Bất chợt một chiều mưa - Quỳnh Dao
Chương 1
Giữa khuya, tôi lại bị cơn ác mộng hành hạ. Lúc nào thì
cũng giống như lúc nào, cơn ác mộng cũng bắt đầu bằng
gương mặt của mẹ. Một khuôn mặt hốc hác xanh xao, có đôi
mắt mở to đầy vẻ khiếp đảm và một đầu tóc rối bù. Mẹ nắm
lấy tay tôi, bàn tay khẳng khiu trơ xương của nguời như
một gọng kềm, khiến tôi không làm sao vùng thoát được.
Mẹ dẫn tôi ra tận sau nhà, nơi có những chiếc nong nuôi
tằm bà chỉ cho tôi những chiếc kén trắng toát, nói:
- Ðấy thấy không, những chiếc kén!
Tôi sợ hãi muốn rút lui nhưng không làm sao rút được.
Người lại chỉ một chiếc kén khác, nó có màu đen. Nó nằm
riêng rẽ một chỗ.
- Ðấy xem kìa, một chiếc kén màu đen. Ðẹp quá phải
không? Nó chắc lắm đấy, cắn mãi không đứt đâu, nó là
chiếc kén của mẹ đấy!
Và bỗng nhiên, chiếc kén kia hóa to ra. To dần, nó trở
thành một chiếc quan tài màu đen. Mẹ cười lí nhí rồi
nói:
- Mẹ sẽ chun vào đấy! Mẹ sẽ nằm trong đấy mãi mãi... mãi
mãi!
Tôi đã vùng vẫy, lắc đầu, tôi định thoát khỏi bàn tay
của mẹ. Nhưng cái gọng kềm cứng ngắc đó làm tôi không
sao thoát đuợc. Tiếng của mẹ lại vang bên tai:
- Một cái kén màu đen! Một cái kén màu đen thật chắc đó,
con thấy không?
Tiếp đó chiếc quan tài chợt nhiên lay động, nó phình to
ra như sắp nuốt chửng lấy tôi. Tôi sợ quá hét to lên, và
tiếng hét đã khiến tôi giật mình tỉnh dậy.
Thật khiếp đảm, mồ hôi tôi vã ra như tắm.
Khi đã hoàn toàn tỉnh táo, tôi thấy mình vẫn còn nằm
trên giuờng, nhưng cả người tôi lại mỏi nhừ, tay chân
tôi tê cứng. Phải cố gắng lắm mới ngồi dậy được, tôi lau
nhẹ mồ hôi trên trán rồi chồm người qua bật sáng chiếc
đèn bàn. Ánh sáng tỏa ra thật chói mắt. Tôi thấy Nhất Vỹ
chau mày trong cơn ngủ say. Có lẽ ánh đèn đã khiến anh
khó chịu. Chồng tôi lại quay người vào trong và tiếng
ngáy tiếp tục vang lên đều đều.
Cái khiếp đảm của cơn ác mộng vẫn còn đó, khiến tôi
không làm sao dỗ lại giấc ngủ của mình. Tôi ngồi bó gối,
ngắm người chồng đang ngủ say bên cạnh. Anh ấy lúc nào
cũng vậy, bình thản, tự nhiên. Những con người có cuộc
sống đơn giản vô tư thường có những giấc ngủ ngon như
thế. Tôi chợt thấy ganh tị, tôi không muốn Vỹ ngủ ngon
trong khi tôi phải thức. Thế là tôi lấy tay lay lay, Vỹ
làu nhàu cái gì đó trong miệng, rồi lại tiếp tục ngủ.
Tôi giận quá, đẩy mạnh. Tôi muốn Vỹ phải thức với tôi.
Sau nhiều lần lay như vậy, cuối cùng, Vỹ cũng thức,
chàng lấy tay dụi dụi mắt, rồi quay qua tôi, có vẻ không
hài lòng.
- Em làm gì vậy? Sao không ngủ đi?
Tôi lắc đầu.
- Em không ngủ đuợc, em cứ nằm mơ hoài, toàn là ác mộng.
Ðôi mày của Vỹ chau lại.
- Nhưng bây giờ em đã thức rồi. Biết đó chỉ là mộng chứ?
- Vâng.
- Vậy thì chưa sáng, hãy ngủ lại đi.
Vỹ nói, rồi kéo chăn lên, chuẩn bị ngủ tiếp. Tôi không
chịu, kéo lấy chàng.
- Em đã bảo là... em không ngủ đuợc mà.
- Ngủ không được? Vỹ có vẻ bực mình. - Vậy thì, anh biết
làm sao bây giờ? Này Thanh Thanh, em cũng không phải là
trẻ con. Tắt đèn đi, rồi nhắm mắt lại, cố dỗ giấc ngủ,
đừng có quấy rầy người khác.
Nói xong, chàng kéo chăn lên phủ đầu, không đoái hoài gì
đến tôi nữa
Tôi yên lặng ngồi đấy. Biết có quấy rầy Vỹ chỉ khiến
chàng nổi nóng. thế là tôi quay mặt nhìn ra cửa sổ. Bóng
cây in trên nền trời như những con quái vật đen đúa lay
động. Tôi chợt rùng mình, đêm yên lặng quá, đêm đầy đe
dọa. Tôi quay sang nhìn Nhất Vỹ. Mới đấy mà anh chàng
lại ngáy đều. Tiếng ngáy của chàng tạo cho tôi cái cảm
giác như một người đang bị bỏ rơi trên hoang đảo một
mình. Tôi chợt muốn khóc. Nhưng rồi thấy khóc cũng chẳng
ai thèm nhìn đến, nên lại ngưng. Vâng, tôi đâu còn là
trẻ con nữa mà được nuông chiều. Và đã không còn là trẻ
con thì chỉ cái chuyện khóc hay cười cũng không thể tự
phát, mà phải lệ thuộc vào nhiều thứ. Thế là tôi lại tắt
đèn, nằm xuống. Mắt mở to nhìn bóng đêm, tôi biết từ đây
cho đến sáng trắng tôi sẽ không làm sao dỗ giấc ngủ lại
được. Chỉ có tiếng ngáy đều của Nhất Vỹ. Ngoài ra không
có gì hết ngoài bóng đêm. Một đêm nặng nề trôi qua.
Cho đến lúc các vệt sáng đầu tiên của một ngày mới xuất
hiện, tôi mới bước xuống giường, khoác chiếc áo khoác
vào, mang thêm đôi dép da, rồi bước ra vườn hoa.
Ngôi nhà của chúng tôi khá rộng. Ðúng hơn đấy là một
biệt thự nhỏ, có vuờn hoa bao quanh. Ðó là quà của cha
mẹ chồng cho chúng tôi sau ngày cưới. Nhờ công việc làm
ăn của Nhất Vỹ ngày càng phát đạt, nên chúng tôi sắm sửa
thêm đủ mọi thứ. Vỹ đi làm mỗi ngày, tôi thì ở nhà.
Nhưng việc làm trong nhà cũng có tôi tớ chăm lo nên tôi
thật rảnh rỗi. Tôi chỉ có việc làm vườn. Và khu vườn nầy
phần lớn là do tôi vun bón, chăm sóc.
Tôi thích nhất là hoa hồng, hoa đỗ quyên và cả phù dung
nên tôi đã chia vườn hoa làm ba khu vực chính để trồng
cả ba loại hoa đó. Ngoài ra tôi còn trồng thêm cúc,
thược dược...
Sáng sớm, vườn hoa im lìm, nền đất còn ướt đẫm sương
đêm. Cái không khí mát lạnh buổi sáng bao trùm vạn vật.
Ðạp chân lên bãi cỏ non ẩm ướt, đi giữa những cánh phù
dung đang nở rộ, tôi thấy lòng khoan khoái hơn. Sự sợ
hãi vì ác mộng đã tan biến và tôi chọn một băng ghế đá
ngồi xuống.
Giờ này chỉ có một mình tôi thức giấc. Tôi cứ ngồi như
vậy lắng nghe tiếng gió thổi, tiếng chim hót trong vườn
mà không bị ai quấy rầy.
Rồi trời sáng dần, cả một chân trời phía đông ửng đỏ. Và
mặt trời như một chiếc bánh tròn từ từ bò lên ngọn cây
dừa. Cái màu hồng của nền trời nhạt dần. Sau đấy mới
thấy khói bốc lên ở ống khói nhà bếp. Vậy là cô người
làm đã thức giấc, con bé đang làm điểm tâm cho chúng
tôi.
Sau nhiều lần thay đổi, tôi mới tìm được người làm ưng
ý.
Ðấy là một cô gái còn trẻ tuy hơi lười, ngủ dậy trễ,
nhưng được cái lanh lẹ và không đứng núi này trông núi
nọ. Những người ở trước tuy khá thạo việc, nhưng chỉ
biết có tiền, nơi nào đó làm cao giá hơn là bỏ đi. Ðó là
một thứ chuyện bực mình.
Tôi tiếp tục ngồi giữa vườn hoa bất động. Có một con
chim nhỏ từ trên cây sà xuống trước mặt tôi, nó nghểnh
cổ nhìn tôi như thăm dò, rồi bạo dạn nhảy nhảy đến bên
chân tôi. Nó nhặt những hạt hoa, hạt cỏ rơi dưới đất. Có
lẽ nó nghĩ tôi chỉ là một pho tuợng và tôi cũng thích
như vậy, tôi thích thú ngắm, và nó chỉ tung mình bay lên
khi có một chiếc lá vàng từ trên cành cao rơi xuống chạm
đất tạo thành tiếng vang.
Tôi đứng dậy, ngắt lấy mấy chiếc lá hoa trà đưa lên mũi
ngửi. Mùi thơm của lá thật dễ chịu. Mặt trời đã dâng
cao, nắng bắt đầu nóng. Tôi hít một hơi dài vào lồng
ngực, rồi chậm rãi đi vào nhà. Một ngày vô vị lại bắt
đầu.
Khi tôi bước chân vào phòng ăn. Ðã thấy Nhất Vỹ ngồi bên
bàn với tờ báo trên tay, che cả khuôn mặt. Ðó là thói
quen của chàng. Vừa ăn sáng vừa xem báo. Tôi kéo ghế
ngồi đối diện. Tiếng kéo ghế của tôi không làm Vỹ buông
tờ báo xuống. Tôi ngồi đấy chờ đợi, xem thử đến bao giờ
thì Vỹ nhận ra sự hiện diện của mình - nhưng có vẻ hoài
công.
Ðợi một lúc, tôi thấy Vỹ đặt tờ báo xuống, rồi cầm đũa
lên, chàng ăn mà mắt vẫn không rời trang báo. Vỹ hoàn
toàn không hề để mắt đến tôi.
Không chịu được nữa. Tôi tằng hắng một tiếng. Vỹ vẫn
tảng lờ như không biết. Tôi đành thở dài, rồi cũng cúi
xuống dùng phần ăn sáng của mình.
Mãi sau khi Vỹ coi xong tờ báo cũng như ăn xong phần ăn.
Bấy giờ chàng mới quay qua nhìn tôi. Cái nhìn của chàng
khiến cho tôi ngừng ăn chờ đợi. Nhưng rồi Vỹ lại không
nói gì. Thái độ chàng khiến cho tôi có cái cảm giác mình
chỉ là một thứ đồ vật vô tri nào đó, chẳng hạn như một
cái ghế, một cái bàn hay là một bức tranh treo trên
tường. Nó có đó một cách tự nhiên chứ chẳng có gì xa lạ.
Tôi thấy Vỹ đưa tay vào túi lấy thuốc ra, rồi bật lửa
đốt. Chàng ngả người ra sau, thở khói. Mắt thì nhìn lên
trần nhà, tư lự như một nhà triết gia. Chàng cứ ngồi như
vậy thở khói. Sau khi tàn hết một điếu thuốc, mới đứng
dậy hỏi trỏng.
- Mấy giờ rồi?
Tôi không có mang đồng hồ, nhưng hoạt động của chàng thì
như một công thức bất dịch nên đáp.
- Khoảng tám giờ kém mười.
- Vậy à? Anh đi làm nhé!
Rồi Vỹ kéo ghế, chậm rãi bước ra khỏi phòng ăn. Một lúc
sau, tôi biết chàng đã thay đồ. Tiếng chân bước ra cửa,
rồi cổng mở, tiếng nổ máy ở nhà xe. Sau đấy là tiếng
kèn, rồi xe chạy vút ra ngoài.
Mọi thứ trở lại với cái yên tĩnh cố hữu, giống như mặt
nước hồ sau cái khuấy động do chiếc lá rơi, đã phẳng lại
như gương. Tôi bưng chén cháo lên mà chẳng muốn ăn tí
nào. Nhìn chén cháo từ lúc nó bốc khói, mãi cho đến khi
nguội lạnh, tôi mới đặt xuống rồi đi vào phòng khách.
Ngồi co ro trong phòng khách, đặt thêm chiếc gối sau
lưng cho đỡ lạnh, tôi cầm lấy quyển "Chuông gọi hồn ai"
đã xem qua hằng trăm lần rồi mà chưa chán. Thời gian sao
mà dài lê thê. Một ngày rồi một ngày cứ lặng lẽ như vậy
trôi qua. Tôi như một loài thực vật ký sinh. Cô tớ gái
tên Thu lặng lẽ bước vào, đặt ly trà nóng trên bàn cho
tôi, rồi nói:
- Bà chủ, hôm nay nhà ta ăn gì?
- Ồ, cái gì cũng được. Em thấy ông chủ thích ăn cái gì
thì mua thứ đó.
Cô tớ biết ý tôi, không hỏi thêm, đi ra. Thứ gì cũng
được. Phải, lúc gần đây chẳng hiểu sao tôi lại không
thiết dùng một thứ gì cả. Cái gì cũng nhạt nhẽo. Dù đấy
là cao lương hay là mỹ vị. Ðiệu này mà kéo dài, có lẽ
rồi tôi sẽ chết mòn mất.
Tôi cứ ngồi như thế. Cô tớ đã xách giỏ đi ra chợ từ lâu.
Nhà chỉ còn lại một mình tôi. Một khoảng trống lạnh lẽo.
Mọi thứ như ngưng đọng.
Tôi ngồi đấy trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, cả một
đêm không ngủ làm tôi mệt mỏi. Tôi biết nhiều người đã
nhìn vào tòa biệt thự xinh xắn này, những tiện nghi
trong nhà và địa vị của Vỹ rồi cho rằng tôi là người đàn
bà hạnh phúc. Tôi thực sự hạnh phúc chăng? Không biết.
Tôi chỉ cảm thấy là vô tri nhiều lúc hay hơn. Vô tình
nhiều lúc hơn cả hữu tình. Còn hạnh phúc thì nó là một
cái gì không cụ thể, xa vời quá.
Một đêm không ngủ được làm tôi mệt mỏi. Ðôi mắt nặng
trĩu, mà đầu thì như choáng, thế là tôi lại rơi vào
trạng thái đó tôi lại thấy chiếc quan tài màu đen. Vâng,
màu đen, nó rất to. Người ta đang dùng dây thừng đưa nó
xuống huyệt mộ. Chiếc quan tài màu đen, hay cái kén màu
đen? Tôi đã chạy xông đến định giữ lại, không cho người
hạ nó xuống. Tôi vừa khóc vừa hét:
- Ðừng! Ðừng! Ðừng nhốt mẹ tôi trong cái kén màu đen đó.
Hãy thả mẹ tôi ra, bằng không mẹ tôi sẽ chết mất! Hãy
thả mẹ tôi ra!
Có người bước tới giữ tôi lại, rồi đưa tôi ra khỏi khu
mộ. Một chiếc khăn ướt được mang đến lau mặt, lau tóc
cho tôi. Khi tôi mở mắt ra, thì đã trông thấy cha. Người
thật tiều tụy. Ðôi mắt sâu của người ngập đầy bi thương
người buồn buồn nói với tôi:
- Ðừng có khóc nữa Thanh Thanh ạ! Mẹ dù sao cũng đã mất
rồi. Mẹ con chết được như vậy có lẽ cũng còn sướng hơn
là sống.
Tôi vẫn vùng vẫy la khóc.
- Con không chịu đâu. Con không muốn thấy mẹ bị nhốt
trong cái khối màu đen kia. Hãy thả mẹ tôi ra.
Cha đã ôm chầm lấy tôi, mắt người rơm rớm nước mắt. Rồi
sau đấy hình như có một người bà con nào đấy đã đến bế
tôi đi khỏi vòng tay của cha. Mấy người xúm lại vỗ về,
dụ ngọt, khuyên nhủ.
Tôi lại nghe tiếng xầm xì đâu đó:
- Xem kìa, con bé ăn nói gì kỳ quá. Chắc chắn một điều
là nó có cái gen điên di truyền trong người. Quí vị để ý
hành động của nó xem, không chừng đã phát bệnh rồi cũng
nên.
Ðiên? Ðã phát bệnh? Tôi giật mình khi nhớ lại chuyện cũ.
Chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi. Mười mấy năm về trước.
Vậy mà tôi vẫn nhớ rõ như in.
Ngồi ngay ngắn lại, kéo chiếc gối lót lưng ra. Ly trà đã
nguội lạnh, tôi hớp một hớp, nước trà lạnh khiến tôi
rùng mình. Ðiên à? nếu được điên không chừng hạnh phúc
hơn là không điên. Người điên đâu còn khát khao, đâu
phải suy nghĩ, bận tâm, phiền muộn. Ðúng không? Chỉ có
hoàn cảnh sống như hiện tại mới đáng làm cho con người
sẽ trở thành điên mới đúng.
Thời gian cứ thế chầm chậm trôi. Mới chín giờ hơn. Tôi
đứng dậy, bước ra sân vườn. Dưới ánh nắng mặt trời, vườn
hoa rực rỡ, tôi chớp chớp mắt nhìn thẳng về phía mặt
trời, nhưng chỉ được một chút là mắt đã hoa lên... Nghĩ
lại, con người cũng thật kỳ cục, họ như thích bóng tối
nhiều hơn là ánh sáng. Nhưng bóng tối lại tượng trưng
cho sự đe dọa, xấu xa, tội lỗi cơ mà?
Tôi còn đang phân vân thì chuông cửa reo, rồi cô tớ tên
Thu với chiếc giỏ đi chợ trên tay bước vào. Không biết
chuyện gì đã xảy ra mà cô bé có vẻ hốt hoảng. Nó đi
thẳng một mạch đến bên tôi, vừa thở hổn hển, vừa nói:
- Thưa bà, sợ quá! Ngoài kia, ngoài cổng ta kia kìa...
Có một người đàn ông cứ đứng ở đó nhìn vào nhà. Con để ý
thấy đã ba hôm nay, ông ta đứng như vậy. Và mỗi lần thấy
con đi ra cửa, là ông ta nhìn theo. Nhìn một cách kỳ lạ
lắm... Ban nãy con đi chợ lại thấy ông ta, bây giờ quay
về, ông ta vẫn còn đứng đấy! Lạ thật!
Con bé ấp úng một chút lại tiếp:
- Bà ra cổng mà xem. Ở ngay cạnh cột đèn đường trước của
nhà ta đó, con ngại quá!
Tôi nghe con bé nói, rồi nhìn nó. Chuyện như vậy mà cũng
ngại. Hớt hải thật sự hay là một sự làm dáng giả vờ? Con
bé năm nay mười sáu tuổi, tuổi bắt đầu mơ mộng, nhưng mà
cái khuôn mặt dẹt, răng hô, lại đầy tàn nhang của nó.
Một khuôn mặt như vậy mà hấp dẫn đàn ông được à?
Tôi lại ngắm kỹ thân hình gầy gầy như con khô hố của nó
chẳng có một chút gì biểu hiện cho cái hấp dẫn của thiếu
nữ ở tuổi dậy thì. Vậy thì làm sao?... Tôi không nhịn
được cuời, nhưng cũng nói:
- Không sao đâu... Tại em bị cái gì ám ảnh đó. Chứ tôi
thấy có lẽ ông ta chỉ là một người qua đường hoặc có hẹn
hò, đứng đấy chờ ai thôi. Em đừng để ý nữa vào nhà đi.
Nhưng tôi chưa dứt lời thì đã thấy một bóng người đàn
ông xuất hiện ngay trước đôi cánh cổng mở toang, mà cô
Thu khi vào chưa kịp đóng lại. Tôi giật mình nhìn sững.
Gã mặc chiếc chemise trắng, quần dài màu cà phê sữa. Bên
ngoài khoác thêm chiếc áo gió màu đen. Mái tóc dài, đôi
mắt đen sâu, đăm đăm nhìn về phía chúng tôi. Cô Thu sợ
hãi lùi ra sau, lắp bắp nói:
- Thưa bà, hắn đấy, chính hắn đấy!
Người đàn ông không đợi chúng tôi hỏi, đã bước vào trong
sân. Anh ta đứng tựa lưng vào tường, đưa tay lên vuốt
lại mái tóc. Lặng lẽ nhìn tôi.
Bấy giờ tôi mới giật mình. Một gương mặt quá quen thuộc,
trái tim chợt nặng trĩu. Nó nặng đến độ làm tôi như
nghẹt thở. Tôi lùi ra sau một bước. Cô bé Thu không
hiểu, tưởng tôi sợ, nó vội chạy ra sau núp sau lưng tôi.
Nhưng rồi tôi cũng lấy lại được bình tĩnh. Tôi quay lại
đẩy nó vào nhà, nói:
- Vào trong đi, không sao đâu, người quen mà!
Cô bé Thu ngạc nhiên nhìn tôi, rồi nhìn người đàn ông
lạ. Xong mới chịu rút lui vào trong. Ðợi con bé đi xong,
tôi mới bước tới. Cố nén cơn xúc động trong lòng, tôi
nói:
- Tôi không ngờ anh lại quay trở về đây.
Anh ta cười buồn nói:
- Về được hơn một tuần rồi.
- Thế hôm nay mới đến thăm tôi? Tôi hỏi, nhưng cố tỏ ra
thật bình thản. Vào phòng khách ngồi nhé? Nói chuyện mà
đứng ngoài cửa coi không đẹp tí nào.
Anh ta không phản đối, lặng lẽ theo tôi vào nhà. Tôi bảo
cô Thu ra khép cửa lại cẩn thận. Chúng tôi đi vào phòng
khách. Anh chàng đứng giữa phòng đưa mắt nhìn quanh. Sau
đấy mới chịu ngồi xuống ghế salon, rồi chau mày nói:
- Sống thế này tốt quá rồi còn gì.
Tôi nói như phân bua:
- Ngôi nhà này là của cha mẹ anh Vỹ cho chúng tôi như
một món quà cưới. Sau đó anh Vỹ cho sửa chữa lại một
chút mới thế này.
Chàng yên lặng nhìn tôi. Không khí hơi ngột ngạt. Tôi
đưa hộp thuốc thơm qua mời, nhưng chàng không lấy thuốc,
mà lại chụp lấy tay tôi, rồi hỏi:
- Em làm sao vậy? Em lạnh à? Tại sao lại run rẩy chứ?
Tôi giật mình, rút tay lại, rồi đặt hộp thuốc lên bàn,
tôi thu người trong ghế, không nói gì cả.
Anh chàng trườn người qua, lấy quyển sách tôi đang xem
dở để trên bàn, xem tựa ở trang bìa rồi nói:
- Cũng lại là quyển này "Chuông nguyện hồn ai" của
Heminways? À lúc này còn xem thơ Ðường nữa không? Có nhớ
một bài thơ ngày cũ có đoạn: "Chuyện cũ đã qua rồi. Tôi
vẫn mơ tìm lại" không?
Chàng ngưng lại, ngẩng đầu lên nhìn tôi, rồi tiếp:
- Thanh Thanh biết không, con người mãi đến khi mất đi
rồi cái mình yêu quí, mới thấy hối tiếc nhưng lúc đó thì
đã quá muộn rồi. À!, Thanh có còn nhớ là ngày xưa khi
đọc quyển "Cuộc tình đã mất" Thanh cứ lập đi lập lại mãi
câu của nhân vật nam nói: "Linh hồn của cô ấy đã tha thứ
cho tôi. Còn quý vị. Xin quí vị cũng tha thứ nốt cho
tôi. Bởi vì quý vị thấy đấy tôi đã biết khóc... "
Ðấy! Một giọt nước mắt ăn năn, cũng có thể rửa đi một
niềm đau. Thế thì... Thanh Thanh... Thanh Thanh đã khóc
qua bao giờ chưa chứ?
Tôi cúi đầu nhìn xuống, cố tỏ ra cứng cỏi:
- Ðâu có chuyện gì cần thiết đến độ phải khóc đâu anh?
- Thật không?
Anh chàng nhìn tôi, có một nụ cuời nhếch trên môi. Rồi
yên lặng thật lâu. Sau đó tôi nghe anh nói:
- Thanh Thanh này, em có hạnh phúc không? Tại sao cuộc
hôn nhân không làm cho đôi má em bừng đỏ. Tại sao đôi
mắt em cứ buồn vời vợi. Tại sao đôi vai em cứ mãi gầy?
Và môi em lại không có lấy nụ cười chứ?
- Kiến Quân! Anh...
Tôi không còn chịu được, tôi kêu lên. Chàng đứng dậy
bước tới gần tôi, cúi xuống nhìn rồi nói:
- Em còn nhớ tên tôi sao? Dù gì thì cũng phải cảm ơn em.
Em đã gọi được hai chữ Kiến Quân. Vậy mà tôi cứ tưởng,
em đã quên bẵng cái tên đó từ lâu rồi chứ?
Tôi ngồi thẳng lưng lại, đã qua được cơn xúc động nhất
thời. Thay vào đấy là một chút sợ hãi, Tôi hỏi:
- Anh Kiến Quân! Anh đến đây làm gì chứ? Anh tìm tôi có
việc chi?
- Tìm có việc chi à? Ðôi mắt Quân nhìn tôi với những ánh
lửa. Em có biết là, tôi đã đứng ngoài cửa nhà em chờ hơn
ba hôm nay. Anh cứ hy vọng là rồi em sẽ bước ra. Nhưng
mà... Em giống như con chim hoạ mi nhốt trong lồng vàng,
em khép cửa quá kín. Mãi cho đến sáng nay, anh mới có cơ
hội để vào đây.
Và đột nhiên, Kiến Quân chụp lấy tay tôi trong lúc tôi
còn chưa rõ là anh chàng muốn gì. Thì đôi môi của chàng
đã đặt nhanh lên môi tôi. Không hiểu sao tôi lại không
phản ứng, tôi cũng không chống đối. Nụ hôn thật vội vàng
nên cũng chẳng mang lại cảm giác gì.
Sau nụ hôn, Kiến Quân nhìn lên. Mắt chàng đỏ ngầu. Giọng
nói như tắt nghẹn:
- Ðấy chính là lý do tại sao anh đến đây.
Rồi như không dằn được sự giận dữ, Kiến Quân đã mạnh tay
đẩy tôi ngả bật ra sau ghế. Chàng đưa tay lên như định
đánh. Nhưng rồi bàn tay đưa cao đó lại buông xuống một
cách bất lực. Chàng nói trong cái nghiến răng:
- Thanh Thanh, tại sao em lại hành động một cách ngu
muội như vậy chứ? Tại sao? Em trả thù bằng cách lấy
nguời mình không yêu ư? Em thật là tàn nhẫn!
Rồi như không dằn đuợc sự xúc động, Kiến Quân đã quay
nguời đi thẳng ra ngoài. Chàng buớc như chạy trốn. Tôi
nghe cả tiếng cửa cổng bên ngoài đóng sầm lại.
Tôi ngả nguời trên ghế, bất động. Từng tế bào trên nguời
như tê cứng. Một lúc sau cô Thu mới bước vào, vớt tách
trà nóng trên tay. Cô bé đặt trà lên bàn, rồi ngạc nhiên
nhìn tôi hỏi:
- Ủa khách đâu rồi, hở cô?
- Ði rồi.
Tôi đáp như một chiếc máy.
Vâng, đi rồi... Kiến Quân đã bỏ đi, và chắc không còn
trở lại đây nữa... Nhưng mà biết làm sao hơn. Ta cũng
không nên buồn. Cuộc đời, có lúc hợp thì phải có lúc tan
chứ! Nó như một phiên chợ. Tôi chợt nhớ đến lời ban nãy
của Kiến Quân.
"Thanh Thanh, tại sao em lại hành động một cách ngu muội
như vậy?"
Ngu muội? Làm sao biết đó là ngu muội hay thông minh?
Lấy cái gì để khẳng định trong tình thế đó?
Tôi nhắm mắt lại. Chợt thấy tức cười nhưng nước mắt đã
tràn ra mi, không làm sao ngăn được. Những giọt nước mắt
đã chảy xuống má.
Chương 2
Câu chuyện bắt đầu sau ngày mẹ tôi mất.
- Thanh Thanh nầy, con có biết tại sao mẹ con bị điên
rồi mất hay không?
Dì Ba, em gái của mẹ, ôm tôi vào lòng mà nước mắt chảy
dài hỏi.
Tôi lắc đầu. Lúc đó tôi chỉ mới chín tuổi, cái tuổi chỉ
biết vui đuà, nào có để ý gì đến chuyện khác đâu? Vậy mà
dì lại bất bình. Dì kề môi sát tai tôi nói:
- Con ngu lắm, con không biết gì cả. Dì cho con biết
nhé. Tất cả cũng tại vì cha con cặp với một mụ góa
chồng. Mẹ con chịu không được cú sốc tình cảm đó nên
phát điên... Ðể rồi bây giờ mới chết... Dì bảo đảm là
chỉ một thời gian ngắn thôi. Một hoặc hai năm nữa là cha
con sẽ mang mụ ta về đây, để chiếm luôn vị trí của mẹ
con cho con xem.
Dì nói xong siết chặt lấy tôi, ấp đầu tôi vào lồng ngực
của người, vừa khóc vừa nói:
- Cháu Thanh Thanh yêu quí của dì... Cháu nhỏ nhắn yếu
đuối thế nầy làm sao có thể chịu nổi chuyện mẹ ghẻ con
chồng. Tội nghiệp cháu tôi. Mẹ ghẻ mà về đây thì thế nào
cũng có màn hành hạ khắc nghiệt. Ðó là chưa nói chuyện
mụ ta còn có con riêng. Thật là bất hạnh... Cháu chỉ
hưởng được tình yêu của mẹ ruột trong một thời gian
ngắn... Sau đó mẹ cháu phát điên thì đâu còn biết gì đến
cháu. Mẹ mà không nhận ra cả con ruột của mình... Thanh
Thanh, rồi cháu sẽ sao đây? Cái con hồ ly tinh kia mà
vào nhà... Sẽ có biết bao xáo trộn. Biết bao bất hạnh
cho cháu chứ?
Tôi ngơ ngác trong lòng dì. Mơ hồ đón nhận những đe dọa
sắp đến. Nhưng thú thật lúc đó tôi không hiểu gì cả. Dì
có nói gì thì nói. Tôi cũng bị xúc động nhưng chẳng qua
chỉ xúc động vì tiếng khóc, tiếng than thở của dì... Tôi
lờ mờ biết là... Cha tôi sắp có một người đàn bà khác
nhưng chuyện đó có gì quan trọng?
Ngồi trong lòng dì, chật chội lại nóng. Tôi chỉ muốn dì
nín khóc và buông ngay tôi ra thôi, nhưng lại không dám
lên tiếng.
Cuối cùng rồi dì cũng buông tôi ra. Và sau lần viếng
thăm đó. Người không còn đặt chân đến nhà tôi một lần
nào nữa. Có điều từ đó mãi về sau, những lời của dì như
khắc sâu trong cái đầu non nớt của tôi. Tôi không sao
quên được...
Và đúng như điều dì Ba nói, lời của dì khá chính xác, mẹ
tôi qua đời được một năm, thì cha tôi đã mang dì Huyên
về. Ðấy là mẹ kế của tôi. Cùng đến với dì còn có một
thằng con trai lớn hơn tôi ba tuổi, đấy chính là Kiến
Quân.
Trước khi đi rước dì Huyên về, cha có báo trước với tôi,
người nói:
- Thanh Thanh này, mẹ con qua đời đã hơn năm. Cha con
mình không thể sống mãi thế này, sống vầy thật là bất
tiện. Cha là đàn ông, không thể đảm đang việc đàn bà.
Con là con gái lớn rồi... Phải có một người mẹ. Vì vậy,
ngày mai. Dì Huyên sẽ về đây ở với chúng ta... Dì ấy sẽ
chăm sóc con. Ðược chứ?
Ðã có lời báo trước của Dì Ba. Tôi đã biết sớm muộn gì
người đàn bà kia cũng đến. Nỗi khiếp đảm về chuyện mẹ
ghẻ con chồng làm tôi sợ hãi. Nhưng tôi không dám phản
kháng cha mặc dù không muốn dì Huyên vào nhà.
Thế là qua hôm sau cha tôi đi rước dì Huyên về. Hôm ấy,
một ngày đầu căng thẳng. Tôi núp mãi trong phòng riêng,
khóa chặt cửa lại. Ai có gọi cũng không mở. Hôm đó cha
tôi mở tiệc, mời khách đến đầy nhà, có đàn ca hát xướng.
Mọi nguời đều vui, chỉ có tôi nằm trong phòng riêng âu
lo, sợ hãi.
Khi khách đã về hết, thì đêm đã khá khuya. Cha mới đi
vào phòng tôi, người gọi:
- Thanh Thanh.
Và tôi không có lý do gì không mở cửa phòng. Người đi
vào, vực tôi dậy, dỗ ngọt, rồi đưa tôi ra phòng khách.
Người bắt tôi ngồi trên chiếc ghế trường kỷ đẹp nhất
nhà. Hôm ấy hình như có đốt cả nhang trầm hương, nên
phòng khách hương thơm ngào ngạt. Người đứng đó, ngắm
tôi, rồi nói với dì Huyên:
- Ðây là hạt trân châu của ta, nhưng cũng là một cánh
hoa hồng dễ thương và yếu đuối nhất nhà đấy!
Nói xong, người bước tới đặt nụ hôn lên trán tôi, rồi
mới ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.
Bấy giờ tôi mới để ý thấy, trong phòng ngoài cha còn một
người đàn bà, khoảng trung niên. Bà có vóc dáng dong
dỏng cao, quí phái, dù lớn tuổi nhưng đôi mắt vẫn đẹp và
đang nhìn tôi với nụ cười hiền hòa.
Tôi ngờ ngợ nhìn bà... Không dám tin. Lời của dì Ba bây
giờ chẳng còn chính xác. Khuôn mặt người đàn bà trước
mặt, hay con hồ ly tinh không hề có một cái nét ác, hay
quỷ quyệt gì.
Lúc đó cha bảo tôi:
- Gọi mẹ đi con!
Nhưng tôi không làm sao thốt ra được cái tiếng đó. Hình
như với tôi mặc dù bấy giờ còn nhỏ, nhưng đã biết cái từ
"mẹ" chỉ dành riêng cho mẹ ruột của mình. Trong lúc tôi
ngần ngừ, người đàn bà trước mặt vẫn nhìn tôi với nụ
cười. Rồi một bàn tay trắng nuốt với những ngón tay thon
dài nắm lấy tay tôi nhỏ nhẹ nói:
- Thôi gọi tôi là dì Huyên được rồi.
Tôi đăm đăm nhìn dì. Cái dịu dàng của dì như có một sự
quyến rũ lạ lùng đã chinh phục và tôi không thể cưỡng
lại được. Thế là tôi kêu khẽ. Thật khẽ:
- Dì Huyên!
Dì có vẽ mãn nguyện, sau đấy tôi thấy dì kéo tay một đứa
con trai cũng có dáng gầy gầy. Cao hơn tôi cả cái đầu
đến gần. Dì nói với tôi:
- Ðây là Kiến Quân, anh của con đấy!
Kiến Quân. Cái tên nghe đã sắc ý, vậy mà còn có đôi mắt
xếch, một khuôn mặt lầm lì. Chắc chắn phải là con người
ương ngạnh lắm. Mà rõ là ương ngạnh thật. Không phải chỉ
thế mà còn là ngang tàng. Lúc đầu tôi không có cảm tình
với hắn. Trong cái buổi tối được giới thiệu, Kiến Quân
cũng chỉ nhìn tôi với cặp mắt lạnh. Anh ta lầm lì và
suốt buổi cũng không thèm nói với tôi một lời nào cả...
Rồi mọi thứ không hoàn toàn giống như dì Ba nói. Dì
Huyên từ khi bước vào nhà cho mãi về sau một mực cư xử
hòa nhã với tôi. Dì nuông chìu, chăm sóc, đến độ tôi
không có một lý do gì để trách cứ được dì. Nhưng có lẽ
vì ảnh hưởng lời của dì Ba, ảnh hưởng của những sách báo
tiểu thuyết về chuyện mẹ ghẻ con chồng nên cái hố ngăn
cách tình cảm của tôi với dì không làm sao san bằng
được. Lúc nào tôi cũng e dè giữ kẽ.
Dì Huyên vào nhà chẳng bao lâu. Thì cuộc nội chiến bùng
nổ. Chiến cuộc từ miền Bắc đã lan tràn xuống tận miền
Nam. Và để tránh cảnh tán gia bại sản. Cha đã mang cả
gia đình lánh nạn sang Ðài Loan. Chúng tôi định cư bên
bờ sông Ái, gần thành phố Cao Hùng.
Cuộc sống dần dần ổn định. Nhưng tôi thì chưa hề an ổn.
Từ khi mẹ ruột mất. Tôi cứ hay nằm mơ. Mà phần lớn lại
là ác mộng. Cơn ác mộng mỗi lần khác nhau, những lần như
đều có liên hệ đến cái cỗ áo quan màu đen. Và mỗi lần
như vậy, là tôi la hét, tôi tỉnh dậy trong nỗi khiếp
đảm. Và lần nào cũng vậy, tôi thấy người đầu tiên chạy
vào phòng bật đèn lên cho tôi là dì Huyên. Rồi dì ngồi
xuống cạnh tôi vỗ về, an ủi. Nhưng mà... Mỗi lần như
vậy, khi ánh đèn điện bật sáng. Tôi nguớc mặt nhìn lên.
Người đàn bà đứng trước mặt tôi trong chiếc áo ngủ với
mái tóc xõa dài đứng trước đầu giường đều khiến cho tôi
có một ý niệm so sánh. Sao lại có chuyện lạ lùng như
vậy? Người trong cơn ác mộng là bà mẹ ruột điên của tôi,
còn người đến an ủi khi tôi đã thức giấc lại là bà mẹ
kế. Nguyên nhân đã đưa đến cái điên và cái chết của mẹ
ruột mình? Cái ý niệm đó làm tôi rùng mình, để rồi sau
đấy, trùm kín người trong chăn. Tôi nằm khóc đến sáng.
Tôi không đủ can đảm để hỏi cha về nguyên nhân đưa đến
bệnh điên và cái chết của me, tôi cũng chưa hề kể cho ai
nghe về cái giấc mơ có chiếc kén màu đen của mình. Tất
cả những thứ đó tôi chỉ giữ kín trong lòng. Và tôi chịu
đựng ngày này qua tháng nọ... Có điều tôi tin chắc là
lời dì Ba tôi nói là thật. Dì Huyên đẹp và khéo như vậy.
Chắc chắn phải là cái nguyên nhân chính đưa đến cái chết
của mẹ tôi. Vì vậy lúc nào tôi cũng cảnh giác, thờ ơ với
những săn đó của dì. Nhiều lúc nghĩ đến nỗi đớn đau của
mẹ, tôi còn thù hận. Nói vậy thì cũng chưa công bằng.
Với một đứa con gái có trái tim yếu đuối như tôi thì làm
gì không biết cảm xúc trứơc những cư xử tốt của người
khác? Vì vậy đôi lúc tôi như bị giằng co.
Tóm lại, tôi là một con người đầy mâu thuẫn và phức tạp.
Với Kiến Quân, gã con trai có nét mặt lạnh lùng với một
chút ngạo mạn, thì từ khi hắn vào ở hẳn trong nhà... Tôi
cũng rất ít tiếp xúc. Ba năm kế tiếp. Mặc dù ở chung
dưới một mái nhà, nhưng chúng tôi rất ít khi nói chuyện
với nhau. Gặp nhau nhiều lúc chỉ trơ mắt ngó, chớ cũng
không chào. Giữa chúng tôi hình như có một bức tường
ngăn cách một mối thù hận truyền kiếp. Cho mãi đến lúc
tôi lên trung học. Tôi còn nhớ hôm ấy vào mùa hè, thì
một sự kiện xảy ra đã làm đảo lộn hết mọi thứ.
Mùa hè năm đó, cha và dì Huyên kéo nhau đến Nhật Nguyệt
Ðầm du lịch. Ở nhà còn lại tôi, Kiến Quân và một người
tớ gái mà đã làm cho chúng tôi lâu năm.
Và để tránh mặt Kiến Quân, suốt ngày tôi cứ rúc trong
phòng riêng. Chỉ khi đến giờ cơm tôi mới ra ngoài và chỉ
chạm mặt Kiến Quân lúc đó.
Cha và dì Huyên đi nghỉ mát được ba ngày, thì gởi một
bức thư về nhà. Hôm ấy khác với thường lệ, tôi có mặt ở
ngoài nên nhận được thư. Mặc dù ngoài phong bì ghi là
gởi cho Kiến Quân, nhưng nhìn nét chữ thấy là của cha
tôi, nên tôi bực mình. Thư của cha mình gởi sao không
gởi cho mình lại gởi cho Kiến Quân. Nhưng mà đã là thư
của cha mình thì mình có quyền coi, bất luận đó là gởi
cho ai. Thế là lợi dụng lúc Kiến Quân bận, tôi xé thư ra
đọc.
Nhưng đọc xong lá thư tôi lại càng bực mình hơn. Thư cha
viết cho Kiến Quân, hoàn toàn không đá động gì đến tôi.
Phần lớn ý thư chỉ bảo Quân gắng chăm sóc nhà cửa, lo
lắng cho tôi. Cũng chính vì bức thư chẳng hề hỏi han gì
đến, nên tôi cảm thấy tự ái bị xúc phạm. Ðọc xong thư,
tôi mang đến trước mặt Quân, ném ngay trước mặt anh
chàng. Bức thư quá đà lại rơi xuống đất, nhưng tôi cũng
không buồn nhặt lên.
Quân kiên nhẫn cúi xuống nhưng khi nhìn vào phong bì,
thấy đề tên mình. Anh chàng đã ngẩng lên, lạnh lùng nói
với tôi:
- Cô là con người bất lịch sự, cô không có quyền mở thư
tôi ra xem, biết không?
Nhưng tôi ngang bướng nói:
- Thư này là của cha tôi viết, chứ không phải là cha của
anh thì tôi có quyền đọc.
Kiến Quân hừ một tiếng trong cổ họng rồi nói:
- Bộ cô tưởng tôi thích ông ta làm cha tôi lắm à? Nhưng
mà dù có thế nào, thì cô cũng không có tư cách mở thư
tôi ra, cô hiểu chưa? Cô có học cơ mà!
Hắn nói với thái độ khiêu khích. Hắn lại dám khinh
thường cả cha tôi, điều đó làm cho tôi nổi giận, tôi nói
ngang:
- Tôi thích mở thì mở, đây là nhà của tôi. Anh và mẹ anh
đều không phải là người của nhà này. Anh chỉ là một kẻ
không cha, không nhà.
Lời của tôi như một xúc phạm. Kiến Quân trừng mắt, hai
nắm tay anh ta nắm lại như muốn đấm tôi. Nhưng không
hiểu sao, đôi tay vừa cong lên đã buông thõng xuống.
Anh ta chỉ nghiến răng nói:
- Mi đúng là một con điên!
- Không phải!
Tôi hét, nhưng Kiến Quân vẫn nói:
- Phải, vì mẹ mi điên thì chắc chắn là sau này mi cũng
sẽ bị điên!
Tôi đứng sững đó. Từ xưa đến giờ chưa ai dám xúc phạm
tôi như vậy. Tôi cũng không quen chuyện cãi nhau. Vì vậy
mỗi lần nói không lại ai, điều trước tiên là tôi sử dụng
vũ khí duy nhất của mình là nước mắt. Nước mắt tôi cứ
chảy dài xuống má. Hắn dám nói tôi điên, lại còn cười
ngạo là mẹ tôi điên nữa? Tôi tức đến độ thở không ra
hơi. Mà khi đã tức thì lưỡi tê cứng, không nói năng gì
được. Chỉ có nước mắt.
Lúc đầu Kiến Quân còn sừng sộ. Nhưng rồi nước mắt của
tôi hình như cũng có sức mạnh. Ðôi nắm tay của Kiến Quân
nới lỏng ra, anh chàng có vẻ như nao núng. Tôi thấy Quân
nhún vai, như tỏ ra bất cần. Nhưng rồi anh chàng như áy
náy. Anh ta trợn mắt, rồi nói luôn một hơi:
- Thôi đủ rồi, đủ rồi! Ðừng có khóc nữa, tôi có nói gì
nặng đâu mà cô khóc chứ? Sau mau nước mắt dữ vậy? Học
trung học rồi chứ còn nhỏ nhắn gì đâu? Người lớn không
được khóc.
Mặc cho Kiến Quân nới, tôi vẫn khóc. Và sau khi khóc hả
hê.
Tôi vẫn giận nên giáng một dòng nặng nề với Quân:
- Anh có biết mẹ tôi vì mẹ anh mà phát điên không? Ai
cũng biết chuyện đó. Tất cả các người đều là kẻ giết
người cả.
Kiến Quân như bi quật bất ngờ. Anh chàng đứng ngẩn ra.
Trong khi tôi thì quay người bỏ đi ngay. Tôi vào phòng
riêng của mình, đóng sập cửa lại, không thèm biết chuyện
gì xảy ra bên ngoài nữa.
Nhưng thật không may. Tối hôm ấy trời lại mưa giông.
Trận mưa bắt đầu từ chiều. Tôi vì không chịu ra ngoài,
nên cô tớ phải mang phần ăn riêng của tôi vào phòng. Ăn
xong, tôi lên giường trùm chăn. Gió ngoài song cửa ù ù
không ngớt. Mưa càng lúc càng nặng hột, rồi sấm chớp.
Những tia sáng vẽ lên nền trời những khuôn mặt ma quái.
Gió quật cả những cành cây vào tường tạo nên những âm
thanh ghê rợn. Bóng tối càng lúc càng dày đặc. Nhưng như
vậy chưa hết. Gần chín giờ tối lại cúp điện. Thế là bóng
đen bao trùm. Tôi hét lên. Cô tớ gái quá quen thuộc với
cái nhát gan của tôi, nên vội vã mang nến vào. Cây nến
to màu đỏ sáng rực, vậy mà trước cái gió ào ào, nó cũng
leo lét như đóm lửa ma trơi. Lại không đứng yên cứ lay
động như chợt tắt.
Tôi quấn chặt chăn trên giường, mà mắt lại cứ nhìn ra
cửa sổ.
Sấm chớp sáng rực ngoài song như đe dọa, rồi những tiếng
nổ lớn thỉnh thoảng lại vang lên, khiến tôi không làm
sao ngủ đuợc. Mưa gió bên ngoài ào ào lại khiến tôi nhớ
tới người mẹ điên đã mất làm đầu óc tôi căng thẳng.
Mãi đến thật khuya tôi mới ngủ được.
Nhưng chợp mắt chỉ được một chút, tôi lại nằm mơ. Vẫn là
cơn ác mộng. Người mẹ điên của tôi với mái tóc rối bù.
Vẫn đôi mắt thất thần, chụp lấy đôi vai của tôi. Ðôi
cánh tay như đôi gọng kềm của người làm tôi không thoát
đi đâu được. Người lại chỉ cho tôi xem chiếc kén màu
đen, rồi cỗ quan tài gỗ mun bóng. Thế là tôi hét, tôi
vùng vẫy kêu to...
Sau đấy tôi nghe có tiếng cửa mở, rồi ai đó lại nắm lấy
tôi lắc mạnh. Tôi tỉnh dậy, mở mắt ra. Tôi phát hiện là
mình đang nằm trong vòng tay của Kiến Quân. Ánh mắt của
anh chàng nhìn tôi lo lắng, chăm sóc chứ không thù hận.
Anh chàng vỗ vỗ nhẹ lên vai tôi, nói:
- Không sao chứ Thanh Thanh? Chẳng có gì cả chứ?
Tôi không còn la hét, nằm yên trong vòng tay của Kiến
Quân. Tôi hơi ngạc nhiên. Anh chàng không giận tôi? Và
tôi cứ thế nằm yên. Ánh mắt của tôi hình như khiến Quân
hơi ngượng. Chàng cũng ngồi yên như vậy. Nhưng Quân lại
không buông tôi ra. Nằm trong lòng Quân tôi thấy thật
ấm. Tôi không lo sợ gì nữa cả.
Một lúc sau, Quân mới đặt tôi nằm xuống, rồi kéo chăn
đắp lên người tôi. Chăn được đắp đến tận cổ. Tôi như một
chú mèo con ngoan ngoãn nằm đấy.
Sau đó Quân cứ đứng ở cạnh giường trông chừng. Ðiện vẫn
chưa có, nên căn phòng tối om, chỉ có ngọn nến với ánh
sáng leo lét. Dưới cái ánh sáng mờ ảo đó, khuôn mặt Quân
thật xa vời. Rồi không biết nghĩ sao. Quân hành động
giống hệt như cha tôi. Chàng cúi xuống hôn nhẹ lên trán
tôi, vỗ về:
- Ổn cả, không có chuyện gì nữa đâu. Ngủ đi, mưa sắp
tạnh rồi.
Hơi ấm trên môi chàng phả lên mặt tôi, tạo một cảm giác
lạ lùng. Quân cứ thế ôm miết lấy tôi không buông ra. Môi
chàng lại kéo dài xuống má, rồi xuống môi.
Tôi nghe tim mình đập mạnh. Năm đó tôi mới tròn muời ba
và Kiến Quân đã mười sáu. Tôi chưa biết đó có phải là
tình yêu không. Nhưng đã thấy có cái gì lao xao trong
lòng. Vòng tay ôm của chàng thật ấm.
Cơn bão đã tạnh thật sự, vì khi tôi mở mắt ra thì mưa
gió đã dịu bớt. Những hạt mưa chỉ còn rả rích trên tàu
lá.
Kiến Quân thấy tôi nằm yên, chàng thổi tắt nến và lặng
lẽ rời khỏi phòng.
Sau cái đêm giông bão đó. Tôi và Kiến Quân không còn mặt
trắng mặt đen nữa. Ðôi lúc nghĩ lại tôi vẫn thấy ngượng,
nhưng Kiến Quân thì khác, chàng khoan dung như một người
lớn có lẽ chàng đã quên và hết lòng chăm sóc tôi.
Rồi thời gian vùn vụt trôi qua. Chúng tôi như những cây
lúa trong đồng, Kiến Quân là chàng trai thật sự, còn tôi
là cô gái đang trổ mã.
Kiến Quân tốt nghiệp phổ thông xong, lên Ðài Bắc tiếp
tục học đại học.
Trong khi tôi vẫn còn ở lại Cao Hùng lo nốt những năm
cuối ở trường phổ thông.
Và khi Quân vắng nhà, thì Vỹ xuất hiện.
Năm đó tôi vừa mười bảy tuổi.
Chương 3
Nhất Vỹ là con trai của một người bạn của cha.
Gia đình anh ấy khá giả hơn chúng tôi. Cha là giám đốc
một công ty dệt lớn ở Ðài Loan. Lần đầu tiên anh Vỹ đến
nhà, là lúc anh mới tốt nghiệp đại học, được cha phân
phụ trách một phân xưởng của công ty tại Cao Hùng.
Vì phân xưởng này nằm ở Cao Hùng, thế là Nhất Vỹ về Cao
hùng ở. Vỹ được cha đưa đến nhà làm quen. Năm đó tôi
đang học lớp mười hai, sắp thi tốt nghiệp phổ thông,
đứng trước ngưỡng cửa đại học mà các môn toán, lý, hóa
của tôi lại rất yếu. Thế là dựa vào chỗ quen biết, cha
đã nhờ Vỹ kèm cặp cho tôi.
Vỹ trở thành thầy dạy kèm. Vỹ giống như Kiến Quân. Chàng
có vóc dáng cao lớn, nhưng nếu Quân ngang tàng cố chấp
thì Vỹ là con người nho nhã như thư sinh. Cái đôi kính
cận trên mũi và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi chàng,
càng làm tăng thêm cái vóc dáng trí thức. Vỹ rất nề nếp.
Lúc nào cũng làm việc đúng giờ. Chàng đến dạy không công
cho tôi nhưng lại rất nghiêm khắc. Tôi không làm sao
biếng lười được.
Giống như Kiến Quân, lúc đầu Nhất Vỹ cũng coi tôi như
một đứa em gái, nhưng Vỹ khác với Quân một điều là ngoài
chuyện học, còn muốn làm gì thì làm. Vỹ không can thiệp
vào đời tư của tôi.
Bấy giờ tôi là một cô gái mới lớn. Tôi đã biết thế nào
là tình yêu.
Vỹ có đủ mọi điều kiện. Khỏe, đẹp trai, giàu có. Nhưng ở
bên Vỹ, tôi lại không hề bị tiếng sét ái tình. Bởi vì...
Vỹ toàn bích quá... Chàng như một viên ngọc sáng chỉ để
ngắm hơn là để dùng. Vỹ sống một cách máy móc. Trong khi
tôi lại là cô gái có một chút óc lãng mạn, tôi thích
đuợc nguời khác săn đón, quan tâm hơn.
Ở cái tuổi mười tám. Cái tuổi đẹp nhất của con gái. Bấy
giờ vào dạo hè, Kiến Quân từ Ðài Bắc quay về. Hôm đó tôi
lại đi phố. Ðến lúc quay về thì nghe cha nói:
- Kiến Quân nó về tới nãy giờ. Nó đang đợi con ở trong
phòng đấy.
Tôi vội đi vào... Trông thấy Quân đang đứng trước bàn
học của tôi. Lưng chàng quay về phía cửa. Anh chàng đang
xem trộm nhật ký của tôi. Thế là tôi hét lên. Giật nhanh
quyển vở trên tay chàng. Tôi không muốn ai biết chuyện
riêng tư của mình. Nhất là khi phần lớn đề tài trong ấy
là nói về Quân.
Nhưng hình như Quân đã đọc được. Chàng quay qua nắm lấy
tay tôi, rồi buông tiếng thở dài, nói:
- Thanh Thanh, em đúng là con người đa sầu đa cảm. Em cứ
nghĩ ngợi lung tung như vậy, hèn gì cứ gầy mãi.
Tôi tự ái:
- Chứ mập để làm gì? Ðể trở thành chiếc thùng ruợu biết
đi à?
Quân cuời rồi hỏi tiếp:
- Thế nào? lúc này còn nằm mơ không? Có bị ác mộng quấy
rầy để kêu thét lên như trước không?
Tôi bẽn lẽn:
- Thỉnh thoảng vẫn có.
- Vậy à? Quân chăm chú nhìn tôi rồi thở ra nói - Thanh
Thanh cần phải thay đổi nếp sống. Cần phải tự tin hơn.
Ði xa một thời gian quay về, thấy Thanh vẫn nhút nhát,
yếu đuối. Thanh không lớn được chút nào cả.
Tôi bĩu môi:
- Lớn để làm gì?
- Ðể là gì ư? Kiến Quân nhìn thẳng vào mắt tôi - Em có
biết năm nay em bao nhiêu tuổi rồi? Em muốn anh phải đợi
đến bao giờ chứ?
- Anh nói thế là thế nào?
Tôi giả vờ như không hiểu. Quân trợn mắt:
- Em thật sự không hiểu, hay là giả vờ không hiểu?
Và bất ngờ, Quân cuối xuống hôn tôi. Tuy bất ngờ nhưng
không hiểu sao tôi cũng không phản kháng. Tôi như đã có
cái linh cảm là một ngày nào đó rồi tôi sẽ thuộc về Kiến
Quân, nên đã đón nhận nụ hôn trên một cách tự nhiên.
Thế nhưng khi Quân buông tôi ra. Vừa quay lại, tôi đã
nhìn thấy cái bóng của dì Huyên vừa khuất sau cửa. Ðiều
này tạo cho tôi một phản ứng khó chịu, một phản kháng.
Thế này là thế nào? Tôi cảm thấy như sự thân mật của
chúng tôi đã có sự sắp xếp của người lớn. Mặc dù bấy giờ
tình cảm của tôi với Kiến Quân phải nói là rất tốt đẹp.
Vắng Quân thấy nhớ. Quân về tôi mới thấy vui. Nhưng mà
tại sao chuyện tình cảm của tôi với Quân lại không thoát
sự thanh sát của người lớn? Tại sao? Ðấy là tình yêu ư?
Không! Tình yêu như vậy không trọn vẹn.
Hay là... đấy không là tình yêu! Người lớn và biết đâu
cả với Kiến Quân, họ đã có sự thỏa thuận ngầm? Chẳng hạn
như để có được tình yêu của dì Huyên. Cha đã bán đứng
tôi cho Quân? Tôi phân vân nghĩ. Và cái ý niệm đó làm
cho tôi khó chịu. Mọi người đã coi tôi như một món hàng
trao đổi? Và tuy không nói ra, nhưng cái mặc cảm đó đã
hình thành trong đầu tôi.
Tối hôm ấy. Khi ngủ tôi lại mơ thấy ác mộng. Mẹ tôi với
mái tóc rối bù, đôi mắt ngây dại, và những ngón tay
khẳng khiu đến rủ tôi trốn đi bằng chiếc kén màu đen tối
tăm...
Tôi giật mình thức giấc, mồ hôi ướt đẫm lưng. Tôi ngồi
cạnh giường và suy nghĩ. Tôi biết mẹ tôi không hài
lòng... Người không muốn tôi và Kiến Quân yêu nhau. Bên
tai tôi như vang rõ tiếng nói của người.
- Thanh Thanh này, tuyệt đối không được nghe con! Con
nghe mẹ dặn này, tuyệt đối con không được lấy con trai
của kẻ thù, con đừng làm dâu cho nó. Vì như vậy là chịu
thua. Con cố tránh xa, tránh thật xa cái tay con trai
nguy hiểm đó đi con ạ.
Và thế là có một sự giằng co tình cảm trong tôi. Suốt
mùa hè đó, tinh thần tôi xuống thật thấp, tôi sống trong
trạng thái phân vân. Dù có được mọi người chìu chuộng rủ
rê đi chơi, tôi chẳng có một cảm giác thoải mái. Tôi cứ
bị cái cảm giác trao đổi ám ảnh.
Và chính cái mâu thuẫn giằng co kia đã làm cho con người
tôi trở nên lạnh lùng, đôi khi tôi thờ thẫn như người
mất hồn, làm Kiến Quân tức giận. Chàng không hiểu, tại
sao tôi lại thờ ơ với chàng như vậy? Nhưng lại đoán "mò"
cái nguyên nhân tạo cho tôi thái độ thờ ơ đó. Có lúc
không dằn được, Quân đã nổi nóng gây gổ với tôi. Cái
tính nóng nảy, ngang ngược của Quân, khiến bất cứ một
chuyện nhỏ nào cũng có thể là nguyên nhân của một trận
gay gổ. Chẳng hạn như, có một hôm Kiến Quân rủ tôi đến
hồ Ðại Bối bơi thuyền, hôm ấy tôi mệt không muốn đi, nên
từ chối. Thế là Quân chụp lấy đôi vai tôi lắc mạnh, lắc
đến độ tôi tối tăm mày mặt, Kiến Quân buông tôi ra thì
tôi lảo đảo muốn ngất xỉu. Bấy giờ Quân mới biết là tôi
mệt thật. Chàng vội ôm lấy tôi vào lòng, hôn hít rồi xin
lỗi:
- Xin lỗi, Thanh Thanh nhé. Anh thật vô tâm, anh nào có
muốn vậy, nhưng tại yêu em quá mà.
Suốt cái mùa hè năm đó, tuy yêu nhau nhưng tình cảm của
chúng tôi lúc nào cũng vần vũ mây đen. Sự gây gổ có thể
đến bất cứ lúc nào.
Cuộc sống căng thẳng. Kiến Quân suy luận rồi bắt đầu
nghi ngờ Nhất Vỹ.
Nhất Vỹ mỗi ngày vẫn đều đặn đến dạy, đến ôn bài cho
tôi. Ðiều này làm Kiến Quân ganh tị. Như tôi đã nói Kiến
Quân và Vỹ là hai thái cực khác nhau. Vỹ mực thước, đúng
giờ. Làm việc có nguyên tắc. Cha tôi thường hay ca ngợi,
còn Quân thì hay bốc đồng, điều này khiến Quân ghét Vỹ,
gọi Vỹ là cái "đồng hồ quả lắc", là con người máy. Bất
cứ việc gì cũng phải canh cho đúng giờ. Cả hai gần như
không hề nói chuyện với nhau.
Hôm ấy Vỹ vẫn đến kèm cho tôi. Chỉ còn hơn tháng nữa là
kỳ thi tốt nghiệp đến và sau khi tốt nghiệp xong tôi còn
phải chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học. Vào được đại học
tôi sẽ là người lớn.
Tôi ngồi vào bàn học. Sự căng thẳng giữa tình yêu của
Kiến Quân và mối thù của mẹ cứ hành hạ tôi. Bài tập giở
ra trước mặt. Tay chống cằm nghe Vỹ giảng toán mà tôi
chẳng nghe lọt câu nào. Tiếng của Vỹ đều đều về "xác
suất":
- Giả sử như bây giờ mình chơi cờ, bạn nhé - Vỹ thấy
thái độ lơ đễnh của tôi, chàng như muốn gây sự lôi cuốn
nên viện dẫn một thí dụ rất lạ - Chúng ta có tất cả bốn
con lúc lắc này. Mỗi con có sáu mặt. Ở đây cần nhấn mạnh
một điều là, sáu mặt có sáu con số khác nhau từ một đến
sáu. Ðúng không? Bây giờ chúng ta ném xuống. Hỏi chúng
ta có thể có mấy trường hợp xảy ra? Ðấy Thanh Thanh thấy
đấy. Chỉ với một con lúc lắc ta đã có đến sáu trường
hợp...
Vỹ nói, nhưng lời của Vỹ vừa chui vào lỗ tai bên này thì
đã lọt qua lỗ tai bên kia ra ngoài. Nắng chiều xuyên qua
cửa sổ, giọi xuống bàn học tạo thành hai mảnh lụa sáng
dài. Cái khuôn mặt nghiêm túc của Vỹ trông buồn cuời làm
sao. Chợt nhiên tôi không nhịn được cười và cười phá
lên.
Vỹ châu mày nhìn lên. Chàng nhìn tôi với ánh mắt ngạc
nhiên rồi như giận dữ. Tôi chợt thấy sợ hãi, nên phân
bua:
- Anh Vỹ, anh có cái nút ruồi đen ngộ quá ở bên dái tai
đấy.
Thái độ của tôi làm Vỹ như một quả bóng xì hơi, anh
chàng nói:
- Hình như Thanh Thanh có cái tật vui buồn bất chợt thế
nào đấy. Thanh không được bình thường.
Lời của Vỹ làm tôi giật mình. Tôi có cái mặc cảm. Tôi cứ
bị ám ảnh bởi cái điên của mẹ. Với cái gen di truyền,
nên thấy ai cho là tôi bất thường, tôi thường rất ngại.
Tôi vội ngồi ngay ngắn lại một cách hối lỗi. Tôi nghe Vỹ
nói:
- Thế nào? Thanh Thanh. Hôm nay cô có tâm để học không?
Nãy giờ tôi đoán là tôi đã làm một việc rất hoài công.
Chẳng có một cái chữ nào chui vào đâu cô cả. Nếu cô
không muốn học, thì buổi học hôm nay sẽ ngưng lại ở đây
vậy?
- Ơ! Tôi lúng túng một cách kỳ cục. Tôi không muốn Vỹ về
lúc này. Vì nếu Vỹ về tôi phải đối diện với Quân, nên
nói - Em xin lỗi, em sẽ cố gắng nghe đây, ban nãy em
cũng có nghe chứ?
- Ðuợc rồi - Vỹ nghiêm giọng nói - Vậy thì Thanh Thanh
hãy nói lại cho tôi biết xem, ban nãy tôi đã giảng đến
đâu rồi?
- Anh đang giảng đến... giảng đến... Mắt tôi rảo trên
bàn cố tìm ra một chứng tích gì về bài học. Nhưng chẳng
có gì cả. Và chợt nhiên tôi nhớ ra con lúc lắc - À, đúng
rồi anh đang nói đến chuyện đánh bạc.
Tôi nói một cách mừng rỡ. Có lẽ Vỹ đang giận lắm. Nhưng
thấy cái thái độ trẻ con của tôi, anh chàng lại mềm lòng
đi. Không nỡ rầy. Nhưng Vỹ vẫn chưa hết bực dọc:
- Ðánh bạc? Nhưng tại sao tôi lại nói đến chuyện đánh
bạc chứ?
- Cái đó... cái đó thì... Tôi quay lại chớp chớp mắt
nhìn Vỹ rồi chịu thua. Tôi nói - Em cũng không biết.
- Sao lại không biết? Tôi đang dạy Thanh Thanh học cơ
mà?
Tôi bối rối, nhưng cũng phản ứng thật nhanh:
- Ồ... anh làm gì mà hung dữ vậy chứ?
Lời của tôi có tác dụng ngay. Sắc mặt của Vỹ dịu hẳn
xuống, anh chàng thở dài rồi nói:
- Thôi được rồi. Bây giờ chúng ta bắt đầu trở lại. Lần
này Thanh Thanh phải chú ý lắng nghe nhé... Nếu mà thi
rớt đại học là quê lắm. Thanh Thanh sẽ làm tôi mang
tiếng cả với bác ở nhà. Này nhìn vào bài.
Truớc hết ta định nghĩa thế nào là xác suất... Và Vỹ bắt
đầu trở lại. Vỹ là con người như vậy đó.
Không biết Vỹ có biết chuyện tình cảm giữa tôi với Kiến
Quân không, có điều chàng rất tỉnh. Khi đến nhà là chỉ
lo dạy học chứ không nói năng gì đến chuyện khác.
Và mùa hè lặng lẽ trôi qua. Kiến Quân rồi phải khăn gói
lên đường trở lại thành phố. Mặc dù giữa chúng tôi như
đã có tình yêu. Nhưng mà không hiểu sao, tôi lại chẳng
có một chút bức rứt gì về chuyện chia ly cả. Tôi như một
kẻ đầy mâu thuẫn. Sự ra đi của Quân tuy có tạo khoảng
trống tình cảm, nhưng cũng khiến tôi thấy nhẹ nhàng.
Buổi tối trước ngày Quân lên đường. Quân đã đi vào phòng
tôi, chàng ôm tôi hôn nồng nhiệt. Nhưng những nụ hôn hôm
đó hình như quá thô gạo, không gây hứng thú cho tôị Trái
lại chỉ tạo thêm mặc cảm. Từ tiềm thức, tôi cảm thấy như
nguời mẹ điên của tôi đang núp ở một góc cạnh nào đó
trong phòng đang theo dõi từng hành vi của tôi. Và chính
cái cảm giác đó, làm cho nụ hôn kia trở nên tội lỗi...
khiến tôi sợ hãi và mất cảm giác hứng khởi.
Kiến Quân đang hôn, chợt đẩy tôi ra, hỏi:
- Thanh Thanh, em làm sao thế?
Tôi lắc đầu:
- Không có gì cả.
Kiến Quân chăm chú nhìn tôi, như muốn tìm kiếm một cái
gì đó. Rồi chàng nói:
- Nhiều lúc, tôi thấy em thật nhiệt tình, nhưng đôi lúc
nó lạnh lùng làm sao đấy. Anh thấy em khác người thế nào
ấy.
Tôi im lặng chẳng nói gì. Kiến Quân lại siết chặt tay
tôi trong tay chàng chàng:
- Thanh Thanh, em có biết là... Anh yêu em lắm không?
Tôi gật đầu, chàng hỏi tiếp:
- Vậy thì... Em có yêu anh không?
Tôi không đáp. Bởi vì khuôn mặt của mẹ tôi không cho tôi
đáp, tôi chỉ mở to đôi mắt nhìn. Quân có vẻ nóng nảy.
Chàng kéo tôi sát bên chàng rồi nâng cằm tôi lên, hỏi:
- Nếu em cho là không biết, thì để anh nó cho em nghe
nhé. Em yêu anh... Và anh sẽ dạy cho em biết tình yêu là
thế nào? Em phải hôn anh thế này đây.
Rồi chàng lại cúi xuống. Cuồng nhiệt hôn lấy tôi, Quân
làm tôi muốn nghẹt thở. Và cái phản xạ tự nhiên làm tôi
phải vòng tay qua cổ chàng. Tôi thấy mình như chới với,
bay bổng đến nơi nào đó. Nhưng rồi tôi lại rùng mình.
Cái lạnh chạy dài trên sống lưng, làm tôi đẩy Quân ra.
Tôi nhìn quanh khắp phòng tìm kiếm. Hình như mẹ đứng đâu
đấy với đôi mắt nghiêm khắc nhìn tôi.
Kiến Quân hỏi:
- Em làm sao nữa vậy? Có chuyện gì chứ?
- Em cũng không biết- Tôi nói - Em cũng không biết tại
sao nữa.
Kiến Quân nhìn tôi thật lâu, rồi không hiểu nghĩ sao,
chàng nói:
- Thế này anh không chịu được, em có đồng ý là chúng
mình đính hôn với nhau trước không?
Tôi lắc đầu, viện cớ:
- Chúng ta là anh em, không thể như thế được.
Quân trừng mắt:
- Tôi họ La còn em họ Từ, làm sao gọi là anh em? Vả lại
mình nào có cùng dòng máu đâu? Tôi cũng đã nghiên cứu
luật pháp rõ ràng. Chúng ta có thể kết hôn với nhau một
cách hợp pháp, tự nhiên mà không sợ ai dè bỉu cả.
Tôi cũng biết chuyện đó nhưng tôi kiếm kế hoãn binh:
- Em còn nhỏ quá. Em thấy là tốt nhất chỉ nên lập gia
đình sau khi đã tốt nghiệp đại học.
Kiến Quân nhìn tôi chau mày. Chàng suy nghĩ gì đó, rồi
buông tôi ra, chàng nói:
- Thôi được, anh lên thành phố và mong là dịp nghỉ tết
tới về đây sẽ thấy em đổi ý kiến.
Rồi chúng tôi đi ra ngoài.
Sáng hôm sau, trời còn tờ mờ sương, khi tôi còn chưa
thức dậy thì Kiến Quân đã ra đi. Mãi tháng sau, khi dịp
nghỉ tết đến chàng mới quay về.
Lúc trở về. Kiến Quân vẫn nuôi hy vọng. Nhưng thật ra
thì cái tình trạng mâu thuẫn trong tôi vẫn không thay
đổi. Kiến Quân càng nhiệt tình, tôi càng trốn lánh, càng
sợ hãi. Mặc dù trong tiềm thức, tôi lại rất khao khát
được gần chàng.
Tôi như một kẻ mà thần kinh có vấn đề. Một thứ tâm thần
phân liệt. Lúc Quân hững hờ, thì tôi đau khổ nhớ nhung.
Nhưng khi Quân tìm đến, thì tôi lại tìm cách lẫn tránh.
Cái tình trạng đó càng khiến cho Quân bực tức, nóng nảy.
Nhưng rồi khi cơn giận nguôi đi, Quân lại phải xin lỗi.
Tôi thì càng lúc thấy tinh thần căng thẳng, tôi đau khổ,
nhưng lại không thể bày tỏ cho Quân biết cái mặc cảm
phạm tội khi quá thân mật với chàng. Khuôn mặt xanh xao
của mẹ, hình như lúc nào cũng sẵng sàng hiện ra để trách
cứ tôi.
Cứ thế tôi đau khổ.
Rồi ngày nghỉ tết lại qua. Cuộc sống trở lại phẳng lặng
như cũ. Tôi dồn hết tâm trí vào việc học. Kết quả tôi
tốt nghiệp cấp III đạt loại giỏi. Lại được tuyển thẳng
vào trường đại học Thành Công. Trường đại học ở Ðài
Loan, phần lớn theo chế độ nội trú. Nên bốn năm ở đại
học, tôi ở luôn trong truờng. Thỉnh thoảng trong dịp hè
tôi cũng có quay về Cao Hùng, và dĩ nhiên là có gặp lại
Kiến Quân. Nhưng tình trạng mâu thuẫn về tình cảm giữa
chúng tôi cũng chưa đuợc cải tiến. Khi tôi lên năm thứ
hai, thì Kiến Quân cũng đã ra trường. Vì tôi, chàng đã
bỏ mất một chỗ làm béo bở ở Ðài Bắc, để nhận một nhiệm
sở khiêm tốn ở một xí nghiệp quốc doanh phía nam. Tôi
biết Quân làm như vậy là để được gần gũi và để canh
chừng tôi.
Bây giờ, vì tôi đã học đại học, nên Vỹ không phải kèm
cặp bài vở cho tôi nữạ Nhưng anh chàng vẫn cứ đến, đến
một cách đều hòạ Mỗi lần có tôi ở nhà, Vỹ cũng ghé qua.
Không để làm gì. Chỉ ngồi trong phòng khách xem báo,
nghe nhạc. Anh chàng thật lạ. Có thể ngồi như vậy suốt
mấy tiếng đồng hồ liền. Lẳng lặng không nói, không động
đến ai.
Vỹ làm cả nhà tôi ngạc nhiên. Lúc đầu người nhà còn sợ
Vỹ buồn. Ngồi tán gẫu với chàng. Nhưng sau thấy Vỹ hình
như thích ngồi một mình hơn nên lại thôi. Gần như ai
cũng thắc mắc Vỹ đến với mục đích gì? Vỹ trái lại như
rất thoải mái khi được ngồi một mình trong phòng khách
nhà tôi, nhưng cứ như vậy hoài thì Kiến Quân nghi ngờ.
Có lần Quân bực dọc, nói toẹt với tôi:
- Cái anh chàng Nhất Vỹ này, chắc hắn đến đây vì em đấy.
- Vì em? sao hắn không lên tiếng?
Tôi cuời hỏi.
- Cần gì lên tiếng, người ta chỉ cần kiên nhẫn ngồi như
vậy, lâu ngày là em sẽ phải xiêu lòng thôi.
Quân nói, tôi chỉ cuời. Làm gì có chuyện đó. Bởi vì
trong đầu tôi, từ nào đến giờ chưa hề nghĩ đến chuyện có
tình yêu với Vỹ. Cái anh chàng sống như chiếc máy. Lại
không biết nịnh đầm. Ai yêu cho được? Kiến Quân khéo là
đa tâm.
Và như để trắc nghiệm điều mình đã nghĩ. Sau đó, khi Vỹ
đến nhà. Quân đã cố tình giả vờ như rất thân mật với
tôi. Ðứng trước mặt Vỹ nói chuyện, Quân còn vòng tay qua
người tôi, đôi lúc nắm lấy tay tôi cợt nhã.
Nhưng mà Vỹ vẫn tỉnh bơ, chàng cứ cắm đầu đọc báo như
chẳng thắc mắc gì hết.
Sau mấy lần thử thách như vậy. Quân có vẻ yên tâm. Không
còn để ý chuyện Vỹ đến nhà tôi nữa. Có lẽ Quân nghĩ Vỹ
vì sống xa nhà nên thích có một điểm thân mật nào đó để
ngồi chơi thôi.
Nhưng sự đời nào có bình thản như vậy. Có nhiều thứ phải
đến đã đến, mà lại đến một cách bất ngờ nữa và nó lại
không giống như ý ta.
Năm đó tôi vừa tốt nghiệp đại học.
Bất chợt một chiều mưa
Quỳnh Dao
Chương 4
Sau bốn năm đại học, tôi đã trưởng thành.
Hôm ấy, cả nhà ngồi quây quần trong phòng khách nói
chuyện. Chuyện thì đủ thứ, sau cùng đề cập đến tình
trạng của tôi và Kiến Quân.
Thật ra thì chuyện hai đứa gần như ai cũng biết. Chỉ
thiếu một lễ cưới thôi. Bấy giờ tôi cũng đã trưởng
thành, thì đề cập đến chuyện tác hợp cũng là một điều
rất hợp lý.
Vậy mà không hiểu sao, tôi lại thấy căng thẳng. Khi cha
tôi đưa ra ý kiến là lễ cưới nên cử hành càng sớm càng
tốt. Tôi đã thấy như bị đe dọa. Tôi ngồi cuộn người
trong ghế, cứ cắn miết cái móng tay. Mọi người thảo luận
vui vẻ, còn tôi thì yên lặng. Có một bóng ma vô hình đâu
đây, ngăn cách tôi với mọi người.
Sau đó, dì Huyên nói:
- Theo tôi thì, lễ cưới nên cử hành trong mùa thu là hay
nhất. Không cần phải rình rang lắm cũng khỏi phải mua
nhà riêng. Tòa nhà này khá rộng, ta chỉ cần nới rộng căn
phòng của Kiến Quân ra gấp đôi là được. Cho chúng nó ở
chung nhà với mình, có phải là đỡ buồn tẻ hơn không?
- Ý kiến của em khá hay, nếu chúng không phản đối ta
thông qua. Chắc không còn vấn đề gì nữa chứ?
Cha nói và quay qua nhìn chúng tôi, rồi như chợt nhớ ra
điều gì thú vị lắm, người cười với dì Huyên, tiếp:
- Bây giờ mọi thứ coi như ổn cả, tôi chỉ còn một thắc
mắc, mà không biết phải giải quyết làm sao đây.
Dì Huyên tròn mắt hỏi:
- Chuyện gì vậy anh?
Cha gãi đầu, rồi làm ra vẻ bức rứt:
- Chúng lấy nhau đã đành, nhưng mà sau này khi có con,
bất luận con trai con gái gì cũng được. Nhưng lúc đó lũ
cháu nó sẽ gọi ta là gì nè? Gọi là ông nội bà nội hay
ông ngoại bà ngoại mới phải lẽ? Phải tính trước chứ bằng
không chúng sẽ gọi lung tung.
Lời của cha khiến dì Huyên và Kiến Quân cười lớn. Chuyện
buồn cười lắm ư? Tôi hết nhìn cha, nhìn dì Huyên rồi
nhìn Kiến Quân. Khuôn mặt của mẹ tôi, ánh mắt trách móc
và cái quan tài đen lại như hiện rõ trước mặt. Và chợt
nhiên tôi thấy cái lạnh chạy dài trên cột sống. Tôi sợ
hãi nhìn quanh tìm kiếm. Mồ hôi lấm tấm trên tráng. Tay
tôi lạnh buốt. Và bất chợt, tôi đột ngột đứng dậy, rồi
hét:
- Không!
- Cái gì không?
Mọi nguời ngồi quanh tôi đã ngạc nhiên.
Cha tôi chau mày... Bấy giờ, tôi mới nhận ra sự lạc điệu
của mình, tôi ấp úng nói:
- Dạ... Dạ... Con chưa muốn lập gia đình.
Lời của tôi làm Kiến Quân quay qua. Chàng tròn mắt:
- Thanh Thanh, em nói thế là thế nào chứ? Em đâu có phải
là trẻ con nữa đâu.
Tôi lặp lại:
- Em chưa muốn lập gia đình.
Kiến Quân tái mặt, và mỗi khi như vậy tôi biết chàng sắp
nổi nóng. Quân nhìn tôi, bậm môi rồi nói:
- Tôi hiểu rồi, không phải là em không muốn lập gia
đình. Mà chỉ có nghĩa là... Em không muốn lấy tôi. Phải
không? Em đã gặp thằng nào trong thời gian học ở đại học
chứ?
Thật ra thì, tôi cũng biết là mình khá đẹp. Trong khoảng
thời gian dài ở đại học, tôi không phải là không có bạn
trai đeo đuổi. Nhưng tôi như một cây hoa trong vườn đã
có chủ nên tôi đã từ chối tất cả. Vậy mà bây giờ Kiến
Quân lại nói vậy. Tôi sợ hãi:
- Không, không...
- Không, thì làm sao chứ?
- Em không có một bạn trai nào khác ngoài anh.
Cha thấy tình hình căng, vội hỏi tôi:
- Con làm sao vậy Thanh. Con thấy trong người thế nào?
Dì Huyên nãy giờ ngồi yên lặng. Dì nhìn tôi như dò xét,
rồi bỗng nói:
- Thanh Thanh, tự nhiên sao tái nguời vậy? Có thấy trong
người thay đổi gì không? Hay là dì gọi bác sĩ đến khám
cho con được chứ?
Thật ra thì giọng hỏi của dì đầy vẻ quan tâm, chứ không
hề có ý khác. Nhưng lúc đó không hiểu sao tôi lại giống
như một chú nhím tự vệ, đầy phản kháng. Thế là tôi trợn
mắt:
- Dì nói sao? Gọi bác sĩ đến à?
Dì Huyên vẫn vô tình:
- Vâng, dì mới quen một ông bác sĩ, từ nước ngoài mới
về... Ông ta là một tiến sĩ về tâm lý học... Dì nghĩ,
con cũng không có bệnh gì đâu, chẳng qua vì tinh thần
căng thẳng quá. Con đến gặp ông ấy đi, cứ trút hết những
vướng mắc thầm kín trong lòng... Dì nghĩ là ông ta có
thể giúp ích được nhiều cho con.
Tôi quay sang dì Huyên. Cơn giận chợt bùng lên trong
đầu. Tôi đứng dậy, bao nhiêu ẩn ức tích trữ trong người
mười mấy năm qua chợt như một cơn hồng thủy phá vỡ đê,
như kho thuốc súng bị châm ngòi, tôi trợn mắt mà nói lớn
đến độ tôi không ngờ:
- Dì nói sao? Dì bảo tôi phải đi gặp bác sĩ tâm thần,
phải không? Dì cho là tôi điên? Ðiên giống mẹ tôi chứ
gì? Hừ, dì lầm rồi, tôi đã không chịu lấy Kiến Quân là
một lý do khác chứ không phải bởi vì tôi có bệnh, dì
hiểu không? Nhưng mà tại sao bắt buộc tôi phải lấy Kiến
Quân chứ? Mấy người nghĩ là tôi điên ư? chẳng lẽ không
lấy Kiến Quân là tôi sẽ không lấy được ai khác à? Hừ...
Mấy người lầm rồi. Tôi sẽ không là vợ của Kiến Quân. Mãi
mãi không là vợ của anh ấy. Vì tôi căm thù các người.
Căm thù hết tất cả!
Rồi tôi ôm mặt khóc, tôi chạy về phía cửa phòng tôi.
Nhưng chưa đến nơi, tôi đã quay lại, chỉ dì Huyên bồi
thêm một tiếng:
- Tôi cho dì biết, dì tưởng tôi không biết sự thật à?
Lầm rồi. Mấy người đã bức thì tôi nói đây. Chính dì và
cha đã làm mẹ tôi đau khổ mà điên rồi chết, tất cả đều
là những kẻ sát nhân, lại làm ra vẻ như vô tội... Tôi
biết chuyện này mười mấy năm nay rồi, nhưng tôi không
nói... Bây giờ mấy người còn muốn tôi điên nữa. Tôi sẽ
không ngu đâu mà điên. Mãi mãi tôi sẽ không điên.
Nói xong tôi chạy ngay vào phòng riêng, cài kín cửa lại.
Sự xúc động cực điểm làm đầu tôi choáng váng, mắt tôi
hoa lên. Chưa đến giường tôi đã ngã ập xuống như một
thân cây đổ. Sau đấy tôi không còn biết gì hết...
Chương 5
Sau cái đêm đó, tôi đã ngã bệnh, bệnh thật lâu, hơn cả
tháng trời. Tôi bị sốt cao, mê sảng. Cha phải đưa tôi
vào bệnh viện, nằm điều trị ở đấy cả một mùa thu. Khi
thần trí tôi hồi phục, thì người đầu tiên tôi muốn gặp
là Kiến Quân. Tôi không nói ra, chỉ nằm trên giường bệnh
mong chờ. Có điều Kiến Quân không đến. Con người rõ là
vô tình. Ngoài miệng nói là thương yêu. Nhưng khi có
việc thì trốn mất. Tôi nằm đấy thất vọng, đau khổ, lặng
lẽ khóc. Tôi chỉ khóc khi có một mình. Lúc cha đến thì
tôi lại gạt nước mắt, giả tỉnh không nhắc đến Quân một
câu.
Suốt khoảng thời gian tôi nằm trong bệnh viện. Chỉ có
một mình cha và Nhất Vỹ vào thăm. Quân không đến mà dì
Huyên cũng không đến. Cha thì chỉ hỏi han sức khỏe thế
nào? Thích đọc sách hay món ăn gì không chứ. Người không
biết săn đón hay giúp được gì cả. hình như người cố
tránh không nhắc gì đến chuyện hôn nhân của tôi với Kiến
Quân, cũng không nhắc lại chuyện không vui cũ của mẹ.
Nằm trong bệnh viện, tôi thấy thật cô độc. Tôi cứ nằm
đấy nhìn mãi lên trần nhà. Trong phòng bệnh cái gì cũng
màu trắng một cách đơn điệu. Màu trắng của tang chế! Tôi
chợt giật mình,, không dám nghĩ tiếp.
Một hôm, Nhất Vỹ vào thăm, chàng là con người ít nói.
Chỉ hỏi vơ vẩn một vài câu rồi ngồi yên cạnh giường mở
quyển sách ra. Vỹ đã ngồi như vậy, hơn ba tiếng đồng hồ
với quyển sách trên tay. Nhưng tôi không phàn nàn, trái
lại... trong khi tình cảm trống trải, cô đơn thì sự hiện
diện của Vỹ đã là cả một sự an ủi. Tôi chợt thấy thương
Vỹ. Nước mắt trào ra má, tôi nắm lấy tay Vỹ nói:
- Anh Vỹ, cảm ơn anh.
- Hừ!
Vỹ chỉ "hừ" rồi ngồi yên. Tôi hỏi tiếp:
- Anh Vỹ, anh có thương em không?
- Hừ.
Lại "hừ". Hình như với Vỹ, sự diễn đạt tình cảm chỉ bằng
một tiếng "hừ". Tôi còn chưa hiểu ý Vỹ, thì trước khi ra
về, Vỹ chợt hỏi tôi:
- Thanh Thanh nầy, em sắp lành bệnh rồi chứ?
- Dạ.
- Vậy thì, bao giờ lành bệnh, mình làm đám cưới nghe?
Lời của Vỹ quá bất ngờ làm tôi giật mình. Nhưng ánh mắt
lúc đó của Vỹ rất thành khẩn. Vậy là chàng nói thật chứ
không nói đùa. Tôi hỏi rõ lại:
- Anh cầu hôn tôi đấy ư?
- Ừ - Vỹ gật đầu nói - Thanh Thanh thấy sao?
Tôi nằm yên. Cái cách cầu hôn nầy của Vỹ quá lạ. Tôi
không thương Vỹ. Tôi không rung động được trước một cái
máỵ Nhưng mà... tôi nghĩ, Nhất Vỹ dù gì cũng biết đến
tôi, ghé thăm tôi, chàng còn có tình cảm với tôi. Còn
Kiến Quân?... Hoàn toàn không đoái hoài hỏi han đến. Cả
dì Huyên nữa. Mẹ con họ là những người vô tình. Rồi tôi
lại nghĩ đến ngôi nhà tôi đã ở. Ở đấy có quá nhiều thứ
cần tôi phải chạy trốn. Tôi không muốn quay về cái nhà
đó nữa. Thế là tôi khóc. Và trong khi khóc, tôi đã gật
đầu với Vỹ.
Dáng dấp tôi vốn đã thon thả. Sau cơn bệnh lại gầy hơn.
Tôi như một bộ xương biết đi. Nằm trên giường đã quen,
khi bước xuống đất tôi có cảm giác phiêu diêu của người
đi trên mây. Tôi nghĩ mình lúc đó hẳn xấu lắm. Và mong
rằng hôm xuất viện về nhà, đừng để Kiến Quân thấy mặt.
Nhưng cái khéo lo của tôi chẳng có nghĩa lý gì. Lúc xuất
viện về nhà. Cha là người đến đón. Chẳng thấy dáng Quân
đâu, dù hôm ấy là ngày chủ nhật.
Ðến nhà, tôi đi thẳng vào phòng riêng của mình. Cũng
chẳng gặp Kiến Quân. Dì Huyên ân cần chăm sóc tôi. Dì
như quên bẵng chuyện xảy ra hôm trước. Dì cũng không
nhắc đến Kiến Quân. Tôi đoán có lẽ Quân bận công tác xa.
Nhưng chờ mãi hết mùa thu mà Quân cũng không về. Rồi mùa
đông đến. Trong suốt cái khoảng thời gian tôi chưa bình
phục hẳn, chỉ có cha, dì Huyên là lo lắng cho tôi. Kiến
Quân cứ đi biệt, Vỹ thì đến gần như hàng ngày. Con người
cù lần đó hình như không biết nói chuyện tình yêu. Ðến
hỏi han mấy câu, là ngồi xuống bên cạnh, lấy quyển sách
mang theo ra đọc. Ðọc miết cho đến lúc đứng dậy ra về.
Tôi thấy Nhất Vỹ hiền như bụt. Lúc đó tuy bực mình,
nhưng tôI đã nghĩ như vậy cũng tốt thôi. Có một ông
chồng như vậy, không có cái nồng cháy, say đắm, thì cũng
sẽ bớt đi những dỗi hờn, trẻ con, khỏi phải thất vọng.
Giống như mặt nước hồ thu. Cuộc đời rồi sẽ trôi đi trong
sự phẳng lặng, như vậy cũng xong một đời.
Vỹ là con người khá mê đọc sách. Xin đan cử thí dụ: Có
một lần tôi tò mò khi thấy Vỹ đọc, tôi hỏi:
- Anh đang đọc gì đấy?
- AQ. Chính truyện (Lỗ Tấn).
- Quyển truyện đó em có đọc qua, tuyệt quá.
- Vâng, đất là một "bài ca tổng hợp" (Pablo Neruda - Chi
Lê).
- Anh chàng AQ sống trong cái thời buổi nhiều nhương...
- Vâng, như một "Chùm nho uất hận" (J. Steibok - Mỹ ).
- Nhiều lúc em thấy AQ như một "Chàng ngốc" (F.M.
Dostoievski - Liên Xô).
- Nhưng sống trong thời buổi đầy "Bão táp" (Shakespeare
- Anh) như vậy, đôi lúc lại phải như "Người quả phụ khôn
ngoan" (Gôn dô ni).
- Em thấy thì anh chàng AQ tiêu cực quá!
- Không hẳn. Trong một xã hội đầy "Giông Tố" (A Ostrovki
- Nga) thì "Những con người khốn khổ" (Victor Hugo -
Pháp) phải hành động như "Cô gái điên" ở say ô (Tean
Giraudouse - Pháp) mới tìm được con đường sống em ạ.
Tôi lắc đầu:
- Anh có vẻ lậm sách nhiều quá.
Vỹ cãi lại:
- Sách là "Vương quốc của thế giới này" (A Carpentier -
Cuba).
- Nhưng chỉ nên đọc một cách vừa phải.
- Anh mà không đọc sách, lại cảm thấy mình như "những
linh hồn chết" (N. Gogol - Nga).
Thế đấy. Vỹ là như vậy đấy.
Nhưng sau cơn bệnh, tôi thấy lòng mình như trơ hẳn ra.
Kiến Quân cũng đã bỏ đi rồi chẳng có gì để tôi thiết tha
với cuộc đời này nữa. Hay là lấy chồng? lấy chồng để
thay đổi cách sống xem sao?
Thế là... Với sự ưng thuận của cha. Tôi đi lấy chồng.
Nhất Vỹ là chồng tôi. Hôm củ hành lễ cưới, Kiến Quân
cũng không về tham dự. Không biết là Quân có biết không?
Nhưng tôi cũng không hỏi. Cái chuyện xảy ra tối hôm ấy
đã làm lở dở mọi thứ. Bây giờ tôi có chồng. Âu cũng là
định mệnh vậy.
Sau lễ cưới chúng tôi đến hồ Bích Ðầm hưởng tuần trăng
mật.
Hồ Bích Ðầm, khung cảnh khá hữu tình. Ở đấy mây nước đều
như thơ. Nhất là bấy giờ lại là mùa xuân. Những cây anh
đào trổ đầy hoa bên sườn núi, tạo thành một màu hồng rực
rỡ. Thời tiết lại ấm áp. Chúng tôi mướn một túp lều
tranh bên bờ hồ nghỉ ngơi. Nhưng cái tuần trăng mật của
chúng tôi lại không mật ngọt như bao nhiêu quyển tiểu
thuyết tình yêu đã diễn tả. Hình như chỉ có tôi là nghĩ
đến cảnh đẹp. Còn Nhất Vỹ? Ði đâu cũng cầm quyển sách
trên tay. Ra khỏi nhà chỉ một ít lâu, là lại chọn một
gốc cây ngồi xuống giở sách ra đọc. Nhiều lúc tôi thấy
Vỹ như yêu sách nhiều hơn cả tôi.
Chuyện đó khiến tôi thất vọng.
Nhưng rồi, một tháng trăng mật rồi cũng trôi qua nhanh
chóng.
Chúng tôi quay về nhà.
Vỹ được cha tặng cho một biệt thự nhỏ làm quà cưới.
Chúng tôi sống chung ở đấy, thỉnh thoảng lại về thăm
cha. Và một bữa tình cờ tôi nghe cha tiết lộ. Sau cái
đêm bão tố đó, Kiến Quân đã bỏ nhà ra đi. Còn đi đâu thì
chẳng ai biết, Quân cũng không hề thư từ gì về nhà cả.
Tôi nghĩ, Quân đã rất giận tôi. Nhưng mà biết làm sao
bây giờ, khi lòng đã không kiềm chế được?
Một lần khác, khi chỉ có một mình tôi và cha trong
phòng, cha đã nắm tay tôi nói:
- Thanh Thanh nầy, con đừng nghi oan cho dì Huyên. Mẹ
con điên không phải là vì dì ấy mà vì một nguyên nhân
khác.
Tôi quay qua, nhìn thẳng vào mặt cha. Phải chăng người
định biện bạch cho người yêu của mình?
- Vậy thì vì nguyên nhân nào?
Tôi hỏi. Cha đã ngần ngừ một chút, rồi nói:
- Ðó là vì một người đàn ông không phải cha!
- Không, con không tin, cha nói dối - Tôi đã hét lên.
Tôi nghĩ là cha đã đem một bóng mà nào đấy ra để đỡ tội
cho dì Huyên. Nếu dì Huyên không cướp cha thì mẹ con làm
sao điên được chứ?
Cha đã lắc đầu:
- Không, còn lầm rồi, cha nói thật với con đấy. Mẹ con
và người đàn ông kia đã yêu nhau trước khi mẹ lấy cha.
Con có biết không. Trước kia, gia đình của cha và mẹ con
ở cạnh bên nhau. Ông nội và ông ngoại con lại là bạn tâm
giao nhau, nên ai cũng nghĩ là không sớm thì muộn cha
với mẹ sẽ lấy nhau. Ngay chính cha cũng nghĩ như vậy...
Bởi vì cha và mẹ đã chơi thân nhau từ nhỏ. Mỗi ngày cha
và mẹ con cùng cắp sách đến trường. Cha học cao hơn mẹ
hai lớp. Nhưng điều đó nào có nghĩa lý gì? mọi chuyện đã
diễn biến một cách tốt đẹp thì cha vào đại học. Trường
đại học cha học ở tận Bắc Kinh xa nhà hàng cây số, nên
để thuận tiện cho việc học, cha theo chế độ nội trú. Một
học kỳ ba tháng mới về nhà một lần. Chính cái lúc đó,
chuyện đã xảy ra. Mẹ con trong thời gian vắng cha, đã
yêu một anh chàng ca sĩ không chuyên. Không những nghề
nghiệp hắn không cố định, mà cả cuộc sống của hắn cũng
rày đây mai đó. Ông ngoại con hay được, đã ngăn cản. Ông
không muốn con gái mình có một kiếp sống phiêu lưu.
- Lệ Uyên, cha không đồng ý con giao du với tay hát rong
đó.
- Nhưng hát có gì là xấu đâu cha. Ði hát cũng là một
nghề nghiệp?
- Một nghề nghiệp chết đói thì có, cha nghĩ hát chỉ là
một cái thú tiêu khiển thôi.
- Cha không thấy là ở Mỹ có Elvis Presley, ở Pháp có
Johny Holyday, ở Anh có John Lennom đều trở thành tỉ phú
nhờ hát đó ư?
- Nhưng đó là chuyện ở bên Mỹ, bên trời Âu. Còn đây là
cái xứ Ðài Loan. Con có thấy ai làm giàu nhờ đi hát
không? Hay là đến lúc cuối đời phải chết như một tay ăn
mày? Hãy thực tế một chút con ạ. Con còn nhỏ, hãy cố lo
tốt nghiệp phổ thông trước đã, lên đại học có công ăn
việc làm đàng hoàng rồi hãy nghĩ đến chuyện tình yêu.
Cha thấy là thằng Chu Cần mới là đứa chân đạp đất. Thực
tế và có tương lai.
Ông ngoại con đã đánh giá cha như vậy. Nhưng bấy giờ mẹ
con đang chìm đắm trong tình yêu. Mẹ con nào có nghĩ đến
cha? Thế là mẹ lại tiếp tục giao du với tay ca sĩ đó.
Ðể ngăn chặn mối tình không được chấp nhận đó ông ngoại
con bắt mẹ con nghỉ học và nghiêm khắc canh chừng. Mặc
dù vậy như cô ấy vẫn liên lạc với người yêu. Cuộc tình
vô vọng đó gây đau khổ cho mẹ con không ít.
Ngoại con không muốn con gái mình sa chân vào chỗ khổ
nên lại sang hội ý với nội con, và người cho gọi cha về.
Bấy giờ cha mới là sinh viên năm thứ hai. Cha thì lúc
nào cũng yêu mẹ con. Cái tình yêu của cha đã sẵn có từ
lúc cha mới vừa lớn. Chính vì cha yêu mẹ con nên cha
cũng đau khổ vô cùng khi biết mẹ con không yêu cha.
Nhưng cái tự ái của người đàn ông nhiều lúc thành ngu
muội. Biết không được mẹ con yêu, nhưng khi nghe ngoại
con gợi ý, cha đã chấp thuận ngay. Cha hứa sẽ cưới mẹ
con ngay sau khi cha ra trường.
- Anh Chu Cần, tại sao anh hành động như vậy? Anh biết
là tôi không yêu anh mà?
Mẹ con đã gặp cha và thẳng thắn đặt vấn đề.
- Anh biết chuyện đó. Nhưng anh yêu em.
Cha đã đáp.
- Nhưng tình yêu đó sẽ dẫn đến đâu? khi anh chỉ chiếm
được cái thể xác vô hồn của tôi?
Mẹ con nói. Cha biết rõ chuyện đó chứ. Nhưng cha vẫn bất
chấp. Con thấy đấy, một cuộc hôn nhân mà chỉ có tình yêu
đơn phương, kế quả là cả hai người cùng khổ. Nhưng mẹ
con là người đàn bà tốt. Một người đàn bà phương đông
hiếu nghĩa trọn tình. Một người gia giáo nề nếp. Khi
chưa có chồng thì thôi, mà đã có chồng rồi thì mặc dù
không yêu chồng, vẫn làm tròn bổn phận một người vợ. Cái
tay ca sĩ kia lại rất chung tình, biết là mẹ con đã có
chồng vẫn đeo theo nài nỉ. Kết quả là mẹ con đã trong
nỗi đau dằn vặt, chơi vơi giữa ngã ba lòng... Thanh
Thanh... Con bây giờ lớn rồi, hẳn con cũng nhận chân
được nỗi đau đó.. Và có lẽ vì nỗi ray rức, nhớ nhung
buồn phiền, rồi còn cái lương tâm của một người vợ.. Mặc
cảm tội lỗi với chồng con. Nên mẹ con bị chứng tâm thần
phân liệt mà trở thành điên.
Cha ngưng lại nhìn tôi buồn bã, rồi tiếp:
- Riêng về dì Huyên, thì dì ấy hoàn toàn vô tội, trong
chuyện điên của mẹ con. Cha chỉ gặp dì ấy sau khi mẹ con
phát bệnh.
Tôi bàng hoàng nhìn cha. Sự thật sao mà đến muộn thế.
Thì ra tôi đã lầm. Dì Ba đã nói dối. Dì Huyên vô tội.
Vậy mà tôi đã trút hết trách nhiện lên dì, lên cả Kiến
Quân!
Tôi thở dài. Nhưng nếu đó là sự thật thì mọi chuyện bây
giờ cũng đã lỡ dở cả. Tôi nhớ đến chiếc kén màu đen. Tội
nghiệp mẹ tôi. Thì ra người nói đến chiếc kén như nhân
mà tình yêu đã tạo thành. Mẹ sống với cha mà lại bị
chiếc kén trói chặt... Tội nghiệp cho mẹ! Chắc mẹ tôi đã
khổ lắm... Nhưng còn tôi? Tại sao tôi lại lấy Vỹ khi
mình không yêu? Như vậy chiếc kén của Kiến Quân tạo
thành kia sẽ thế nào... Tôi lại sa chân vào tình cảm của
mẹ ư?
- Kiến Quân!
Tôi kêu lên. Hình bóng người thanh niên ương ngạnh,
ngang ngược như hiện ra trước mắt. Tình yêu mà thù hận
lầm lẫn đã đẩy chàng đi xa mất rồi.
Chương 6
Thời gian lặng lẽ trôi qua.
Tôi và Nhất Vỹ lấy nhau được một năm, thì Kiến Quân như
một bóng ma lại xuất hiện. Bây giờ tôi là gái đã có
chồng, nhưng sự xuất hiện của Quân đã khiến cho những
tháng ngày hoa mộng cũ thức giấc sau cơn đông dài.
Ngồi thu hình trên ghế. Tôi chẳng buồn cử động. Tôi rã
rời đến độ chẳng còn muốn thở. Sự xuất hiện của Quân.
Rồi thái độ giận dữ bước nhanh ra cửa, đóng sầm cổng lại
của chàng. Nụ hôn vội vàng, nóng hổi còn phảng phất
hương vị trên môi. Tôi mở to mắt nhìn ra khung cửa sổ.
Nắng chói chang để cho tôi thấy chuyện vừa xảy ra là
thật, chứ không phải nằm mơ. Kiến Quân quay về... Nhưng
chuyện đó bây giờ nào có liên hệ đến bà Nhất Vỹ nữa chứ.
Mùa xuân! Tiết trời đang độ vào xuân, đúng chứ? Cái mùa
đầy sức sống. Mọi vật đã tỉnh giấc sau một mùa đông buốt
giá mê ngủ. Cây cối đang đâm chồi nẩy lộc. Chim chóc
đang hót vang trên cành... Vậy mà không hiểu sao lòng
tôi lại nặng trĩu ưu tư. Có cái gì như lỡ làng hối tiếc.
Tôi nhắm mắt lại và cảm thấy như có những giọt nước mắt
chảy dài xuống má.
- Anh Quân, hãy tha thứ cho em. Anh biết không? Khi biết
ra sự thật, em đã khóc thật nhiều. Khóc muốn cạn cả nước
mắt, nhưng mọi chuyện đã lỡ rồi có hối tiếc không còn
kịp.
Tôi lẩm bẩm trong miệng. Mong mỏi là Kiến Quân sẽ nghe.
Nhưng chàng đã đi xa rồi, làm sao nghe.
Tôi ngồi như vậy đến tận trưa. Cô Thu đã làm xong thức
ăn, bày trong phòng ăn, và bước ra mời tôi vào dùng cơm.
Ðến giờ cơm trưa rồi? Vậy mà tôi chẳng thấy đói... Ngày
tháng máy móc như vậy đó. Hết điểm tâm đến cơm tối, xong
đến giờ ngủ. Và như vậy là chấm dứt một ngày.
Tôi uể oải đứng dậy đi vào phòng ăn. Chẳng có lấy một
chút khẩu vị, dù thịt cá rất là đầy đủ. Tôi chỉ ăn có
một chén, rồi quay trở về phòng khách. Vẫn ngồi thu mình
trong ghế salon, mắt hướng ra bầu trời ngoài cửa sổ. Mặt
trời đang ngả về tây. Ánh sáng trong phòng dịu dần. Tôi
cứ ngồi như vậy. Quan sát cái bóng tối đang chiếm dần
từng góc nhà mà đầu hoàn toàn trống rỗng... Tôi như rơi
vào trạng thái mộng du.
- Sao giờ nầy mà không mở đèn?
Chợt nhiên tiếng hỏi làm tôi giật mình. Và tiếp theo đó,
ánh sáng tràn ngập gian phòng. Thật chói mắt. Phải một
lúc tôi mới làm quen. Tôi thấy Nhất Vỹ đang cởi giày.
Xong bước tới ngồi đối diện với tôi. Chàng có vẻ mệt mỏi
sau một ngày làm việc.
- Anh mới về đấy à?
- Ừ.
Tôi gọi cô Thu rót nước cho Vỹ, lấy khăn mặt ướp lạnh
cho chàng lau mặt. Vỹ có vẻ tươi tỉnh hơn.
Và chàng lấy thuốc ra đốt. Từng lọn khói tròn bay lên,
bay lên, tan dần. Ðó là những chiếc vòng định mệnh ư?
Tôi ngồi ngay người lại, định kiếm chuyện gì đó nói để
phá tan cái không khí nhạt nhẽo trong phòng. Nhưng chưa
kịp làm thì Vỹ đã mở cặp táp ra, lấy một quyển tạp chí
kỹ thuật, chàng không hề nhìn tôi, chàng chỉ quan tâm
đến sách vở, báo chí.
Vỹ mở ra và bắt đầu đọc. Tôi không chịu được, tằng hắng
một tiếng, rồi nói:
- Anh!
- Hử?
Ðôi mày Vỹ châu lại, nhưng mắt vẫn không rời trang báo.
Tôi thật khó chịu. Không biết những người chồng khác thế
nào? Họ có "lạnh" đến độ như vậy không? Nếu vậy cưới vợ
để làm gì? Sách vở thường nói đến " Gia đình hạnh phúc"
cơ mà? Hạnh phúc là thế nầy đây sao?
Tôi lại kiếm chuyện nói:
- Hôm nay, anh Kiến Quân có đến đây.
- Vậy à?
Vỹ hỏi mà mắt không rời tờ báo, anh chàng không hề quan
tâm đến chuyện đó.
Tôi càng khó chịu. Không những chỉ khó chịu mà còn có
một chút giận dữ. Tôi trừng mắt nhìn Vỹ, rồi khiêu
khích:
- Anh Vỹ, anh có biết là ngày xưa tôi và Kiến Quân đã
từng yêu nhau không?
Tôi nói lớn. Không biết là vì ý nghĩa câu nói hhay là vì
giọng nói của tôi quá lớn, mà Vỹ giật mình, quay lại:
- Hử, em nói gì?
- Tôi nói cho anh rõ.. Kiến Quân đã từng là người yêu
của tôi.
Tôi lặp lại và chờ đợi. Nhưng phản ứng của Vỹ thật đáng
thất vọng, anh ta nhìn tôi dò xét, rồi gật gù:
- À... Vậy à?
Rồi lại cúi xuống, tiếp tục đọc báo.
Tôi chồm người tới trước, chống tay lên cầm nhìn Vỹ ngạc
nhiên. Con người sao lạ vậy? Trên đời nầy có những ông
chồng có trái tim bằng đá như vậy ư?
Không khí trong phòng ngưng đọng. Yên tĩnh một cách mệt
mỏi. Sau đấy tôi lắc đầu. Vậy là hết thuốc chữa. Tôi
chợt có cái ao ước. Phải chi cái cặp mắt kính cận kia
bỗng nổ tung đi, để Vỹ không còn đọc thấy gì hết. Nhưng
cái ao ước của tôi không bao giờ xảy đến.
Tôi khiêu khích Vỹ một lần nữa:
- Anh Vỹ nầy, anh có biết là... Mãi đến bây giờ tôi vẫn
còn yêu Kiến Quân không?
Vỹ chợt kéo cặp mắt kính xuống, rồi nhìn tôi.
- Hử? Em vừa nói cái gì?
Tôi cất cao giọng:
- Em nói là mãi đến bây giờ em vẫn còn yêu...
- Yêu ai?
- Kiến Quân.
- À!
Vỹ à, rồi nhìn tôi với nụ cười.
- Thôi, em bây giờ lớn rồi, nào có phải là con nít đâu
mà cứ nói đùa mãi. Yên đi, để anh đọc báo nào.
Con người của Vỹ lúc nào cũng vậy. Sống khép kín và
không nhìn vào thực tế. Vỹ lúc nào cho là tôi vẫn bé
bỏng. Thật chán nản. Tôi ngồi ngả lưng ra sau. Mắt nhìn
lên trần nhà. Có một con thằn lằn đang tìm mồi trên đấy.
Phải chi tôi là chú thằn lăn kia thì sướng biết bao.
Vỹ lại cúi xuống tiếp tục đọc báo. Và tôi biết có nói
thế nào cũng vô ích thôi.
***
Sau khi dùng cơm tối xong Nhất Vỹ vào thư phòng đọc
sách. Chỉ có một mình tôi ngồi ngoài phòng khách. Không
có việc gì làm, tôi dũa móng tay.. Nhưng rồi mười ngón
tay cũng hết. Thời gian như đã chết tự bao giờ. Tôi
không chịu nổi cái không khí nầy nữa. Tôi lựa một bộ áo
tươi nhất, nổi nhất để mặc. Chiếc áo dài đen bông đỏ
chói. Chung quanh mép áo lại viền thêm kim tuyến sặc sỡ.
Tôi lại đánh son môi đỏ, phấn hồng đậm, chân mày thật
đen. Nhìn vào gương, tôi hoàn toàn biến thành con người
khác. Nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Tôi vấn tóc cho cao
lên để lộ chiếc gáy trắng và mang thêm một sợi dây
chuyền vàng. Bây giờ thì tôi không dám ngắm mình nữa.
Lấy thêm chiếc áo khoác màu đỏ. Tôi đi qua thư phòng:
- Anh Vỹ, em muốn ra phố.
Tôi nói, nhưng Vỹ cũng không ngẩng đầu lên, chàng chỉ
hỏi:
- Vậy à?
- Anh không đưa em đi sao?
Tôi hỏi và đứng áng trước mặt Vỹ. Có lẽ vì chiếc bóng
của tôi làm Vỹ không đọc sách được nữa nên chàng nhìn
lên với nụ cười:
- Anh bận quá, em đi một mình đi nhé.
Vỹ vừa nói vừa nhìn tôi. Cách ăn mặt của tôi hình như
làm chàng giật mình. Nhưng rồi cái bản chất lạnh cố hữu
khiến chàng bình thản lại thật nhanh. Chàng lại nhìn
xuống trang sách.
Tôi uể oải:
- Vậy em đi nhé?
Tôi khoác chiếc áo lên vai, rồi cúi đầu bước ra cửa. Bên
ngoài tuy đã là mùa xuân, nhưng cái lạnh của mùa đông
vẫn rơi rớt lại. Rồi gió từ bờ sông Ái thổi lên. Ðã
khoác thêm chiếc áo mà vẫn thấy rùng mình. Tôi đi không
định trước nên chỉ một lúc sau đã đến bờ sông. Ðêm thật
vắng. Những ngọn đèn hai bên bờ soi bóng xuống dòng
nước. Nước chảy làm áng sáng lay động theo. Tôi thả dọc
theo bờ sông nhìn sang bên kia bờ. Chỉ cách đó có một
cây cầu là thành phố Cao Hùng với những ánh đèn màu rực
rỡ. Một chiếc băng quảng cáo, kem đánh răng Hynos với
chú chà và đen đang nhe hàm răng trắng ra như cười với
tôi.
Bây giờ đi đâu đây? Tôi tự hỏi và cũng không biết. Nhưng
có thế nào đi cũng đã ra khỏi nhà. Phải sử dụng cho hết
cái buổi tối, chớ không lẽ quay về ngay? Mà quay về thì
cũng vậy thôi. Cũng lại nằm một mình vì Vỹ chỉ biết
những quyển sách của chàng.
Một ý niệm chợt loé lên trên đầu, tôi tự hỏi, nếu suốt
đêm nay tôi không về thì Vỹ thế nào? Chàng có hớt hải đi
tìm không? Chuyện đó chắc không xảy ra đâu. Trong cuộc
đời Vỹ, hình như không có hai chữ "hớt hải". Đối với
chàng mọi thứ đều tuần tự xảy ra, tuần tự đến. Cái gì
cũng bình thường rồi đâu sẽ vào đấy? Tôi mà có đi thì
một lúc nào đó cũng phải quay về thôi.
Nghĩ vậy, tôi lại thất vọng, bước lên cầu, tôi qua bên
kia sông. Rồi men theo con lộ Trung Chánh, tôi đến khu
vực náo nhiệt nhất của thành phố Cao Hùng. Những con lộ
rộng rãi với người qua lại tấp nập. Những tòa nhà cao
tầng với các ngọn đèn xanh đỏ. Hàng quán, siêu thị, cửa
hàng bách hóa. Ði hết con lộ này đến lộ khác. Ðại Công,
Ðại Ðồng, Ðại Nhơn... Tôi cứ đi lòng vòng không mục
đích. Ðể rồi khi đôi chân đã mỏi, tôi dừng lại trước cửa
hàng trang sức Ðại Tân. Những khung cửa kính to bày đầy
những chiếc vòng vàng sáng ánh. Cô bán hàng bên trong,
thấy tôi đứng cạnh cửa kính, nghĩ tôi định mua, nên bước
ra chào đón.
- Mời cô vào trong nầy xem. Ở bên trong mới có đủ mặt
hàng.
Tôi không tiện từ chối, bước vào. Cửa hàng với những đèn
sáng choang. Ðâu cũng là cửa kính. Có một pho tượng bán
thân đeo trên cổ một sợi dây chuyền rất đẹp, tôi chỉ và
hỏi.
- Sợi dây đó bao nhiêu?
Cô bán hàng không trả lời ngay, lấy xuống cho tôi xem.
Sợi dây chuyền với chiếc mặt hình chữ phước. Tôi lặp
lại:
- Bao nhiêu vậy?
- Dạ tám trăm đồng.
Cô ta cười thật tươi đáp. Tám trăm đồng? Số tiền không
lớn lắm. Nhưng tôi là người ít đi phố. Có mua thì cũng
để đó thôi. Nhưng mà, tôi nghĩ tám trăm đồng để được
tiếp đãi ân cần, để có người hỏi han đến thế nầy thì
cũng khá đáng. Dù gì thì hôm nay cô bán hàng cũng là
người duy nhất nói chuyện với tôi bằng nụ cười. Tôi mân
mê sợi dây trên tay. Cô bán hàng hỏi:
- Bà có cần đeo thử không?
Tôi thấy thừa, nên lắc đầu:
- Ồ không cần, cô cứ gói lại cho tôi đi. Tôi đồng ý mua
đấy.
Rồi tôi mở ví lấy tám trong đồng ra đặt lên quầy.
Cho chiếc hộp nữ trang vào ví, nhận lời cảm ơn của cô
bán hàng xong, tôi định đi thêm một vài quầy khác xem
mẫu. Thì thấy đèn tắt bớt. Thế nầy có nghĩ là cửa hàng
sắp đóng cửa. Một cách đuổi khách khéo. Tôi đi về phía
cửa. Quả nhiên cánh cửa đã được kéo xuống hai phần ba.
Ðã mấy giờ rồi mà cửa hàng đóng cửa? Nhìn vào đồng hồ.
Chín giờ đúng. Như vậy là đã khuya. Nhưng tôi lại chưa
muốn về. Tôi quẹo qua đường Tân Lạc. Khu phố có nhiều
nhà hàng và khiêu vũ trường. Con đường vẫn tấp nập.
Khách đi chơi ngoài, bao giờ cũng đông. Vậy thì phần lớn
nhân loại vẫn thấy nghẹt thở khi ở trong nhà, nào có
phải chỉ có một mình tôi?
Chợt có tiếng ai đó kêu:
- Nầy cô kia, có đi khách không?
Tôi giật mình quay lại, một người đàn ông mặt mày dữ tợn
ngồi trên chiếc Vespa trờ đến. Tôi sợ hãi lắc đầu. Thì
ra anh ta đã lầm mình là thứ hạc ăn đêm. Có thể như vậy
sao? Tôi diêm dúa đến độ như vậy à?
Tôi bối rối ghé vào một chiếc quán cà phê. Bồi bàn lại
nhìn tôi với ánh mắt ngờ ngợ. Nhưng rồi khi vào trong,
tôi chợt hiểu. Ở đây là nơi dành cho những người đi đôi.
Quán thiết kế đèn mờ. Mỗi chiếc bàn ngăn với bàn khác
bằng một bức bình phong, để không ai có thể nhìn thấy ai
cả. Trên sân khấu có một chiếc đàn piano mà nhạc công
kiêm luôn ca sĩ. Cô ta đang hát một bản nhạc trữ tình:
"Trời đất nầy dành riêng đôi ta
Anh và em là đôi cánh bướm
Bay lượn bên vườn hoa
Không hề cách xa.
Trời đất nầy dành riêng cho tình yêu
Không gian nầy dành cho hạnh phúc
Anh không thể sống thiếu em
Và em cũng không thể thiếu anh".
...
Tôi gọi một ly cà phê đen nóng, phòng có máy sưởi mà
không hiểu sao tôi vẫn thấy thật lạnh. Cái hạnh phúc mà
cô ca sĩ đang hát nào có dành cho tôi đâu?
Uống vội ly cà phê, trả tiền, rồi ra khỏi quán. Con
đường đã thưa dần xe cộ, vậy là đã khá khuya. Các quán
bên đường phần lớn đã tắt đèn ngoài cửa, đóng kín. Chỉ
có gió đêm và tôi là mãi lang thang trên đường. Ðêm thật
lạnh. Mắt tôi nặng trĩu, chân tôi đã mỏi nhừ, nhưng tôi
vẫn không muốn về nhà. Giờ nầy về làm gì? Có ai đoái
hoài đến, quan tâm đến đâu? Có sống hay chết thì cũng
chẳng ai buồn để ý đến. Chắc chắn giờ nầy Nhất Vỹ đang
ngủ say trong nhà.
Cứ vậy tôi đi bất định trên đường vắng. Lòng ngập đầy
những suy tư. Tất cả cũng tại cái vu khống của dì Ba.
Lúc đó tôi còn nhỏ quá. Thành kiến đã khiến mọi sự hỏng
bét. Bây giờ biết được sự thật thì đã lỡ làng. Tôi đã có
chồng. Kiến Quân có quay lại thì chuyện đã lỡ dở. Cuộc
đời như dâu bể, tạo hóa hay trêu người. Tháng năm không
bù đắp. Trên đời nầy biết tin ai? Tại sao sự thật những
cạm bẫy lù lù trước mắt, nó phô trương để người ta lầm
lẫn. Còn sự thật chỉ được mở ra khi mọi thứ an bài. Vậy
thì... Cuộc đời nầy có còn đáng không? Khi mọi thứ đã bế
tắc. Ta không thể sống mãi trong một cuộc sống nghẹt thở
như vầy được. Phải tìm ra lối thoát. Nếu không, rồi sẽ
dẫn đến kế thúc như mẹ. Chiếc quan tài đen kia là một
chiếc kén oan gia.
Trên đường quay về, tôi lại qua cầu. Con sông Ái lặng lờ
chảy dưới ánh đèn đêm. Tôi tựa người bên lan can ngắm
nước chảy, mà nhớ tới một bài thơ đã đọc lâu lắm rồi.
Gió đông thổi nhẹ mưa qua núi
Ngàn cổng xa trông, sắc cỏ nhàn
Nhà ở trong mơ nào ai đến
Xuân về trên nước mấy ai sang
Sông đồng uốn lượn ngàn mây nổi
Cung khuyết so le dưới nắng tàn
Ai nghĩ trần đời hay hoạn nạn
Tóc còn làu khách chốn Tần Quan.
Bài thơ làm xao động lòng tôi. Tại sao cuộc sống nhiều
khi éo le như vậy? Tôi cười buồn, rồi chảy nước mắt lúc
nào không hay.
Ngay lúc đó bỗng có bàn tay ai chụp lấy bàn tay của tôi.
Tôi giật mình quay lại. Thì ra là Kiến Quân. Chàng đứng
cạnh mà tôi không hay. Dưới ánh đèn đường, Kiến Quân
tiều tụy như một người bệnh. Mái tóc bù. Ðôi mắt đầy tia
lửa đỏ.
- Thanh Thanh, em làm gì vậy? Giọng Kiến Quân nghiến qua
hàm răng - Em làm gì mà đi lang thang suốt đêm vậy chứ?
Em có biết là tôi đã đi theo em, đi gần khắp cái thành
phố Cao Hùng nầy rồi, em biết không?
Tôi yên lặng nhìn xuống, nhưng Kiến Quân không để tôi
yên. Chàng nâng cằm tôi lên, bắt tôi phải nhìn thẳng vào
mặt chàng:
- Tại sao em phải khổ sở như vầy chứ? Kiến Quân hỏi mà
đôi mày châu lại - Tại sao phải hy sinh tình yêu của hai
đứa một cách lãng xẹt như vậy chứ? Anh nào có lỗi lầm
gì? Cả hai chúng ta đều không hề dính dáng gì tới tình
yêu của cha mẹ. Vậy mà.. Em đã hành động một cách quá
nông nỗi.
Rồi Kiến Quân chụp lấy bờ vai tôi, lắc mạnh:
- Thanh Thanh, nghĩ đến cái hành động rồ dại của em.
Nhiều lúc anh định giết em. Ðịnh hủy diệt em đi. Anh thù
em, anh hận em! Hận đến độ không còn thuốc chữa. Anh
muốn nghiền nát em ra trăm mảnh mới hả dạ. Trời ơi sao
lại có người ngu muội thế nầy.
Kiến Quân buông mạnh tôi ra, ôm lấy đầu đau khổ:
- Không có ai lại như em, quyết định cuộc đời mình một
cách không cẩn nhắc. Không chịu tìm hiểu một cách rõ
ràng. Bán đứng hạnh phúc mình một cách không tiếc
thương... Ðể rồi tối đến lại phải lang thang cả đêm dài
trên phố. Thật là ngu xuẩn, sao em lại ngu xuẩn như vậy
được chứ?
Chàng nói với giọng điệu tắt nghẹn. Chàng tựa đầu chàng
lên trán tôi. Sau đó chợt nhiên Kiến Quân lại đưa cả hai
tay lên bấu chặt cổ tôi. Chàng nghiến răng nói:
- Không được, tôi phải giết em! Phải giết chết em. Chỉ
có cách đó.. Tôi mới thấy an ổn... Tôi mới giải thoát
được khỏi nỗi khổ đau nầy.
Hai gọng kềm xiết chặt, xiết chặt. Tôi nhắm mắt lại.
Thôi được, anh cứ giết chết em đi... Em cũng chẳng thiết
tha gì đến kiếp sống nầy chút nào.. Em đồng ý. Tôi nghĩ
và mong mỏi Kiến Quân giết tôi thật. Cái chết bây giờ
đối với tôi chẳng nghĩa lý gì. Biết đâu đó là một hạnh
phúc. Tôi không lãng mạn đến độ được chết trong tay
người yêu như trong tiểu thuyết. Nhưng tôi nghĩ chết sẽ
giải thoát được mọi thứ.
Nhưng giữa lúc tôi bắt đầu thấy nghẹt thở, thì đôi tay
của Kiến Quân lại lơi ra.
Sau đó chàng cúi xuống hôn tôi, rồi nghẹn lời nói:
- Thanh Thanh, em có biết là.. em đã giết. Không phải
chỉ một mình em mà còn giết cả anh nữa, em biết không?
Tôi chảy nước mắt mà không nói được gì cả. Trong đầu
tôi, bỗng nhiên lại hiện ra chiếc kén màu đen. Lần nầy
chiếc kén lại do chính tôi tạo ra.. và lại quấn chặt lấy
chính mình.
- Thanh Thanh nầy!
Nụ hôn của Quân phủ đầy khuôn mặt tôi. Chàng vuốt lấy
mái tóc tôi, rồi buồn bã nói tiếp:
- Tại sao em lại hành động như vậy chứ? Bây giờ em có
hạnh phúc không, khi trả thù anh bằng cách đó?
Tôi không biết trả lời sao. Tôi đứng yên. Kiến Quân chợt
đẩy tôi ra xa. Chàng ngắm lấy tôi một chút rồi nghiến
răng nói:
- Chắc chắn là em cũng không sung sướng gì.. Em trang
điểm cho thật đậm để che giấu cái xanh xao phiền muộn
của mình nhưng mà... lầm rồi, em có biết là... cách
trang điểm của em nó giống gì không? Nó như một con gái
làng chơi. Em tưởng là em đã làm đẹp lên, để người khác
hiểu lầm mình hạnh phúc à? Còn lâu! Nhìn em, anh chỉ
thấy thương hại hơn mà thôi.
Rồi Kiến Quân buông xuôi tay nói:
- Thanh Thanh! Xong rồi, bây giờ em hãy nói đi. Em hãy
lựa một lời cho thật độc, thật khiếp mạt để mắng anh. Ðể
anh thấy không còn hy vọng, anh bỏ đi luôn, không bịn
rịn gì nữa, em hãy nói đi chứ?
Tôi mở miệng nhưng rồi chẳng nói được gì, tôi cúi đầu
xuống, mặc cho những giọt nước mắt rơi.
Nước trong dòng sông vẫn chảy, những con sóng lăn tăn
đầy cả lòng sông. Tôi chỉ đứng lặng người, Quân nói:
- Ðấy thấy không, em nào có ghét bỏ anh? Em không thể
nặng lời với anh được, có nghĩ là em còn yêu anh. Vậy
thì mọi việc phải dứt khoát. Anh muốn gặp em ngày mai để
dứt khoát mọi chuyện em ạ.
Chương 7
Qua hôm sau đợi Vỹ đi làm xong, tôi mới thay áo đi ra
ngoài. Tôi nhớ tối qua trước khi chia tay, Quân đã dặn:
- Ngày mai anh muốn gặp em ở công viên số một, lúc chín
giờ.
- Không, em sẽ không đến - Tôi nói - Em đã có chồng, anh
hãy quên em đi.
- Nhưng mà, em tìm thấy hạnh phúc chưa?
Tôi yên lặng, Kiến Quân tiếp:
- Vậy thì mai lúc chín giờ. Anh sẽ đợi em trong công
viên, ở ghế đá đầu tiên đi từ cổng chính vào đấy.
Tôi yên lặng, Quân lại tiếp:
- Anh sẽ chờ ở đấy dù em có đến hay không đến, anh cũng
vẫn chờ, em nghe không? Anh sẽ ngồi ở đấy đến bao giờ em
đến thì thôi.
Rồi Kiến Quân bỏ đi.
Ra cổng, tôi gọi một chiếc xích lô, cho hắn biết địa chỉ
rồi lên xe. Nhưng cái mặc cảm tội lỗi vẫn đeo lấy. "Thôi
quay lại đi, chẳng nên đến đó". Lý trí tôi bảo, nhưng
rồi tình cảm lại cho rằng. "Tại sao phải quay về. Lấy Vỹ
ta được những gì?" Không có gì cả, ngoài một danh xưng
cũng là vợ. Cuộc sống vẫn trống trải, vô vị. Cuộc sống
không có một ý nghĩa gì. Không được. Ta đã trả một cái
giá quá đắt cho sự dại dột nhất thời, tuổi xuân ta sẽ
héo mòn một cách vô ích như vậy ư? Ta không thể chịu
đựng mãi thế nầy cho đến khi già. Ta phải làm chủ được
vận mệnh của chính mình. Phải tìm lại niềm vui... Không
thể chôn mình một cách vô bổ như thế.
Xe đã dừng lại trước công viên. Tôi xuống xe trả tiền.
Không hiểu sao trái tim tôi lại đập mạnh. Tôi do dự
không biết có nên bước vào hay không thì Kiến Quân xuất
hiện.
- Anh tưởng là em không đến.
Buổi sáng mùa xuân, tiết trời lành lạnh. Gió nhẹ, đúng
ra thì phải dễ chịu, vậy mà đầu tôi thật căng thẳng.
Kiến Quân đã đưa tôi vào trong công viên. Chọn một chiếc
ghế đá nằm hơi khuất. Chúng tôi ngồi xuống. Quân lấy
thuốc ra đốt, thở khói rồi nói:
- Thanh Thanh, anh muốn kể cho em nghe một chuyện.
- Chuyện gì. Có cần thiết lắm không?
- Không cần thiết lắm, nhưng em phải nghe.
Kiến Quân nói rồi yên lặng thở khói. Bụi hoa hồng trước
mặt, không hiểu sao chỉ có độc nhất một cánh hoa, mà lại
đang héo úa.
- Em biết không? cái hôm họp gia đình đó, hôm ấy anh
thật vui, vui như chưa bao giờ được vui như vậy. Anh đã
nghĩ rằng. Mọi thứ đâu đã sẵn sàng... Bất ngờ hành động
của em... làm mọi thứ sụp đổ. Khi em hét lên... Em căm
phẫn, em kết tội cha em, mẹ anh và cả anh... Rồi em chạy
vào phòng riêng... Trái tim anh cũng tan vỡ. Anh không
tin điều em nói, nhưng anh cũng nghi ngờ. Anh bắt đầu
hận mẹ anh... Tại sao mẹ lại đi vào cái nhà họ Từ này
làm gì để cho rắc rối... Thật ra thì anh xúc động quá..
Chứ nếu mẹ anh không vào nhà họ Từ thì làm sao anh lại
gặp em? Sau đó vì thất vọng anh đã bỏ đi. Anh đi lên
miền Bắc tìm việc làm để quên lãng. Anh đi trước khi
biết là em ngã bệnh. Lúc ra đi anh đã nói với mẹ anh
"vĩnh biệt!" Vì anh nghĩ là sẽ không bao giờ anh quay về
nữa. Nhưng rồi nỗi nhớ theo năm tháng hằn sâu, nó làm
cho trái tim anh nhức nhối. Và anh không dằn lòng được,
anh mới viết thư về nhà. Lá thư đầu tiên anh gởi về nhà
sau khi ra đi, chỉ cách đây một tháng... Anh mới hay sau
cái đêm bão tố đó, em đã ngã bệnh. Rồi em lấy Nhất Vỹ.
Mẹ cũng một lần nữa xác định với anh, là mẹ hoàn toàn vô
tội trong cái bệnh và cái chết của mẹ em. Anh ngẫm lại
cũng đúng, vì nếu tính theo thời gian, thì khi mẹ em
phát bệnh. Thì lúc đó mẹ anh đang sống hạnh phúc bên cha
anh. Khi cha anh bị tai nạn đột ngột rồi qua đời, mẹ anh
mới gặp cha em. Rõ ràng là mẹ anh vô tội! Ðấy em thấy
không? Tất cả câu chuyện xảy ra hoàn toàn không dính
dáng gì đến mẹ cả. Còn em? Em đã nghe lời ai đó,...
Thanh Thanh, mọi chuyện chỉ do hiểu lầm. Nhưng anh và em
phải trả giá cho sự hiểu lầm đó một cách quá đắt. Em có
thấy không?
Kiến Quân quay qua nhìn tôi, với đôi mắt đỏ ngầu:
- Anh biết, em đã lấy Vỹ không phải là vì tình yêu, anh
cũng biết là em yêu anh... Nhưng em đã hành động như
vậy... Chỉ để trả thù cho một sự hiểu lầm em không muốn
lấy anh vì muốn tránh cái mặc cảm tội lỗi... Nhưng mà
bây giờ... Khi hiểu rõ sự thật thì em có thấy là em đã
hành động quá nông nổi không? Em đã tự tay giết chết
tình yêu và cuộc đời mình không? Thanh Thanh tại sao em
lại hành động dại dột như vậy?
Tôi ngồi yêu nhưng ánh mắt thương hại của Quân làm tôi
phản kháng, tôi nói:
- Bây giờ có thể nào thì em cũng đã có chồng. Em đã sống
hạnh phúc bên chồng em như bao nhiêu người khác.
- Em sống hạnh phúc? Kiến Quân trừng mắt - Thật không?
Nếu hạnh phúc tại sao em lại xanh xao tiều tụy như vậy?
Tại sao em phải phấn son lòe loẹt đi lang thang suốt đêm
ngoài đường như đêm qua?... Em đừng ngụy biện, cũng đừng
có dối lòng... Anh về đây cả tuần nay rồi, anh theo dõi
rất kỹ em, anh đã thấy hết.
Kiến Quân ngưng lại, thở khói rồi tiếp:
- Trước khi quay về anh đã nghĩ: Nếu về đây mà thấy em
sống hạnh phúc với Vỹ thì thôi, bằng không thì...
- Không thì thế nào?
- Anh sẽ giải thoát cho em. Giải thoát cho cả hai đứa.
Phải tìm lại những gì mình đã dại dột làm mất em ạ.
Tôi lắc đầu:
- Trễ rồi, em đã có chồng.
- Cái chuyện chồng không quan trọng. Cái quan trọng là
hạnh phúc. Em nói thật đi, em có thấy vui và hạnh phúc
không chứ?
- Nhưng đấy là chuyện riêng của em.
- Riêng của em sao được, nó còn liên hệ cả với anh. Cuộc
đời anh nằm trong tay của em. Vì vậy anh phải biết để
xem xem mình có còn cái cơ hội lấy lại cái hạnh phúc mà
mình đã mất hay không?
Tôi đã chảy nước mắt:
- Chắc không còn cái cơ hội đó nữa đâu, anh ạ.
Kiến Quân đã nhìn tôi với ánh mắt đầy lửa:
- Thật không? Em hãy nói thật lòng mình đi. Nói thật đi.
Tôi nghẹn lời không nói được tiếng nào.
Khi quay về nhà, trời đã tối. Nhất Vỹ đang ngồi trong
phòng khách, chàng cũng đang đọc sách. Nhất Vỹ không
phải là không thấy tôi về, nhưng chàng vẫn thản nhiên.
Không thắc mắc tại sao tôi lại bỏ nhà đi suốt như vậy.
Tôi đi vào phòng thay áo rồi ra ngoài. Căn phòng lạnh
như một bãi tha ma. Kiến Quân đã nói đúng. Cái vấn đề ở
đây là hạnh phúc. Cuộc sống còn cả vài mươi năm, không
lẽ để tình trạng thế nầy kéo dài.
Tôi mệt mõi ngồi xuống ghế đối diện với Vỹ. Tôi muốn cả
hai đứa cùng đối diện với sự thật nhưng Vỹ vẫn cắm cúi
đọc sách. Tôi tằng hắng một tiếng thật to. Vỹ có ngước
mắt nhìn lên nhưng rồi lại cúi xuống với quyển sách. Với
chàng hình như trên đời này chỉ có sách là sách mà thôi.
Tôi bực dọc gọi:
- Anh Vỹ!
- Hử?
Vỹ ngẩng lên. Vỹ từ xưa đến giờ là người tiết kiệm ngôn
ngữ. Tôi chống tay lên cằm nói:
- Anh Vỹ, anh nghe em nói nầy.
Vỹ đã châu mày:
- Muốn nói gì thì cứ nói đi!
Tôi nhìn "người máy" chậm rãi hỏi:
- Anh Vỹ, anh cưới tôi để làm chi vậy?
Vỹ lại châu mày:
- Hừ. Sao lại hỏi khùng vậy?
Tôi sợ Vỹ lại tiếp tục chúi đầu vào sách nên nói tiếp:
- Tôi nói thật đấy. Tôi không hỏi giỡn đâu.
Vỹ trừng mắt nhìn tôi.
- Tại sao cô lại hỏi như vậy chứ?
- Vì tôi thấy anh nào có yêu thương gì tôi đâu? Anh chỉ
biết có mấy cuốn sách.
Vỹ ngạc nhiên nhìn tôi:
- Thế nào mới gọi là thương chứ? Không lẽ phải nựng nịu
cưng chiều như trẻ con?
- Không nhất thiết phải như vậy. Nhưng ít ra cuộc sống
giữa hai người phải có cái tình cảm.
Vỹ nhún vai:
- "Phía tây không có gì mới" (Remarque - Ðức).
Tôi giận dữ đáp lại:
- Nhưng sống thế nầy với anh, tôi "Trăm năm cô đơn"
(G.Garcia Marque - Colombia) anh biết không?
Vỹ có vẻ nhẫn nại:
- Thế bây giờ cô muốn tôi phải thế nào? Cô nói đi?
Tôi đã thu hết can đảm nói:
- Em đề nghị là... Chúng ta ly dị đi..
Vỹ nhún vai:
- Hừ, đừng có trẻ con như vậy. Ðúng là truyện cổ Grim.
Rồi Vỹ sửa lại cặp kính trên mũi, chuẩn bị cúi xuống xem
sách tiếp. Tôi kêu lên:
- Em không hề trẻ con! Em nói chuyện một cách đứng đắn
đấy. Chúng ta cần phải ly dị.
Vỹ nhăn mặt nhìn tôi:
- Làm gì ầm ĩ thế? Sao lại có chuyện quan trọng thế kia?
Tôi vẫn hét:
- Em nói là em muốn chúng mình ly dị, anh hiểu không? Em
nói bằng tiếng mẹ đẻ, chứ đâu phải bằng tiếng nước ngoài
đâu, mà anh không hiểu chứ?
Vỹ quay qua nhìn lịch rồi lẩm bẩm.
- Hôm nay là ngày gì vậy cà? Ðâu phải là ngày một tháng
tư đâu mà nói chuyện "Cá tháng tư? Em cũng không còn trẻ
con nhé Thanh Thanh ạ.
Tôi đứng bật dậy. Khôn còn chịu đựng được. Tôi giật ngay
quyển sách trên tay Vỹ. Ném mạnh ra ngoài cửa sổ. Rồi
quay lại trợn mắt hét lớn:
- Anh cũng dư biết tôi không còn là trẻ con từ lâu. Tôi
là một người đàn bà, có nghĩa là tôi đã trưởng thành,
tôi cũng không nói đùa trong lúc này. Tôi nhấn mạnh: Tôi
muốn ly dị! Ðó là ý nguyện thật sự của tôi. Anh hiểu
không? Ðúng ra anh không nên lấy tôi. Anh đã sớm biết
tôi không yêu anh mà? Người tôi yêu là Kiến Quân! Mà
anh, anh cũng nào có yêu thương gì tôi đâu? Anh chỉ có
yêu những quyển sách. Anh chỉ coi tôi như một vật sở
hữu, anh cưới tôi rồi ném một xó như một cái bàn, cái
ghế... Lúc nào cần là lôi ra xài... Anh khiến tôi trơ
cứng. Anh đâu phải cần một người vợ? Sống với anh chưa
đầy một năm tôi đã không chịu nổi. Làm sao tôi có thể ăn
đời ở kiếp với anh chứ? Anh có hiểu chưa? Con người có
trái tim bằng đá!
Tiếng hét của tôi như làm cho Vỹ giật mình. Chàng sợ hãi
lùi ra sau. Chàng tròn mắt nhìn tôi, rồi lắp bắp hỏi:
- Có phải là.. em không muốn tôi đọc sách nữa, phải
không? Nhưng không đọc sách thì rồi tôi sử dụng thời giờ
vào việc gì chứ?
- Thiếu gì cách! Tại sao anh không nói chuyện, đùa giỡn
hay đưa tôi đi phố, đi chơi...
- Hừ, thôi được rồi. Nói chuyện...
Nhất Vỹ ngồi ngay ngắn lại, nghiêm nghị nhìn tôi nói:
- Nói chuyện? Chúng ta nói chuyện, đề tài gì đây? Em
muốn ta đề cập đến đề tài gì?
Tôi trừng mắt, giận run, không còn chịu được, tôi vớ lấy
chiếc bình hoa đặt trên bàn đưa lên. Tôi thật tình muốn
ném vào đầu Vỹ, để cho nó vỡ tan ra, xem bên trong nó
đựng những gì mà không khai phóng chút nào cả.
Nhưng khi tôi vừa đưa lên, thì Vỹ đã hét lên một tiếng,
rồi bỏ chạy ra cửa. Vừa chạy vừa la to:
- Trời ơi! Con vợ tôi.. Nó đã phát điên lên. Nó đã phát
điên lên thật rồi. Trước kia người ta bảo mà tôi nào có
nghe... Nó có gen điên di truyền... Bây giờ nó đang phát
điên!
Tôi không chịu được lời của Vỹ. Tôi ném mạnh chiếc bình
hoa xuống đất. "Rổn!" Chiếc bình hoa rơi xuống đất vỡ
tan. Nhất Vỹ sợ hãi thật sự. Chàng với lấy chiếc áo
khoác treo gần đấy chạy ra ngoài, vừa chạy vừa nói:
- Phải đi gọi điện thoại cho bệnh viện tâm thần ngay!
Phải gọi ngay! Không thể để thế này được.
Và Vỹ chạy ra cổng mất dạng.
Tôi uể oải lắc đầu. Muốn khóc, nhưng cũng không khóc
được. Tôi bước vào phòng riêng thay áo nhìn đồng hồ, chỉ
mới có chín giờ, còn sớm chán. Tôi lấy ví tay rồi đi ra
cửa, khép cửa lại. Ðầu tôi là một khoảng trống rỗng. Tôi
đi như một hồn ma lang thang trên phố khuya.
Chương 8
Tôi cứ bước như vậy một cách không chủ tâm. Nhưng những
bước chân của tôi đã đưa tôi đến trước nhà cha ruột.
Thật ra thì cũng không có gì ngạc nhiên. Nhà của chúng
tôi và nơi ở cũ của tôi đền nằm bên này bờ sông Ái.
Khoảng cách chỉ độ trên trăm thước nên có lẽ vì quen
chân, tôi đã về nhà. Ðứng ngoài cổng nhìn vào, trong nhà
ngoài phòng cũ của tôi, còn tất cả đều đèn đuốc sáng
choang, nhất là phòng khách. Không những thế còn có
tiếng cười nói từ trong đang vọng ra. Tôi tựa người bên
thân cây vệ đường nhìn vào. Vườn hoa ở nhà cha mẹ tôi
chỉ là một khoảng sân nhỏ. Nên từ ngoài có thể trông rõ
bóng người bên trong nhà.
Nhà có khách? Ai vậy? Hình như rất đông. Vậy hôm nay là
sinh nhật của ai? Hoặc lễ lộc gì?
Suy nghĩ mãi mà tôi không tìm ra câu trả lời.
Tôi đứng như vậy thật lâu, gió lạnh, sương đêm rơi ướt
cả vai mà khách ở trong nhà vẫn chưa tan. Ai vậy? tò mò
làm tôi bước tới cổng. Tôi quá quen thuộc với cách mở
cổng này mà không cần dùng chìa khoá. Thế là tôi bước
vào, lên cả bực thềm. Tôi đang ở sát cửa vào phòng
khách, ở đây có thể nhìn rõ bên trong.
Ở trong phòng khách. Kiến Quân đang ngồi trên ghế salon
với một cô gái. Cô ta còn rất trẻ, trang điểm đậm. Có
đôi mắt to, chiếc mũi thẳng và khuôn mặt trái soan. Cô
gái đang cười với ánh mắt thật tình.
Tôi không thể so với cô ta. Nhất là trong cái hoàn cảnh
này. Chiếc váy đầm màu đỏ hở ngực, cho thấy một cơ thể
phát trể đầy đặn. Hình như ai mới pha trò một câu gì
thật vui, nên cô ta đã cười ngặt nghẽo.
Kiến Quân ngồi cạnh, trong chiếc quần dài đậm, áo
chemise trắng giản dị. Khuôn mặt chàng vẫn còn cái vẻ
hốc hác kém vui ban ngày. Nói chuyện với cô ta mà mắt
chàng cứ thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ.
Trong phòng khách không phải chỉ có một mình Kiến Quân
và cô gái, mà ở một góc phòng, nơi bàn uống trà, còn có
một cặp vợ chồng đứng tuổi, và cha với dì Huyên. Có lẽ
cặp vợ chồng đúng tuổi kia là cha mẹ cô gái.
Tôi chợt hiểu ra. Có lẽ vì muốn giữ chân Kiến Quân lại.
Nên từ khi Quân trở về đến nay, ngày nào cha và dì Huyên
đều mở tiệc mời những bật cha mẹ có con gái đến chơi.
Mục đích chính là để giới thiệu bạn gái cho Kiến Quân,
để chàng khuây khỏa, quên tôi... Bây giờ thì chưa đạt
được mục đích nhưng biết đâu một ngày nào đó một bóng
hồng sẽ lọt vào mắt xanh của Quân. Chuyện đó chắc chắn
sẽ đến thôi. Và rồi nếu bấy giờ vẫn còn yêu tôi, thì
Kiến Quân cũng vậy, chàng cũng phải chun vào chiếc kén
oan tình không bao giờ giải nổi.
Nghĩ đến đấy, bất giác tôi cười buồn. Thôi vậy cũng
được. Kiến Quân dù gì cũng là đàn ông. Chàng sẽ thích
ứng thôi. Chỉ có ta, đàn bà lúc nào cũng thiệt. Khi đã
không còn con gái, thì như một nụ hoa đang ở độ tàn.
Rút lui đi là vừa! Tôi nghĩ, chỉ như vậy Quân mới giữ
mãi hình ảnh đẹp về ta. Thôi vĩnh biệt! Và tôi lùi chân,
định lặng lẽ bỏ đi.
Nhưng chân tôi đã dẫm lên hòn đá, gây nên tiếng động.
Kiến Quân nãy giờ cứ ngóng ra ngoài. Có lẽ chàng đã nghe
thấy, đứng dậy chạy ra. Tôi hoảng hốt chạy nhanh ra
ngoài nhưng vẫn nghe tiếng gọi từ phía sao đuổi theo:
- Thanh Thanh! Thanh Thanh! Vào đây em!
Không không! Tôi chạy nhanh hơn. Vượt ra cổng. Tôi hướng
về phía bờ sông. Bước chân của Kiến Quân đuổi theo càng
lúc càng gần. Tôi không thể để chàng bắt kịp. Thế là tôi
quanh qua một góc ngoặc và núp sau một thân cây to.
Một lúc thấy bóng Quân vượt qua, chàng vừa chạy vừa gọi:
- Thanh Thanh! Thanh Thanh! Em hãy đợi anh với!
Ðợi bóng Quân khuất xa. Tôi mới đi ra khỏi thân cây,
thẫn thờ đi theo bờ sông ra thành phố cao Hùng. Tôi bước
lên cầu, mà lòng đầy cảm xúc chua xót. Cuộc đời đã không
còn ý nghĩa. Cuộc sống không có gì là thú vị, còn hạnh
phúc thì quá xa vời. Và như vậy tôi bắt đầu một cuộc
lang thang trên phố.
Tôi cứ đi, đi mãi, đi mãi, cho đến lúc đôi chân rã rời,
không còn lê nổi. Nhìn vào đồng hồ, chín giờ. Sao lạ
vậy? Tôi lắc mạnh cánh tay và chợt hiểu nó đã chết tự
bao giờ, chớ không giờ hẳn đã nửa khuya. Bởi vì không
còn mấy bóng người trên phố. Con đường rộng thênh thang,
tối đen và buồn. Tôi mỏi lắm rồi. Những con đường đi qua
ví như cuộc đời đã sống. Chỉ có sự phiền muộn và tuyệt
vọng. Chỉ có những bứt rức, lỡ làng.
Như vậy thì một ngày đã trôi qua, phải quay về thôi.
Nhưng quay về đâu? Về nhà? Nhà ai? Vỹ chắc đã gọi điện
thoại cho bệnh viện tâm thần. Bác sĩ đã đến đấy nhưng
không gặp tôi. Có lẽ Vỹ lại gọi điện thoại cho cảnh sát
để truy tìm một người điên. Có thể lắm. Bất giác tôi
thấy buồn cười. Chắc cũng không có chuyện đó đâu. Bởi vì
Vỹ nào có quan tâm tỉ mỉ đến tôi như vậy bao giờ. Ðúng
hơn sau khi trở về nhà, không thấy tôi, chàng đã nhún
vai, rồi ngồi xuống cầm quyển sách bỏ dở lên đọc tiếp.
Vậy thì ta quay về nhà cha đi? Tôi nghĩ nhưng chuyện đó
càng không thể được. Ta đã trốn chạy từ đấy ra cơ mà.
Không lẽ bây giờ lại quay về?
Và cứ thế tôi đứng tựa vào chiếc cột đèn. Ðèn đường từ
trên cao chiếu xuống vàng vọt. Tôi nhớ hình như mới hôm
qua. Kiến Quân còn hôn tôi... Cũng dưới ngọn đèn đường
thế nầy... Và có lần Quân đã bảo là con người tôi không
có cái nóng của một giống cái. Tôi là một con thú lạnh
lùng. Hay chỉ là một cái xác vô hồn?
Bước lên cầu, nhìn xuống dòng nước đen ngòm chảy dưới
sông. Tôi chợt khóc, khi nhớ lại chuyện hôm qua... Dòng
sông nầy đã chứa cả nước mắt của tôi và Quân. Những giọt
nước mắt muộn màng. Tôi chợt nhớ đến một lần cách đây
khá lâu, tôi có đọc một bài thơ không hiểu của ai, trong
đó có đoạn:
Có nhớ thương, lời đâu nhắn?
Có tiếc thương, đã muộn màng.
Vẽ chiếc vòng như muốn nói
Lời ở ngoài, mà tâm ở trong
Giữa chúng ta chiếc vòng ngăn cách
Anh ở ngoài mà tôi ở trong
................
Bây giờ thì tôi đã hiểu rồi. Bài thơ kia là tâm trạng
của tôi. Ðứng tựa người vào lan can cầu, tôi nhìn xuống
dòng nước. Nước mắt tôi chảy xuống má, rơi xuống dòng
sông và lại tạo thành những chiếc vòng. Từng chiếc từng
chiếc vòng... Rồi tôi nhìn thấy khuôn mặt của Kiến Quân,
khuôn mặt của Nhất Vỹ, khuôn mặt của mẹ tôi trong những
chiếc vòng ấy.
Vâng khuôn mặt của mẹ.. Hiện rõ dần trong nước.. Ðôi mắt
ngơ ngác đang đau khổ nhìn tôi. Ðôi mắt đó như muốn nói:
- Sao? Thanh Thanh. Thế nào... con cũng đã tạo cho mình
chiếc kén. Con đã cột chặt lấy bản thân và không làm sao
cởi ra được rồi phải không? Vậy thì...
Vâng, mẹ ạ! Con đang bế tắc... Tôi lẩm bẩm. Chiếc kén
con tạo thành nó dày quá, nó dai quá. Không làm sao cởi
ra được bây giờ mọi thứ đã lỡ dở cả. Con không biết phải
làm thế nào, phải xử trí ra sao đây.
Tôi nói và cúi xuống nhìn dòng nước. Nước trong đêm hẳn
lạnh, nó đen ngòm như chiếc kén của mẹ. Gió đêm chợt
thổi mạnh. Những đợt sóng lăn tăn trên mặt nước. Những
chiếc vòng tạo thành, lan rộng rồi vỡ tan.
Tôi chợt có cảm giác như nghe có tiếng giục của mẹ:
- Vậy thì hãy đi theo mẹ, đi theo mẹ đi, còn chần chờ gì
nữa.
Vâng. Ði đâu thì cũng như vậy thôi.
Bởi vì... Bây giờ thì tôi không còn nơi nào để về nữa.
Mọi thứ đã bể tắc. Chung quanh tôi chỉ có bóng tối và
gió lạnh... Tôi bước xuống cầu... Tôi không thể trở về
với Vỹ. Cũng không thể trở lại nhà cha. Tôi bây giờ như
kẻ không nhà. Khuôn mặt của mẹ trên dòng nước như vẫy
gọi. Tôi không làm sao cản được đôi chân. Tôi hiểu
chuyện gì rồi sẽ đến.
Nước dưới chân lạnh buốt, dâng cao dần. Nhưng thà là như
vậy... Ðể rồi không có gì phải khổ tầm. Và tôi bình thản
tiến tới.
Chung quanh tôi một màu đen yên lặng.
Tôi không còn thấy gì nữa.
Mọi chuyện đã được giải quyết một cách dễ dàng.