.
- Kiểu đó không đẹp. Ðể chị dạy Trường bơi ếch.
- Bơi ếch?
- Ừ, bơi ếch tức là bơi giống như con ếch. Bơi ếch dễ nhất. Sau đó,
chị sẽ dạy Trường bơi sải.
Tôi dở khóc dở cười. Tôi cứ tưởng trong “nghề” bơi lội, so với người
quen vẫy vùng sông suối như tôi, chị chỉ đáng làm học trò. Nào ngờ
bây giờ chị đòi thu tôi làm đệ tử. Nửa mừng nửa thẹn, tôi không nói
gì, chỉ lặng lẽ gật đầu.
Tôi học bơi với chị Ngà tới gần trưa. Ðến khi mặt trời đứng bóng,
tôi đã bắt chước con ếch được kha khá.
Chị Ngà nhìn tôi hài lòng:
- Trường học mau ghê! Thôi, bây giờ mình về!
- Còn bơi sải?
- Bơi sải để hôm sau. Sao Trường tham lam quá vậy?
Vừa nói chị Ngà vừa bước lên bờ và tiến lại chỗ gốc dương liễu, ngồi
xuống. Tôi nhướn mắt:
- Chị kêu về sao còn ngồi đó?
- Trường chờ chị một chút xíu đi! Không thấy người chị ướt mèm hết
hay sao!
Chị Ngà đáp mà không ngoảnh đầu lại. Manh áo ướt dính sát vào da làm
nổi bật tấm lưng thon thả của chị. Chị ngồi nghiêng nghiêng, mái tóc
dài xõa một bên vai, thong thả phơi nắng. Tôi đứng ngắm chị một hồi,
bất giác buột miệng:
- Chị đẹp ghê1
- Thôi đi, đừng có nịnh! - Chị Ngà vừa nói vừa cười.
Tôi đỏ mặt:
- Em nói thật mà.
- Dì Miên mới đẹp. Chị xấu hoắc!
Tôi chớp mắt:
- Dì Miên cũng đẹp. Chị cũng đẹp. Mỗi người đẹp một kiểu.
Chị Ngà vụt quay lại, tinh nghịch hỏi:
- Vậy ai đẹp hơn?
- Ðẹp hơn hả? – Tôi nuốt nước bọt – Dĩ nhiên là... chị đẹp hơn!
- A, Trường dám nói vậy hả? Chị về chị méc dì Miên cho coi!
Nói xong, chị Ngà đứng lên đi lại phía bờ ruộng dẫn về nhà. Tôi lẽo
đẽo theo sau, miệng cười khì:
- Cho chị méc! Sức mấy mà em sợ!
Chương 7: Đi Qua Hoa Cúc
Tôi mới đi với chị Ngà hôm trước, hôm sau anh em thằng Chửng đã biết
liền.
Gặp tôi ngoài đầu ngõ, Chửng anh nháy nháy mắt:
- Hôm qua mày đi chơi với con nhỏ nào vậy?
Tôi ngớ người:
- Con nhỏ nào đâu?
Chửng anh cười hề hề:
- Con nhỏ ngoài suối đó!
Tôi cau mặt:
- Ðó không phải là con nhỏ. Ðó là chị Ngà, bạn của dì Miên tao.
Chửng anh trố mắt:
- Bạn của dì mày?
- Ừ.
- Nó ở đâu đến đây vậy?
- Mày đừng gọi bằng “nó”! - Tôi “sửa lưng” Chửng anh - Chị Ngà là
bạn của dì tao, mày phải kêu bằng chị!
Chửng em đứng bên cạnh vọt miệng:
- Chị cái mốc xì! Tao cứ kêu bằng nó!
Giọng điệu xấc xược của Chửng em khiến tôi cáu tiết. Tôi mím môi:
- Nếu vậy, tao không thèm nói chuyện với mày nữa.
- Tao cũng cóc thèm nói chuyện với mày! - Mặt Chửng em câng câng.
Chửng em dễ ghét bao nhiêu thì Chửng anh dễ thương bấy nhiêu. Thấy
tôi nổi khùng, nó xuống nước liền:
- Chỉ ở thành phố về hả?
Sự thay đổi cách xưng hô của Chửng anh khiến tôi mát lòng mát dạ quá
chừng. Tôi vui vẻ:
- Ừ, chỉ ở thành phố về.
Chửng anh xuýt xoa:
- Hèn gì nước da chỉ trắng tinh! Chả bù với con gái làng mình!
Nghe Chửng anh khen chị Ngà, tôi hào hứng bốc phét:
- Chỉ là hoa khôi thành phố đó!
- Hoa khôi là sao?
- Mày ngốc quá! Hoa khôi tức là người đẹp nhất. Con gái thành phố
không ai đẹp bằng chỉ.
Mắt Chửng anh lộ vẻ thán phục. Nó liếm môi:
- Chỉ về đây chơi hả?
Tôi “xì” một tiếng:
- Hoa khôi ai lại đi chơi! Mày làm như mày không bằng! chỉ về đây ôn
thi với dì Miên tao. Năm nay chỉ thi tú tài.
Chửng anh thè lưỡi:
- Giỏi quá hén! Con gái mà thi tú tài!
Cái thằng này, tôi nhủ bụng, nó làm như chỉ có bọn con trai là học
giỏi, còn đám con gái chẳng biết gì ngoài chuyện mò cua bắt ốc!
Nhưng tôi biết Chửng anh không a dua lấy lòng tôi. Tôi biết nó trầm
trồ thành thật. Bởi từ khi cha sinh mẹ đẻ tới nay, có lẽ nó chưa
từng thấy một đứa con gái nào đỗ tú tài. Con gái làng tôi hầu hết
chỉ học tới lớp năm. Ðứa nào cố lắm cũng lẹt đẹt thêm vài năm cấp
hai rồi cuối cùng cũng bỏ ngang, về nhà làm ruộng. Chỉ có dì Miên là
ngoại lệ. Ông tôi sống ở làng nhưng không theo nghề làm ruộng. Ông
bỏ xứ ra đi từ nhỏ, sau trở về làng lấy vợ đẻ con, chữa bệnh cứu
người. Là dân “Tây học”, trọng chữ nghĩa, ông quyết chí cho đứa con
gái út học hành đến nơi đến chốn.
Thấy chửng anh cứ đứng ngẩn người, tôi sực nhớ đến chuyện hôm qua,
liền khoe tiếp:
- Chị Ngà bơi giỏi lắm nghen mày. Giỏi hơn tụi mình gấp trăm lần.
Tôi nói với Chửng anh nhưng Chửng em lại ngứa miệng chen vô, chắc nó
tự ái khi nghe tôi quảng cáo tài bơi lội của chị Ngà:
- Lại xạo đi! Chỉ sống ở thành phố làm sao bơi giỏi hơn dân quê mình
được?
Chửng em đúng là thằng trời đánh. Nó không bỏ lỡ bất cứ dịp nào để
cà khịa tôi. Nhưng nghe nó tự động gọi chị Ngà bằng “chị”, tôi nguôi
nguôi trong bụng, không thèm “độp” lại nó. Tôi chậm rãi giải thích:
- Ở thành phố không có suối nhưng có cả trăm hồ bơi lận. Ngày nào
chị Ngà chẳng đi bơi.
Thấy không bắt bẻ gì tôi được, Chửng em quay sang “kế” khác. Nó bĩu
môi:
- Bơi lội thì có gì hay ho! Thua xa trò bắn chim! Chị Ngà mày có
biết bắn chim không?
Tôi nhún vai:
- Con gái ai lại chơi trò bắn chim.
Chửng em nheo mắt, giọng khinh mạn:
- Không biết bắn chim coi như đồ bỏ đi.
Thái độ khiêu khích của thằng oắt này khiến tôi nổi điên. Tôi hậm
hực vung tay:
- Chị Ngà tao thèm vào trò bắn chim. Chỉ còn dặn tao đừng bao giờ
bắn chim nữa. Trò đó ác nhất trên đời!
- Hi hi, bắn chim mà ác! Mô phật!
Vừa nói Chửng em vừa chắp hai tay trước ngực.
Chửng anh không giễu cợt tôi. Nó chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò,
khẽ hỏi:
- Chị Ngà mày nói vậy, nếu bây giờ tụi tao rủ mày đi bắn chim, mày
có đi không?
Tôi ngần ngừ:
- Tao cũng chẳng biết.
Chửng anh ngó tôi chăm chăm:
- Hoặc là đi hoặc là không, chứ sao lại chẳng biết?
Ðôi mắt của Chửng anh như hai mũi khoan xuyên vào tim tôi. Tôi không
dám nhìn thẳng vào mặt nó. Tôi quay đầu ngó lơ chỗ khác, miệng ấp a
ấp úng chẳng biết trả lời như thế nào.
Chửng em bỗng cười lên hô hố:
- Tao biết tỏng bụng dạ mày rồi, Trường ơi! Mày mê gái nên mày không
dám đi bắn chim chứ gì!
- Mày đừng có nói bậy! - Tôi đỏ mặt kêu lên.
- Tao mà nói bậy, tao đi đầu xuống đất liền! Mày mê chị Ngà, mày sợ
làm trái lời dặn của chỉ, chỉ sẽ ghét mày, đúng không?
- Ðúng cái mốc xì!
Vừa nói, tôi vừa cúi xuống nhặt lên một hòn đất. Nhưng Chửng em đã
nhanh chân vọt ra xa đứng cười khọt khẹt y như Tề Thiên làm trò. Nó
làm tôi xấu hổ chín người.
Trong lúc tôi đang vô cùng bối rối, Chửng anh đột nhiên mở miệng
bênh vực tôi. Nó nhìn tôi và mỉm cười thân thiện:
- Thằng Chửng em nói bậy quá mày hén?
Như kẻ chết đuối vớ được cọc, tôi mau mắn:
- Ừ, nó là chúa nói bậy! Nó chẳng bằng mày lấy một góc!
Thấy tôi giở giọng nịnh nọt, Chửng anh khoái lắm. Nó cười híp mắt.
Rồi chép miệng nói:
- Tao biết mày chẳng mê chị Ngà chút xíu nào!
- Ừ, tao đâu có mê.
Tôi vộ vã đáp, bụng thầm cảm ơn Chửng anh quá xá. Nào ngờ tôi vừa
nói xong, nó bỗng tiếp:
- Mày không mê nhưng mày... thích!
Lời “phán” đột ngột của Chửng anh khiến tôi chưng hửng. Tôi giương
mắt ếch lên nhìn nó, miệng ú ớ như bị ai nhét giẻ vào mồm.
- Có gì mà mày phải ngẩn tò te ra vậy? - Chửng anh vỗ vai tôi, cười
hì hì - Chị Ngà đẹp như tiên, ai mà chẳng thích!
Tôi chẳng hiểu Chửng anh nói như vậy là tỏ lộ đồng tình hay ngụ ý
xiên xỏ, đành đỏ mặt ngọng nghịu:
- Nhưng mà tao... nhưng mà tao...
Biết tôi mắc cỡ, Chửng anh hắng giọng trấn an:
- Thì mày thích chị Ngà cũng giống như mày thích dì Miên vậy thôi!
Có gì phải chối!
- Ờ, ờ, đúng rồi! – Tôi lật đật - Trước nay tao vẫn coi chị Ngà
giống như dì Miên tao...
Tôi nói chưa dứt câu, Chửng em đứng ngoài xa vọt miệng bô bô:
- Giống như sao được mà giống như! Dì Miên là dì mày, còn chị Ngà là
người dưng nước lã, muốn cưới làm vợ lúc nào cũng được, vậy mà bảo
là “giống như”!
Lời lẽ mất dạy của Chửng em khiến tôi không giữ nổi bình tĩnh. Vừa
thẹn vừa tức, tôi cúi nhặt hai hòn đất to tổ bố và co giò rượt theo
nó.
Nhưng tôi mới chạy được hai, ba bước, Chửng anh đã đuổi theo níu vai
tôi lại:
- Kệ xác nó! Thằng đó ngày nào mà chẳng nói bậy, đuổi theo nó làm
chi!
Tôi nghiếng răng, hổn hển:
- Tao phải đập cho nó một trận!
- Thôi bỏ đi! - Chửng anh can, rồi nó rủ - Giờ tao với mày đi chơi!
- Ði đâu?
- Vô Bãi Cháy bắn chim.
- Bắn chim? – Tôi há hốc miệng, hai hòn đất trên tay rớt xuống chân.
- Ừ! - Chửng anh gật đầu - Bắn xong, xách chim về nhà tao nướng ăn
chơi. Mày không đem chim về nhà, chị Ngà đâu có biết.
Ðề nghị của Chửng anh sáng suốt quá chừng. Ừ, bắn chim xong, tót về
nhà anh em thằng Chửng, có tài thánh chị Ngà mới hòng mò ra! Nghĩ
đến món thịt chim nướng lá chanh, tôi nuốt nướt bọt đánh ực và hăm
hở đi theo Chửng anh.
Chương 8: Đi Qua Hoa Cúc
Không phải chỉ có anh em thằng Chửng bảo tôi thích chị Ngà. Ngay cả
dì Miên cũng bảo vậy.
Một hôm tôi đang ngồi chẻ lạt sau nhà, kế bên cửa sổ phòng học của
dì Miên, bỗng nghe dì kêu:
- Ngà ơi Ngà!
- Gì vậy Miên? - Tiếng chị Ngà hỏi lại.
- Cái ngòi viết của tao hư rồi.
- Sao vậy?
- Nó rớt xuống đất.
- Thì thay ngòi khác.
- Có đâu mà thay! Phải ra huyện mới mua được!
- Lát chiều tao với mày đi.
- Không được! Chiều nay tao phải đi xay gạo dùm cho bà Sáu.
- Vậy nhờ Trường đi mua giùm cho!
- Trời ơi, thằng đó mà nhờ! Cúng cho nó ít tiền, thuê nó đi thì họa
may.
Tôi giật thót người, không ngờ dì Miên lại nỡ bêu xấu thằng cháu yêu
quý trước mặt chị Ngà như vậy. Câu nói độc địa của dì khiến tôi giận
tím gan, mặc dù suy cho cùng những điều dì nói không xa sự thật là
bao. Trong khi tôi đang lưỡng lự không biết có nên lên tiếng “phản
kích” hay không thì chị Ngà bật cười khúc khích:
- Cháu mày đâu có tệ dữ vậy. Nếu mày không nhờ thì để tao nhờ giùm
cho.
- Mày nhờ thì lại khác! - Giọng dì Miên nửa đùa nửa thật – Tao kêu,
nó không đi nhưng mày kêu thì nó đi liền.
Câu nói ỡm ờ của dì Miên khiến tôi đâm chột dạ, suýt chút nữa lưỡi
rựa liếm đứt ngón tay.
Trong nhà bỗng vang lên tiếng la “oai oái”. Rồi tiếng chị Ngà gầm
gừ:
- Nói bậy nè!
- Bậy gì! Chẳng phải thằng cháu tao lúc nào cũng nghe lời mày răm
rắp sao?
- Thì nó cũng nghe lời mày vậy!
- Tết Công Gô nó mới nghe lời tao!
Chị Ngà cười:
- Ai bảo mày hay ỷ lớn ăn hiếp nó chi!
Dì Miên khịt mũi:
- Không phải vì tao hay ăn hiếp nó mà chính vì nó thích mày.
- Ðủ rồi nghen! - Chị Ngà la lên – Tao chỉ coi nó như em thôi. Mày
đừng có gán ghép bậy bạ.
Khi chị Ngà thốt ra câu nói đó, chị không biết tôi đang ngồi nghe
lỏm ngoài hè, vì vậy chị không biết rằng chị vừa giáng vào ngực tôi
một nhát búa nặng nề. Từ nãy đến giờ, những lời trêu chọc của dì
Miên khiến tôi vừa sợ vừa ngượng, người cứ giật thon thót. Nhưng bên
cạnh nỗi hoang mang run rẩy đó, tôi vẫn cảm thấy một niềm xao xuyến
nhẹ nhàng đang len lỏi vào trái tim tôi và tôi cứ thầm mong cái cảm
giác dễ chịu đó kéo dài không bao giờ dứt. Nhưng chị Ngà đã kéo tôi
ra khỏi giất mơ ngắn ngủi. Câu nói của chị khiến tôi đâm bần thần,
mặc dù tôi không hiểu tại sao. Kể từ đêm lều trại năm nào nằm bên
cạnh chị cho đến tận lúc này, bao giờ tôi cũng xem chị là chị và
điều đó dường như chẳng hề thay đổi. Vậy mà khi nghe chị bảo chị xem
tôi như em, đột nhiên tôi buồn bã quá chừng. Tôi cảm thấy như vừa
đánh mất một điều gì kỳ thú.
Lòng tổn thương, tôi cầm lên chiếc rựa và nhặt nhanh những sợi lạt
vương vãi, lủi thủi lần ra sau bếp.
Trưa đó, ăn cơm xong, chị Ngà ngoắt tôi:
- Trường ơi! Lại chị nói cái này cho nghe nè!
Tôi biết tỏng chị định nhờ tôi đạp xe ra huyện nhưng vẫn thản nhiên
bước lại:
- Gì vậy chị?
- Chiều nay Truờng rảnh không?
- Tôi tính nói rảnh nhưng thấy dì Miên ngồi đó, bèn lắc đầu:
- Chiều nay em bận rồi.
Ðôi mắt chị Ngà thoáng lộ vẻ ngạc nhiên. Có lẽ vì đây là lần đầu
tiên chị thấy tôi trả lời trái ý chị. Ngần ngừ một thoáng, chị tò mò
hỏi, giọng xuôi xị:
- Trường bận chuyện gì vậy?
Vẻ thất vọng của chị khiến tôi áy náy vô kể nhưng sợ bị dì Miên
chọc, tôi đành phải bấm bụng phịa tiếp:
- Chiều nay em phải xuống xóm Cây Duối với anh em thằng Chửng.
- Chi vậy?
- Tụi em đi tát cá.
- Trường cứ đi chơi lông bông với tụi thằng Chửng hoài! Không lo coi
lại bài vở gì hết! – Dì Miên chợt chen tiếng trách.
- Tối nào mà cháu chẳng ngồi học! – Tôi chống chế.
Thật ra tuần lễ bảy buổi, tôi chỉ ngồi vào bàn được chừng hai buổi.
Những ngày còn lại, hôm nào tôi cũng đi chơi đến tối mờ tối mịt, về
nhà ăn qua loa vài miếng cơm là tôi tót lên phản, ngủ thẳng cẳng.
Nhưng lúc này, dì Miên không có thì giờ để hỏi tội tôi. Dì lo thu
dọn chén đũa vào mâm, bưng xuống bếp. Thấy chị Ngà định bưng rế cơm
đi theo, tôi liền gọi giật:
- Chị Ngà.
- Gì Trường?
- Khi nãy chị hỏi em rảnh không chi vậy?
- Chị định nhờ Trường đi mua đồ giùm chị.
Tôi giả ngốc:
- Mua gì vậy chị?
- Ngòi viết.
- Ra ngoài huyện hả?
- Ừ, nhưng Trường bận thì thôi!
Tôi cười:
- Ðể em đi mua cho!
- Chị Ngà tròn xoe mắt:
- Sao khi nãy Trường bảo Trường bận đi tát cá?
Tôi chớp mắt:
- Thì bây giờ em không đi nữa! Cá thì lúc nào tát chẳng được!
Nghe tôi nói vậy, chị Ngà không hỏi nữa. Mà mỉm cười:
- Trường ngoan ghê!
Chị Ngà khen tôi như khen một đứa bé. Tôi đỏ bừng mặt định ngoác
miệng phản đối nhưng khi chạm phải tia nhìn dịu dàng của chị, không
hiểu sao tôi lại ngoảnh mặt đi.
Tôi la cà ngoài huyện suốt cả buổi chiều. Mua ngòi viết chỉ nhoáng
một cái là xong, nhưng tôi ghé thằng bạn này một chút, thằng bạn kia
một chút, lúc về tới cầu Cẩm Lễ, mặt trời đã xuống khỏi ngọn tre.
Chị Ngà ngồi trước sân, bên hàng hoa cúc, ngoảnh nhìn tôi:
- Sao Trường đi lâu dữ vậy?
- Em chơi nhà mấy đứa bạn.
Tôi đáp và chạy xe vòng ra sau hè.
Ông tôi giờ này đi thăm bệnh, chắc còn lâu mới về. Ông chạy chiếc
mobylette cũ kỹ màu trắng sữa, nom giống hệt con ngựa trời. Thường,
học trò chở ông đi. Nhưng tháng trước, ông vừa đuổi một anh chàng
gian lận. Không còn người xách tráp đi theo, cũng chẳng có ai thúc
giục, ông thường ở chơi với gia chủ đến tận chiều tối. Dì Miên cũng
đi đâu mất biến, nhà vắng hoe. Xay gạo xong, chắc dì còn ngồi chơi
bên bà Sáu.
Tôi thắp đèn bưng lên nhà trên và nhìn ra sân. Chị Ngà vẫn còn ngồi
chỗ cũ, chiếc áo bà ba trắng nhòa lẫn giữa màu hoa vàng nom giống
hệt bức tranh Giáng Kiều treo ở nhà bà tôi.
Tôi cầm chiếc ngòi viết ra sân:
- Ngòi viết của chị nè.
- Cảm ơn Trường nghen.
Chị Ngà cầm lấy ngòi viết nhưng vẫn không rời khỏi khúc gỗ làm đòn
kê. Hai tay chị lại bó gối. Tôi nói:
- Sao chị không vô nhà? Ngồi đây muỗi cắn chết!
- Lát nữa chị vô.
- Ngần ngừ một lát, tôi không kềm được thắc mắc:
- Chị ngồi đây chi vậy?
Chị Ngà mỉm cười:
- Chơi vậy thôi! Chị ngồi ngắm hoa.
Tôi ngạc nhiên:
- Hoa gì? Hoa cúc này đây hả?
- Ừ.
Tôi hắn giọng:
- Hoa cúc có gì mà ngắm. Trông nó chán phèo, chỉ được mỗi cái ướp
trà cho ông.
Chị Ngà đưa tay vuốt tóc và khẽ liếc tôi:
- Tại Trường không thích Trường nói vậy thôi. Thích mới thấy nó đẹp
. Cúc vàng đem lại niềm vui cho tâm hồn.
Lần đầu tiên tôi nghe điều này. Hoa cúc trồng trước sân nhà ông tôi
đã lâu nhưng chưa có ai nói với tôi rằng nó đem lại niềm vui cho tâm
hồn. Tôi nhìn chị Ngà, chớp mắt hỏi:
- Thế còn cúc trắng?
- Cúc trắng tượng trưng cho sự thanh khiết. Nhưng cúc trắng lại kém
huy hoàng. Chị thích cúc vàng hơn! - Giọng chị Ngà mơ màng.
Tôi bâng khuâng lướt mắt trên những đóa cúc vàng. Tôi chẳng thấy
chúng huy hoàng chút nào. So với vẻ lộng lẫy của dãy hoa giấy um tùm
tước cổng, chúng mờ nhạt hơn nhiều. Nhưng dù sao, ngắm nghía lũ hoa
cúc một hồi, lòng tôi cũng cảm thấy vui vui. Ðiều này thì chị Ngà
nói đúng. Tuy nhiên, niềm vui của tôi không phải đến từ hoa cúc mà
đến từ nỗi hân hoan lấp lánh trên gương mặt khả ái của chị. Bao giờ
tôi cũng vui với những gì chị vui và yêu thích với những gì chị
thích, chẳng rõ tại sao. Ngay cả trò bắn chim đã một thời làm tôi mê
mẩn bây giờ cũng chẳng còn cuốn hút tôi nữa, một khi tôi biết chị
không ưa.
Chị Ngà không rõ tất cả những điều đó. Thấy tôi đột ngột chạy ra sau
vườn xách một gàu nước đem lên, chị ngơ ngác hỏi:
- Trường làm gì vậy?
- Em tưới hoa.
- Khi nãy chị tưới rồi.
- Tưới rồi thì tưới nữa.
Chị Ngà dòm tôi lom lom:
- Sao bữa nay Trường siêng dữ vậy?
- Ừ.
Câu trả lời lửng lơ của tôi khiến chị Ngà nhăn mặt:
- Ừ là sao?
Tôi cười:
- Em thích thì em tưới chứ là sao! Em thích hoa cúc. Cũng như chị
vậy.
Chị Ngà càng ngẩn ngơ:
- Sao khi nãy em bảo hoa cúc trông chán phèo?
- Khi nãy khác, bây giờ khác! - Tôi khịt mũi – Bây giời thì em
thích. Hoa cúc đem lại niềm vui cho tâm hồn.
Chị Ngà cười khúc khích:
- Trường xạo ghê!
Miệng bảo tôi xạo nhưng đôi mắt chị Ngà lại nhìn tôi long lanh ấm
áp. Từ trước đến nay, tôi chưa từng thấy ai có đôi mắt đẹp đẽ đến
nồng nàn như vậy. Tôi đọc thấy trong đó sự rạng rỡ không che giấu.
Tôi cũng đọc thấy trong đó nỗi rộn ràng khó tả của trái tim tôi.
Người run lên, tôi không đủ can đảm nhìn lâu hơn vào đôi mắt đầy
quyến rũ kia nữa. Mà cúi xuống chiếc gàu mo cau sóng sánh nước trên
tay.
Tôi khẽ nghiêng gàu cho những giọt nước xôn xao rơi ngập ngừng trên
hoa vàng lá biếc. Hay đó chính là lòng tôi đang ngẩn ngơ nghiêng
xuống mối tình đầu?
Chương 9: Đi Qua Hoa Cúc
Từ hôm đó, tôi bỗng đem lòng yêu hoa cúc. Cụm hoa vàng trước nay vẫn
nằm ngơ ngác ở đầu sân, tôi chẳng thèm ngó ngàng nửa mắt bỗng trở
thành mối bận tâm của tôi sáng sáng chiều chiều. Trời tinh mơ, tôi
đã chạy ra sân thăm hoa tỉa lá. Tôi bắt chước chị Ngà xăm đất để cây
lên. Buổi chiều, khi những giọt nắng cuối ngày bò dần lên ngọn me
cao, tôi lon ton chạy ra giếng đá sau vườn, thả gàu múc nước.
Trước nay, múc nước tưới hoa là nhiệm vụ của dì Miên. Những ngày dì
Miên đi học xa, bà Sáu chiều chiều qua tưới giúp. Hè năm nay thêm
một chị Ngà. Còn tôi, bốn năm ròng ăn học ở nhà ông, chưa hề rớ tới
chiếc gàu, nói gì đến chuyện xách nước từ vườn sau đem ra sân trước.
Vậy mà bây giờ chiều nào tôi cũng sốt sắng tưới hoa, không cho ai
giành phần một bữa.
Trước sự hăm hở của tôi, dì Miên không khỏi lạ lùng. Dì nhìn tôi và
hỏi:
- Sao bỗng dưng Trường siêng bất tử vậy?
Ðoán trước thế nào dì Miên cũng hỏi câu này, tôi đáp tỉnh:
- Cháu tập thể dục.
- Tập thể dục cho mau lớn hả?
Không nghĩ dì Miên âm mưu giăng bẫy, tôi vui vẻ gật đầu:
- Ừ, cho mau lớn.
- Trường mong cho mau lớn để cưới vợ chứ gì!
Dì Miên vừa trêu vừa cười khúch khích.
- Dì nói gì đâu không! Chỉ có dì ham lấy chồng thì có!
Phản công một câu, tôi vội vàng xách gàu lảng mất.
Tôi tránh được dì Miên, lại đụng đầu anh em thằng Chửng. Hai tên yêu
quái này đứng rình rập bên giậu bìm bìm nãy giờ, nhưng thấy chị Ngà
ngồi đó nên không dám xộc vào. Một lát sau, đợi chị Ngà bỏ vô bếp
thổi cơm, Chửng anh mới ló đầu khỏi hàng rào, ngoắt tôi:
- Ê, Trường!
Tôi ngẩng đầu ngó ra, tay vẫn nắm chặt chiếc gàu. Ðiệu bộ thập thò
của Chửng anh khiến tôi ngạc nhiên:
- Vô đây đi! Mày làm gì mà lén lén lút lút như ăn trộm vậy?
Hai cái đầu húi cua liền thò ra. Hóa ra có cả thằng Chửng em. Hai
đứa chui ra khỏi đám dây leo rồi chụm chân nhảy qua con mương đầy cỏ
lưỡi rắn. Vừa tiến về phía tôi, Chứng anh vừa cười hề hề:
- Tao sợ chị Ngà thấy.
- Thấy thì thấy, ăn nhằm gì!
- Sao lại không ăn nhằm gì! Chỉ sẽ méc với dì Miên mày! Hôm trước
mày bảo dì mày cấm mày chơi với tụi tao mà!
Tôi thở dài:
- Dì tao chỉ nói vậy thôi! Dì tao sợ tao đi chơi hoài, sẽ bỏ bê học
tập!
- Mày đang nghỉ hè kia mà!
- Nghỉ hè vẫn phải ôn tập! - Tôi chép miệng.
Chửng anh không hỏi nữa. Nó bước lại ngồi trên khúc gỗ chị Ngà vừa
ngồi, nói:
- Êm gớm!
Khúc gỗ cứng ngắc mà nó la êm. Tôi không biết nó khen thật hay ngụ ý
xiên xỏ chuyện chi. Chửng em ít làm bộ làm tịch hơn. Nó nheo mắt
nhìn tôi, hỏi thẳng:
- Sao dạo này mày siêng dữ vậy?
Tôi chột dạ:
- Siêng gì đâu?
Chửng em khịt mũi:
- Tao thấy ngày nào mày cũng múc nước tưới hoa!
- Thì trước giờ vẫn vậy! - Tôi chống chế.
- Trước giờ cái mốc xì! - Chửng em cười mũi – Mày là chúa làm biếng,
ai chắng biết!
Thấy nói dối như vừa rồi không ăn thua, tôi loay hoay tìm lý do
khác. Tôi định nói là tôi “tập thể dục” nhưng lý do này không gạt
được dì Miên, làm sao gạt nổi anh em thằng Chửng. Nghĩ ngợi một
thoáng, tôi ngập ngừng giải thích:
- Ðúng ra thì tao làm... theo lệnh của dì tao!
Chửng em đúng là yêu quái thứ thiệt. Nó bĩu môi:
- Dì mày mà sai được mày! Tao không tin! Mày làm theo lệnh của chị
Ngà mày thì có!
Chị Ngà không hề bảo tôi tưới hoa. Nhưng tôi tưới hoa chính là vì
chị. Vì vậy, tôi đỏ mặt:
- Mày chỉ nói bậy!
Chửng em cười trâng tráo:
- Tao nói bậy sao mày lại đỏ mặt?
Chửng em rặt một giọng khích bác. Bao giờ đấu khẩu với nó, tôi cũng
chỉ muốn đánh nhau. Lần này cũng vậy. Tôi rít lên, định nhảy xổ vào
con quái vật mang tên Chửng em thì Chửng anh cứu vãn tình thế bằng
cách đột ngột lên tiếng hỏi:
- Ai ở nhà mày mấy bữa nay vậy?
Câu hỏi trật chìa của Chửng anh hệt như cái “ổ voi” nằm giữa ngã ba
Ngọc Khô trên đường ra huyện. Tôi đang chuẩn bị lao sầm vào Chửng em
như chiếc xe đứt thắng bỗng khựng lại, mắt long lên:
- Mày hỏi ấm ớ gì vậy?
Ðiệu bộ hùng hổ của tôi khiến Chửng anh vội vả thanh minh:
- Không phải tao nói chị Ngà. Tao nói anh chàng mấy bữa nay đi với
ông mày kìa!
Tôi thở ra một hơi, lòng dịu lại:
- À, đó là anh Ðiền, học trò mới của ông tao.
- Anh Ðiền người đâu vậy?
- Ảnh người Quán Gò.
Chửng anh đột nhiên tặc lưỡi:
- Sao trông mặt ảnh, tao chẳng ưa chút nào!
Tôi bênh anh Ðiền:
- Ảnh tốt lắm! Hôm qua ảnh pha cho tao nguyên một ly cà phê to
tướng.
Chửng anh tò mò:
- Cà phê ở đâu vậy?
- Của ông tao! Ảnh pha cho ông tao xong, còn thừa ảnh pha cho tao!
Chửng em quên béng màn gây gổ vừa rồi. Nó níu tay tôi:
- Cà phê uống ngon không mày?
- Tuyệt cú mèo!
- Ngon bằng xá xị không?
Tôi hừ mũi:
- Xá xị là đồ bỏ! Cà phê ngon hơn gấp tỉ lần!
Chửng em nuốt nước bọt đánh ực:
- Vậy hôm nào anh Ðiền pha cà phê cho mày, mày nhớ chừa cho tao với
nghen!
Giọng năn nỉ của Chửng em ngọt ngào đến tội. Bao giời cũng vậy, hễ
dính đến ăn uống là nó dễ thương hết biết. Lúc ấy nom nó hiền lành
như một con chó con. Nhưng ních vô bụng xong là nó phủi ơn ngay, lại
ngoác mồm nói bậy. Biết vậy, nhưng tôi không thể cầm lòng trước ánh
mắt khẩn thiết của nó, bèn gật đầu:
- Ừ, hôm nào có cà phê, tao sẽ để dành cho mày... một phần mười ly
Chương 10: Đi Qua Hoa Cúc
Anh Ðiền trạc hăm lăm, hăm sáu tuổi, người tầm thước, tóc quăn, mặt
xương xương. Anh ở mãi Quán Gò, con một người bạn của ông tôi. Trong
một lần đi chữa bệnh gần đó, ông tôi ghé thăm bạn cũ và thế là anh
Ðiền được gửi gắm theo ông tôi học nghề.
Ba hôm trước, anh Ðiền theo ông tôi về nhà. Anh cỡi trên “con ngựa
trời” cũ kỹ của ông tôi, mặt mày hí hửng. Ông tôi ngồi đằng sau, tay
ôm tráp thuốc, vẻ khoan khoái vì cuối cùng cũng thu được một tên đệ
tử ngày ngày đèo ông đi thăm bệnh.
Anh Ðiền không đẹp trai nhưng anh có đôi mắt lanh lợi và nụ cười
tươi. Ngay lần gặp đầu tiên, đôi mắt đó đã nhìn tôi thân thiện:
- Trường học giỏi ghê! Còn nhỏ mà đã vào lớp mười rồi!
Nghe khen, tôi phổng mũi làm bộ:
- Giỏi gì mà giỏi! Mười sáu tuổi ai chẳng học lớp mười!
Anh cười:
- Hồi bằng tuổi Trường anh mới học lớp tám.
Tôi không biết anh nói thiệt hay nói chơi nhưng dù sao những lời
tâng bốc của anh cũng khiến tôi hãnh diện. Tự nhiên tôi cảm thấy mến
anh như mến một người thân gần gũi lâu ngày.
Anh Ðiền không chỉ khen tôi. Anh còn tìm mọi cách để lấy lòng tôi.
Mỗi sáng, pha cà phê cho ông tôi xong, bao giời anh cũng pha thêm
cho tôi một ly. Mặc dù chỉ là nước thứ hai, cà phê lạt thết, uống
vào tôi vẫn thấy ngon lạ lùng. Ði thăm bệnh với ông tôi về, thỉnh
thoảng anh vẫn dúi vào tay tôi trái cam, trái quýt. Nói chung, anh
rất mực chiều chuộng tôi. Tôi nhờ gì anh cũng làm, tôi bảo gì anh
cũng nghe.
Chính vì anh Ðiền đối xử với tôi như vậy nên mỗi khi anh em thằng
Chửng mở miệng bài xích anh, bao giờ tôi cũng gân cổ bênh anh chằm
chập. Trước mặt chị Ngà và dì Miên, tôi ca ngợi anh hết lời.
Biết vậy, anh Ðiền thích lắm. Một hôm anh lân la hỏi chuyện tôi:
- Trường nè, chị Ngà về đây lâu chưa vậy?
Câu hỏi đột ngột của anh Ðiền khiến tôi đâm chột dạ. Tự nhiên tôi
linh cảm có chuyện không lành sắp xảy đến với tôi. Tôi bần thần đáp:
- Hơn nửa tháng rồi.
Anh Ðiền không nhận ra vẻ khác lạ trên gương mặt tôi. Anh nôn nao
hỏi tiếp:
- Trường có biết gì về chỉ không vậy?
- Biết gì là biết gì?
Anh Ðiền chớp chớp mắt:
- Chẳng hạn như... chỉ đã có “ai” chưa?
Dĩ nhiên tôi biết anh Ðiền muốn hỏi gì. Nhưng tôi vẫn làm bộ ngờ
nghệch:
- “Ai” là ai? Em không hiểu!
Anh Ðiền chẳng lúng túng như tôi tưởng. Anh nhìn tôi mỉm cười:
- “Ai” tức là “người yêu” đó!
Tôi lắc đầu:
- Nếu vậy thì em không biết!
Thấy không “điều trá được gì ở tôi, anh Ðiền khẽ huýt sáo miệng và
lững thững bỏ đi. Còn tôi ngồi lại, buồn nẫu ruột. Suốt ngày hôm đó
và cả ngày hôm sau, tôi như chìm vào một vũng lầy đặc quánh những
hoang mang và lo sợ, cái cảm gíác thấp thỏm tôi chưa từng trải qua
bao giờ.
Và kể từ cuộc trò chuyện ngắn ngủi đó, trong mắt tôi anh Ðiền không
còn dễ mến như những ngày đầu nữa. Tôi cay đắng nhận ra rằng sở dĩ
anh tỏ ra quý tôi không phải vì tôi là một nhân vật đáng quý, cũng
không phải vì tôi là đứa cháu cưng của ông tôi mà vì anh muốn kiếm
cơ hội dò hỏi tôi về chị Ngà.
Ðối với tôi, chị Ngà bao giờ cũng thiêng liêng cao quý như một thiên
thần, mặc dù đó là một thiên thần sợ chuột, sâu, gián và vô số những
thứ linh tinh khác. Nhưng không vì vậy mà chị Ngà trở nên “trần tục”
và dễ xúc phạm. Từ trước đến nay, tôi luôn dành cho chị nỗi yêu mến
lẫn lòng thành kính. Tôi nghĩ đến chị như nghĩ đến một dòng sông êm
mát và khi thả hồn theo dòng sông không tên đó, không bao giờ tôi
cho phép mình tự hỏi rằng chị đã có “ai” chưa, rằng có khi nào chị
đã một lần yêu. Ðơn giản là tôi chỉ hình dung về chị như người ta mơ
tưởng về một hình bóng. tôi vui thích với điều đó và không dám để
những ý nghĩ của mình đi xa hơn. Trừ những khi tôi nhìn thấy chị,
những lúc khác chị là giấc mơ.
Anh Ðiền đến, thò mái tóc quăn của anh vào giấc mơ tôi. Anh thản
nhiên hỏi tôi những câu tôi không dám đặt ra cho chính mình. Anh
nghĩ ngợi về chị Ngà một cách “phàm phu tục tử”. Và điều quan trọng
nhất, anh vô tình dẫm chân lên trái tim tôi. Thằng Chửng anh nói
đúng. Nó đã bảo trông mặt anh Ðiền, nó chẳng ưa chút nào. Chửng anh
sáng suốt hơn tôi.
Không chỉ dò hỏi tôi, anh Ðiền còn nghĩ ra lắm trò kỳ quái khác.
Một buổi sáng, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những đóa hoa cúc vàng
cắm bên cửa sổ trước bàn học của chị Ngà.
Chị Ngà yêu hoa cúc nhưng trước nay tôi chưa thấy chị hái hoa cắm
trước bàn học bao giờ. Chị thích ngồi hàng giờ bên dãy cúc trước sân
hơn. Nhưng tôi chẳng thắc mắc lôi thôi. Chẳng thấy chị hỏi han gì,
tôi nghĩ đấy là thú tiêu khiển mới mẽ của chị.
Liên tiếp nhiều ngày như vậy. Cứ sáng sớm, những đóa cúc vàng lại
rung rinh khoe sắc bên cửa sổ.
Tới ngày thứ tư, trời còn tinh mơ, tôi bỗng mắc tiểu liền thức dậy
chạy ra sau vườn. Khi chuẩn bị quay vào, tôi bỗng phát hiện một bóng
người đang đi rón rén ngoài hè. Ngạc nhiên, tôi nép người sau đám
dây trầu phủ xòa quanh gốc mít, căng mắt dòm.
Dù mặt trời chưa lên và gốc mít chỗ tôi nấp cách hè nhà khá xa, tôi
vẫn nhận ngay ra bóng người lén lút kia chính là anh Ðiền. Thoạt
đầu, tôi không hiểu sáng sớm anh lần mò ra sau hè làm gì. Tôi tưởng
tối hôm qua anh uống nước nhiều nên bây giờ phải chạy đi “trút bầu
tâm sự” giống như tôi. Nhưng khi nhìn thấy những đóa cúc vàng đong
đưa trên tay anh, tôi bỗng hiểu ngay ra cớ sự.
Quả đúng như tôi nghĩ, anh nhón gót tiến về phía cửa sổ. Rồi một tay
bám song cửa, anh nhoài người cắm những bông hoa lên thanh gỗ chắn
ngang.
Trong một thoáng, mắt tôi như mờ đi. Những bông hoa vàng đằng kia
bỗng trở nên chập chờn như khuất sau một lớp sương mờ. Hóa ra là
thế! Tôi buồn bã nhủ thầm và tưởng như nghe thấy tiếng thở dài nghẹn
ngào ngân lên từ đáy lòng. Hóa ra anh Ðiền đã làm tất cả những trò
đó. Còn tôi thì như một thằng ngốc, chẳng biết một tí gì. Anh Ðiền
chỉ mới về ở nhà ông tôi vài ba ngày đã nghĩ ra cách tỏ tình với chị
Ngà bằng những bông hoa. Chiều chiều thấy chị Ngà ngồi ngẩn ngơ hàng
giờ ngoài sân bên vàng hoa cúc, anh đã đoán ra ý thích của chị. Tôi
cũng rõ những điều đó nhưng tôi chỉ biết cặm cụi xách nước tưới hoa
như một thằng chạy việc, chẳng nên tích sự gì.
Anh Ðiền giỏi hơn tôi nhiều. Anh biết âm thầm tặng hoa cho chị Ngà
và hành động vụng trộm của anh chẳng bị ai phát giác. Ông tôi già cả
chẳng biết đã đành, cả dì Miên cũng chẳng đem lòng ngờ vực. Dì cứ
tưởng những bông hoa cắm ỡm ờ bên cửa sổ kia là do bàn tay của chị
Ngà nên dì chẳng hỏi.
Chỉ riêng chị Ngà là biết được những bông hoa kia xuất xứ từ đâu.
Nếu không nhìn thấy tận mắt anh Ðiền nhô đầu lên cửa sổ, ắt chị cũng
đoán ra. Nhưng chị chẳng nói gì. Chị cũng chẳng tỏ ra nghi hoặc hay
khó chịu. Chị thản nhiên đón nhận những bông hoa mọc bất ngờ từ cửa
sổ như lẽ ra nó phải thế. Ðấy là sự lạnh lùng hay đấy chính là mối
đồng tình lặng lẽ?
Những câu hỏi mang theo nỗi xốn xang nghi ngại và cứ xoay vần trong
đầu tôi như một cơn lốc. Tôi chợt nhớ đã có lần bắt gặp chị Ngà ngồi
bên bàn học ngắm những cánh hoa kia với ánh mắt mơ màng và miệng
cười chúm chím. Lúc ấy, hẳn chị đang nghĩ đến mái tóc quăn của anh
Ðiền. Còn tôi, chị vốn coi như em, chắc chẳng có lấy một chỗ trú
chân trong lòng chị. Chỉ khi nào cần người sai vặt, chị mới nhớ đến
tôi.
Càng nghĩ ngợi, tôi càng tức điên. Và không kìm được, tôi mím môi
bước ra khỏi chỗ nấp. Anh Ðiền lúc này đã biến mất, chỉ để lại trái
tim anh phập phồng bên cửa sổ. Răng nghiến chặt, tôi đu người lên
giật phắt những bông hoa và hậm hực xé tan thành những mảnh vàng rơi
vãi. Nhìn những cánh hoa vô tội đang rơi lả tả kia, chưa hả giận,
tôi còn dí chân lên chúng, day qua day lại với vẻ đay nghiến cay
độc. Cho đến khi những đóa hoa đầy tình ý của anh Ðiền chỉ còn là mớ
bèo nhèo dập nát, tôi mới khoan khoái bỏ vào nhà.